Đệ nhất phu nhân Laura: Nguồn sức mạnh của Tổng thống W. Bush

Thứ Hai, 12/11/2007, 15:45
Các hoạt động hậu trường lâu nay của bà Laura Bush thường trông có vẻ độc lập, tách khỏi các chính sách đối ngoại của Tổng thống George W.Bush, nhưng thực ra, bà vẫn thể hiện một vai trò nhất định trong các chính sách đó.

Thường thì các đệ nhất phu nhân của nước Mỹ chọn lĩnh vực quan tâm nhất để tạo “thương hiệu” cho mình. Chẳng hạn, bà Nancy Reagan chọn đề tài chống ma túy trong xã hội Mỹ để làm chủ điểm hoạt động, trong khi bà Betty Ford thì chọn lĩnh vực chiến đấu chống ung thư vú cho phụ nữ Mỹ.

Nhưng đương kim đệ nhất phu nhân Laura Bush thì không hoàn toàn bó buộc trong một lĩnh vực nhất định nào. Bà có thể quan tâm cùng lúc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn chương, lịch sử cho đến cuộc chiến chống AIDS ở châu Phi, thân phận phụ nữ Hồi giáo Afghanistan và cả cuộc chiến tại Iraq.

Nhưng đương kim đệ nhất phu nhân Laura Bush thì không hoàn toàn bó buộc trong một lĩnh vực nhất định nào. Bà có thể quan tâm cùng lúc rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ văn chương, lịch sử cho đến cuộc chiến chống AIDS ở châu Phi, thân phận phụ nữ Hồi giáo Afghanistan và cả cuộc chiến tại Iraq.

Giống như cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton, bà Laura cũng là một mẫu đệ nhất phu nhân mới, tích cực hoạt động xã hội, không theo truyền thống chỉ biết nép bên trong hậu trường của các đệ nhất phu nhân Mỹ. Nhưng khác với bà Hillary Clinton (nay là ứng cử viên tổng thống Mỹ 2008), bà Laura không có tham vọng chính trị, không đưa ra các chính sách riêng biệt và các chương trình hành động độc lập với tổng thống.

Các hoạt động của bà tuy trông có vẻ không dính dáng gì đến chính trị, ngoại giao của phu quân, nhưng thực chất chúng vẫn nằm trong khuôn khổ các mục tiêu, lợi ích của nước Mỹ. Bà Laura luôn tỏ ra thận trọng và cố gắng thu gọn các lĩnh vực hoạt động, tránh không đi quá xa, tránh bước ra trước công chúng, và tránh để dư luận nghĩ rằng mình tham gia vào chuyện hoạch định hay thúc đẩy các chính sách của Chính phủ.

Cho đến nay, trong mắt công chúng Mỹ, bà Laura vẫn là một phu nhân mẫu mực, một “hậu phương” vững chắc, sẵn sàng hỗ trợ phu quân trong mọi tình huống và với nhiều vấn đề khác nhau. Trong nước, bà Laura luôn được công chúng Mỹ mến mộ, với tỉ lệ ủng hộ tại các cuộc thăm dò luôn luôn cao gấp đôi ông W.Bush.

Thậm chí, trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ hồi tháng 11/2006, các ứng cử viên đảng Cộng hòa bất mãn với Tổng thống W.Bush đã tìm cách tránh né hình ảnh của ông (vì sợ bị “vạ lây” tại các khu vực cử tri phản đối ông W.Bush gay gắt nhất vì cuộc chiến Iraq) và quay sang yêu cầu bà Laura đứng ra vận động giúp họ.

Và bà Laura đã khéo tận dụng khía cạnh này để tung ra chiến dịch vận động giúp chồng thúc đẩy Quốc hội thông qua đạo luật giáo dục dành cho trẻ em mang bí danh No Child Left Behind.

Chưa dừng lại ở đó, bà Laura còn mời cả cánh nhà báo nữ đến dự bữa ăn trưa trong Nhà Trắng với bà, tham quan phòng ngủ Lincoln và nghe đích thân bà cùng với Bộ trưởng Giáo dục Margaret Spellings thuyết trình về No Child Left Behind. Mục đích không gì khác hơn: Sự ủng hộ của dư luận dành cho đạo luật.

Ở nước ngoài, bà Laura đặc biệt thể hiện một hình ảnh của một nước Mỹ thân thiện, và đã gây được rất nhiều thiện cảm tại những nơi bà từng đi qua. Stephen Hadley, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống W.Bush cho biết, bà Laura chính là “một tài sản trong chính sách đối ngoại của Tổng thống”.

Nói cách khác, bà Laura được xem là “kênh” ngoại giao thứ hai không chính thức bên cạnh các kênh ngoại giao chính thức của chính phủ, phục vụ cho các mục tiêu chung của nước Mỹ mà phu quân bà là người “tổng chỉ huy”. Cho đến nay, bà Laura đã thực hiện 14 chuyến công du nước ngoài một mình với nhiều mục đích khác nhau, chủ yếu nằm trong các hoạt động nhân đạo giúp đỡ bệnh nhân AIDS, ung thư, chống tệ nạn xã hội...

Đầu năm 2007, 4 vị đệ nhất phu nhân gồm Bernadette Chirac (Pháp), Laura Bush (Mỹ), Lyudmila Putin (Nga) và Suzanne Mubarak (Ai Cập) đã họp mặt tại Paris vào ngày 17/1 để bàn về giải pháp cho cuộc chiến chống khiêu dâm và lạm dụng tình dục trẻ em.

Điều đáng chú ý là, cho dù Tổng thống các nước này có thể bất đồng quan điểm về các vấn đề chính trị, an ninh quốc tế, song trong các vấn đề xã hội, nhân đạo, thì các phu nhân của họ lại tỏ ra cùng quan điểm với nhau. Mới đây nhất, ngày 20/10/2007, bà Laura đã thực hiện chuyến công du Trung Đông lần thứ 2 đến các nước UAE, Arập Xêút, Kuweit và Jordanie.

Ngày 23-10, tại Riyadh (Arập Xêút), bà Laura đã khởi động chương trình Đối tác chống ung thư vú – một chương trình hợp tác rộng lớn giữa nước Mỹ với các đối tác chiến lược tại Trung Đông – bao gồm Arập Xêút, UAE và Mỹ, nước chủ xướng. Những lợi ích mà chương trình mang lại cho phụ nữ Arập sẽ giúp  tạo nên thiện cảm nơi họ.

Báo chí Mỹ bình luận rằng, với việc biệt phái đệ nhất phu nhân Laura Bush mang “sứ mệnh thiện chí” đến Trung Đông, Nhà Trắng đã đi một nước cờ khôn khéo với hy vọng cứu vãn uy tín của nước Mỹ trong khu vực...

Hơn hết, Laura còn là một sức mạnh tiềm tàng trong hậu phương của ông W.Bush. Bà Bộ trưởng Spellings – đồng thời là bạn thân của bà Laura – kể rằng khi nhiệm kỳ II của ông W.Bush đang đi dần đến kết thúc, nhiều quan chức thân cận rời bỏ hàng ngũ khiến ông rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.

Đặc biệt, khi dư luận báo chí và các đối thủ chính trị công kích ông dữ dội về cuộc chiến Iraq, và những “cuộc chiến” giằng co tại Quốc hội về chính sách đối với Iraq, đã làm cho ông lắm lúc rơi vào tình trạng gần như suy sụp tinh thần – thì chính bà Laura đã kịp thời đến bên cạnh ông để vực ông dậy và kéo ông ra khỏi tâm trạng khó chịu đó.

Những lần như thế, hầu như bà Laura đã tiếp thêm sức mạnh để ông W.Bush lấy lại tinh thần và tiếp tục đứng vững trước một “cuộc chiến Iraq” khác ngay trên đất Mỹ

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.