Đến lượt bà Hillary Clinton và đảng Dân chủ bị điều tra

Thứ Ba, 31/10/2017, 16:27
Sau nhiều tháng chống trả các cáo buộc cấu kết với người Nga thao túng cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, giờ đây đảng Cộng hòa bắt đầu có cơ hội “phản công” khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller quyết định mở rộng các cuộc điều tra nhắm vào bà Hillary Clinton, cựu Tổng thống Barack Obama và một số thành viên đảng Dân chủ trong bộ sậu tranh cử của bà Clinton với nhiều nội dung khác nhau, bao gồm cả việc thông đồng với người Nga, do thám người của Tổng thống Donald Trump và thuê người bên ngoài làm giả hồ sơ chống ông Trump.

Podesta Group “tình ngay, lý gian”?

“Bây giờ chính người của đảng Dân chủ có một số việc cần phải giải trình đây” - nữ Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa Roma McDaniel nói trong một phát biểu tối 24-10. Và bà McDaniel hy vọng người của đảng Dân chủ sẽ hợp tác tốt với các ủy ban điều tra, công khai giải trình trước công chúng và truyền thông sẽ phải đưa tin đầy đủ, không bỏ sót thông tin nào, tương tự như đã “chăm sóc kỹ” ông Trump và bộ sậu đảng Cộng hòa trong suốt mấy tháng qua.

Theo Fox News, có 3 việc nổi cộm mà FBI và công tố viên đặc biệt Mueller đang muốn làm rõ. Thứ nhất, FBI đã nắm được thông tin rằng có một kế hoạch đưa - nhận hối lộ liên quan đến các lợi ích năng lượng hạt nhân ở Mỹ rất lâu trước khi chính quyền Obama đồng ý việc bán một công ty khai khoáng cho một công ty Nga, giúp cho công ty Nga này nắm quyền kiểm soát một phần trữ lượng uranium của Mỹ.

Kế đến, cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller đang để mắt tới các giao dịch trước đây của ông Tony Podesta, một nhà vận động hành lang nhiều thế lực của đảng Dân chủ và là anh trai của ông John Podesta, cựu chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton.

Ông Tony Podesta.

Trong khi đó, câu chuyện về Công ty Fusion GPS, công ty đứng sau vụ việc tạo dựng hồ sơ chống ông Trump gây tranh cãi cách đây mấy tháng, đã đến tòa án nộp đơn ngăn chặn việc Quốc hội Mỹ thu thập hồ sơ ngân hàng của công ty này để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 23-10, hãng tin NBC News đưa tin trước tiên về vụ việc của ông Tony Podesta, theo đó ông Podesta và Tập đoàn Podesta Group hiện đang là đối tượng điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller trong cuộc điều tra về các mối quan hệ với nước Nga, do có liên qua trong các hoạt động tài chính của ông Paul Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.

Tập đoàn Podesta Group do hai anh em Tony và John Podesta đồng sáng lập, tập hợp đội ngũ nhân sự là các chuyên gia hàng đầu về quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Theo NBC News, đội điều tra của ông Mueller đã bắt đầu xem xét một chiến dịch PR cho Trung tâm châu Âu vì một Ukraine hiện đại (ECMU), một tổ chức phi lợi nhuận thân Ukraine mà nhiều người cho là được đảng Các khu vực thân Nga của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych hậu thuẫn; trong đó Tập đoàn Podesta Group cùng nhiều công ty khác đã đứng ra tổ chức chiến dịch. Sau đó, các điều tra viên của ông Mueller đã tiến hành một cuộc điều tra hình sự để làm rõ công ty có vi phạm Luật Đăng ký đại lý nước ngoài (FARA) hay không.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bác bỏ các thông tin điều tra liên quan đến bà.

FARA đòi hỏi công dân Mỹ vận động hành lang cho các thực thể nước ngoài phải đăng ký là các đại lý cho nước ngoài và khai báo về công việc mình phải làm. Rốt cuộc, Podesta Group cũng đã đăng ký công việc với cơ quan chức năng theo luật FARA sau khi truyền thông đưa tin rầm rộ và Quốc hội lên tiếng chất vấn.

Trong một tuyên bố hôm 23-10, một phát ngôn viên của Podesta Group đã phản bác rằng, “Podesta Group đã khai báo đầy đủ việc công ty làm đại diện cho Trung tâm ECMU và tuân thủ luật FARA trong hoạt động vận đông hành lang từ 5 năm trước, vài tuần sau khi bắt đầu công việc cho ECMU”.

Tuyên bố nói thêm, trong cuộc điều tra hiện tại, Podesta Group đã hợp tác đầy đủ với văn phòng của công tố viên đặc biệt Mueller và cung cấp đầy đủ tài liệu để chứng minh việc tuân thủ pháp luật của công ty. Theo người phát ngôn viên, công việc vận động hành lang cho ECMU là nhằm “ủng hộ việc kết nạp Ukraine làm thành viên Liên minh châu Âu, và việc này đã được các chuyên gia đối ngoại thời điểm đó ủng hộ.

ECMU đã cung cấp chứng từ để chứng minh mình không nhận tài trợ cũng như chỉ đạo từ chính phủ hay đảng chính trị nào”. Tuy nhiên, các công tố viên cho rằng Podesta Group không hoàn toàn tự giác khai báo, và việc khai báo cũng chưa đầy đủ, chưa đáp ứng hết các yêu cầu luật định.

Việc công tố viên đặc biệt Mueller mở rộng điều tra vào hoạt động của anh em nhà Podesta và Podesta Group cho thấy phạm vi cuộc điều tra có thể sẽ bao quát rộng hơn chứ không chỉ gói gọn trong vấn đề “Nga can thiệp bầu cử và khả năng bộ sậu ông Trump thông đồng với người Nga”, mà còn mở rộng sang nhiều vấn đề khác, nhiều đối tượng khác, kể cả các thành viên đảng Dân chủ.

James Trusty, cựu quan chức Bộ Tư pháp hiện làm việc cho Công ty Ifrah Law LLC nhận xét: “Khi xác định phạm vi nhiệm vụ rộng rãi, công tố viên sẽ có nhiều khoảng trống để xem xét điều tra”. Trusty cho rằng, cuôc điều tra của ông Mueller đang mở rộng đến độ ông có “rất nhiều khoảng trống để thò tay tìm kiếm thông tin một cách hợp pháp ở nhiều nơi, không phân biệt đảng phái”.

Luật sư Marc Elias đã thay mặt DNC hợp đồng với Fusion GPS nghiên cứu, tạo dựng hồ sơ về ông Trump.

Lại là “yếu tố Nga”

Vấn đề thứ hai đang khiến cả cựu Tổng thống Barack Obama, đảng Dân chủ, và bà Clinton đau đầu chính là những chi tiết mới được tiết lộ về vụ việc bán công ty khai khoáng Uranium One của Canada cho công ty năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga vào năm 2010. Vụ mua bán liên quan đến chính quyền Obama bởi thương vụ đó cho phép Công ty Rosatom kiểm soát một phần nguồn cung nguyên liệu quặng uranium ở Mỹ. Tuy nhiên, thay vì phản đối thương vụ đó, chính quyền của ông Obama đã đồng ý.

Theo tạp chí The Hill của Mỹ, FBI đã có được bằng chứng từ năm 2009 rằng, các thương nhân Nga đã dùng các khoản hối lộ, lại quả và một số thủ đoạn khác để mua chuộc nhằm mở rộng quyền sở hữu nguồn cung uranium trên đất Mỹ thông qua một đại lý của Công ty Rosatom. Từ những bằng chứng đó, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ hiện nay đã đặt ra các câu hỏi rằng, làm thế nào mà sau khi FBI đã có chứng cứ gian lận như thế rồi mà một năm sau (2010) thương vụ đó vẫn được một ủy ban liên tịch chấp thuận?

Thượng nghị sĩ John Barrasso (đảng Cộng hòa, bang Wyoming), người từng nêu băn khoăn về thương vụ mua bán uranium one từ năm 2010 đến nay, ngày 19-10 vừa qua đã viết thư cho Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions để bày tỏ “hết sức buồn và bực” sau khi đọc báo thấy Chính phủ Mỹ (nhiệm kỳ trước) đã chấp thuận thương vụ đó mặc dù Bộ Tư pháp đã có “bằng chứng hối lộ của các quan chức Nga trên đất Mỹ”. Ông yêu cầu Bộ Tư pháp công bố cho Ủy ban Tư pháp “tất cả tài liệu” liên quan đến cuộc điều tra của FBI trước khi thương vụ được chấp thuận.

Sau khi tiết lộ về vụ mua bán uranium one, tạp chí The Hill tiếp tục đưa thêm những thông tin liên quan đến chính phủ thời ông Obama. Theo tạp chí này, khi bà Clinton bắt đầu nhiệm vụ Bộ trưởng Ngoại giao, một điệp viên Nga đã đóng giả làm một nhân viên kế toán và đã trở nên thân thiết với một nhà tài trợ cho đảng Dân chủ với hy vọng có thể thu thập thông tin tình báo về Bộ Ngoại giao của bà Clinton (sau đó điệp viên này đã bị bắt).

Ngoài ra, các nghị sĩ cũng xới lại các vấn đề đã được đặt ra từ năm 2015 về các khoản tài trợ cho cả ông Clinton và tổ chức Clinton Foundation từ các “tổ chức quan tâm”. Bà Clinton đã chính thức bác bỏ các cáo buộc này, cho rằng chúng chỉ là những “chuyện vớ vẩn” nhằm phục vụ mục đích chính trị, từng được sử dụng nhiều năm qua, nay lại mang ra sử dụng lại.

Cựu điệp viên Anh (MI-6) Christopher Steele.

Vụ việc “chiến dịch tranh cử của bà Clinton và Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ” bỏ tiền ra tài trợ cho Công ty Fusion GPS tiến hành các hoạt động nghiên cứu đối thủ và tạo dựng hồ sơ chống ông Trump (với nội dung đa phần là giả tạo) mới là vấn đề khiến bà Clinton lẫn ban lãnh đạo đảng Dân chủ (DNC) đau đầu nhất.

Theo các nhân chứng và tài liệu lưu trữ, vào tháng 4-2016, luật sư Marc Elias và công ty luật của ông ta là Perkins Coie đại diện cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton và DNC đã hợp đồng với Công ty Fusion GPS để tiếp tục thực hiện việc nghiên cứu về ông Trump. Trước đó, hoạt động nghiên cứu của Fusion GPS do một “khách hàng vô danh” trong đảng Cộng hòa đặt hàng và tài trợ, nhưng sau khi ông Trump giành quyền ra ứng cử tổng thống đã dừng hợp đồng.

Sau khi hợp đồng với DNC, Công ty Fusion GPS đã thuê lại cựu điệp viên Anh Christopher Steele thực hiện công việc thu thập dữ liệu để tạo dựng hồ sơ chống ông Trump. Hoạt động nghiên cứu này kéo dài cho đến cuối tháng 10-2016, gần sát ngày bầu cử tổng thống mới chấm dứt.

Trong quá trình tạo dựng hồ sơ về ông Trump, luật sư Elias đã cung cấp các báo cáo và nhiều tài liệu khác từ Steele cho Công ty Fusion GPS, và đến lượt công ty này sau đó chuyển chúng cho DNC và chiến dịch tranh cử của bà Clinton. Giới tình báo sau khi nghiên cứu hồ sơ đã phát hiện nhiều dữ liệu không có thật, cho rằng có lẽ Steele đã tự tạo ra hoặc nhờ ai đó thực hiện thay.

Một số thông tin, dữ liệu đã được Steele thổi phồng, bóp méo từ những báo cáo, tư liệu sẵn có. Quan hệ giữa các cá nhân, tổ chức của hai nước Nga và Mỹ nhiều vô kể. Làm sao có thể cho rằng đó là những mối quan hệ “đáng ngờ”?

Các thông tin trong hồ sơ này đã bắt đầu được lan truyền ở Washington từ mùa hè 2016, khi FBI đang điều tra phản gián về các mối quan hệ giữa các phụ tá của ông Trump với Moscow. Lúc đó, Steele đã cung cấp cho FBI một số thông tin, dữ liệu mình tìm được.

Ngay sau khi vụ việc “hồ sơ Trump” bùng nổ, Steel bỗng biến mất một thời gian. Sau bầu cử, FBI đồng ý trả tiền cho Steele để ông ta tiếp tục thu thập thông tin tình báo về ông Trump và nước Nga, nhưng cơ quan này đã rút khỏi thỏa thuận ngay sau khi tên tuổi Steele bị tung lên truyền thông liên quan đến “hồ sơ giả” về ông Trump do ông ta tạo dựng nên.

Tuy nhiên, tháng 1-2017, Giám đốc FBI khi đó là James Comey lại tung ra một báo cáo tóm tắt dựa trên các dữ liệu trong hồ sơ Steele gửi cho Tổng thống Obama và Tổng thống đắc cử Trump. Tháng 5-2017, Tổng thống Trump sa thải Comey, với lý do ông điều hành kém cuộc điều tra vụ email cá nhân của bà Clinton.

Tờ báo New York Times dẫn lời một số nhân chứng có liên quan vụ việc khẳng định chiến dịch tranh cử của bà Clinton và DNC đã cùng chịu chi phí cho hoạt động nghiên cứu, được chi trả thông qua Elias và công ty luật của ông ta.

Các nhân chứng còn cho biết, ở một số thời điểm, chiến dịch của bà Clinton hoặc DNC còn trực tiếp chỉ đạo hoạt động nghiên cứu, xây dựng hồ sơ của Steele. Steele được DNC xem như một “nhà thầu con” của Công ty Fusion GPS.

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.