Đến lượt “hậu phương” của Tổng thống Syria bị tấn công!

Thứ Tư, 26/04/2017, 13:30
Trong khi thủ phạm thật sự của cuộc tấn công bằng khí độc sarin vào thị trấn Khan Sheikhoun, tỉnh Idlib của Syria vào ngày 4-4 chưa lộ diện do các bên liên quan đến chiến trường Syria còn mải... đổ vấy và cáo buộc nhau thì các thế lực dẫn dắt công luận các nước phương Tây đã tìm ra “đích ngắm” mới: Đệ nhất phu nhân Syria - Asma al Assad.

Vốn đang là đối tượng chịu các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), bà Asma bị cấm đến các nước thành viên EU ngoại trừ Anh, nhưng giờ nước Anh, nơi bà sinh trưởng, cũng sẵn sàng chối bỏ “công dân lạc loài”.

Ngày 16-4, một nhóm nghị sĩ Anh đã kêu gọi chính phủ nước này nhanh chóng tước bỏ quyền công dân của bà Asma al-Assad, phu nhân của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Họ đã kêu gọi người vợ gốc Anh của Tổng thống Syria al-Assad nên tỏ rõ thái độ phản kháng với các hành động “man rợ” của chồng mình và cảnh báo nếu bà cứ tiếp tục “đứng vào trục ác” thì có thể sẽ mất quyền công dân nước Anh.

Nadhim Zahawi, một nghị sĩ của đảng Bảo thủ phát biểu trên đài CNN rằng, bà Asma Assad là một công dân mang hai quốc tịch Anh và Syria đã liên tục có các các động thái ủng hộ và hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Assad. “Chồng của Asma đã có nhiều hành động khủng khiếp trong cuộc tấn công hóa học gây tang thương cho người dân vô tội của chính đất nước mình. Là người vợ, bà ta nên có hành động trước vấn đề này”, Zahawi nói.

Ngay sau khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thị trấn Khan Sheikhoun giết chết 89 người dân vô tội, trong đó có rất nhiều trẻ em, hai nước Mỹ và Anh liên tục cho rằng, Tổng thống Syria là kẻ chủ mưu vụ tấn công này, dựa trên tuyên bố từ các nhà khoa học Anh là họ có bằng chứng việc sử dụng khí sarin, tuy nhiên phía Syria mạnh mẽ bác bỏ mọi cáo buộc.

Asma al-Assad - Phu nhân Tổng thống Syria al-Assad. Ảnh:BBC.

Tiếp sau Mỹ, Anh đến lượt Pháp. Ngày 19-4 vừa qua, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault tuyên bố, các cơ quan tình báo nước này trong vài ngày tới sẽ cung cấp bằng chứng chứng minh quân đội của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công.

Phát biểu trên kênh truyền hình LCP, ông Ayrault nói: “Các cơ quan tình báo Pháp đã tiến hành một cuộc điều tra... Chúng tôi sẽ cung cấp bằng chứng chế độ này (của Tổng thống Syria Bashar al-Assad) đã tiến hành các cuộc tấn công đó. Chúng tôi có các chi tiết cho phép chỉ ra rằng chế độ này cố ý sử dụng vũ khí hóa học”.

Đệ nhất phu nhân Syria có lẽ sẽ được “yên thân”, cùng lắm là hứng chịu vài lời châm chích dè bỉu nếu bà hành xử như các lần trước là khi xảy ra biến cố nào đó, bà lại ung dung... đi mua sắm các món đồ hàng hiệu. Đằng này, trong khi Syria, Mỹ, Anh lẫn Nga đang hăng say cãi nhau, Mỹ bất ngờ rót 59 quả tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 9 dân thường, bà Asma al-Assad bắt đầu lên tiếng trên trang xã hội Instagram và tài khoản Facebook, nơi thường xuyên thu hút hơn 500.000 người theo dõi với lời bình luận cứng rắn: “Tổng thống nước Cộng hòa Arập Syria khẳng định những gì Mỹ đã làm là một hành động vô trách nhiệm, chỉ phản ánh tầm nhìn hạn hẹp, sự mù quáng về chính trị và quân sự cũng như theo đuổi một chiến dịch tuyên truyền điên cuồng, sai trái”.

Ảnh bà Asma phân phát thức ăn cho trẻ mồ côi Syria được ông Assad đưa lên Instagram.

Lời bình luận này cùng với cáo buộc các nước phương Tây mới chính là “những thằng Cuội” trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đã khiến nhiều nghị sĩ Anh nổi giận. “Đã đến lúc chúng ta phải truy đuổi Tổng thống Assad bằng mọi cách, trong đó có cả việc nhằm vào những người như vợ của ông ta. Bà này đã đóng góp một phần rất lớn vào bộ máy tuyên truyền đang mắc nhiều tội ác chiến tranh của Syria”, ông Nadhim Zahawi - một nghị sĩ bảo thủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh tuyên bố.

Tom Brake, thành viên đảng Dân chủ tự do đã gửi một bức thư đến Bộ trưởng Nội vụ Anh - ông Amber Rudd - với nội dung: “Nếu Asma vẫn tiếp tục bảo vệ các hành động man rợ của chính quyền mà chồng bà ấy là tổng thống thì Chính phủ Anh sẽ tước bỏ quyền lợi công dân nước Anh và chứng minh rằng các hành động bà ấy đang làm là vi phạm Hiến pháp của Vương quốc Anh”.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh đã nói trên CNN rằng: “Chính phủ Anh cần có trách nhiệm bảo vệ nước Anh. Chúng tôi không thể thảo luận các trường hợp cá nhân nhưng Bộ Nội vụ Anh có thể tước đi quyền công dân của các cá nhân khi vi phạm lợi ích dân tộc”.

Bộ Nội vụ Anh ước tính có khoảng 37 trường hợp công dân nước Anh bị tước quốc tịch, chủ yếu là những nghi phạm khủng bố, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2013 đến tháng 12-2014 theo Đạo luật quốc tịch Anh ban hành năm 1981. Luật này cho phép tước quốc tịch của một công dân trong trường hợp người đó gây đe dọa đến “ích lợi công cộng”.

Điều khoản này chỉ được áp dụng với những người có 2 quốc tịch bởi một công dân không thể ở trong tình trạng không thuộc nước nào. Giới nghị sĩ Anh được cho là sẽ thúc đẩy việc tiến hành tranh luận về vấn đề xem xét quốc tịch của bà Asma Assad vào tuần tới trong cuộc họp của Quốc hội.

Là người Anh gốc Syria và tuy là người theo đạo Hồi, nhưng bà Asma al-Assad lại theo học tại một trường Anh giáo và tại đây, bạn bè gọi Asma là Emma. Bà gặp chồng vào những năm 1990 trong khi bà đang theo học chuyên ngành khoa học máy tính và văn học Pháp tại Kings College, trường đại học lâu đời và nổi tiếng nhất của Anh. Ông Assad lúc đó cũng theo học ở đây để trở thành một bác sĩ nhãn khoa.

Sau cái chết của bố, cựu Tổng thống Syria Hafez Assad, vị bác sĩ nhãn khoa trẻ trở thành Tổng thống Syria vào tháng 6-2000. Tháng 12-2000, bà Asma lên xe hoa cùng Bashar al-Assad. Vợ chồng bà được cho là có 3 người con. Kể từ khi ông Assad lên nắm quyền, bà Asma luôn xây dựng cho mình hình ảnh một người phụ nữ sang trọng, hiện đại và cấp tiến trong thế giới Arập.

Bà Asma là một người rất thời trang và sành điệu.

Trước khi kết hôn, bà Asma làm việc trong một chi nhánh của Ngân hàng Đầu tư JP Morgan. Theo mô tả trong bài viết trên tạp chí Vogue năm 2011, tác giả đã ví von bà Asma  là “một bông hồng trên sa mạc”. Bài báo này sau đó đã bị xóa khỏi trang web của tạp chí Vouge mà không có lời giải thích.

Các nhà phê bình cho rằng, bài viết này là do một nhà vận động hành lang của Washington được gia đình Assad thuê để giúp “đánh bóng” hình ảnh của bà trong mắt phương Tây.

Bà Asma Assad hầu như tránh mặt giới truyền thông quốc tế kể từ khi phong trào biểu tình dậy sóng ở Syria vào mùa xuân năm 2011. Tuy nhiên, bà lại rất tích cực trong việc thể hiện sự ủng hộ dành cho các gia đình quân nhân thiệt mạng hay bị thương trong cuộc chiến tranh. Bà xuất hiện thường xuyên trong các bệnh viện hay các lễ tang, đặc biệt là những chuyến làm công tác thiện nguyện như phân phát thức ăn hay thăm hỏi các trẻ em Syria là nạn nhân của cuộc nội chiến.

Yếu tố này cũng khiến cánh truyền thông không ít lần đưa tin, ảnh về bà với nội dung “chọi nhau chan chát”. Như một bức ảnh đăng trên tờ Foxnews được cho là chụp vào năm 2012 đặc tả đệ nhất phu nhân Syria lau nước mắt, vỗ về một em nhỏ người Syria lại khiến độc giả ngỡ ngàng vì lời bình “bức hình này không mấy phù hợp với con người đời thực của đệ nhất phu nhân Syria”.

Tờ báo này dẫn chứng, trong một bài báo của Daily Mail trước đó, bà Asma đã bỏ ra 450.000 USD để mua một bộ đèn chùm trong khi hàng trăm người dân đang đắm chìm trong loạn lạc. Một vài thư điện tử giữa bà Asma và chồng cho thấy bà đã mua bán rất nhiều đồ nội thất, tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức đắt tiền qua mạng. Năm 2013, một số bài báo đưa tin bà Asma đang lẩn trốn trong một hầm tránh bom, đối nghịch với một vài kênh truyền thông khác khi đưa tin đệ nhất phu nhân Syria chỉ mải mê đặt hàng online mua đồ trang sức và quần áo đắt tiền!

Một thông tin trên tờ Times của Anh vào năm 2010 từng thu hút sự quan tâm của dư luận: Tình báo Israel đã sử dụng chương trình phần mềm gián điệp “Ngựa thành Troy” để ghi lại những thông tin trao đổi giữa bà Asma al-Assad với chồng trong một thời gian dài. Việc này chỉ được phát hiện sau khi Cơ quan an ninh Syria phá vụ án gián điệp công nghiệp quan trọng, bắt 22 kẻ tình nghi.

Theo đó, một số hãng thầu khoán quốc phòng lớn đều bị dính vào vụ bê bối bởi họ dùng các phần mềm gián điệp để đột nhập vào máy tính của đối thủ cạnh tranh, lấy cắp tài liệu mật. Quan chức tình báo Israel cho biết, các thông tin cá nhân của bà Asma al-Assad tuy chẳng có giá trị gì, nhưng thông qua việc giám sát thông tin họ có thể nắm được tư tưởng của Tổng thống Bashar al-Assad để hoạch định cho những quyết sách lớn.

Những loại thông tin như thế khiến công luận không khỏi bán tín bán nghi với lời tiết lộ của bà hồi tháng 10-2016 rằng, bà đã từng từ chối lời đề nghị chạy khỏi đất nước để đổi lấy sự an toàn cũng như đảm bảo an ninh tài chính cho bà và các con. Theo lời bà Asma, những lời đề nghị “ngu xuẩn” như vậy là nhằm để phá hoại niềm tin của người dân vào chồng bà.

Giới chính khách phương Tây càng không ưa bà vì bà từng công khai bày tỏ sự biết ơn đối với nước Nga. Bà nói rằng, sự giúp đỡ từ “những người bạn của Damascus như Nga” là vô giá và nó đã giúp làm dịu nỗi đau của người dân Syria vì cuộc xung đột triền miên.

Quang Hiếu (tổng hợp)
.
.