Dick Cheney - vị Phó tổng thống đặc biệt nhất lịch sử Mỹ

Thứ Hai, 21/11/2005, 10:15

Thông thường, chức vụ Phó tổng thống (PTT) ở Mỹ không quan trọng lắm, không nhiều thực quyền. Lịch sử chính trị Mỹ đã cho thấy rõ điều này. Tuy nhiên, Dick Cheney là một ngoại lệ hy hữu, một vị PTT quyền uy nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Chức vụ PTT Mỹ và hàng trăm chức phó khác đầy rẫy trong các hệ thống chính quyền hay tổ chức dân sự, đều thường là những chức vụ ngồi chơi xơi nước cho có danh nhưng không có thực quyền. Nhiệm vụ chính của PTT Mỹ, theo nhận xét thực tiễn dưới nhiều thời TT khác nhau, thường là đại diện hay thay mặt cho TT để đi dự các quốc tang của các vị nguyên thủ quốc gia trên thế giới chẳng may tử nạn hay từ trần, và ở mặt đối nội thì có thể giúp cho ứng viên TT giành thêm một số phiếu ủng hộ khác vào mùa tranh cử.

Đến ngay như PTT Lyndon B. Johnson trước khi được mời đứng phó chung với TT John F. Kennedy đã là một lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện, tức là quyền lực và uy tín cao hơn cả nghị sĩ Kennedy, nhưng khi làm PTT cũng không có ảnh hưởng nhiều so với các bộ trưởng trong nội các.

Đến thời TT Carter thì ông Walter Mondale, một chính trị gia kỳ cựu và có nhiều thế lực ở Quốc hội, được mời vào để mong giúp cho ông Carter, một chính trị gia non nớt ở tiểu bang Georgia, dễ dàng trong việc liên lạc và hợp tác với ngành lập pháp. Đến thời TT Reagan, PTT là ông Bush (cha), tuy cũng là một chính trị gia lâu năm nhưng cũng không được coi trọng ở trong Nhà Trắng, thông qua chi tiết là ông không biết tí gì về vụ bê bối Iran-Contra của những viên chức Mỹ chủ động việc bán lậu vũ khí cho Iran để lấy tiền đó chuyển lậu cho quân Contra để chống lại chính quyền thiên tả ở Nicaragua và qua mặt sự kiểm soát cấm đoán của Quốc hội Mỹ.

Khi TT Bill Clinton lên nắm quyền thì PTT Al Gore là vị phó đầu tiên được tham gia tích cực nhất trong việc điều hành cũng như bàn thảo các chính sách của chính quyền vì cả hai chính khách này đều hợp ý với nhau cũng như ông Al Gore đã từng là một chính trị gia nổi tiếng trước cả ông Clinton, và do đó ông Gore đã được giao phó nhiều công tác quan trọng trong chính quyền.

Nhưng phải đến thời của ông Cheney, thì vai trò quan trọng của ông PTT đã lên đến mức cao tuyệt đỉnh. Ông Cheney, chính là người có mặt tại Nhà Trắng trong ngày 9/11/2001, đã quyết định ra lệnh cho chiếc Air Force One đang chở TT Bush trên đường trở về Thủ đô Washington sau khi nghe tin vụ nổ bom khủng bố xảy ra tại New York, phải nên tiếp tục ra đi trú ẩn chỗ khác cho an toàn trong khi ông Cheney có thể ở lại điều hành bộ máy ở Nhà Trắng.

Nhiều hành động và việc làm sau này của TT Bush cũng cho thấy là vị nguyên thủ quốc gia Mỹ đã không hoàn toàn tự tin khi không có sự có mặt cận kề của ông phó Cheney. Điển hình như trường hợp ông Bush khi bị gọi ra điều trần trước Ủy ban điều tra thảm họa 11-9 để tìm hiểu nguyên nhân về thất bại sơ hở của chính quyền đã không tiên liệu đến những tai họa có thể xảy đến do bọn khủng bố chủ động, Nhà Trắng đã phải điều đình với Ủy ban điều tra này để cho cả hai ông Bush và Cheney xuất hiện cùng lúc để cùng trả lời các câu hỏi. Mục đích là để tránh cho ông Bush có thể bị chất vấn gắt gao và dễ đưa ra những lời nói hớ hênh không khôn ngoan già dặn như ông Cheney nên cần phải có ông này đi kèm.

Bush và Cheney: Ai có nhiều quyền lực hơn?

Trong chính quyền Bush nhiệm kỳ đầu tiên, ông Cheney được toàn quyền giao trọng trách về nhiều lĩnh vực đối nội quan trọng như năng lượng cũng như liên lạc chặt chẽ với Quốc hội để dễ dàng thông qua các đạo luật có lợi cho ngành hành pháp. Về mặt đối ngoại, tuy không nắm chức vụ hay được giao trọng trách chính thức, nhưng Cheney, với sự phối hợp chặt chẽ của những người cùng chí hướng thuộc trường phái tân bảo thủ nằm đầy rẫy trong Bộ Quốc phòng, đã chủ động các chính sách đối ngoại liên quan đến vấn đề an ninh, qua mặt luôn cả vai trò của hai bộ phận chủ chốt quan trọng khác là Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Ngoại giao.

Ông Cheney là người thích làm việc ở trong hậu trường chính trị, sẵn sàng để cho các nhân vật khác như Condoleezza Rice, Donald Rumsfeld, Colin Powell tung hoành trên mặt nổi của chính trường, nhưng lại là người đạt được những thành quả theo đúng với ý muốn của mình. Cùng với cánh tay đắc lực của mình là Lewis Libby, cả hai người này đã là những người tiên phong và tích cực nhất trong chiến dịch đòi trừ khử Saddam Hussein cũng như đã ngăn chặn khá hữu hiệu những tiếng nói chống đối tại nhiều nơi trong chính quyền như tại Bộ Ngoại giao và nhất là ở CIA.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo được trực tiếp truyền hình trên toàn quốc hôm 28/10/2005, công tố viên Fitzgerald kết tội ông Libby với 5 tội danh gồm có hai lần khai man với nhân viên điều tra liên bang FBI, hai lần khai man hữu thệ trước đại bồi thẩm đoàn và cản trở công lý bằng cách cố ý đưa ra những thông tin sai lạc để cho cuộc điều tra không tìm ra được lúc nào và bằng cách nào ông Libby đã tiết lộ danh tính của nhân viên CIA cho báo chí biết. Nhân viên tình báo chìm đó là bà Valerie Plame, vợ của ông Joseph C. Wilson IV, một nhân viên ngoại giao kỳ cựu đã từng làm đại sứ tại nhiều quốc gia khác nhau.

Vụ bê bối này chấm dứt một sự hợp tác ăn ý của hai thầy trò - Libby và Cheney - được coi như là đã lèo lái chủ động và nhiều phen thống trị toàn bộ chính sách điều hành của Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của TT George W. Bush

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.