Diễn biến mới trên chính trường Pháp

Thứ Ba, 26/04/2011, 22:30

Bằng cách phát động cuộc chiến tại Libya và Bờ Biển Ngà, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy mong muốn sẽ cải thiện được hình ảnh của nước Pháp trên thế giới vốn bị ảnh hưởng nặng nề trước đó bởi những vụ bê bối ngoại giao, đồng thời qua đó cũng muốn đánh bóng lại uy tín cho đảng cầm quyền UMP, bước đệm chuẩn bị cho cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ hai của ông. Tuy nhiên, những thực tế đang diễn ra trên chính trường Pháp lại theo chiều hướng ngược lại.

Cuộc bầu cử đại biểu cấp tỉnh trên toàn nước Pháp diễn ra cuối tháng 3/2011 đã kết thúc. Đây là cuộc bầu cử địa phương diễn ra 3 năm một lần để bầu lại một nửa trong số hơn 4.000 đại biểu cấp tỉnh, có nhiệm kỳ 6 năm. Cuộc bầu cử địa phương năm nay có ý nghĩa đặc biệt, vì chỉ còn 1 năm nữa sẽ diễn ra cuộc tổng tuyển cử để bầu Tổng thống Pháp. Qua cuộc bầu cử địa phương này có thể thấy rõ "sức khỏe" của mỗi chính đảng tại Pháp hiện nay ra sao, thế và lực của mỗi đảng lên hay xuống, mỗi đảng sẽ phải đối phó với tình hình ra sao để giành thắng lợi cao nhất trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2012.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Pháp, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu năm nay đạt kỷ lục chưa từng có là 56%, cho thấy sự quan tâm đến các vấn đề chính trị của đất nước xuống rất thấp. Trong 19,6 triệu cử tri, chỉ có 8,5 triệu người đi bầu. Kết quả cuộc bầu cử này cho thấy đảng Xã hội (PS) dẫn đầu, bỏ xa đảng của đa số cầm quyền hiện nay là Liên minh Phong trào Nhân dân (UMP). Đảng PS đạt 36% phiếu bầu, trong khi đó đảng UMP chỉ đạt gần 20%, còn đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) đạt hơn 12%. Đây là tỷ lệ cao chưa bao giờ FN đạt được trong một cuộc bầu cử địa phương.

Đáng báo động cho đảng UMP hơn nữa là ngay từ vòng đầu ngày 20/3, ở một số tỉnh, FN vượt UMP, loại UMP ra khỏi vòng 2, FN vào chung kết với đảng PS, và đã trúng cử ở 2 tỉnh. Như vậy, đảng FN do bà Marine le Pen lãnh đạo đã tăng rõ về thế và lực, vươn lên trở thành một chính đảng có vai vế toàn quốc, nghiễm nhiên đứng thứ ba trong hơn 10 đảng phái của nước Pháp.

Ngay sau cuộc bầu cử địa phương các hãng thăm dò dư luận đưa ra những kết quả rất bi quan và bất lợi cho Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy. 72% người được hỏi ý kiến cho rằng, ông Sarkozy không nên là ứng cử viên Tổng thống của đảng UMP sắp tới; chỉ có 22% người tán thành, còn 6% không có ý kiến. Ngay trong đảng UMP, có đến 54% đảng viên không tán thành ông Sarkozy ra tranh cử. Trong khi đó, điều tệ hại cho UMP là các thủ lĩnh chia rẽ nặng nề, nhất là giữa Tổng thống và Thủ tướng Francois Fillon.

Đầu tuần trước, nghị sĩ Jean-Pierre Raffarin, cựu Thủ tướng, lên tiếng trách móc Thủ tướng Francois Fillon là không "trung thành" với Tổng thống Nicolas Sarkozy. Tại Matignon, Phủ Thủ tướng, cũng như tại điện Elysée, Phủ Tổng thống, không ai muốn nghe lại những chuyện bất hòa này. Nhưng theo chủ bút tuần báo Le Point, tình hình trở nên gây cấn. Nói chuyện trên đài RMC, ông Raffarin cho rằng, giữa Sarkozy và Fillon ngày nay không còn tình bạn, mà là "hận thù".

Theo chủ bút tờ Le Point, hai người này "trước giờ không bao giờ thích nhau", ngày nay "họ thù ghét nhau, đi đến chỗ đổ vỡ". Theo tờ báo, đây là dấu hiệu của một cuộc khủng hoảng thượng tầng. Bằng chứng: nước Pháp từng có những cuộc sống chung... hòa bình, ngay cả các nhân vật trong cùng một đảng. Trường hợp của Francois Mitterrand và Michel Rocard, cùng đảng PS, hai xu hướng khác nhau. Tình cảnh này có hậu quả tai hại về tinh thần và kỷ luật của đảng. Tổng thống Pháp muốn chính sách phi tôn giáo của nhà nước, không đứng về phía tôn giáo nào, nhưng Thủ tướng Fillon cho là không nên, sẽ đẻ ra nhiều vấn đề xã hội phức tạp.

Cựu Thủ tướng Raffarin đặt câu hỏi thế thì tại sao ông Sarkozy không cho Fillon về vườn khi cải tổ chính phủ hồi năm ngoái? Đó là một sai lầm? Đây là điều khó khăn cho ông Sarkozy, trong khi uy tín của ông đang ở mức rất thấp. Fillon lại là người chăm lo làm việc, lịch sự, được dân chúng mến mộ, có uy tín trong những cuộc thăm dò dư luận hơn đương kim tổng thống. Một Dominique de Villepin với đảng mới là Cộng hòa Liên đới chống đối Sarkozy kịch liệt là kinh nghiệm xương máu của Sarkozy. Trong cuộc thăm dò dư luận của Paris Match-Ifop, ngày 7/4/2011, 53% ủng hộ ông Fillon trong khi ông Sarkozy chỉ được 30%. Cách nhau 23 điểm - hiện tượng chưa bao giờ có trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hòa.

Mới đây, ông Sarkozy muốn giữ Fillon để nhờ ông này đỡ đạn nhưng không có kết quả. Vì vậy bộ ba Jean-Louis Borloo, Jean-Francois Coppé và Raffarin đã hợp nhau để đòi Fillon phải ra đi.

Đối với ông Sarkozy, chuyện gì cũng có thể xảy ra, như chiêu bài của ông đề ra năm 2007. Sarkozy có thể lại cải tổ, thay thế thủ tướng trước ngày bầu cử tổng thống. Nhưng ông sẽ không làm vậy vì sợ gây xáo trộn trong đảng UMP cũng như cần phải cột chân Fillon để khỏi có thêm một người chống đối.

Nhiều nhà bình luận dự đoán nếu tình hình diễn ra như vậy thì đảng UMP có thể tan vỡ thành nhiều phe phái. Một vố đau cho đảng UMP là ngày 5/4 vừa qua, Jean-Louis Borloo, Chủ tịch đảng Cấp tiến trong liên minh UMP đã quyết định rút lui khỏi liên minh này và rất có thể sẽ tham gia vào cuộc đua với ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Trước đó, Rama Yade, cựu Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao, cũng tuyên bố rời UMP để gia nhập hàng ngũ của Borloo.

Còn nhớ hồi tháng 11/2010, ông Jean-Louis Borloo đã rất cay cú về chuyện không được Tổng thống Sarkozy chọn làm Thủ tướng thay cho ông Fillon trong lần cải tổ nội các. Rõ ràng những ồn ào trên chính trường quốc tế đang không đem lại kết quả như ông Sarkozy mong muốn

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.