Điều ẩn sau thỏa thuận lịch sử Israel – UAE

Thứ Ba, 25/08/2020, 10:01
Mặc dù còn gây nhiều tranh cãi, song theo nhiều phân tích đánh giá, thỏa thuận thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel được ký kết vào một thời điểm lịch sử. Dù sẽ không đem lại hòa bình cho khu vực nhưng thỏa thuận này đánh dấu thay đổi quan điểm mang tính thế hệ về vấn đề Palestine.

Kể từ khi các khu định cư Do Thái hình thành ở Palestine cách đây một thế kỷ và nhất là từ sau khi Israel được thành lập vào năm 1948, nhà nước Do Thái này đã bị mắc kẹt trong một vị thế bất thường khi không chỉ sự tồn tại của họ bị các nước láng giềng chối bỏ mà hầu hết công dân của họ còn bị coi là những kẻ xâm phạm quyền lợi của người khác, là người ngoài đối với khu vực này. Do vậy, việc đạt được sự công nhận của các nước láng giềng vẫn luôn là mục tiêu quan trọng đối với các nhà lãnh đạo Israel, vì điều này phần lớn được coi là bằng chứng cơ bản cho thấy nhà nước Do Thái này sẽ còn tồn tại lâu dài trong khu vực.

Tuy nhiên, ngoại trừ nhu cầu tâm lý này thì trên thực tế, tình trạng cô lập ngoại giao của Israel hầu như không có ý nghĩa gì trong quá khứ và thậm chí còn ít có ý nghĩa hơn vào lúc này. Khi bất kỳ ai ở Israel nói về một kỳ nghỉ ở nước ngoài thì những người khác sẽ mặc nhiên rằng đó sẽ bao gồm một chuyến bay đường dài tới một châu lục khác. Người Israel có lẽ là một trong số ít các công dân trong thế giới công nghiệp hóa không hề nghĩ đến việc thăm thú các nước láng giềng.

Một khu định cư Do Thái đang được xây dựng trên khu Bờ Tây chiếm đóng của người Palestine.

Giới trẻ Israel đi theo xu hướng âm nhạc và thời trang ở châu Âu hoặc Mỹ và hầu như không biết hoặc không có hứng thú với những xu hướng tương tự ở bên kia đường phân chia lãnh thổ trên bộ của đất nước họ - những vùng đất giàu truyền thống và văn hóa chỉ cách họ vài trăm kilomet. Và ngoại trừ người dân Palestine thì người Arab nói chung cũng vô cùng thiếu hiểu biết về Israel. Những mối liên kết giữa hai bên không tồn tại.

Hơn nữa, ngay cả khi quan hệ ngoại giao được thiết lập giữa Israel và một số láng giềng Arab thì quan hệ đó cũng không bao giờ được như những lời hứa hẹn ban đầu. Ai Cập đã mở đại sứ quan ở Tel-Aviv vào năm 1980 và Jordan cũng làm như vậy vào năm 1994. Trong cả hai trường hợp đều xuất hiện những cuộc thảo luận sôi nổi về tình hữu nghị, du lịch và thương mại - một tầm nhìn mà theo đó những doanh nhân Ai Cập sẽ mở rộng các hoạt động của họ tới Israel và những đoàn du khách Israel sẽ tới tham quan các kim tự tháp hay Petra - điểm đến lịch sử tuyệt đẹp ở vùng sa mạc phía Tây Nam Jordan. Tuy nhiên, những điều đó không thành hiện thực.

Vì lý do an ninh, hầu như không có người Israel nào tới thăm Jordan hay Ai Cập và nếu có thì họ cũng sử dụng hộ chiếu phụ của các quốc gia khác mà nhiều người Israel sở hữu nhờ tổ tiên họ. Lời hứa về việc đẩy mạnh hoạt động thương mại cũng vẫn chỉ là lời hứa. Thậm chí, qua một vài sự kiện, thái độ thù địch lại còn gia tăng mạnh hơn. Chỉ có chăng, là việc hợp tác an ninh, cụ thể là hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa các bên, nhờ hoạt động ngoại giao thiết lập đó mà được tăng cường.

Đặc vụ tình báo Israel giúp Ai Cập xác định và loại bỏ các nhóm khủng bố ở những vùng rộng lớn của sa mạc Sinai và hợp tác với Jordan trong việc ngăn chặn hoạt động buôn lậu vũ khí và chiến binh vào Bờ Tây do Israel chiếm đóng...

Tuy nhiên, cái được gọi là Hiệp ước Abraham có ý nghĩa rất lớn đối với toàn khu vực. Hiệp ước này là bằng chứng cho tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng Israel không cần đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ nào để đạt được thỏa thuận hòa bình với người Palestine mà theo đó một nhà nước Palestine được thành lập.

Thỏa thuận này không chỉ là một chiến thắng cho riêng cá nhân ông Netanyahu mà còn có thể cứu vớt ông trên chính trường, vì nó đã đem lại cho ông "sức sống mới" ngay khi ông phải đối mặt với viễn cảnh về một cuộc bầu cử mới và và một vụ kiện trước tòa án hình sự về cáo buộc tham nhũng.

Thỏa thuận này dường như cũng là dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Đông đang chuẩn bị ra sao cho khả năng Tổng thống Donald Trump không còn ở lại Nhà Trắng sau tháng 1-2021. Thái tử Mohammad bin Zayed, người nắm thực quyền ở UAE, hẳn đã có thể thiết lập thỏa thuận này từ trước đó. Tuy nhiên, ông đã chờ đợi thời điểm quan trọng này, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ chưa đầy 3 tháng nữa sẽ diễn ra, chính vì ông muốn thỏa thuận này được coi là phù hợp với cả một Tổng thống Trump nếu tái đắc cử, lẫn Thượng nghị sĩ Biden nếu ông giành chiến thắng vào tháng 11 sắp tới. Thái tử Mohammad đã tự đưa mình vào vị trí then chốt, bất luận ai là người nắm quyền ở Washington.

Tuy nhiên, thông điệp quan trọng nhất được rút ra từ thỏa thuận Israel - UAE là cách thức thay đổi của Trung Đông. Có khả năng Bahrain sẽ theo chân UAE để thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Vương quốc Vùng Vịnh này đã công khai hoan nghênh động thái của UAE. Bên cạnh đó, lại xuất hiện một trục mới được thiết kế nhằm bảo vệ nguyên trạng trong khu vực. Và trục này có khả năng sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của thế giới Arab.

Có thể nhận thấy hai cường quốc chỉ trích hành động của UAE kịch liệt nhất là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, và cả hai đều không phải là các cường quốc Arab. Và điều quan trọng, là thỏa thuận này không đồng nghĩa với việc bình thường hóa thực sự và lâu dài quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Arab.

Chừng nào Israel còn tạo dựng liên kết với các quốc gia Arab riêng lẻ mà không giải quyết vấn đề cốt lõi gây ra mối thù hận giữa người Arab và người Do Thái - trong cảnh ngộ của người Palestine - thì chừng đó mọi liên kết của Israel vẫn chỉ được thiết lập với các nhà cầm quyền và nhà lãnh đạo riêng lẻ của từng quốc gia Arab cụ thể, chứ không phải với thế giới Arab nói chung.

Điều đó có nghĩa là nguồn gốc của bạo lực và căng thẳng vẫn còn đó, chỉ có vai trò và chiến thuật của các bên tham gia then chốt là thay đổi.

Hùng Thắng (Tổng hợp)
.
.