Đóa cúc vàng tôn quý trên hòn đảo của Thái dương Thần nữ

Thứ Sáu, 03/03/2017, 16:35
Thiên hoàng Nhật Bản Akihito thuộc về hoàng tộc lâu đời nhất thế giới được khai sinh từ thời lập quốc vào năm 600 trước Công nguyên bởi Hoàng đế Jimmu, người được coi là hậu duệ của Thái dương Thần nữ (nữ thần Mặt trời). Sinh năm 1933, Akihito là vị Thiên hoàng thứ 125 của quốc gia quân chủ lập hiến đồng thời là giáo chủ của Thần đạo Nhật Bản.

Cũng giống như nhiều hoàng tộc khác trên thế giới, Nhật hoàng Akihito và gia đình của ông sống một cuộc sống tách biệt với xã hội bên ngoài nhưng điều đó không làm mất đi ở ông và Hoàng hậu Michiko tính cách dung dị, gần gũi và trên hết vẫn là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết của dân tộc Nhật Bản.

Giữa mạch sống của thời đại tân kỳ không ngừng đổi thay, hoàng gia Nhật vẫn tuân thủ lối sống khép kín, ứng xử cẩn trọng, không xuất hiện quá nhiều trên truyền thông, nếu có các phóng viên đại diện một cơ quan truyền thông nào đó được phép tiếp xúc thì họ đều là những người được tuyển chọn và phải tuyên truyền đúng mực.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko luôn bên nhau hạnh phúc.

Trong hiến pháp sửa đổi hậu Thế chiến II vào năm 1947, hoàng đế trở thành “biểu tượng của quốc gia và sự hòa hợp dân tộc” và không có quyền lực chính trị, do đó, Nhật hoàng không thể tham gia hoặc can thiệp vào chính sự.

Giáo sư Akira Momochi thuộc Trường Đại học Nihon nhận định: “Với truyền thống chủ nghĩa dân tộc ăn sâu trong dòng máu người dân, Nhật Bản không thể tồn tại mà không có Nhật hoàng. Nhật hoàng chính là biểu tượng tinh thần, là cội rễ để chúng tôi khẳng định nguồn gốc của mình”.

Ngay tại thủ đô Tokyo hoa lệ và hiện đại tọa lạc hoàng cung rộng hơn 7,4km2 lưu giữ những công trình đầy giá trị về mặt lịch sử cũng như hội tụ tinh hoa kiến trúc truyền thống Nhật Bản, kỳ lạ thay, triều đại cha truyền con nối lâu dài nhất trong lịch sử thế giới cho tới ngày nay sống với nguyên tắc 3 không: Không mang họ, không tài sản, không quan điểm cá nhân. Nguyên nhân là kể từ sau Thế chiến II, hầu hết tài sản của gia đình Hoàng gia bị các nhà chức trách Mỹ đóng quân tại Nhật sung công vì họ coi đây là rào cản để xây dựng một nền dân chủ.

Chế độ quân chủ Nhật Bản thường được gọi ẩn dụ là Ngai vàng Hoa cúc vì người Nhật ví hoa cúc như mặt trời cũng như hình ảnh mặt trời chiếu sáng là biểu tượng của Hoàng gia. Biểu tượng quyền lực có thể thấy trên chiếc ghế được chạm trổ công phu gọi là takamikura, được hoàng đế sử dụng trong lễ đăng quang.

Ở thời hiện đại, sau khi Nhật hoàng qua đời, tên hiệu của Nhật hoàng sẽ được đổi để phản ánh thời đại mà ông cai trị. Như sau khi băng hà, Hoàng đế Hirohito, người trị vì ở thời chiến, đã được gọi bằng tên Showa có nghĩa là "Nhật Bản rạng rỡ". Còn Nhật hoàng Akihito sẽ được đổi tên thành Heisei (Hòa bình muôn nơi), phản ánh triều đại của ông bắt đầu từ lễ đăng quang năm 1990.

Vậy nếu các thành viên Hoàng gia không có tài sản riêng thì mức chi tiêu cho Hoàng cung Nhật Bản sẽ là bao nhiêu? Theo kết quả một cuộc khảo cứu của hãng tin BBC đưa ra vào năm 2015, Điều 5 luật về tài chính của hoàng cung quy định chi tiêu cho cung đình Nhật khoảng 1.000 tỉ đồng. Mức chi này khác với chi tiêu của Cục Quản trị Hoàng gia - cơ quan quản lý chi tiêu của hoàng cung, năm tài khóa 2015 có ngân khoản khoảng 2.000 tỉ đồng. Tất cả số tiền này đều được lấy từ ngân sách nhà nước.

Tờ Telegraph dẫn nguồn từ cuốn sách The Imperial Family Purse (ấn hành năm 2003), cho biết, Hoàng gia Nhật có bốn bác sĩ riêng túc trực 24/7, 5 người phụ trách quần áo, 11 người hỗ trợ thực hiện nghi thức Thần đạo (Shinto). Tính cả những người phụ trách làm vườn, đầu bếp, người giúp việc, bảo trì dinh thự... thì con số lên tới 1.000 người.

Riêng dinh thự Hoàng gia Nhật tại Tokyo, nơi Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko ngự, có tới 160 người giúp việc. Hoàng cung có nông trại cung cấp sữa, thịt và rau cho Hoàng gia, có hầm chứa 4.500 chai rượu.

Thuở nhỏ, Nhật hoàng Akihito học tiểu học và trung học ở trường Gakushuin dành riêng cho Hoàng gia, nơi sau này trở thành một hệ thống trường tư thục. Khi học tiểu học, ông phải tạm thời rời Tokyo với các bạn cùng lớp vì chiến tranh. Ông từng có những ngày tháng sống ở vùng núi Nikko cho đến khi Thế chiến II kết thúc. Năm 1952, ông theo học tại Khoa Khoa học chính trị và kinh tế của Trường Đại học Gakushuin.

Cùng năm, ông bắt đầu đảm nhận các trọng trách của một Hoàng Thái tử. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông là chuyến đi dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Ông hoàn tất chương trình đại học vào năm 1956. Ngoài quá trình học tập chính thức, Hoàng Thái tử Akihito còn học nhiều môn khác, từ lịch sử tới Hiến pháp Nhật Bản.

Ngày 10-4-1959, Hoàng Thái tử Akihito kết hôn với Michiko Sho-da, con gái của một doanh nhân nổi tiếng. Bà Michiko, sinh năm 1934, là nữ thường dân đầu tiên trở thành Hoàng hậu Nhật Bản. Bà tốt nghiệp thủ khoa Văn học Anh, Trường Đại học Thánh Tâm vào năm 1957.

Lễ cưới truyền thống của Hoàng gia đối với người dân trên hòn đảo Thái dương Thần nữ khi ấy là một sự kiện đặc biệt trọng đại. Hơn 500.000 người đổ ra đường để theo dõi và cùng ăn mừng lễ cưới. Đó còn là một trong những ngày hạnh phúc nhất trong lịch sử Nhật Bản thời hậu chiến. Với sự hỗ trợ nhiệt tình và tận tâm của Công nương Michiko, Hoàng Thái tử Akihito đã thực hiện xuất sắc nghĩa vụ của ông bằng “một nguồn năng lượng mới”.

Hiện giờ Nhật Hoàng Akihito vẫn trồng lúa và thu hoạch lúa trong Hoàng cung.

Sau lễ cưới, Công nương Michiko đã phải điều chỉnh cuộc sống theo nghi thức vương triều nhưng bà vẫn giữ những thói quen khi còn là dân thường. Xưa nay, những đứa con của hoàng gia thường được chăm sóc bởi những người hầu đặc biệt trong sự giám sát chặt chẽ của những thành viên hoàng gia nhưng bà dũng cảm “phá lệ” khi đích thân chăm sóc 3 người con là Thái tử Naruhito, Hoàng tử Fumihito và Công chúa Sayako. Điều trước nay chưa hề có ở một vị hoàng hậu nên khiến nội bộ hoàng gia vang lên nhiều tiếng nhỏ to.

Sau này, Hoàng hậu Michiko tiết lộ: “Tôi đã hỏi ý kiến Hoàng Thái tử Akihito về mọi chuyện và tôi thật sự biết ơn chồng về những gì ông đã chỉ bảo tôi dựa trên trải nghiệm của ông, để giúp tôi cân bằng giữa đời thường và cuộc sống hoàng gia”. Có lần, Công nương Michiko bị khiển trách vì đã vén màn cửa xe, giúp các phóng viên thuận lợi hơn trong việc chụp ảnh vị hoàng tử mới sinh mà bà đang bế.

“Làm như thế có thể sẽ khiến hoàng tử bé nhỏ bị cảm lạnh” - người ta đồn là Hoàng thái hậu đã rầy con dâu mình như thế. Thái độ của Công nương Michiko trước những lời la rầy của bề trên chỉ là im lặng và tiếp tục nuôi dạy các con theo cách của mình.

Có nhiều quy định khắt khe đặt ra từ bao thế hệ mà một vị công nương không thể làm khác. Chẳng hạn, muốn có một chuyến đi đến Tokyo, bà phải xin phép trước 14 ngày; trong bất kỳ lần xuất hiện chính thức nào trước công chúng, bà cũng phải đi sau chồng 3 bước... Nhưng “Hoàng hậu đã vượt qua những thời điểm khó khăn bằng tinh thần kiên trì", Midori Watanabe - nhà văn chuyên theo dõi chuyện hậu trường của Hoàng gia Nhật viết như thế trong một bài báo.

Ngày 7-1-1989, sau khi Nhật hoàng Hirohito (Nhật hoàng Chiêu Hòa) băng hà, Hoàng Thái tử Akihito lên ngôi, trở thành hoàng đế thứ 125 của Nhật Bản. Kể từ khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko đã tổ chức hàng trăm buổi lễ, tiếp kiến, tiệc trà, tiệc trưa và tiệc tối trong suốt cả năm.

Vào những dịp này, Nhật hoàng cùng Hoàng hậu gặp gỡ nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, bao gồm quan chức chính phủ, lãnh đạo địa phương, doanh nhân, nông dân, ngư dân, cán bộ làm công tác xã hội và phúc lợi, học giả và nghệ sĩ. Họ thực hiện ít nhất 3 chuyến thăm cấp địa phương mỗi năm, tham dự lễ hội thể thao quốc gia, lễ hội Arbour (trồng cây), Hội nghị Quốc gia vì sự phát triển vùng biển.

Cuộc sống của Hoàng hậu Michiko thậm chí còn khó khăn hơn khi Akihito chính thức lên ngôi. Có lần Hoàng hậu bị một cơn đột quỵ dẫn đến mất giọng vào năm 1993. Nhiều người cho rằng chính vì quá tức giận với những bài báo lá cải, chuyên đơm đặt mà Hoàng hậu Michiko lâm vào tình trạng đó. May mà sau một thời gian chữa trị, bà đã có thể nói chuyện bình thường trở lại.

Trong các chuyến đi về địa phương, ngoài việc tiếp xúc với người đứng đầu, Nhật hoàng và Hoàng hậu còn đi thăm các cơ sở phúc lợi, văn hóa và công nghiệp để khích lệ tinh thần người dân địa phương. Họ đặc biệt quan tâm đến vấn đề phúc lợi và đã đi thăm hơn 500 cơ sở dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật trên khắp nước Nhật. Tháng 1-1995, hai người đã tới tỉnh Hyogo sau trận động đất tàn phá nặng nề.

Sau thảm họa kép động đất và sóng thần năm 2011 khiến hơn 20.000 người thiệt mạng và mất tích, Nhật hoàng và Hoàng hậu đã đến thăm các trung tâm sơ tán, những nơi bị thiên tai phá hủy trong suốt 7 tuần. Có mặt ở bất kỳ đâu, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu luôn thể hiện sự khiêm nhường hiếm có, thần thái tôn quý nhưng cung cách luôn giản dị, khiêm cung, vì thế họ luôn được công chúng trong và ngoài nước nhiệt thành nghênh đón bằng lòng kính trọng.

Loài cá mang tên Nhật hoàng

Tờ The New York Times viết rằng, kể từ năm 1898, ngay sau khi Thiên hoàng Minh Trị khôi phục quyền lực của hoàng đế và bắt đầu quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Nhật Bản, nhà vua thường tổ chức một loạt bài giảng khoa học vào mỗi dịp đầu năm mới. Nhà vua Showa và con trai cả Akihito cùng chia sẻ niềm đam mê về sinh vật biển.

Nhà vua Showa đã viết nhiều bài báo khoa học về hydrozoa, một lớp thủy tức có họ với loài sứa còn Hoàng Thái tử Akihito khi đó được cho là một chuyên gia về cá bống. Ngài đã viết 38 bài báo khoa học về loài cá này và dùng tên của mình để đặt cho một loài cá mới được phát hiện, đó là loài cá Exyrias Akihito.

Tại Việt Nam, vào đầu những năm 1970, Nhật hoàng đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các loài cá ở vùng hạ lưu sông Mekong. Ngài chính là người đã hỗ trợ FAO có được nhiều dữ liệu để xây dựng quyển “Fishes of Cambodian Mekong” trong đó kể ra hơn 2.500 loài thủy sản ở sông Mekong.

Nhật Hoàng từng dành nhiều năm để phân loại các loại cá nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Ảnh: Ministry of Foreign Affairs.

Thời điểm đó, Nhật Hoàng Akihito đã tìm ra giống cá bống cát trắng tại một nhánh sông Cần Thơ của Việt Nam đặt tên tiếng Anh là Glossogobius sparsipapillus. Loại cá bống thứ 2 được Nhật Hoàng Akihito và Tiến sĩ Meguero tìm thấy là Glossogobius aureus có chiều dài khoảng 12cm. Cả hai loại cá bống này sau đó đều được đưa vào công trình nghiên cứu khoa học để bảo vệ luận án tiến sĩ của Nhật hoàng và Tiến sĩ Meguero năm 1976.

Tiêu bản paratype mang ký hiệu No:137 Glossogobius sparsipapillus sp.Nov. được Nhật hoàng Akihioto gửi tặng Bảo tàng Động vật, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Bảo tàng Sinh vật thuộc trường Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội) hồi tháng 3-1974 là mẫu cá bống cát trắng. Hiện tiêu bản này vẫn được bảo quản và trưng bày tại bảo tàng.

Cho đến nay, giới khoa học trong và ngoài nước đều đánh giá rằng, công trình nghiên cứu cá bống cát trắng của Nhật Hoàng chính là món quà mang nhiều ý nghĩa, mở ra hướng mới trong nghiên cứu phát triển thương phẩm, nhất là đối với loài cá có khả năng thích nghi môi trường đa dạng như cá bống.

Tháng 3-2009, Thái tử Naruhito và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba đã thay mặt Nhật hoàng Akihito trao tặng trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công trình nghiên cứu phát hiện giống cá bống cát trắng này.

Đến giữa tháng 5-2009, công trình nghiên cứu này tiếp tục được chuyển giao cho trường Đại học Cần Thơ, nơi có những chuyên gia nghiên cứu bảo tồn và phát triển thủy sản trên sông Mekong.

Sông Thương

M.Q. (tổng hợp)
.
.