Đòi EU bồi thường vì các biện pháp trùng phạt kinh tế Nga
Trong cuộc gặp thượng đỉnh theo định kỳ thường niên mới đây tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, các nhà lãnh đạo Hungary, Slovakia cùng với nước chủ nhà đều là những thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đã bày tỏ ý định đòi EU phải bồi thường vì những quyết định trừng phạt đối với Liên bang Nga, gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế của cả 3 quốc gia Trung Âu này.
Cụ thể hơn, Thủ tướng Cộng hòa Slovakia Robert Fico thẳng thừng chỉ trích thái độ đạo đức giả của Ban lãnh đạo EU. Ông cho rằng, EU đe dọa các biện pháp trừng phạt Nga nhưng nhiều quốc gia lớn trong EU lại đi đêm với Moskva.
Còn Thủ tướng Hungary Viktor Orban đề cập tới công trình đường ống dẫn dầu khổng lồ "South Stream", được hình thành từ 50% số vốn của Công ty Dầu khí Nga Gazprom, 20% vốn của Hãng Năng lượng Italia Eni, 15% vốn của Công ty Dầu khí Đức Wintershall và 15% vốn của Hãng Năng lượng Pháp EDF.
"Trong khi EU yêu cầu Slovakia cung cấp khí đốt cho Ukraina, trong trường hợp Moskva không bán cho Kiev nữa - Thủ tướng V. Orban nói với giọng đầy bức xúc - EU lại không bao giờ muốn "đóng băng" hệ đường ống thiết yếu này. South Stream vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan và nhiều quốc gia Tây Âu khác, vô hình trung Slovakia đã trở thành "con tốt thí" trong bàn cờ chính trị của EU với nước Nga".
Đại diện Công ty Gazprom ký hợp đồng đường ống dẫn dầu "South Stream" với các đối tác Đức, Pháp và Italia trước sự chứng kiến của Tổng thống Nga V. Putin. |
Thủ tướng Cộng hòa Czech Bohuslav Sobotka nêu dẫn chứng thực tế, rằng biện pháp trừng phạt của EU không ảnh hưởng đến đường ống "South Stream", bởi sẽ mang lại tổn thất kinh tế rất lớn cho các công ty năng lượng đã "lỡ" hùn vốn vào đó nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho cả khu vực Tây Âu.
"Theo quan đểm của Ban lãnh đạo EU thì các nước Trung Âu, Nam Âu, cũng như Đông Âu từ lâu đã trở thành một phần "không đáng kể" so với Tây Âu. Với nền kinh tế manh mún nhỏ mọn, các quốc gia này không thể có những "ông lớn" với tiềm lực khuynh đảo kinh tế Âu lục, cũng như không có những nhà vận động hành lang đủ mạnh để có thể bảo vệ các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế yếu ớt của mình.
Đơn cử như trường hợp của Hãng Renault chuyên sản xuất xe hơi của Pháp cũng vậy. Hãng này vừa bỏ ra cả tỉ euro để mua 25% cổ phần của Công ty AvtoVaz thuộc Nga, ngay sau thời điểm vùng bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga, với đích nhắm là thị trường xe hơi ở Nga "còn lâu mới bão hòa"...
Chung quy lại, các nền kinh tế yếu kém thuộc khối Đông Âu cũ sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng từ biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga của EU. Cộng hòa Czech và Hungary nhập khẩu trung bình từ Nga khoảng 35 tỉ m3 khí đốt và 6 triệu tấn dầu mỏ mỗi năm. Còn tại Cộng hòa Slovakia, có 2 nhà máy điện hạt nhân được xây dựng từ thời Liên Xô cũ, giờ đây dưới tác động của lệnh trừng phạt nước này không thể yêu cầu Hãng Rosatom của Nga cung cấp các thanh nhiên liệu thay thế để sản xuất điện năng nữa.
Liên bang Nga đứng hàng thứ 3 trong cán cân thương mại thường niên của Hungary và hàng thứ 5 đối với Cộng hòa Czech, cũng như nền kinh tế của 2 nước này phụ thuộc tới 80% vào nguồn cung cấp khí đốt và dầu mỏ của Nga. Do vậy chẳng có gì đáng ngạc nhiên, khi 3 nhà lãnh đạo Trung Âu đều lên tiếng đòi EU bù đắp các tổn thất lớn lao vì lệnh trừng phạt kinh tế đối với nước Nga