Dư âm những cuộc điện đàm của Tổng thống đắc cử D.Trump

Thứ Hai, 12/12/2016, 14:15
Với một tổng thống vừa đắc cử, hơn nữa lại là tổng thống một siêu cường như nước Mỹ, chuyện điện đàm với nguyên thủ các quốc gia thể hiện mối quan tâm trong các vấn đề quốc tế hoặc mối bang giao qua thứ tự thực hiện các cuộc điện đàm đó sẽ không có gì là bất thường nếu như mối liên hệ giữa Tổng thống đắc cử D. Trump và giới truyền thông nước Mỹ được đánh giá là không mấy nồng ấm kể từ khi ông tuyên bố chính thức tranh cử.

Có vẻ như chuyện ông Trump nối máy nói chuyện với bất cứ vị nguyên thủ nào cũng bị “xé ra to” vì bản thân ông vốn dĩ là người thích những cách ứng xử... phi truyền thống.

Giữa tháng trước, tờ New York Times (vốn đã dành cho ông Trump những lời công kích không thương tiếc trong hơn một năm vận động tranh cử) có bài báo cho biết, các nguyên thủ, lãnh đạo các nước “rất khó liên hệ được với ông Trump”.

Theo New York Times, trong khi Tổng thống Ai Cập và Israel nhanh chóng được nối máy với ông Trump thì Thủ tướng Anh Theresa May (mối quan hệ giữa nước Anh và Mỹ bao lâu nay được ví von như thể tay với chân) phải chờ cả ngày mới kết nối được với Tổng thống đắc cử Mỹ và rằng “các đồng minh của Mỹ cũng đang chật vật để tìm hiểu làm thế nào hay khi nào thì họ có thể liên hệ được với ông Trump”.

Ngày 16-11, qua mạng xã hội Twitter, ông Trump đã phản pháo thông tin của New York Times qua việc liệt kê hàng loạt nguyên thủ mà ông đã điện đàm từ sau khi đắc cử: “Tôi đã nhận và hồi đáp các cuộc điện đàm của nhiều nhà lãnh đạo các nước chứ không phải như tờ New York Times nói. Nga, Anh, Trung Quốc, Arab Saudi, Nhật Bản, Australia, New Zealand và nhiều nước khác nữa. Tôi luôn sẵn sàng tiếp chuyện với họ”.

Chưa thôi, hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Mỹ và Nhật Bản cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên hội đàm với ông Trump tuy nhiên, cuộc hội đàm “được mong đợi khá lâu mới được thực hiện” bởi ông Trump và ban bệ chuyển giao quyền lực của ông còn đang bận bịu lựa chọn ai sẽ làm gì trong chính quyền mới.

Theo truyền thống, tổng thống đắc cử cần thảo luận với Bộ Ngoại giao trước khi thực hiện hoặc trả lời điện đàm từ người đứng đầu nhà nước hoặc chính phủ khác. Đây là cách mà đội ngũ chuyển giao quyền lực phối hợp với nhóm chiến lược tiếp cận cộng đồng quốc tế của Tổng thống Barack Obama từng thực hiện trong năm 2008.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump chưa hề trao đổi với họ để thảo luận việc chuyển giao cũng như trao đổi thông tin trước các cuộc hội đàm với lãnh đạo nước ngoài. Điều này dường như tạo ra sự bối rối cho chính phủ một số nước muốn dành lời chúc mừng chiến thắng đến vị tổng thống mới đắc cử.

Năm 2008, Tổng thống Barack Obama bắt đầu nhận các cuộc điện đàm 2 ngày sau khi đắc cử, trong khi đó, ông Trump đã thực hiện những cuộc gọi với các nhà lãnh đạo thế giới ngay trong ngày bầu cử. Ảnh: CNN.

Một nguồn thạo tin nói với hãng CNN rằng, “một vài quốc gia thân cận với Mỹ gặp nhiều khó khăn khi liên hệ với phía đội ngũ của ông Trump để sắp xếp thành công cuộc điện đàm song phương”. Hơn nữa, một số nhà ngoại giao cũng cho biết những cuộc gọi này không trải qua bất kỳ cuộc kiểm duyệt hay xác nhận nào.

Minh chứng cho điều này, sau nhiều “nỗ lực”, cuối cùng Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull mới có trong tay số điện thoại cá nhân của ông Trump nhờ sự hỗ trợ của... golf thủ Greg Norman. Reuters căn cứ vào các chi tiết này mà bình luận: ông Trump không dễ thay đổi từ một doanh nhân sang một tổng tư lệnh đất nước với lịch trình lên sẵn và một bộ máy nhân sự đầy đủ trước khi nhậm chức vào ngày 20-1 tới.

Về phần mình, ông Trump cho rằng, báo giới Mỹ cứ săm soi và phê phán một cách vô ích bởi lẽ giới này không ưa gì mình. Ngoài việc công bố danh sách các nhà lãnh đạo mà ông đã điện đàm kể từ sau đắc cử, ông cũng bác bỏ thông tin nói rằng đội ngũ chuyển giao quyền lực của ông lục đục.

“Quá trình lựa chọn nội các và các vị trí khác của tôi đang diễn ra một cách có tổ chức. Tôi là người duy nhất biết ai sẽ là lựa chọn cuối cùng”, ông Trump viết trên Twitter. Cần nhắc lại rằng, năm 2008, ông Obama trả lời 22 cuộc và ưu tiên các nhà lãnh đạo từ quốc gia có tầm quan trọng về mặt chiến lược với Mỹ và hợp lý về mặt thời gian.

Trong khi đó, Đại sứ Anh tại Mỹ Christopher Meyer nói với hãng CNN: “Nó không giống như việc tuân theo trình tự hợp lý và sẽ không giúp ích gì cho vị tỷ phú. Tôi chưa hiểu điều gì sẽ xảy ra. Đây là luật mà các tân tổng thống cần nắm rõ khi bắt đầu cuộc chơi”.

Trước những điều khác thường trong chiến dịch tranh cử của vị tỷ phú và nay là những động thái đầu tiên khi đắc cử, ông Meyer cho rằng giới quan sát không cần quá ngạc nhiên bởi Trump thường lắm chiêu trò và hay đi ngược lại dư luận số đông. “Chiến dịch tranh cử của ông ấy đã phá bỏ mọi quy tắc. Câu hỏi lớn nhất là Trump sẽ làm gì tiếp theo trong phòng Bầu Dục”.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã không ít lần bất chấp các quy ước và chuẩn mực chính trị. Chiến thuật này mang tới cho ông thành công ngoài mong đợi và góp công lớn trên con đường vào Nhà Trắng của ông. Giờ đây, trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông D.Trump dường như đang định áp dụng phong cách này vào các chính sách ngoại giao của mình, gây ra những “cơn bão” trên chính trường thế giới.

Tờ Daily Express bình luận, ngay sau khi đắc cử tổng thống, cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đánh dấu một “kỷ nguyên mới” trong quan hệ Mỹ-Nga và gây ra hoang mang trong giới lãnh đạo EU. Tờ báo tiết lộ, D.Trump nói sẽ “đích thân theo dõi để hai siêu cường trước đây kình địch với nhau có thể đi đến sự hợp tác mang tính xây dựng”.

Trong cuộc đàm thoại, ông Trump cũng cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với nhà lãnh đạo Nga trong các vấn đề quốc tế, qua đó biểu thị sự ấm lên trong quan hệ giữa Moscow và Washington. Xét theo mọi chuyện, cuộc điện đàm này đầy không khí hữu nghị và mang tính hòa giải, chứng tỏ rằng Nga cuối cùng đã ra khỏi bóng tối và hiện nay chiếm vị trí hàng đầu trên trường quốc tế - bài báo nhận xét. Sự phát triển tình hình như vậy không thể không khiến cho Brussels lo ngại rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ đẩy nền chính trị châu Âu ra vị trí thứ yếu.

Các nhà lãnh đạo EU hiểu rằng, việc tăng cường các mối quan hệ giữa Moscow và Washington không báo trước điều gì tốt đẹp cho những người ủng hộ đường lối chống Nga hay nói như Leslie Vinjamuri, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học London, khi “cựu ngôi sao truyền hình ưu tiên liên lạc với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây ra nỗi lo lắng cho các đồng minh châu Âu của Mỹ".

Hôm 30-11, ông Trump gọi điện cho Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif - cuộc điện đàm theo đánh giá của New York Times là “có thể phá vỡ thế cân bằng mong manh trong mối quan hệ Ấn Độ - Pakistan” mà Mỹ lâu nay cố gắng duy trì. Trong ngày đầu tiên của tháng 12, ông Trump thông báo đã điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và gửi lời mời ông này tới thăm Nhà Trắng trong thời gian tới.

Đây rõ ràng là thông tin khiến không ít người ngạc nhiên bởi trước đó, ông Duterte từng có phát ngôn chỉ trích Washington và thậm chí còn dọa sẽ “chia tay” với Mỹ trong chuyến công du tới Trung Quốc tháng 10 vừa qua. Tiếp nối bất ngờ và dường như bất chấp việc Mỹ công nhận CHND Trung Hoa là đại diện duy nhất của toàn bộ Trung Quốc và các vùng lãnh thổ từ năm 1979 đến nay theo chính sách “Một Trung Quốc”, Tổng thống D. Trump vào ngày 2-12 đã nói chuyện trong 10 phút với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Những người thân cận của ông Trump cho biết, hai bên đã khẳng định “mối quan hệ an ninh, chính trị và kinh tế giữa Mỹ và Đài Loan”.

Chia sẻ trên Twitter về lần liên lạc đầu tiên giữa một Tổng thống Mỹ với lãnh đạo Đài Loan kể từ năm 1979, ông Trump cho biết, bà Thái Anh Văn đã chủ động gọi cho ông để chúc mừng ông đắc cử. Một người phát ngôn của bà Thái Anh Văn khẳng định: “Cả hai bên đã nhất trí trước khi điện đàm”.

Ngay sau biết tin này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng: Trung Quốc hy vọng mối quan hệ với Mỹ “sẽ không bị ảnh hưởng hay bị phá hủy” sau cuộc điện đàm và chỉ trích cuộc điện đàm chỉ là "chiêu trò nhỏ" của Đài Loan, nó sẽ không làm thay đổi chính sách lâu nay của Mỹ với Trung Quốc. Ngày 3-12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trao công hàm "kiên quyết phản đối phía Mỹ có liên quan", kêu gọi Mỹ “xử lý một cách thận trọng vấn đề Đài Loan để tránh những rắc rối không cần thiết trong các mối quan hệ”.

Reuters dẫn lời người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, các quan chức cấp cao của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã 2 lần trao đổi với các quan chức ngoại giao Trung Quốc vào cuối tuần trước để trấn an Bắc Kinh rằng, Washington tôn trọng chính sách quan hệ với Trung Quốc, đồng thời “khẳng định và làm rõ cam kết nhất quán của Mỹ trong chính sách lâu dài với Trung Quốc”.

Ông Trump gọi điện thoại trên chiếc chuyên cơ sang trọng của mình.

Theo ông Earnest, chính sách quan hệ với Trung Quốc đã được Mỹ áp dụng từ 40 năm nay, trong đó đặt trọng tâm vào việc thúc đẩy cũng như duy trì hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan, vốn cũng nằm trong lợi ích của Mỹ. Thật rõ phiền khi “động đến” những lợi ích của siêu cường Trung Quốc.

Kể từ thời Tổng thống Rutherford B.Hayes, những cuộc gọi từ Nhà Trắng đều được lên kế hoạch tỉ mỉ và rất ít khi để xảy ra chuyện ngoài ý muốn. Cụ thể như khi Tổng thống Obama gọi điện cho các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trợ thủ sẽ cung cấp cho ông một hồ sơ của Hội đồng An ninh quốc gia trong đó bao gồm toàn bộ những thông tin liên quan đến người mà ông sẽ gọi điện, từ tính cách, sức khỏe đến con cái, vợ chồng của họ, thậm chí cả những tình tiết rất nhỏ như người đó có thích nói đùa hay không cũng được liệt kê đầy đủ.

Ngay sau khi cuộc điện đàm kết thúc, giới chức của 2 quốc gia sẽ tiến hành xây dựng một bản tóm tắt ngắn để gửi cho truyền thông. Còn đối với cuộc gọi của ông Trump với lãnh đạo Đài Loan, một quan chức Nhà Trắng cho biết, Nhà Trắng không biết có cuộc gọi này cho đến khi “việc đã rồi”. Còn trong trường hợp cuộc nói chuyện với Thủ tướng Pakistan, ông này đã mời Trump đến thăm Pakistan, một lời mời có thể làm phật lòng Ấn Độ.

Hình như Tổng thống đắc cử Trump đang tạo cảm giác cho mọi người thấy rằng, ông từ khi là một nhà kinh doanh đã “muốn nói gì thì nói” thì cho đến nay vẫn... như cũ. Đối với cựu Tổng thống George W. Bush, cuộc điện đàm khó khăn nhất của ông có lẽ là với ông Hồ Cẩm Đào, cựu lãnh đạo Trung Quốc. “Thật không thể tin được. Hầu hết chúng đều kéo dài hơn một tiếng”, cựu quan chức Nhà Trắng cho biết. “Mọi cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc đều phải bắt đầu bằng một lời khẳng định chính sách của Mỹ đến Trung Quốc”.

Còn về phần ông Obama, những cuộc điện đàm của ông Obama với Tổng thống  Nga Vladimir Putin thường rất “mệt mỏi” và đã có lần cuộc nói chuyện kéo dài đến 90 phút. Cuộc điện đàm lâu nhất của ông Obama với một lãnh đạo khác trên thế giới lần ấy xoay quanh nỗ lực thuyết phục ông Putin đưa quân đội ra khỏi bán đảo Crime.

Mỗi cú điện đàm của tổng thống là sự kết hợp tinh tế giữa tiến bộ công nghệ với sự nghiên cứu tỉ mỉ, kỹ năng đàm phán và tài năng nắm bắt tâm lý con người của chính khách. Khi Tổng thống Mỹ gọi điện, dù là cuộc trò chuyện nhỏ, họ không bao giờ phó mặc sự tình cho số phận.

Còn với Tổng thống đắc cử Trump, ông có “phó mặc sự tình” hay không khi có những cuộc điện đàm khiến cho nguyên thủ các quốc gia đồng minh và “đối tác” nhấp nhổm không yên? Ông có nghệ thuật của ông, ít ra là phải gây xáo trộn chứ không đi theo truyền thống đều đều và tẻ nhạt. Ông cứ tiếp tục... phát ngôn thoải mái và báo giới cứ mặc sức từ chuyện bé “xé ra to”!

M.Q. (tổng hợp)
.
.