Dư luận phê phán cách hành xử đối với ông Gaddafi

Thứ Hai, 07/11/2011, 17:15

Kết cục bi thảm của lãnh tụ chế độ Jamahiriya Libya - Muammar Gaddafi được loan tải nhanh chóng và rộng rãi trên Internet đã và đang gây những cảm xúc và phản ứng khác nhau.

Ngay tại Libya, trong hàng ngũ lực lượng đã lật đổ Gaddafi cũng có những quan điểm trái chiều về việc Gaddafi bị giết sau khi đã bị bắt.

Theo alarabiya.net ngày 21/10: Chủ tịch Hội đồng Chuyển tiếp (NTC) - ông Mustafa Abdu al-Jaleel nói "Lấy làm tiếc về cách mà Gaddafi bị giết". Chủ tịch NTC coi tinh thần hòa giải, xóa bỏ hận thù là phương sách duy nhất để hàn gắn vết thương nội chiến hằn sâu trong xã hội, bước sang giai đoạn xây dựng một nước Libya mới.

Tổng thống hugo Chavez: "Suốt đời này chúng tôi sẽ mãi tưởng nhớ Gaddafi như là một chiến binh, một nhà cách mạng và liệt sĩ vĩ đại".

Theo aljazeera.net (kênh truyền thông vệ tinh quốc tế Arập có trụ sở tại Doha của Qatar) ngày 21/10, Cao ủy về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã đề nghị tổ chức một cuộc điều tra quốc tế về quá trình Gaddafi bị bắt giữ và giết chết. Tổ chức Ân xá quốc tế và Tầm nhìn thế giới hoạt động bảo vệ nhân quyền cũng phê phán gay gắt cách xử lý đối với Gaddafi sau khi ông này bị bắt. Có người còn đề nghị điều tra xem quá trình bắt và giết Gaddafi có thể bị coi là "tội ác chiến tranh" hay không? Trước áp lực của các tổ chức nhân quyền phương Tây, Chủ tịch NTC - Abdu al-Jaleel đã ra lệnh thành lập một tiểu ban điều tra về việc này.

Mâu thuẫn giữa lực lượng làm chủ trên thực địa thành phố Misrata với Ban lãnh đạo NTC về cách hành xử đối với vụ Gaddafi bị giết là một trong những dẫn chứng rõ ràng cho tình trạng rất khó thống nhất quyền lãnh đạo tại Libya hiện nay. Đây là một thực tế nan giải cho Libya trong giai đoạn chuyển tiếp, trước mắt là làm thế nào thành lập được một chính phủ lâm thời trong khi NTC chỉ có vai trò đại diện đối với quốc tế, còn tại thực địa thì cơ chế này hầu như không điều khiển được ai!

Một thực tế nữa là tình trạng trả thù tràn lan khó ngăn chặn được, vì tập quán tự xử theo luật tục "trừng phạt tương tự" (tiếng Arập gọi là "al-Qesas") được Hồi giáo cho phép. Theo luật tục này, (vẫn được áp dụng phố biến trong xã hội, nhất là ở các khu vực do chế độ bộ tộc ngự trị như tại Libya), bên bị hại có quyền mặc nhiên "trừng phạt tương tự" đối với kẻ đã làm hại mình!

Trần Thanh (Tổng hợp)
.
.