Đức: SPD nắm số phận bà Merkel

Thứ Năm, 18/01/2018, 10:13
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thoát hiểm thành công khi đạt được thỏa thuận liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Xã hội (SPD) hôm 12-1 vừa qua. Tuy nhiên, tương lai số phận của bà lại nằm trong tay đảng SPD khi đảng này họp vào ngày 21-1 tới để quyết định có đồng ý với thỏa thuận hay không.

Bên cạnh đó, bà Merkel cũng đối mặt với nguy cơ đánh mất thêm sự ủng hộ của các đồng minh do những nhượng bộ của bà trong thỏa thuận này.

Là chính khách nổi bật nhất châu Âu suốt 12 năm qua, ảnh hưởng của bà Merkel đang yếu dần đi do bà đang phải trả giá cho quyết định mở cửa biên giới đón 1 triệu người nhập cư vào năm 2015. Động thái đó đã làm cho đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà mất đi một lượng cử tri đáng kể, châm ngòi cho sự vươn lên ngoạn mục của thành phần cực hữu.

Sau thất bại của đàm phán liên minh 3 đảng vào tháng 11-2017, CDU của bà và đồng minh Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) đành quay sang nối lại đàm phán “đại liên minh” với SPD thêm nhiệm kỳ thứ tư.

Để có được sự đồng thuận của lãnh đạo SPD, bà Merkel đã phải nhượng bộ một số điều kiện, như chấp nhận yêu cầu của SPD áp dụng mức đóng phí bảo hiểm y tế bằng nhau giữa chủ doanh nghiệp và nhân viên; đồng thời bà cũng đồng ý đầu tư 5,95 tỉ euro (7,2 tỉ USD) cho giáo dục, nghiên cứu và số hóa từ nay đến năm 2021, mở rộng quyền chăm sóc trẻ em và lời hứa tăng cường sự gắn kết trong EU và nước Đức gia tăng đóng góp cho ngân sách EU.

Trong văn bản thỏa thuận dài 28 trang do bà Merkel đề xuất, nước Pháp được nhắc đến nhiều lần khi đề cập vấn đề canh tân EU, làm cho khối này gắn kết chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Muốn vậy, phải có được hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa hai nước đầu tàu là Pháp và Đức.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh việc thỏa thuận liên minh ở Đức đề cập nhiều đến vấn đề canh tân EU. Ông nói: “Sự canh tân EU sẽ chỉ thành công khi Đức và Pháp cùng hợp tác với tất cả sức mạnh của mình để hướng đến mục tiêu đó”.

Giới phân tích cho rằng, thỏa thuận “đại liên minh” lần thứ tư này là một sự thỏa hiệp trong đó cả hai bên đều nhượng bộ chút ít các điều kiện của mình để hai bên có thể gặp nhau. Bên cạnh những nhượng bộ của bà Merkel, ở phía ngược lại, các lãnh đạo đảng SPD cũng chấp nhận nhún nhường một chút.

Văn bản thỏa thuận đưa ra mức giới hạn số lượng người đoàn tụ gia đình di cư ở mức 1.000 trường hợp mỗi tháng, và tổng số người di cư giới hạn trong mức từ 180.000 đến 220.000 người. Đây đã là một thành công của đảng CSU trong nỗ lực hạn chế số người đoàn tụ gia đình người di cư. Lãnh đạo hai đảng CDU và SPD cũng đồng ý giảm mức thu “siêu thuế” khoảng 10 tỉ euro đến năm 2021.

Bà Angela Merkel và lãnh đạo đảng SPD Martin Schulz (bên phải) tại cuộc họp báo chung ngày 12-1.

Trước mắt, số phận của bà Merkel nằm trong tay đảng SPD khi đảng này nhóm họp vào ngày 21-1 để quyết định đồng ý hay không đối với thỏa thuận vừa đạt được và tiếp tục đàm phán ở giai đoạn tiếp theo. Tại cuộc họp đó, các lãnh đạo SPD sẽ ra sức thuyết phục các thành viên bảo thủ của đảng ủng hộ thỏa thuận để tái lập “đại liên minh” cầm quyền. Đây là phương án cuối cùng có thể cứu vãn thế cầm quyền của bà Merkel.

Bà Merkel cần sự thành công của thỏa thuận nhằm tránh hao mòn thêm quyền lực của bà, vốn đã bắt đầu sa sút từ cuộc bầu cử hồi tháng 9-2017, với việc đảng CDU giảm tỉ lệ thắng phiếu, cũng như sự suy giảm ảnh hưởng của nước Đức không chỉ trong Liên minh châu Âu (EU).

Một cuộc thăm dò ý kiến do Hãng Infratest Dimap thực hiện công bố hồi đầu tháng 1-2018 cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho cá nhân bà Merkel giảm mất 2 điểm phần trăm so với tháng trước, còn 52%.

Vẫn còn nhiều ý kiến bi quan về khả năng thành công của thỏa thuận. Trước hết, đó là khả năng thuyết phục các thành viên đảng SPD. Đối với mức đầu tư cho giáo dục, khoa học và công nghệ, nhiều thành viên đảng SPD cho rằng con số đưa ra chỉ là một phần nhỏ trong tổng mức đầu tư 45 tỉ euro mà Chính phủ Đức sẽ phải dành ra trong 4 năm tới, và thỏa thuận đã không đề cập nhiều đến các vấn đề công lý xã hội.

Michael Mueller, một lãnh đạo cấp tiến của chi nhánh SPD tại Berlin, cho rằng các cam kết về nhà ở hợp túi tiền người bình dân cũng không đầy đủ. Ông này nói, “chi phí sinh hoạt không nên quá xa xỉ”. Nếu các thành viên SPD không tán thành thỏa thuận, có lẽ bà Merkel sẽ phải chấp nhận phương án thành lập chính phủ thiểu số và phải đối mặt với vô vàn khó khăn trong điều hành đất nước.

Cho dù các thành viên đảng SPD đồng ý với thỏa thuận, thì giai đoạn tiếp theo là đàm phán thành lập chính phủ cũng có khả năng thất bại. Bản thân bà Merkel cũng thừa nhận, thỏa thuận đạt được chỉ mới là bước đầu, phần việc khó khăn hơn đang nằm ở phía trước và chỉ chấm dứt khi một liên minh đầy đủ được hình thành. Giới chuyên gia đánh giá, đàm phán thành lập liên minh chính phủ chắc chắn không dễ dàng hơn đàm phán sơ bộ.

Chuyên gia tư vấn chính trị Mujtaba Rahman cho rằng, tỉ lệ thất bại của vòng đàm phán tiếp theo sẽ là 35%, từ đó dẫn đến bầu cử lại hoặc bà Merkel chấp nhận thành lập chính phủ thiểu số. Ngoài chuyện tăng mức đóng góp ngân sách của nước Đức và cải tổ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) thành Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), thỏa thuận hầu như không đề cập cụ thể về châu Âu.

Ngay như chuyện tăng mức đóng góp ngân sách của nước Đức cũng không làm hài lòng các thành viên bảo thủ trong đảng CDU của bà Merkel. Chỉ có một điều khiến cho những người bảo thủ hài lòng, đó là thỏa thuận đã không đưa vào yêu cầu của lãnh đạo SPD Martin Schulz thành lập “Liên bang châu Âu” vào năm 2025.

An Châu (tổng hợp)
.
.