Đừng xem thường “anh hề” Boris Johnson
- Hậu Brexits: Anh sẽ bỏ phiếu lần thứ hai?
- “Hậu” Brexit, thị trường tài chính tiếp tục biến động
- Nguy cơ khủng hoảng chính trị nước Anh thời hậu Brexit
- Brexit: Nỗi sợ hãi của công chúng và toan tính riêng của chính trị gia
Sau thông báo của Thủ tướng đương nhiệm David Cameron rằng, ông sẽ rời khỏi chức vụ vào tháng 10 năm nay, ngay lập tức, một cuộc chạy đua tìm kiếm kiếm tân thủ tướng bắt đầu.
Boris Johnson chào đời ở thành phố New York nước Mỹ, cha mẹ ông đều là người Anh cho nên được mang 2 quốc tịch Anh và Mỹ. Người đàn ông có vóc dáng quá khổ và mái tóc vàng bù xù này được báo chí và người dân Anh mô tả là chính khách có dáng vẻ hài hước chứ không nghiêm trang, lịch lãm như thường thấy.
Boris Johnson tại cuộc họp báo ở London hôm 24-6 vừa qua. |
Thậm chí, nhiều người dân Anh còn nhận định: Boris Johnson có nét tương đồng với Donald Trump, ứng cử viên Tổng thống Mỹ gây ồn ào nhất hiện nay. Bên bờ sông Thames ở London có một dịch vụ độc đáo cùng chia sẻ xe đạp và tự phục vụ được đặt theo tên ông - “Boris bikes” - bởi vì ông là người thích đi lại bằng xe đạp.
Boris Johnson từng là nhà báo nổi tiếng với những câu chuyện được viết từ thủ đô Brussels của Bỉ trong 2 thập niên 1980 và 1990. Lúc đó, Johnson làm việc cho tờ Times of London, đồng thời cộng tác với tờ The Telegraph. Trong 3 tháng tới, đảng Bảo thủ sẽ chọn ra 2 ứng cử viên và lúc đó các thành viên sẽ quyết định ai là người lãnh đạo kế tiếp của đảng cũng như lãnh đạo đất nước.
Được xem là người dẫn đầu chiến dịch Brexit vì vậy, việc đa số cử tri Anh cuối cùng chọn kịch bản chia tay EU càng làm cho Boris Johnson nhận thêm được nhiều sự ủng hộ và trở thành ứng viên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng Anh trong tương lai. Lập trường ủng hộ Brexit ngay từ đầu của ông Johnson hiện giúp ông ghi điểm mạnh mẽ trong bất cứ cuộc cạnh tranh nào.
Trang bìa tờ báo Pháp đăng ảnh Liberation Boris Johnson đu người trên dây cáp ở Đông London. |
Tối ngày 22-6, một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, Boris Johnson chính là một trong số 80 nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ chủ trương Brexit đã ra lời kêu gọi ông David Cameron đừng từ nhiệm bất kể kết quả cuộc trưng cầu dân ý ra sao. Johnson nói, ông cảm thấy rất buồn trước quyết định từ chức của David Cameron đồng thời mô tả người bạn thời đại học của mình là “một người can đảm và có nguyên tắc… một trong những chính khách ngoại hạng trong thời đại chúng ta”.
Johnson và Cameron cùng học tại trường nội trú Eton và đại học Oxford ở Anh, mặc dù hai người không cùng quan điểm về vị trí của nước Anh tại châu Âu. Boris Johnson không ngừng đánh cược tương lai chính trị của mình vào cuộc trưng cầu ý dân và ông đã giành thắng lợi. Cả hai đều là thành viên của đảng Bảo thủ, tổ chức chính trị giành chiến thắng tuyệt đối trong Quốc hội Anh hồi năm 2015.
Boris Johnson làm thị trưởng London trong 2 nhiệm kỳ và người kế nhiệm ông hồi tháng 5 vừa qua là Sadiq Khan, thị trưởng người Hồi giáo đầu tiên của thủ đô London nổi tiếng về tính bảo thủ.
Khi Tổng thống Mỹ viếng thăm London hồi tháng 4-2016, tức không lâu trước khi từ nhiệm chức thị trưởng, Boris Johnson đã có dịp làm chính trường Anh dậy sóng vì thái độ không mấy “hữu nghị” dành cho Tổng thống Mỹ, nếu không muốn nói là cố tình xúc phạm. Ông Obama đã thiết tha đề nghị Thủ tướng David Cameron nỗ lực hết mình để Anh ở lại EU đồng thời kêu gọi người Anh bỏ phiếu ủng hộ Anh ở lại liên minh này.
Boris Johnson và David Cameron, năm 2012. |
Boris Johnson nói với các phóng viên báo chí: “Tôi là người rất hâm mộ Barack Obama song rõ ràng là giữa chúng tôi có sự bất đồng quan điểm. Ông Obama là người hay can thiệp vào chuyện nhà người khác”.
Viết một bài báo cho tờ The Sun, Boris Johnson nói: “Hành động của ông ấy là phản dân chủ, và vì tôn trọng nước Mỹ cũng như tôn trọng Tổng thống Obama, tôi tin là Tổng thống Mỹ nên thú nhận rằng đang lôi kéo nước khác. Ý tưởng của Tổng thống Mỹ không rõ ràng, không nhất quán và hiển nhiên là đạo đức giả. Người Mỹ sẽ không bao giờ nghĩ gì đến những chuyện như EU, cho họ hay cho những nước láng giềng ở bắc bán cầu. Tại sao họ lại nghĩ ở lại EU là đúng cho chúng ta?”.
Boris Johnson đưa ra phần kết cho bài báo này bằng quan điểm... kỳ cục: Tổng thống Mỹ không thích nước Anh bởi vì ông ta có tổ tiên ở Kenya!
Thành viên Diane Abbott của đảng Lao động giận dữ cho rằng, nhận xét của Thị trưởng Johnson có tính chất “xúc phạm”, còn nghị sĩ Campell của đảng Dân chủ tự do cho rằng điều này không thể chấp nhận được ở một chính khách. Một phát ngôn viên của cuộc vận động để Anh ở lại Liên minh châu Âu nói: “Đó là những nhận định chối tai và đáng xấu hổ của Boris nhằm vào nguồn gốc Kenya của Tổng thống Obama. Chuyện gốc gác tổ tiên thì có liên quan gì ở đây?”.
Stephen Wall, cựu đại diện thường trực của Anh tại EU, cũng là người vận động cho việc Anh ở lại EU, nói: “Nhận xét của Boris Johnson rằng động cơ của Tổng thống Mỹ phát xuất từ nguồn gốc dân tộc là không chấp nhận được. Cách phát ngôn như vậy chỉ làm xấu đi hình ảnh của nước Anh trên thế giới hoặc vị thế mà nước Anh đang hướng tới”.
Boris Johnson là người giàu có song lại khá hấp dẫn đối với những cử tri thuộc tầng lớp lao động trong nước Anh. Mark Lenaghan, công nhân ngành xây dựng ở trung tâm London, cho biết: “Boris Johnson thường làm cho chúng tôi cười. Ông ta thật sự là người có khiếu hài hước, giống như một anh hề”. Nhưng là một anh hề biết sử dụng đầu óc khôi hài để quảng bá cho London – điều mà Lenaghan rất mến mộ.
Boris Johnson và vợ tại một điểm bỏ phiếu ở phía bắc London ngày 23-6. |
Trong sự kiện thể thao Thế vận hội London 2012, Johnson đội mũ bảo hộ lao động treo mình lủng lẳng trên dây cáp ở Đông London và hai tay cầm lá cờ Anh vẫy chào những người dân bên dưới. Thị trưởng cười trước những ống kính và bông đùa: “Hãy đưa cho tôi cái thang!” Vì những trò chọc cười như thế mà Johnson được coi là nhân vật cực kỳ bình dân ở London.
Tếu táo là vậy nhưng trong vấn đề vận động Brexit, Boris Johnson có quan điểm rất rạch ròi. Giữa tháng 5 vừa rồi, khi mới rời khỏi tòa thị chính London, trong phần trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph, định chế EU được Johnson đem ra so sánh với đế chế quốc xã chuyên quyền. Theo ông Johnson, từ năm 2000, lịch sử châu Âu liên tục ghi nhận những nỗ lực lặp đi lặp lại để quy tụ các nước trong cựu lục địa dưới một chính phủ duy nhất không khác gì đế chế La Mã cổ xưa.
Ông Johnson tuyên bố: “Napoleon, Hitler và nhiều người khác từng cố gắng làm điều này và đều kết thúc một cách bi thảm. EU đang thực hiện một nỗ lực tương tự với các phương pháp khác nhau nhưng tôi tin rằng đó là điều không tưởng”.
Ông Johnson còn cho rằng: “Vấn đề muôn thuở ở đây về cơ bản là không có lòng trung thành thực sự cho một châu Âu. Người ta không nhận thấy được sự tồn tại chính quyền đơn nhất nào. Đây là nguyên nhân dẫn đến lỗ hổng lớn trong nền dân chủ”.
Có lẽ trong những ngày này, Thủ tướng David Cameron đang không ngừng trách cứ bản thân là tại sao trong quyền hạn và tầm ảnh hưởng của mình, ông lại để cho một cuộc trưng cầu dân ý đầy chia rẽ diễn ra. Cái “kết quả thảm họa” của nó đã bôi một vết đen to tướng lên sự nghiệp và danh tiếng của ông, khó có thể gột rửa. Những đồng sự và bạn bè của ông cho biết, David Cameron đã hứng chịu một một cú knock-out chí mạng chỉ chưa đầy một năm sau khi ông giành chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử, khi đó ông hạ gục một cách ngoạn mục những thế lực, phe nhóm luôn cao giọng chỉ trích mình cũng như các cuộc thăm dò ý kiến đại chúng.
Một người bạn thân của ông Cameron cho biết: “Tôi rất buồn cho ông ấy vì đây là một kết quả khủng khiếp. Tôi đã khuyên ông ấy trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý và hãy để nó diễn ra vào tháng 12-2017 bởi khi đó là một cuộc chiến cả hai bên không phân thắng bại, và nếu có phải ra đi thì ông ấy vẫn có thể ngẩng cao đầu”.
Các đồng minh của ông Cameron thừa nhận, cuộc trưng cầu dân ý là một sai lầm và họ đã phán đoán sai tâm trạng của người dân Anh cũng như thất bại trong việc tìm hiểu làm thế nào để chống lại những cử tri lớn tuổi - những người đưa họ vào phố Downing nhưng lại mong muốn nước Anh rời EU.
Ông Cameron đã bị “đánh” bởi người bạn cũ Boris Johnson. Thật ra đối với ông Cameron thì Johnson chưa bao giờ được tin tưởng, đòn đau nhất cho ông Cameron nằm ở sự phản bội trong những tuần qua của Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove và Steve Hilton – người được xem là cha đỡ đầu của cậu con trai đã mất của Thủ tướng Cameron và từng là cố vấn thân cận nhất của ông. Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove hiện là chính trị gia nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các thành viên trong đảng Bảo thủ Anh.
Theo một cuộc điều tra được thực hiện trên trang web của đảng Bảo thủ, 31% số thành viên trong đảng muốn ông Gove sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Cameron. Cùng với cựu Thị trưởng London Boris Johnson, ông Gove là một trong những người dẫn đầu phong trào Brexit.
Ông Gove từng nói rằng, EU chỉ ngày càng làm cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và an ninh của Anh suy yếu. Nếu tiếp tục là thành viên EU, Anh có lúc sẽ không thực thi được luật pháp của mình mà phải phục tùng quy định của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).
Ngoài ra, ông Gove còn cho rằng rời EU sẽ giúp Anh nắm toàn quyền quyết định đối với nền kinh tế. Những quan điểm này của ông đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của nhiều người Anh ủng hộ Brexit.
Boris Johnson phát biểu về tương lai lãnh đạo nước Anh: “Các cơ hội giúp tôi trở thành thủ tướng cũng giống như các cơ hội tìm thấy ca sĩ Elvis trên sao Hỏa”. Nhưng nhiều người vẫn tin đây là cơ hội cho Johnson ngồi vào chiếc ghế thủ tướng. Có lẽ, trong vài tháng sắp tới, Johnson sẽ tiếp tục chiến thắng trong cuộc đua thay thế người bạn học ngày xưa của mình.