EU quyết ngăn “virus Catalonia”
- Xứ Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha
- Catalonia "bối rối" trước ly khai vì hàng loạt tập đoàn lớn ... rút dần
- Vén bức màn “đòi rũ áo ra đi” của xứ Catalonia
Cuộc trưng cầu ý dân trái với Hiến pháp Tây Ban Nha được tổ chức vào ngày 1-10 vừa qua đang khiến dư luận tìm hiểu xem làm thế nào mà các phong trào đòi độc lập có thể lây lan nhanh như virus ở châu Âu.
Virus Catalonia ở "lục địa già"
Xét trên phương diện pháp lý, đây là cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp, căn cứ vào 2 điểm sau. Thứ nhất, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy, còn chính quyền vùng không có thẩm quyền trong việc này. Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật của Liên minh châu Âu (EU), không hề có điều khoản nào hỗ trợ về mặt pháp lý cho một cuộc trưng cầu ý dân như ở Catalonia.
Trang mạng của hãng tin CNBC dẫn lời cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta nói: “Cuộc khủng hoảng ở Catalonia có thể nhanh chóng phát tán bất ổn như một dịch bệnh ra toàn châu Âu. Chúng ta đã và đang dần thoát khỏi những vấn đề chính trị nghiêm trọng ở châu Âu và giờ những rủi ro từ vấn đề Catalonia lại đang đem tới một loại virus và những bất ổn mới”.
Cảnh sát Tây Ban Nha gác tại Barcelona, kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp tại Catalonia. Ảnh: AP. |
Le Figaro đã lập một danh sách các phong trào có quy mô lớn, đã có một quá trình lâu dài đòi quyền tự trị hoặc độc lập hoàn toàn. Trước hết là vùng Catalonia (Tây Ban Nha). Vùng tự trị thuộc Tây Ban Nha này dường như đã đạt đến đỉnh cao xung đột từ vài năm nay. Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã đào sâu thêm khoảng cách giữa hai miền Bắc và Nam của đất nước, làm dấy lên mong muốn giành độc lập kinh tế trong một bộ phận của người dân vùng Catalonia, vốn là một trong những khu vực giàu nhất nước.
Ý định đầu tiên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về quyền độc lập đã bị thất bại trong năm 2014 khi phải đối mặt với sự ngăn cản quyết liệt về mặt pháp lý của chính quyền trung ương Madrid.
Lịch sử gần đây của Xứ Basque (Tây Ban Nha) được đánh dấu bởi các hành động của Tổ chức ly khai Xứ Basque (ETA). Tổ chức này, ra đời năm 1959, đang đấu tranh vì sự độc lập của vùng Navarre và Basque. Sau nhiều cuộc tấn công làm hàng trăm người chết, tổ chức này đã từ bỏ chiến tranh vũ trang vào năm 2011. Tuy nhiên, vấn đề đòi độc lập của Xứ Basque không biến mất hoàn toàn mà phần nào đó vẫn liên quan đến Catalonia.
Năm 2015, các nhà đấu tranh vì độc lập đã thông qua ý tưởng tổ chức tham vấn riêng cho vùng. 2 năm sau, khi cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia được lên kế hoạch, Thủ hiến Xứ Basque đã liên lạc với chính quyền trung ương Madrid đề nghị công nhận các dân tộc Catalonia và Basque. Điều này khiến dư luận hiểu rằng vấn đề đòi độc lập của Catalonia thực sự là một bài toán hiến pháp khó giải đối với Madrid.
Tại Scotland (Khối liên hiệp Anh), sau khi đảng Quốc gia Scotland (Scottish National Party - SNP) thắng áp đảo tại cuộc bầu cử Nghị viện Edinburgh năm 2011, ý tưởng trưng cầu ý dân về độc lập của Scotland đã trở lại. Với sự đồng ý của Thủ tướng Anh khi ấy là David Cameron, cuộc bỏ phiếu đã diễn ra vào tháng 9-2014, nhưng kết quả chưa giành được 50% ý kiến ủng hộ.
Là một phần của Khối liên hiệp Anh kể từ Đạo luật Liên bang được ký kết vào năm 1707, Scotland đã tổ chức 2 cuộc trưng cầu ý dân về việc thành lập quốc hội riêng vào năm 1979 và 1997. Từ tháng 6-2016, việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã làm dấy lại phong trào đòi độc lập của Edinburgh.
Trên thực tế, có đến 62% người dân Scotland phản đối Brexit. Đảng SNP đã thông báo vào tháng 3 vừa qua ý định tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới.
Tại đảo Corse (Pháp), Chủ nghĩa dân tộc Corse đã bước vào giai đoạn mới vào năm 2015, khi các ứng cử viên theo đường lối độc lập giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử khu vực cũng như trong cuộc bầu cử quốc hội mới đây tại 3 trong số 4 khu vực bầu cử trên hòn đảo phía nam nước Pháp này.
Thành tựu này đã hoàn tất quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa quốc gia Corse có một lịch sử lâu dài sang địa thế chính trị mới, kể từ khi Mặt trận giải phóng quốc gia Corse (FLNC) tuyên bố giải giáp vũ khí vào tháng 6-2014. Yêu cầu hiện nay không phải là nền độc lập hoàn toàn mà là sự thừa nhận quyền tự trị của hòn đảo. Một mục tiêu mà cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia có thể đóng vai trò như một hình mẫu. FLNC đã đe dọa sẽ làm theo cách của Catalonia nếu như hòn đảo không có được "quyền tự trị".
Tại "Venexit" (Italy), nếu trong năm 2016, EU đã phải đối mặt với những nguy cơ "Greexit" (Hy Lạp rời khỏi EU) hay hậu quả của "Brexit" (Anh rời khỏi EU), thì giờ đây, ngay tại Italy, sau những biến động chính trị, người ta đang nhắc nhiều đến cụm từ "Venexit". Một lần nữa, hậu tố “exit” đã trở thành trào lưu, gắn với địa danh du lịch nổi tiếng miền Bắc Italy là vùng Veneto - miền Bắc Italy.
Cảnh sát kéo các thành viên biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý. Ảnh: Reuters. |
Ra đời năm 1991, Liên đoàn phương Bắc đang muốn tạo ra một khu tự trị ở Bắc Italy, bao gồm các vùng đất đồng bằng châu thổ sông Po. Gần đây, các tranh chấp nội bộ về phương hướng phát triển đã nảy sinh. Một số nhà lãnh đạo Liên đoàn ủng hộ ý tưởng liên minh kinh tế giữa các tỉnh giàu có miền Bắc, vốn luôn mong được giảm đóng góp tài chính của họ cho các địa phương nghèo ở miền Nam.
Thống đốc các tỉnh Lombardy và Veneto dự kiến sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý kiến tư vấn về quyền tự trị lớn hơn vào ngày 22-10. Theo nhật báo "La Reppublica", ngay sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp tại Italy vừa qua, người dân vùng Veneto đang được một số đảng phái chính trị cánh hữu như Liên đoàn phương Bắc, Tiến lên Italy và Bằng hữu Italy vận động tham gia một cuộc trưng cầu ý dân cấp vùng, để quyết định quyền tự chủ đặc biệt cho vùng.
Tại vùng Flanders (Bỉ), vào năm 2014, đảng dân tộc chủ nghĩa Liên minh mới Flamand (NV-A) của Bart De Wever đã chiến thắng tại hầu hết các tỉnh vùng Flanders trong các cuộc bầu cử châu Âu, liên bang và khu vực. Trong Hạ viện, NV-A là đại diện lớn nhất, với 22% số ghế. Cùng với sự chia tách về ngôn ngữ - tiếng Pháp và tiếng Hà Lan, Bỉ cũng bị chia cắt về mặt kinh tế, vùng Wallonia kém phát triển hơn vùng Flanders.
Đây là một trong những lý do vùng Flanders đòi độc lập vì không muốn tài trợ cho Wallonia, vùng công nghiệp nói tiếng Pháp đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài. Tuy nhiên, nhận thức rõ rằng sự độc lập hoàn toàn không phải là nguyện vọng của phần đông dân chúng vùng Flanders, NV-A mong muốn có được quyền tự trị tối đa cho cả hai cộng đồng Bỉ.
Tại quần đảo Faroe, nằm ở Bắc Đại Tây Dương giữa Iceland, Scotland và Đan Mạch, quần đảo Faroe chỉ bao gồm 50.000 cư dân, đã giành quyền tự trị từ Đan Mạch vào năm 1948. Tuy nhiên, các vấn đề ngoại giao và quốc phòng của quần đảo vẫn phụ thuộc vào Vương quốc Đan Mạch.
Vào tháng 2-2017, quần đảo nhỏ tuyên bố sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào tháng 4-2018 để thông qua một hiến pháp mới sẽ cho phép họ có quyền tự quyết cao hơn. Nền kinh tế của quần đảo phụ thuộc rất nhiều vào đánh bắt hải sản, chiếm 95% lượng xuất khẩu. Ngoài ra quần đảo còn nhận hỗ trợ hằng năm từ Copenhagen, lên đến 650 triệu cua-ron (68 triệu euro). Quần đảo này đang muốn phát triển công nghiệp khai thác dầu mỏ.
Tháng 4-2017, chính quyền Faroe đã tuyên bố mở chiến dịch thăm dò dầu khí mới. Cách đó gần 300 km, quần đảo Shetland đã tìm thấy dầu từ những năm 1970. Nhưng đối với Faroe, việc tìm kiếm vào các năm 2000, 2004 và 2008 vẫn không mang lại kết quả khả quan.
Nhiều người Tây Ban Nha tuần hành phản đối cuộc trưng cầu bất hợp pháp ở Catalonia. Ảnh: RFI. |
Vùng Pyrenees-Orientales của Pháp, được biết đến với tên gọi "Bắc Catalonia", đang dõi theo đầy lo lắng về cuộc khủng hoảng Catalonia xảy ra ở bên kia biên giới. Nằm dưới sự quản lý của Pháp từ thế kỷ 17, nhiều địa phận ở vùng này nằm lọt giữa dãy núi Pyrenees và Địa Trung Hải duy trì mối quan hệ văn hóa gần gũi với Catalonia ở phía nam. Vùng Pyrenees-Orientales, nơi cư trú của khoảng 470.000 người, là một trong những khu vực nghèo đói của Pháp.
Theo ông Pujol, những người muốn ly khai "chỉ là thiểu số" ở vùng Pyrenees-Orientales, song nhiều người lại hết sức thông cảm với người dân vùng Catalonia và sẵn sàng bảo vệ bản sắc của họ mà không muốn rời khỏi Pháp. Trong bối cảnh các thủ lĩnh vùng Catalonia có thể đưa ra tuyên bố độc lập, thượng nghị sĩ Jean-Paul Alduy vùng Pyrenees-Orientales cũng kêu gọi vai trò trung gian của quốc tế trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha. Thượng nghị sĩ này nhận định: "Đây là một vấn đề rất nguy hiểm".
Trong khi đó, đài Sputniknews của Nga có bài viết cho rằng Đức cũng có Catalonia tương tự, đó là Bavaria - khu vực có tiềm năng kinh tế lớn thứ hai của Đức. Ở bang Bavaria, tên chính thức là Nhà nước Bayern Tự do, chính đảng Bavaria không ngừng kêu gọi độc lập cho bang này.
Chủ tịch đảng Bavaria Florian Weber đặc biệt chăm chú theo dõi cuộc trưng cầu dân ý tại Catalonia. Luật Cơ bản của Đức cấm Bavaria rút khỏi Đức. Theo Luật Cơ bản, không có chỗ cho những nguyện vọng ly khai của từng vùng.
EU nói không với ly khai
Những diễn biến xung quanh vấn đề Catalonia đang được xem là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất của Tây Ban Nha kể từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 1981. Tờ Washington Post bình luận: “Sau cuộc trưng cầu ý dân ngày 1-10 ở Catalonia, rạn nứt trong xã hội Tây Ban Nha càng bị khoét sâu”.
Tổng Biên tập Washington Post chi nhánh London William Booth thậm chí còn cho rằng với những gì đang diễn ra trong những ngày qua, có thể thấy được thực tế là chính quyền trung ương và lực lượng đòi độc lập ở Catalonia đang “tiến thẳng tới chỗ đối đầu”.
Theo Washington Post, trong khi cả hai bên ngày càng lún sâu vào mâu thuẫn, cuộc đối đầu này có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng với những hệ lụy nặng nề cho không chỉ Tây Ban Nha mà cả châu Âu.
Trong khi đó, các nước châu Âu cũng đang theo sát cuộc khủng hoảng ở Catalonia. Mathieu von Rohr, Phó Tổng Biên tập tờ Der Spiehel, bình luận: “Ở thời điểm này, EU không nên tìm cách can thiệp vào vấn đề Catalonia. Các nhà lãnh đạo Catalonia cho biết họ muốn duy trì tư cách thành viên EU trong trường hợp tách khỏi Tây Ban Nha, nhưng Brussels đã thẳng thừng bác bỏ. Một Catalonia độc lập sẽ tự động bị loại ra khỏi EU.
Chuyên gia về luật châu Âu Jean-Claude Piris cho biết các nước thành viên EU "sẽ không thừa nhận Catalonia là một quốc gia, bởi khu vực này đang vi phạm Hiến pháp Tây Ban Nha". Các hiệp ước của EU không nêu cụ thể điều gì xảy ra nếu một bộ phận của một quốc gia thành viên ly khai, nhưng kể từ năm 2014, EC đã đưa ra "Học thuyết Prodi", được đặt tên theo cựu Tổng thống Romano Prodi.
Học thuyết này nêu rõ một khu vực tách khỏi một quốc gia thành viên EU sẽ tự động bị loại khỏi tư cách thành viên EU vào ngày độc lập của mình và sẽ phải tuân theo tiến trình thông thường để tái gia nhập liên minh.
Các nước châu Âu không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Tây Ban Nha nhưng vẫn theo dõi với cái nhìn đầy lo ngại cuộc khủng hoảng có thể tạo thành tiền lệ tai hại làm dấy lên “cơn sốt” ly khai. Chỉ cần một vùng đất nào đó ly khai thành công, lập tức có thể tạo thành hiệu ứng tự xưng độc lập, xé rào ra khỏi EU để tìm lợi ích riêng.
Đáng lo ngại hơn, nếu xu hướng ly khai thắng thế, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và sự thịnh vượng chung của EU. Vì vậy, số phận xứ Catalonia không chỉ là bài toán khó cho xứ sở Bò tót mà còn là mối quan ngại của cả châu Âu trong bối cảnh Lục địa già đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải.