EU rạn nứt vì Hy Lạp

Thứ Bảy, 27/03/2010, 21:20
Cứu hay không cứu và cứu như thế nào? Trường hợp nợ nần của Hy Lạp đã khiến lãnh đạo khối tiền tệ châu Âu (Eurozone) đau đầu suốt vài tháng qua. Cuối cùng thì người ta cũng đã thông qua một bản kế hoạch giải cứu Hy Lạp, nhưng từ đây lại bắt đầu nảy sinh những mâu thuẫn mới liên quan tới việc quản lý kinh tế và chính sách ngân sách của mỗi nước, mà đáng ngại nhất lại là rạn nứt giữa Pháp - Đức, hai trụ cột của EU.

Trong suốt những ngày qua, truyền thông châu Âu luôn thường trực bản tin về mối quan tâm của lãnh đạo EU đến tình trạng nợ công đang đe dọa chính quyền Hy Lạp, một thành viên trong liên minh tiền tệ châu Âu. Nếu bỏ mặc Hy Lạp, châu Âu không những sẽ bị tác động dây chuyền mà còn bị lên án vì thấy chết mà không cứu.

Còn nếu để Hy Lạp cầu viện bên ngoài như IMF hay WB thì cũng không đành vì sợ bị mang tiếng xấu, tổn hại tới hình ảnh và uy tín của khối này. Vậy thì phải cứu! Nhưng cứu bằng cách nào? Rót tiền cho Hy Lạp trả nợ hay dùng cơ chế yêu cầu Athens tiết kiệm mà tự trả nợ lấy?

Chính quyền Hy Lạp đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng từ vài tháng nay rồi, nhưng tình hình chẳng khá gì hơn, thậm chí còn gây xáo trộn trong xã hội do người dân biểu tình khi nồi cơm của họ bị cắt bớt. Thực lòng mà nói tình hình Hy Lạp chưa đến mức nguy kịch vì bản thân chính quyền Athens cũng chưa ngỏ lời nhờ EU ra tay giúp đỡ, nhưng rõ ràng tình hình đang diễn biến theo chiều hướng xấu nên nếu để tới lúc xảy ra chuyện thì mọi can thiệp của EU đều trở nên vô nghĩa. Đây là lý do khối này vừa thông qua một bản kế hoạch giải cứu Hy Lạp hôm 16/3 vừa qua.

Như vậy, Hy Lạp giờ đây có thể dựa vào một kế hoạch hỗ trợ cụ thể của EU nếu tình hình tài chính của họ nghiêm trọng thêm. Các quốc gia khu vực đồng euro đã nhắc lại là kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà chính quyền Athens thực hiện, đủ sức để trấn an các thị trường tài chính. Nhưng với bản kế hoạch này, EU đã dọn sẵn một mâm cỗ và đặt cạnh Hy Lạp, nếu trong trường hợp nước này không kiếm được cái gì để ăn và khi đã gần xỉu đi vì đói thì có thể dùng mâm cỗ kia của EU.

Mặc dù đa phần thành viên của Eurozone đều đồng ý kế hoạch giải cứu trên nhưng cũng có không ít thành viên phản đối và điển hình là Đức, một trụ cột của Eurozone lẫn EU. Ngay từ khi nguy cơ bùng nổ nợ công của Hy Lạp được đưa ra, Berlin đã cực lực phản đối khả năng hỗ trợ tài chính của các nước châu Âu cho Athens. Sự phản đối ấy âu cũng là lẽ thường tình.

Đức là quốc gia gương mẫu nhất EU về quản lý ngân sách. Nên theo nước này, nếu cứu Hy Lạp sẽ tạo ra những tiền lệ đáng sợ và gây bất công cho các thành viên EU khác. Sở dĩ Đức luôn có thặng dư ngân sách là do "tiêu xài đúng mực" thậm chí còn phải tiết kiệm, còn Hy Lạp nợ công nhiều quá vì tiêu xài quá mức trong khi kiếm được lại chẳng là bao.

Cho nên, người dân cũng như lãnh đạo Đức cho rằng, họ không thể xì tiền ra để cứu Hy Lạp được mà nước này phải tự cứu lấy mình, ráng làm ráng chịu. Và đối với người Đức để cứu lấy Hy Lạp thì phải tấn công vào gốc rễ của vấn đề chứ không thể chỉ bơm tiền trả nợ giúp nước này là được. Căn nguyên của sự bùng nổ nợ công ở Hy Lạp là sự quản lý lỏng lẻo ngân sách.

Do vậy, trong suốt những tuần vừa qua, Đức liên tục đề xuất những sáng kiến nhằm thắt chặt việc quản lý ngân sách đối với các thành viên EU như đề nghị thành lập Quỹ Tiền tệ châu Âu để góp phần giúp ngăn cản tái diễn những cuộc khủng hoảng xảy ra đối với những nước châu Âu mắc nợ nặng nề hay sửa đổi Quy chế ổn định và tăng trưởng của khối nhằm đưa ra khả năng trục xuất một thành viên nào đó ra khỏi Eurozone nếu tái phạm nhiều lần. Bà Thủ tướng Merkel cũng cho rằng châu Âu nên đi theo mô hình quản lý kinh tế và ngân sách như của Đức.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde (phải) và đồng nhiệm Đức tại Bruxelles, ngày 15/3/2010.

Nhưng một số nước EU ủng hộ kế hoạch trợ giúp Hy Lạp, trong đó có Pháp, lại cho rằng làm như đề xuất của Đức là quá "nhẫn tâm" và Bộ trưởng Kinh tế của Pháp, bà Christine Lagarde phát biểu trên tờ Financial Times ra ngày 15-3 rằng, mô hình phát triển kinh tế và quản lý ngân sách của Đức chưa chắc đã là một giải pháp lâu dài cho toàn bộ khối Eurozone.

Theo bà Lagarde, kinh tế Đức từ lâu trông cậy nhờ phần nhiều vào xuất khẩu và hạn chế chi phí nhân công để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường quốc tế. Nhưng làm như thế lại không có lợi cho những quốc gia châu Âu khác, Đức nên kích thích hơn nữa tiêu dùng nội địa thông qua chính sách tăng lương cho người lao động hay giảm thuế.

Lời phát biểu trên của bà Bộ trưởng Kinh tế Pháp bị Berlin coi chẳng khác nào là sự lên lớp đối với Đức trong khi bản thân Pháp vẫn làm chưa tốt vai trò của một thành viên chủ chốt trong EU. Cụ thể, nợ công và thâm hụt ngân sách của Pháp đã vượt quá quy định của khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu.

Thâm hụt ngân sách Nhà nước Pháp tiếp tục tăng lên thành 8,2% GDP trong năm nay, rất xa với mức 3% quy định của Hiệp ước Maastricht. Nợ công của Pháp, bao gồm nợ của nhà nước, các quỹ an sinh xã hội, của các chính quyền cấp vùng trong tài khóa 2010 lên tới gần 1.500 tỉ euro, tương đương với hơn 82% GDP thay vì 60% như đòi hỏi của Bruxelles để được tham gia khối đồng tiền chung châu Âu.

Mặt khác, lời trách móc của bà Lagarde đã vượt quá vấn đề chính sách ngân sách của các nước thành viên EU, đi sang một vấn đề khác, đó là quản lý kinh tế. Đây là vấn đề gây tranh cãi từ lâu giữa các thành viên của khối này.

Hiện tại, việc Pháp khơi lại vấn đề này không được lãnh đạo Eurozone quan tâm vì theo ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch khối Eurozone, thì vấn đề cấp bách nhất hiện nay của khối là làm thế nào để giải cứu Hy Lạp, cũng như tìm cách hạn chế những trường hợp tái diễn trong tương lai chứ không phải vấn đề quản lý kinh tế trong khối như đại diện của Pháp nêu ra.

Sự rạn nứt giữa các thành viên EU trong việc cứu giúp Hy Lạp dường như đã khiến Athens "quê độ". Phát biểu trước báo chí hôm 17/3 vừa qua, Thủ tướng Hy Lạp, Georges Papandréou, tuyên bố Athens sẽ không loại trừ khả năng sẽ nhờ đến sự giúp đỡ của IMF, mặc dù ông cũng cho biết Hy Lạp rất muốn chỉ trông cậy vào mỗi EU. Xem ra vấn đề Hy Lạp vẫn sẽ tiếp tục là đề tài gây tranh cãi trên chính trường châu Âu trong thời gian tới

Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.