EU “rắn” trong đàm phán Brexit
Nguyên tắc “bất di bất dịch”
Theo ông Philippe Detheux, cựu Cố vấn ngoại giao của Chính phủ Bỉ, EU xác định rằng, một Brexit không thỏa thuận bằng mọi giá là điều cần tránh. Trong suốt quá trình đàm phán 3 năm qua, cách tiếp cận của EU cho thấy họ hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc đã đưa ra là xử lý mọi vấn đề theo trật tự. Trước tiên, EU xác định giữa họ và nước Anh cần giải quyết các vấn đề của quá khứ như tài chính, quyền công dân hay đường biên giới Ireland, tiếp đó hai bên mới có thể xem xét mối quan hệ thương mại trong tương lai.
Thời gian cho thấy EU đã giữ vững được lập trường của mình trước mọi sóng gió dựa trên các nguyên tắc đã được xác định rõ ràng. Điều này chứng tỏ khả năng thống nhất cao trong nội bộ khối trên các vấn đề cơ bản.
Trước đây, EU đã đưa ra một đề xuất rất cụ đối với nước Anh về biên giới Ireland, tuy nhiên điều này đến nay vẫn bị London bác bỏ. Đề xuất đó là kết quả của một quá trình tính toán kỹ càng trên tinh thần nghiêm túc và sự kiên định vì bản thân EU đã xác định “ranh giới đỏ” là bảo vệ tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất của khối. Giải pháp tránh đường biên giới cứng đã được Anh và EU nhất trí dưới thời Thủ tướng Theresa May nhưng điều này đã bị Quốc hội Anh bác bỏ.
Cách đây vài ngày, Thủ tướng đương nhiệm của nước Anh, ông Boris Jonhson đã đề xuất một thỏa thuận mới để giải quyết vấn đề biên giới Ireland với hy vọng có thể tiến tới một thỏa thuận với EU, điều mà cả hai bên cùng mong muốn. Các quan chức của EU và các nước thành viên tuyên bố sẽ nghiên cứu đề xuất mới của London với một sự tập trung cao độ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Boris Johnson đã chia sẻ những quan ngại về “các điểm mơ hồ” trong kế hoạch này, đặc biệt là chế độ thuế quan mà London đề xuất nhằm tránh các hoạt động kiểm soát ở biên giới giữa Bắc Ireland do Anh quản lý và nước thành viên EU Ireland. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận “những tiến triển tích cực” trong đề xuất của Anh khi nói với Thủ tướng Johnson rằng các nhà đàm phán EU hiện có thể “xem xét văn bản pháp lý một cách tích cực”.
Hai bên hiện chỉ có gần một tháng để tìm ra giải pháp. EU luôn tỏ rõ sự cứng rắn của mình, điều này thể hiện qua việc trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnie nói rằng một Brexit không thỏa thuận “sẽ không bao giờ là lựa chọn của EU, không bao giờ”, đồng thời tuyên bố “chúng tôi sẽ tiếp tục hành động dể đạt được một thỏa thuận”.
Brexit vẫn rất bế tắc. |
Bế tắc trong “mớ bòng bong”
Chưa đầy một tháng cho một thỏa thuận “gỡ nút thắt” Brexit quả thực là rất khó khả thi. Hiện nay, nếu EU có chấp nhận đề nghị của Thủ tướng Anh thì đề nghị này cũng phải được Quốc hội Anh thông qua. Trước mắt, lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã cực lực phản đối, cho là đề nghị của ông Johnson “còn tồi tệ hơn thỏa thuận của bà Theresa May” mà Quốc hội Anh đã bác bỏ đến 3 lần.
Phe dân chủ tự do thì chỉ trích việc thành lập hai biên giới trên đảo Ireland, không tôn trọng thỏa thuận hòa bình 1998 ở Ireland và cũng sẽ gây tác hại đến kinh tế Bắc Ireland. Những người trong đảng Bảo thủ ủng hộ Brexit, đã bỏ phiếu chống bà May, cũng tỏ ra dè dặt tuy hài lòng về việc gạt bỏ điều khoản chốt chặn cuối. Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) của Bắc Ireland trước mắt ủng hộ ông Johnson nhưng cũng tỏ ra thận trọng.
Riêng người dân ở Bắc Ireland, theo phóng sự của thông tín viên RFI Emeline Vin, thì tỏ ra rất lo ngại trước viễn cảnh hai biên giới ở Ireland và vấn đề thuế quan, vừa gây phiền toái, vừa làm giá cả tăng lên. Hơn nữa, tại thành phố nhỏ Newry, cách biên giới không xa, 20% khách hàng đến từ Cộng hòa Ireland. Đó là chưa kể vấn đề an ninh nếu thỏa thuận hòa bình 1998 bị vi phạm.
Vậy điều gì sẽ diễn ra? Brexit - “chứng đau đầu kinh niên” của cả Anh và EU trong 3 năm qua. Brexit có thể lại tiếp tục bị trì hoãn. Anh sẽ rời EU trừ khi nước này yêu cầu một sự gia hạn nữa và toàn bộ 27 nước thành viên còn lại nhất trí chấp nhận điều này. Ông Johnson đã nhiều lần tuyên thệ sẽ không tìm kiếm lần gia hạn thứ ba cho một tiến trình đã bắt đầu khi các cử tri Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit với một tỉ lệ sít sao hồi năm 2016.
Quốc hội đã thông qua đạo luật yêu cầu ông Johnson không được đề xuất sự gia hạn này nếu không có một thỏa thuận mới nào được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo EU vào ngày 17-18 tháng 10 tại Brussels. Ông Johnson đã hứa hẹn sẽ tuân thủ luật và nhấn mạnh rằng Anh sẽ vẫn rời đi vào ngày 31-10. Các phụ tá của ông hiện được cho là đang nỗ lực tìm các biện pháp né tránh đạo luật nói trên một cách hợp pháp để Johnson không bị bội ước.
Thủ tướng Johnson chỉ có thể đáp ứng hạt chót 31-10 nếu ông tìm cách đảm bảo được rằng một thỏa thuận mới có thể giành được sự ủng hộ của quốc hội. Đây là một nhiệm vụ khó khăn - bởi thái độ của các lãnh đạo EU đối với các phiên bản sửa đổi đề xuất Brexit của ông Johnson đều rất “cứng”. Thách thức tiếp theo của ông sẽ là thuyết phục quốc hội thông qua thỏa thuận này, trong bối cảnh quốc hội đã không thể nhất trí về hầu hết các vấn đề trong suốt năm vừa qua.
Ngày 5-9, Thủ tướng Johnson rời khỏi tâm bão chính trị London, để bắt đầu chuyến đi lên phía Bắc nước Anh. Chiều cùng ngày, trên đường đi về thành phố Leeds, ông đã nhận được thông tin em trai mình là Jo Johnson từ chức Bộ trưởng Kinh doanh và tuyên bố không đại diện đảng Bảo thủ tham gia cuộc bầu cử tiếp theo, với lý do ông này cảm thấy mình không thể chịu đựng được áp lực giữa lòng trung thành với gia đình và lợi ích quốc gia; đến trưa, khi trả lời phỏng vấn báo chí, ông Boris Johnson nhấn mạnh rằng: “Thà chết trong cống ngầm chứ không trì hoãn Brexit”.
Vào buổi chiều, khi ông Johnson đang đi trên đường phố của Leeds, một người dân địa phương đã đưa tay phải ra, ông Johnson cũng bắt tay một cách tự nhiên nhưng điều không ngờ tới là người đàn ông này bắt tay và mỉm cười nói với thủ tướng: “Hãy rời khỏi thành phố của tôi”. Ông Johnson rất khó xử, cười rồi trả lời: “Được, tôi sẽ đi ngay đây”.
Cảnh ngộ mà Thủ tướng Johnson gặp phải này có lẽ là lời giải thích đúng nhất cho sóng gió trên chính trường Anh từ đầu tháng 9 đến nay. Cục diện Brexit bế tắc vẫn chưa có hy vọng được giải quyết.