EU tiếp tục chia rẽ vì Brexit
Một số quốc gia thành viên EU thậm chí cho rằng việc “không có thỏa thuận nào” cho giai đoạn sau khi Anh rời khỏi “ngôi nhà chung” còn tốt hơn là một thỏa thuận tồi.
Giới phân tích nhận định rằng một số quốc gia - bao gồm Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha - đã lo ngại rằng Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier có thể quá háo hức đạt được một thỏa thuận với Vương quốc Anh, rằng những người đứng đầu nhà nước và chính phủ các nước EU sẽ phải can thiệp để ngăn chặn một thỏa thuận tồi tệ hơn cho khối so với một kịch bản không có thỏa thuận.
Nhìn chung, quan chức của EU27 (không có Anh) và quan chức trong các tổ chức của EU ở Brussels rất muốn đạt được một thỏa thuận. Nhưng, mối lo ngại ngày càng tăng, đặc biệt là ở 3 quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Anh và việc họ nhấn mạnh rằng EU27 không nên chấp nhận một thỏa thuận với bất kỳ giá nào cho thấy bầu không khí đã hết sức ngột ngạt do tác động từ Dự luật Thị trường nội bộ của Vương quốc Anh, cùng với việc chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson sẵn sàng đơn phương phá bỏ một số điều khoản quan trọng của Thỏa thuận Brexit.
EU sẽ đối mặt với sự chia rẽ mới. |
Theo giới phân tích, EU muốn có một thỏa thuận nhưng không phải là một thỏa thuận tồi. Cho đến nay, nhiều khó khăn vẫn còn tồn tại và Vương quốc Anh chưa hành động đủ trong các vấn đề mấu chốt cơ bản cho phép hai bên có được một thỏa thuận cân bằng về kinh tế, bao gồm nghề cá, quản trị và sân chơi bình đẳng.
Do chủ yếu bận tâm đối phó với vấn đề cấp bách hiện nay là đại dịch COVID-19, các nhà lãnh đạo quốc gia trong khối EU27 tương đối ít chú ý đến Brexit và các cuộc đàm phán giai đoạn cuối với Vương quốc Anh. Do đó, sức ép đối với ông Barnier lúc này lớn hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong 4 năm qua, cùng với rủi ro mất kết nối lớn hơn bao giờ hết ngay cả khi Barnier và nhóm của ông cung cấp đầy đủ các thông tin cập nhật và giao ban liên tục.
Các quan chức và giới phân tích mô tả ông Barnier đang lâm vào tình thế giống như “đi trên dây” giữa việc cố gắng đạt được một thỏa thuận lịch sử với London và việc EU27 không sẵn lòng dịch chuyển "lằn ranh đỏ" của họ về cái gọi là “sân chơi bình đẳng” - đảm bảo rằng Anh không thể phá hoại khối EU sau khi họ đã rời đi.
Với việc ông Barnier sẽ đến tuổi nghỉ hưu bắt buộc theo quy định của EU vào tháng 1-2021, nhiều người lo ngại rằng chính khách kỳ cựu người Pháp này sẽ quyết tâm ghi dấu ấn di sản của riêng mình bằng cách đạt được một thỏa thuận lịch sử với Anh, rằng do ông quyết tâm phải đàm phán đến phút cuối và khó chấp nhận rằng “không thỏa thuận” có thể là một kết quả tốt hơn cho các công dân cũng như doanh nghiệp EU.
Mặc dù hoàn toàn tin tưởng vào ông Barnier nhưng đôi khi một thỏa thuận sẽ được coi là một “thành tựu sự nghiệp” đối với ông Barnier, ông ấy có thể bị cám dỗ để có những thỏa hiệp không phù hợp với mong muốn của một số quốc gia khác trong EU.
Quan chức cấp cao của EU, đồng thời là người thường xuyên được cập nhật về các cuộc đàm phán, đã mô tả các cuộc đàm phán là “ly kỳ”, với kết quả được dự đoán là rất giống cuộc phiêu lưu kéo dài, kịch tính đến phút cuối.
Giới phân tích EU bày tỏ lo ngại rằng sự ra đi của Dominic Cummings, Cố vấn trưởng của Thủ tướng Anh Boris Johnson, dường như không dẫn đến sự nhượng bộ nào từ Trưởng đoàn đàm phán của Vương quốc Anh David Frost. Trong khi đó Brussels cho rằng, những kỳ vọng về một cách tiếp cận hòa giải hơn là không tưởng. Trong bối cảnh bất an ngày càng gia tăng, các quốc gia thành viên ngày càng mất kiên nhẫn hơn, bên cạnh kỳ vọng đạt được một thỏa thuận, có lẽ nên khẩn trương bàn về một kế hoạch đề xuất dự phòng.
Việc không rõ khi nào ông Barnier sẽ thông báo ngắn gọn cho các đại sứ EU chỉ làm tăng thêm sự lo ngại không biết điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn cuối quan trọng của quá trình đàm phán. Hai kịch bản đã được đặt ra, theo đó các nhà đàm phán không thể đạt được một thỏa thuận có thể được thực hiện trước khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc vào ngày 31-12 tới - một kịch bản xấu và một kịch bản xấu hơn.
Theo kịch bản xấu, Brussels và London “không thể đạt được một thỏa thuận vì quá phức tạp để đáp ứng các thời hạn và Anh đã không thể đưa ra lựa chọn trước thời hạn chót và mọi thứ được thực hiện mà không có sự thống nhất”. Trong trường hợp đó, các cuộc đàm phán có thể tiếp tục với các điều kiện thân thiện hơn sau khi hai bên đã viện đến các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong kịch bản xấu hơn, các cuộc đàm phán hiện nay sẽ bị đình trệ và sẽ mất nhiều thời gian để nối lại các cuộc thảo luận. “Nếu không có thỏa thuận nào và tình hình trở nên căng thẳng, mọi việc sẽ phức tạp hơn và sẽ mất nhiều thời gian hơn”.
Hai bên có đạt được thỏa thuận hay không phụ thuộc vào việc bạn đàm phán với ai. Ngay cả khi Barnier và Frost đạt được một thỏa thuận trong những ngày tới thì vẫn cần sự chấp thuận của 27 nhà lãnh đạo EU cũng như sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu. Và nếu một thỏa thuận dường như bẻ cong hoặc phá vỡ "lằn ranh đỏ" mà Hội đồng châu Âu đặt ra trong nhiệm vụ đàm phán ban đầu, viễn cảnh không thể tưởng tượng được là Hội đồng từ chối ủng hộ Barnier.
Các nhà quan sát mong đợi một thỏa thuận vào đầu tuần tới hoặc trong tuần đầu tiên của tháng 12. Tuy nhiên, vẫn có những lo lắng rằng sau thời điểm đó, thời gian biểu phê chuẩn sẽ quá ngắn để thỏa thuận có thể được thực hiện vào ngày 1-1-2021.