Fahmida Mirza nữ Chủ tịch đầu tiên của Pakistan

Thứ Tư, 26/03/2008, 16:00
Ngày 19/3 vừa qua, Quốc hội Pakistan do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cố Thủ tướng Benazir Bhutto, bị ám sát vào tháng 12/2007, và đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan - Nawaz (PML- N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif, chiếm đa số ghế đã bầu bà Fahmida Mirza 51 tuổi làm chủ tịch mới, với 249 phiếu thuận, 70 phiếu chống và 23 phiếu trắng. Đây là lần đầu tiên kể từ 60 năm qua, đất nước Hồi giáo Pakistan có một nữ Chủ tịch Quốc hội.

Bà Fahmida Mirza là thương gia kiêm bác sĩ y khoa, xuất thân trong một gia đình chính khách ở tỉnh Sindh, cùng quê với cố Thủ tướng Benazir Bhutto. Theo Hãng Thông tấn Pháp AFP, chồng bà Mirza là một cựu thành viên Quốc hội và là bạn thân của ông Asif Ali Zardari. Chồng bà Bhutto  hiện là đồng Chủ tịch đảng PPP.

Bà Fahmida Mirza là một nữ chính trị gia có nhiều kinh nghiệm và được tái cử làm Đại biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử hồi tháng 2 vừa qua. Đây là lần thứ 3 liên tiếp bà Fahmida Mirza được người Pakistan tín nhiệm làm người đại biểu của mình.

Phát biểu với báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Mirza cho biết bà lấy làm vinh dự khi được trở thành Chủ tịch Quốc hội Pakistan. Bà nói: “Đây là lần thứ 3, tôi nắm giữ chức vụ trong Quốc hội và tôi tin rằng, thời điểm này là lúc chúng ta làm việc cùng nhau để đối mặt và giải quyết các thách thức của đất nước. Tôi chắc rằng chúng tôi có thể giải quyết được mọi vấn đề khi có sự ủng hộ của Quốc hội, của người dân Pakistan”.

Đây là lần đầu tiên một nữ chính trị gia trở thành Chủ tịch Quốc hội trong suốt 60 qua thành lập Nhà nước Pakistan, một đất nước Hồi giáo với 160 triệu dân. “Bà Fahmida Mirza là một chính trị gia kỳ cựu và đó là sự chọn lựa tốt nhất của chúng tôi. Việc bầu bà Fahmida Mirza làm người đứng đầu cơ quan đại diện của nhân dân cũng là một tín hiệu đáng khích lệ đối với tất cả phụ nữ Pakistan” - Farzana Raja, phát ngôn viên đảng PPP phát biểu với Hãng Thông tấn AFP.

Ông cho biết thêm: “Thông qua việc chỉ định này, đảng PPP muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới toàn bộ người dân Pakistan và cả cộng đồng thế giới rằng chúng tôi thực sự tin tưởng việc tham gia của nữ giới vào đời sống chính trị Pakistan”.

Về phần mình, Chủ tịch Quốc hội sắp mãn nhiệm Chaudhry Amir Hussain cho biết, bà Fahmida Mirza đã dễ dàng giành chiến thắng trước các ứng cử viên khác, trong đó có một ứng cử viên do đảng của Tổng thống Pervez Musharraf giới thiệu. Ông Hussain còn khẳng định: “Với kinh nghiệm của bà ấy, tôi tin chắc rằng bà sẽ là một trong những Chủ tịch Quốc hội xuất sắc nhất”.

Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay của Pakistan là các đảng đa số vẫn chưa quyết định được ai sẽ là thủ tướng. Và việc bà Fahmida Mirza trở thành Chủ tịch Quốc hội cũng là dịp để báo chí Pakistan nhắc lại những vướng mắc bên trong các đảng liên minh chiếm đa số. Quốc hội mới với 342 đại biểu Pakistan đã họp buổi đầu tiên vào ngày 17/2 vừa qua, nhưng vẫn chưa nhất trí được việc chỉ định thủ tướng và chính phủ.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 18/2 vừa qua, người ta đã dự báo có một êkíp chính phủ mới sẽ được thành lập trước tháng 3 này. Cố vấn cao cấp của bà Bhutto, ông Makhdoom Amin Fahim đã được chọn làm thủ tướng mới của Pakistan.

Tuy nhiên, có nguồn tin cho rằng ông này đã bị loại sau khi có tin ông nhiều lần tiếp xúc với Tổng thống Musharraf và có những biểu hiện căng thẳng với ông Asif Ali Zardari thời gian gần đây. Chính những điều này đã trì hoãn việc thành lập chính phủ mới.

Hiện trong nội bộ đảng PPP có nhiều người kêu gọi đưa ông Zardari lên làm thủ tướng, tuy nhiên theo quy định, ông chưa đủ tư cách đảm đương chức vụ này bởi ông chưa phải là thành viên Quốc hội. Một quan chức đảng PPP nói con trai của bà Bhutto, Bilawal Bhutto Zardari, đã từ Anh trở về và sẽ thông báo tên ứng cử viên chức thủ tướng của PPP trong vài ngày tới.

Nhật báo Dawn của Pakistan nhấn mạnh rằng, nếu việc lựa chọn thủ tướng vẫn tiếp tục bị lần lữa vì những mâu thuẫn bên trong đảng PPP, điều đó sẽ làm nguy hại tới tiến trình chuyển giao dân chủ. Theo Dawn, những bất đồng này sẽ tạo điều kiện cho những thế lực chính trị bị các cử tri đào thải hồi tháng 2 vừa qua có cơ hội quay trở lại.

Cuối cùng, nhật báo này nhấn mạnh, đối với những người chống đối đảng PPP thì việc không thể thành lập được một chính phủ là một minh chứng hùng hồn cho thấy sự yếu kém bắt nguồn từ tranh giành quyền lực của đảng chiếm đa số.

Tuy nhiên, những vấn đề này cần phải được giải quyết để chính phủ mới dành toàn tâm và lực cho cuộc chiến chống khủng bố và đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế giúp bình ổn đất nước vốn bị xáo trộn trong suốt hơn một năm qua

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.