Giải trừ vũ khi hạt nhân Nga - Mỹ: Điều gì đang diễn ra?

Thứ Năm, 07/01/2010, 14:25
Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Nga (START 1) đã hết hiệu lực vào ngày 5/12/2009, nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận về một hiệp ước mới, nên tạm thời vẫn coi START 1 còn nguyên giá trị đến khi tìm được văn bản thay thế. Tưởng chừng thỏa ước mới đã được ký nhân dịp ông Obama và ông Medvedev tham dự Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu tại Copenhagen mới đây nhưng mọi chuyện đã đổ bể.

Tuần trước, Tổng thống Nga Dmitri Medvedev tuyên bố Nga sẽ chế tạo một hệ thống tên lửa hạt nhân mới để bảo đảm khả năng làm nhụt chí tấn công của kẻ thù, và cho rằng mặc dù đang chuẩn bị ký hiệp ước giảm bớt vũ khí hạt nhân với Mỹ, nhưng Nga sẽ không ngừng phát triển lực lượng chiến lược, vì nếu không có nó sẽ không thể bảo vệ quốc gia.

Ông Medvedev cũng cho biết sự phát triển và bố trí các loại tên lửa mới sẽ thi hành đúng hiệp ước vũ khí đã ký kết với Mỹ. Tổng thống Nga cũng bày tỏ sự tin tưởng đối với Tổng thống Obama và 2 bên sẽ sớm ký kết một hiệp ước cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của 2 nước.

Sau đó, ngày 29/12, phát biểu khi đến thăm Vladivostok thuộc vùng viễn Đông nước Nga, Thủ tướng Vladimir Putin nói: Các kế hoạch của Mỹ nhằm thiết lập một hệ thống chống tên lửa là chướng ngại chính để đạt tới một thỏa hiệp mới trong việc cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh lạnh.

Theo ông Putin, vấn đề lớn nhất trong những cuộc thảo luận là "những người bạn Mỹ của chúng ta đang xây dựng một lá chắn chống tên lửa trong khi chúng ta không xây dựng một lá chắn như vậy". Ông Putin còn nói, các kế hoạch của Mỹ trên căn bản sẽ phá hoại sự cân bằng quyền lực Chiến tranh lạnh và do đó Nga buộc lòng phải phát triển các vũ khí tấn công mới.

Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama gặp nhau tại Copenhagen tháng 12/2009.

Những lời phát biểu của hai vị nguyên thủ quốc gia Nga cho thấy tính cách nghiêm trọng của các vấn đề đang cản trở những cuộc thảo luận về một hiệp ước thay thế cho START 1 và chứng tỏ sự bất an sâu xa mà Moskva vẫn cảm thấy về các kế hoạch phòng chống tên lửa của Washington.

Hiệp ước START 1, được ký bởi Tổng thống Mỹ khi đó là George W.H.Bush và lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev, mất gần một thập niên để hoàn thành. Trong thập niên vừa qua, quan hệ giữa Moskva và Washington đã trở nên căng thẳng vì cuộc chiến tranh Iraq, sự bành trướng về phía đông của NATO và cuộc chiến tranh Gruzia vào năm 2008, nhưng ông Obama cam kết sẽ cải thiện các quan hệ khi ông trở thành tổng thống.

Vào tháng 9/2009, Tổng thống Obama nói Mỹ sẽ loại một phần các kế hoạch phòng chống tên lửa của Tổng thống George W. Bush, hành động được coi như một cố gắng để xoa dịu những lo sợ của Điện Kremlin rằng hệ thống là mối đe dọa trực tiếp cho Nga.

Thủ tướng Nga Putin tại Vladivostok.

Cắt giảm hàng nghìn vũ khí hạt nhân đã tích lũy trong thời Chiến tranh lạnh là một trọng tâm trong các cố gắng của ông Obama nhằm đổi mới các quan hệ với Nga, quốc gia mà Mỹ đang thúc giục có thêm sự trợ giúp cho AfghanistanIran.

Tuy vậy, các nhà lãnh đạo Nga vẫn lo ngại về các kế hoạch phòng chống tên lửa được xét lại của ông Obama, đặt căn bản trên các phương tiện đánh chặn tên lửa trên biển và đất liền ở châu Âu.

Sự lỗi hẹn cho thấy quyết tâm chính trị ở cả hai bên chưa đủ để đảm bảo các cuộc đàm phán cụ thể để đi đến kết quả như hai bên mong đợi. Cái khó trong bài toán hạt nhân mà cả Mỹ và Nga phải giải quyết là cắt giảm bao nhiêu và kiểm soát, kiểm chứng mức độ cắt giảm đó bằng cơ chế nào.

Nó khó bởi cả hai đều muốn cắt giảm, nhưng vẫn muốn duy trì ưu thế tương đối so với bên kia và vì áp lực ngày càng tăng đòi hỏi làm cho thế giới không còn vũ khí hạt nhân trong khi thật ra chẳng có quốc gia nào hiện có vũ khí hạt nhân lại sẵn sàng từ bỏ chúng. Do vậy, việc Mỹ và Nga để cho hiệp ước START 1 tiếp tục có hiệu lực là có lợi cho cả hai bên.

Tuy nhiên, một khi không còn áp lực của một thời hạn nhất định nữa thì triển vọng nhanh chóng đạt được thỏa thuận mới còn mờ mịt hơn trước. "Bức thông điệp của các nguyên thủ nước Nga gần đây rất rõ ràng. Nga muốn gây áp lực trong những cuộc mặc cả hiện nay với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân" - Thomas Gomart, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Nga thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp, nhận định.

Khi đưa ra những lời tuyên bố mạnh mẽ và làm người nghe liên tưởng tới một chiến lược đánh trả, Thủ tướng Putin muốn chứng tỏ rằng, Nga vẫn luôn là một cường quốc hạt nhân mà Mỹ phải tính tới. Mục đích cụ thể của lãnh đạo Nhà nước Nga là buộc Mỹ phải cung cấp tất cả những thông tin về dự án lá chắn tên lửa của họ tại châu Âu.

Theo Thomas Gomart, những cuộc thương lượng hạt nhân hiện nay là rất quan trọng với nước Nga. Vì thông qua cuộc thương lượng này với Mỹ, Nga chứng tỏ được vị thế cường quốc hạt nhân của mình. Những phát biểu của Thủ tướng Vladimir Putin mang tính chiến lược nhưng lại không làm thay đổi quá mức thái độ của chính quyền Obama với nước Nga ngày nay.

Vì Tổng thống Obama rất tin tưởng vào một hiệp ước trong tương lai do đây có thể là thành tựu đầu tiên trong chính sách ngoại giao của Mỹ dưới thời ông Obama. Nếu mọi thứ diễn ra đúng dự kiến, một hiệp ước thay thế Start 1 sẽ được ký kết vào tháng 1/2010. Quả bóng hiện đang trong chân người Mỹ

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.