Giám đốc Điều hành IMF sẽ ra tranh cử tổng thống Pháp?

Thứ Ba, 15/03/2011, 22:40
Dư luận chính trường Pháp đang "phát sốt" với tin đồn và những bàn tán xung quanh việc ông Dominique Strauss-Kahn - Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ ra tranh cử chức tổng thống Pháp trong cuộc bầu cử vào năm 2012. Cuộc đua giành vé ứng cử viên trong các đảng phái chưa bắt đầu, nhưng sự quan tâm của dư luận cũng không phải là thừa.

Dominique Strauss-Kahn năm nay 62 tuổi, sinh trưởng tại vùng Neuilly-sur-Seine, Hauts-de-Seine, ngoại ô Paris. Thời thơ ấu, ông từng theo gia đình sống một khoảng thời gian tại Morocco cho đến năm 1960 thì trở về Monaco.

Thời đi học, Strauss-Kahn học giỏi và học cùng lúc nhiều trường, lấy nhiều bằng cấp, chủ yếu là về kinh tế và luật học. Ông tốt nghiệp Trường cao đẳng Thương mại Paris (HEC Paris) năm 1971 và một năm sau tốt nghiệp Học viện Chính trị Paris (Sciences-Po). Sau khi thi trượt Học viện Hành chính Quốc gia (l'Ecole nationale d'administration - ENA), ông chuyển sang học và lấy bằng cử nhân luật công cộng, và sau cùng là bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Paris 10.

Những năm thập niên 70 thế kỷ XX, sau khi tốt nghiệp đại học, Strauss-Kahn bắt đầu làm việc trong các học viện và tham gia giảng dạy, ông làm giáo sư tại Đại học Nancy-II, Đại học Nanterre, Sciences-Po cũng như HEC và sau này là cả ENA. Trong thời gian còn đi học đại học, ông tham gia tổ chức Liên đoàn Sinh viên Cộng sản (UEC). Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tham gia Trung tâm Nghiên cứu giáo dục của đảng Xã hội (CERES) và từ đó bước chân vào chính trường. Sau khi gia nhập đảng Xã hội Pháp (PS), Strauss-Kahn thuộc nhóm trung tả trong đảng, là một trong những bộ óc sáng giá của đảng, từng nắm các chức vụ cao trong đảng cũng như trong chính quyền. Ông từng giữ các chức Bộ trưởng Công nghiệp (1991-1993) và Bộ trưởng Kinh tế, Tài chính và Công nghiệp (1997-1999), dưới thời Thủ tướng Lionel Jospin.

Từ năm 2000-2007, sau một khoảng thời gian tham gia chính trường, Strauss-Kahn quay trở lại làm giáo sư giảng dạy tại Đại học Sciences-Po, nơi ông từng làm việc trước khi trở lại chính trường tham gia cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm 2007 nhưng sau đó rút lui để nhường đường cho bà Segolene Royal (có ý kiến cho rằng lúc đó ông Sarkozy đã "chào mời" Strauss-Kahn ghế Giám đốc điều hành IMF nhằm mục đích điều ông ra khỏi cuộc đua, từ đó dẹp bớt đối thủ nặng ký hơn bà Royal).

Từ khi được bầu chọn làm Giám đốc điều hành IMF đầu tháng 11/2007 đến nay, uy tín của ông Strauss-Kahn đã không ngừng lên cao. Trong vai trò một quan chức toàn cầu, Strauss-Kahn đã thành công trong việc chèo lái công việc đầy khó khăn tại IMF, xử lý đúng đắn vai trò của tổ chức tiền tệ toàn cầu này trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 vừa qua và nhất là cuộc khủng hoảng nợ quốc gia ở châu Âu mới đây. Strauss-Kahn đã giành được cảm tình của tất cả 27 thành viên Liên minh châu Âu cùng với Mỹ, châu Á và châu Phi, trong đó quan trọng nhất là Trung Quốc - siêu cường kinh tế mới của thế giới mà nước Pháp đang nỗ lực "kết thân".

Đối với nhiều người Pháp - nhất là những người không ưa thích ông Nicolas Sarkozy thì Strauss-Kahn chính là người thay thế thích hợp nhất trên cương vị Tổng thống Pháp nhiệm kỳ tới, cho dù ông Sarkozy không phải là một nhà lãnh đạo "tồi". Strauss-Kahn đang có những "phẩm chất" thỏa mãn sự mong đợi của những người muốn thấy nước Pháp phải thay đổi hơn nữa: là thành viên đảng Xã hội Pháp (thiên tả); nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế, tài chính, tiền tệ (rất thích hợp để chèo lái con thuyền kinh tế đang mắc cạn của Pháp); có uy tín và ảnh hưởng toàn cầu do vị trí quản lý IMF; và nhất là ông đang là giáo sư chuyên môn về kinh tế tại Học viện Chính trị Paris.

Ngay cả một số thành viên nội các Chính phủ của Tổng thống Sarkozy, như Bộ trưởng Tài chính Christine Lagarde, cũng cho rằng ông Strauss-Kahn rất thích hợp trong điều kiện kinh tế, tài chính khó khăn hiện nay.

Nhưng không phải ai cũng thích việc Strauss-Kahn ra tranh cử. Những cái đầu bảo thủ, hữu khuynh không muốn nhìn thấy người của đảng Xã hội nắm quyền thì xem Strauss-Kahn là một ứng cử viên không thích hợp, cho dù họ không thích ông Sarkozy cũng chưa chắc họ đồng ý bầu cho Strauss-Kahn. Đây là một thực tế trong chính trường Pháp có thể khiến cho các ứng cử viên đảng phái cực hữu nuôi hy vọng "làm nên chuyện lớn". Khi guồng máy "tin đồn" và những cuộc bàn luận trên vỉa hè đường phố Paris bắt đầu tăng tốc, cũng là lúc những lời lẽ không mấy tốt đẹp và những chuyện bới móc kỳ cục nhất được mang ra để bôi xấu đối tượng không hợp ý mình.

Giống như ông Sarkozy, Strauss-Kahn xuất thân thành phần thị dân, được ăn học tử tế và tiến thân liên tục trong nghề nghiệp chuyên môn và chính trị. Đây chính là "điểm đen" mà thành phần xuất thân nông dân trong các đảng phái hữu khuynh ghét cay ghét đắng. Họ gọi ông là thành phần "tiểu tư sản thành thị". Và khi Strauss-Kahn rời nước Pháp để theo đuổi công việc ở Washington, ông đã bị xem như "người ngoài".

Trong số những người chống đối Strauss-Kahn có Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux, một người bạn thân của ông Sarkozy và nghị sĩ Christian Jacob. Cả hai người này cho rằng, do bận bịu công việc tại IMF nên Strauss-Kahn "không thể nắm bắt được tình hình nội bộ nước Pháp, những vấn đề thực sự của người dân Pháp".

Bất chấp những ý kiến trái chiều đó, các cuộc thăm dò ý kiến cử tri gần đây đều cho thấy Strauss-Kahn đang dẫn đầu cuộc tuyển chọn ứng cử viên đại diện cho đảng Xã hội ra thách đấu với ông Sarkozy vào năm sau, và nếu như cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào lúc này thì người chiến thắng có thể là Strauss-Kahn nếu ông quyết định tham gia.

Mặc dù bản thân ông Strauss-Kahn nhất quyết từ chối nói về việc mình có ra tranh cử hay không, dư luận vẫn không ngớt đưa ra những ý kiến bàn tán, nhất là sau phát biểu của vợ ông, nhà báo Anne Sinclair, trên tuần báo Le Point rằng bà muốn ông từ bỏ công việc tại IMF (khiến dư luận dự đoán "chắc là để về Pháp làm Tổng thống?")

Văn Trương (tổng hợp)
.
.