Góc khuất của những nhạc sĩ tài hoa
Dương Thụ, Phó Đức Phương, Phú Quang, ba nhạc sĩ tài hoa, đình đám của làng nhạc Việt. Mỗi người có một thế mạnh âm nhạc khác nhau nhưng giai điệu của họ thì vô cùng lôi cuốn, đầy hấp dẫn, đôi khi ma mị. Đằng sau những tài năng âm nhạc là cuộc sống với góc khuất, niềm trẳn trở, nỗi suy tư ít hé lộ. Hãy cùng khám phá những tâm tư bí ẩn của những người nhạc sĩ qua đối thoại ngắn dưới đây.
Nhạc sĩ Dương Thụ: Quả thực tôi 100% không phải là nghệ sĩ
PV: Đặc thù nghề nghiệp, người sáng tác hay ở trong trạng thái không mấy khi ổn định, rất dễ bị kích động. Ông làm gì để chế ngự cảm xúc thất thường hay thay đổi đó?
Nhạc sĩ Dương Thụ: Không chế ngự được đâu. Tôi cũng thất thường lắm. Vui đấy rồi lại buồn đấy. Có lúc vui quá, cũng có lúc buồn quá, kể ra cũng rất "phô", nhưng vì không hay giao tiếp ở chỗ đông người nên không bị lộ đó thôi. Ai cũng nghĩ tôi là người điềm tĩnh, "lạnh" nhưng thực ra rất dễ bị kích động, dễ yêu, dễ giận và vô cùng nóng tính. Chỉ có điều, đôi lúc do tôi "giỏi" che giấu nên mọi sự lặn vào bên trong để đêm về trằn trọc. Có nhiều khi chỉ vì một chuyện không lớn lắm mà cả đêm không ngủ được. Nhưng tôi có một "ưu điểm" là rất mau quên (tật "đãng trí bẩm sinh"), tâm lý trở lại bình thường rất nhanh. Tôi không giận ai lâu được. Tôi không có lòng căm thù, và dễ dàng bỏ qua mọi chuyện. Đó cũng là bản tính tự nhiên, giời sinh, chứ không phải tôi là người tốt.
PV: Ông vẫn thường nhận mình là có dáng vẻ của một ông giáo, nhưng tôi lại thấy ông trông giống như một nhà nghiên cứu khoa học, một công chức văn phòng hơn là một nghệ sĩ lãng tử. Hình như sự biểu lộ nghệ sĩ nhất của ông chính là được thăng hoa, được dồn đẩy bộc lộ trong tác phẩm.
Nhạc sĩ Dương Thụ: Giống một công chức văn phòng à? Một nhận xét thật bất ngờ. Chắc lúc nào tôi phải bình tĩnh soi gương lại xem. Tôi biết mình trong con mắt người khác có rất nhiều nhân dạng: huấn luyện viên thể thao, người bán thuốc tây, đại diện cho một hãng buôn, thầy tu v.v... nhưng cũng giống như bạn, không ai nhận dạng tôi là một nghệ sĩ. Các cụ nhà ta vẫn nói: "Trông mặt mà bắt hình dong". Hình dong tôi như thế làm sao mà nghệ sĩ được. Để khỏi phải xấu hổ tôi xin thanh minh với bạn trước rằng quả thực tôi 100% không phải là nghệ sĩ. Tôi là người làm nghề nhạc. Tôi nhớ ra rằng khi viết tác phẩm tôi cũng chẳng có chút gì là nghệ sĩ như bạn nghĩ cả. "Thăng hoa, dồn đẩy bộc lộ" là cái gì đẹp quá, nghệ sĩ quá, chắc là tôi không có đâu.
Ở nước ta có rất nhiều nghệ sĩ, và một số đạt đến mức lãng tử. Họ thường tụ tập ở các quán rượu, các quán cà phê vỉa hè. Trông họ là biết ngay: duyên dáng, độc đáo, lập dị, "bụi bặm" và cao quý. Nghe họ cũng biết ngay: Có người thì nói năng rất "văn - triết" sâu xa bay bổng, có người thì ngược lại, văng tục chửi bậy, nói năng búa bổ (theo cách nói bây giờ là "cực sốc"). Tôi mà ngồi cùng với họ thấy mình "đuối" hẳn và tự nhiên thấy mình lạc lõng. Những chỗ có đông đảo nghệ sĩ như thế là rất "nguy hiểm" với mình. Biết vậy, tôi thường tìm cách né tránh đấy.
PV: Sự trải nghiệm quan trọng với người sáng tác như thế nào, thưa ông?
Nhạc sĩ Dương Thụ: Là trải nghiệm trong đời sống. Phải sống thật, không né tránh. Sống không ảo tưởng nhưng phải có đức tin. Biết rằng sống vậy thì sẽ không an toàn, sẽ gặp nhiều thất bại, sẽ đau khổ. Nhưng chỉ có thế sự trải nghiệm mới mang lại chiều sâu cho tác phẩm, mới không làm mất thì giờ của người nghe tử tế.
PV: Tác phẩm âm nhạc của ông có nói hết những tâm trạng của ông không?
Nhạc sĩ Dương Thụ: Những lúc có "tâm trạng" tôi thường tìm đến âm nhạc. Ngồi bên đàn, lẩm bẩm, rồi hí hoáy viết. Nếu tâm trạng là cái có thể nghe được thì bài hát của tôi đấy, các bạn hãy nghe.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Mỗi cá thể trên hành tinh đều được lập trình
PV: Để làm được Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là điều không phải dễ dàng. Rất nhiều khi phải đối đầu, đối kháng, là một nhạc sĩ ông có thấy khi nào cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng không?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Bản chất tôi là một người rụt rè, từ thuở bé đến giờ mình là người rụt rè và ít nói. Vậy mà, 10, 12 năm phải ghé vai vào công việc ta cứ tạm gọi là cuộc vận động xã hội (Trung tâm Bản quyền âm nhạc Việt Nam - pv) làm được việc đấu tranh cho bản quyền tác giả thì tôi trở thành người cân bằng hơn. Bớt rụt rè, hoặc là bớt né tránh đi. Trước kia giữa đám đông mình né tránh, sinh hoạt xã hội mình không quan tâm, tiếp cận số đông mình ngại thì bây giờ mình không ngại nữa. Con người trở thành cân bằng hơn. Ngoài tất cả những cái gì đo được bằng kết quả quyền tác giả thì với riêng tôi, tôi cho rằng mình cân bằng hơn. Nó khỏe khoắn hơn trước. Tôi nghĩ nếu như mình trở lại sáng tác biết đâu âm nhạc nó mạnh mẽ và khỏe khoắn hơn chăng.
PV: Cách đây 16 năm ông không bao giờ nghĩ mình sẽ làm công việc này đâu, đúng không?
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Đây chắc chắn nằm trong lập trình số phận của tôi, trong tử vi của tôi phải có 10, 12 năm vô cùng gian truân mà phải làm công việc không phải là sáng tác. Tôi quan niệm mỗi một cá thể trên hành tinh này đều đã được lập trình hết. Bạn cũng vậy, bạn sẽ như thế nào cũng đã được lập trình hết rồi. Tạo hóa vô cùng vi diệu, vô cùng tinh vi mà có thể làm cho cá thể đó, đôi khi có những cá thể thì tin rằng mình có số phận còn một nửa khác thì không tin làm gì mình có số phận, cuộc đời của mình là do tự mình tạo nên. Tôi quan niệm dường như các sự kiện mà tưởng như rằng tự mình làm nên cũng đã được lập trình. Một nửa thì sẽ cho rằng là tự ta làm chủ cuộc đời của ta. Thế nhưng điều đấy cũng đã được lập trình luôn. Thậm chí còn loài người thì còn tranh cãi về điều này. Và sự tranh cãi này sẽ còn mãi mãi.
Rất nhiều nhà bác học, hay như cụ Nguyễn Du cũng còn nhầm, cụ Nguyễn Du bảo: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều". Có phải đâu. Nhân định thắng thiên đấy là số phận của một số đã được lập trình rồi. Và buộc phải vượt qua sự gian truân.
PV: Âm nhạc của ông đậm chất trữ tình huyền bí, âm hưởng huyền diệu, vi vu. Khi tâm hồn hướng về cõi Phật, mênh mang, bảng lảng... tâm linh, có sự gì đó nó chiêm nghiệm về cuộc đời.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Ca khúc có sự gì đó chiêm nghiệm về cuộc đời. Mọi người thấy yếu tố tâm linh khá đậm, có thể là như vậy. Bằng những gì tôi tự trải nghiệm thì tôi thấy rằng sự trải nghiệm trong tác phẩm của mình chìm đắm vào rất là sâu, và có một lần tôi nói, có phần nào đó mà tôi đã mon men ở phần nhập đồng. Điều đấy mình đi đến tận cùng sự tưởng tượng của sự chìm đắm, có thể phần nào đó đến được mà người ta gọi là tâm linh chăng?
Bản thân tôi không phải là người theo đạo Phật, cũng không phải là người siêng năng đi lễ chùa, nhưng thiền thì tôi quan tâm. Đứng phương diện nào đó, nhiều khi tôi cảm giác bồng bềnh, lơ mơ lắm. Có những vấn đề không được rành rẽ bằng nhiều người khác, chỉ riêng chuyện sáng tác, sự suy ngẫm này thì tôi cũng là người cả nghĩ cả lo, dễ chìm đắm vào công việc của mình một cách thực sự là tận tình như cá tính của mình vốn có nên nó đi đến chỗ như thế chăng?!
Nhạc sĩ Phú Quang: Bây giờ tôi khác rồi…!
PV: Ngoài ca nhạc anh còn có niềm vui, sở thích gì?
Nhạc sĩ Phú Quang: Bây giờ thì tôi thích và dành nhiều thời gian cho cây cảnh, chó mèo, chim chóc. Chơi với chúng lại thích hơn. Cuộc sống sáng tác nhạc của tôi chẳng có giờ giấc gì. Một ngày như mọi ngày thôi. Ở nhà tôi sợ nhất là nghe nhạc mình. Thực ra, tôi nghe rất nhiều nhạc cổ điển, nghe đĩa nhưng không nghe nhạc của chính mình chỉ trừ trước khi ra đĩa thì tôi mới ngồi nghe. Đến lúc nghe thì nghe liền ba bốn buổi để chọn ra được ca khúc phù hợp. Thế nên khi đến nhà ai mà họ bật đĩa của tôi thì tôi gai hết cả người lên. Bởi vì trước đấy tôi đã nghe đến hàng trăm lần rồi. Sợ lắm.
Thực ra mỗi người chỉ viết được một loại nhạc thôi. Tôi thích loại nhạc khác cho nó vui vẻ nhưng khó lắm. Tạng của mình nó thế rồi. Đấy! Bố tôi đặt tôi tên là Quang là mong cho đời con nó sáng, nhưng đời tôi tối sầm.
PV: Nhìn chặng đường anh đã đi thì anh may mắn đấy chứ?
Nhạc sĩ Phú Quang: Chẳng có may mắn gì cả. Tất cả những gì mình giành giật được cho đời mình, cái giá phải trả đều gấp nhiều lần so với người khác. Nếu có được, mình nghĩ cũng là tất nhiên thôi. Khi đến tuổi này thì tôi bình thản, bây giờ nhìn một cái gì đấy lại thấy nhớ những kỷ niệm đã qua. Mới đây mà đã mấy năm rồi. Bây giờ tôi khác rồi. Buồn vui không còn tác động ghê gớm, chứ trước đây, trước lời khen thì mình cũng cám ơn, cũng vui được một chút, và đứng trước lời chê cũng chỉ buồn một chút. Bởi vì tôi nghĩ khi càng lớn tuổi người ta càng thấm thía cái vô vi hơn.
Dường như nỗi buồn luôn thường trực với người nghệ sĩ hay sao ấy. Có những người chỉ viết được bài vui thôi, không chịu được bài buồn. Khả năng của tôi, tôi không viết được bài vui. Tôi cũng đã cố thử rồi. Tiếc rằng đấy không phải sở trường của mình.
Tôi biết nhạc giao hưởng nếu bắt vợ phải nghe thì thật quá đáng, vì người phụ nữ không phải trong nghề bắt phải nghe thì quá sức. Vào các buổi chiều, khi cô ấy đi làm, tôi thường ngồi nghe nhạc giao hưởng và đọc sách. Lúc đấy mình thích một mình, được chìm đắm trong ý nghĩ của mình. Trí nhớ hình ảnh của tôi rất tốt nên khi nghe tất cả các tác phẩm mà mình đã từng nghe thuở 13, 14 tuổi bấy giờ thì tôi thấy tự nhiên tất cả các ký ức nó cứ trở về như mới hôm qua. Những cuốn sách tôi giữ lại, không phải là để đọc lại từ đầu đến cuối đâu mà mỗi cuốn sách chỉ cần đọc lại một vài đoạn nào đấy thôi. Đôi khi buồn quá đọc "Sử ký Tư Mã Thiên", "Tam Quốc", "Đông Chu liệt quốc" thì mình thấy là cuộc đời bao nhiêu năm nay rồi vẫn thế thôi, hỉ, nộ, ái, ố, nó chả có gì lạ cả. Vẫn là vui buồn, vẫn là tham vọng ấy, vẫn là âm mưu ấy… Tôi đọc lại những cuốn ấy để thấy rằng cuộc đời chẳng có gì mới cả. Vẫn thế thôi.
PV: Là một nhạc sĩ giỏi, ông còn có phải là ông bố tốt?
Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi cũng thấy mình may mắn vì con cái quý mình và coi mình như người bạn lớn. Với tôi, chúng thoải mái tâm sự được và nói được những điều chúng nghĩ. Mình không phải là gì ghê gớm, và khi đi bên cạnh thấy có gì bất thường thì khẽ đẩy con vào con đường của con.
PV: Có hai con người trong ông đan xen, một doanh nhân, một nghệ sĩ?
Nhạc sĩ Phú Quang: Doanh nhân buộc phải có một phần máu lạnh, người nghệ sĩ thì không có phần máu lạnh ấy được. Làm nghệ sĩ mà làm doanh nhân thì khó lắm. Doanh nhân người ta phải tính được hết từ cái tăm đến cuộn giấy trong quán hàng ăn, mất mát lãi lời như thế nào đây, chứ mình không tính được.
PV: Có điều gì về ông mà mọi người chưa biết ?
Nhạc sĩ Phú Quang: Tôi chưa bao giờ không quyết liệt cả. Để đạt một điều gì đó tôi rất quyết liệt, nhưng chỉ có một điều là không thể tàn nhẫn được, không thể gạt đi tất cả điều này, điều khác. Thế cho nên, dù mình có quyết liệt thì mình cũng thua thiệt thôi, bởi vì đứng trước tình người mình dễ mủi lòng. Doanh nhân nhiều khi phải dẹp được sự mủi lòng ấy. Làm lãnh đạo cũng chả được, vì nhiều khi để lên được phải gạt người khác xuống, tôi không đủ tàn nhẫn. Tôi nhìn mọi cái khác lắm. Thế cho nên tôi giữ cho đời mình những gì tốt đẹp. Tôi thích một câu nói của nhà thơ Êxinhin: "Chết thì chả có gì là mới cả, nhưng sống thì chưa chắc đã mới hơn". Và mình thấy rằng khi không còn làm được gì cho đời thì cũng nên từ giã…