Hai người phụ nữ “năm sao” gây chấn động Italia
Người lên lãnh đạo thành Rome là bà Virginia Elena Raggi, 38 tuổi (sinh năm 1978), nhậm chức ngày 22-6, ngay sau khi thắng cử. Bà Raggi giành chiến thắng áp đảo với 67% phiếu trước đối thủ thuộc đảng Dân chủ Italia Roberto Giachetti. Bà Raggi gây chấn động chính trường Italia với độ tuổi rất trẻ trở thành lãnh đạo thủ đô Tome danh giá.
Tân Thị trưởng Rome Virginia Elena Raggi. |
Nhưng chấn động còn lớn hơn đã xảy ra ở thành Turin, với việc một cô gái quá trẻ - Chiara Appendino, cũng thuộc đảng M5S, mới 31 tuổi, đã đánh bại Thị trưởng Piero Fassino (77 tuổi) với tỉ lệ khá mong manh, 55%. Nếu chiến thắng của bà Raggi đã được giới quan sát dự báo từ trước, thì chiến thắng của Appendino hoàn toàn khiến người ta bất ngờ, bởi không ai nghĩ một thị trưởng uy tín vẫn còn khá cao như ông Fassino lại bị đánh bại bởi một cô gái thuộc thế hệ 8x, đáng tuổi cháu ngoại ông.
Có thể thất bại này đối với Thị trưởng Fassino không có gì đáng tiếc, bởi dù sao ông cũng đã đến tuổi cần nghỉ ngơi, nhưng nhìn về cục diện chung, chiến thắng của Appendino và Raggi đã góp thêm nét mới làm thay đổi toàn cảnh chính trường Italia.
Với việc hai phụ nữ trẻ lên nắm quyền lãnh đạo tại hai kinh đô lớn của Italia, Thủ tướng Matteo Renzi có đủ lý do để mà lo lắng. Trước hết, điều đó cho thấy đảng Dân chủ của ông đang mất dần ưu thế tại các thành phố lớn. Ngoài hai thành Rome và Turin, đảng Dân chủ còn một thất bại quan trong nữa tại thành phố Naples trước một đối thủ tự do, và chỉ giữ lại được thành Milan.
Một điều quan trọng là hai nữ thị trưởng trẻ sẽ là những kẻ thách thức khó chịu đối với các chính sách cầm quyền cho đến nay vẫn chưa thể hiện tính hiệu quả trong việc cải cách kinh tế, chính trị, giúp Italia thoát ra khỏi khủng hoảng tài chính. Các chính sách mà Raggi và Appendino sẽ triển khai được dự báo là sẽ khiến cho ông Renzi buộc phải thay đổi nhiều thứ trong các quyết định điều hành của mình, nhất là trong các vấn đề về chống tham nhũng, giảm thuế, chính sách đối với châu Âu.
Ở một góc độ khác, Renzi còn phải "dè chừng" hai bà trẻ này. Renzi bước lên ghế Thủ tướng từ chỗ là Thị trưởng thành phố Florence, và ông thừa hiểu rằng, con đường hai bà Raggi và Appendino đi không chỉ dừng lại ở ghế Thị trưởng hai thành phố Rome và Turin.
Đối với đảng M5S, hai chiến thắng tại Rome và Turin mang ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo ra bước tiến bộ mới của đảng này trên bình diện toàn quốc. Cần phải biết rằng, đảng M5S là một chính đảng còn rất non trẻ do danh hài Beppe Grillo sáng lập vào tháng 10-2009. Đây là một đảng phái hội đủ các yếu tố phi truyền thống: dân túy, bảo vệ môi trường, chống toàn cầu hóa, chống thủ cựu và nghi ngờ các giá trị châu Âu.
Bản thân nhà sáng lập, danh hài Grillo là một người nổi tiếng với những bài bản thách thức quyền lực cũ và luôn đòi hỏi sự thay đổi toàn diện đường lối, chính sách lãnh đạo nước Italia, không theo lối mòn cũ kỹ vốn chậm chạp và tham nhũng tràn lan. Với những phương châm hành động đánh vào sự bất bình của dân chúng trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, Grillo và đảng M5S của ông đã nhanh chóng tạo được chân đứng trên chính trường, giành đến 25% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013.
Đến kỳ bầu cử chính quyền địa phương 2016, đảng M5S lại trở thành niềm hy vọng mới cho dân chúng các thành phố ở Italia. Tham nhũng tràn lan đã khiến cho dân chúng Italia chán ngán các chính khách truyền thống. Các cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên M5S ngày 19-6 vừa qua đều nói rằng họ không cần biết "tả, hữu hay trung" hay gì khác, điều họ cần nhất là "sự chân thật", và tham nhũng cũng như thuế khóa phải được giảm.
Riêng đối với tân Thị trưởng Rome, chiến thắng mang ý nghĩa trọng đại - lần đầu tiên phụ nữ được thừa nhận vai trò lãnh đạo tại thủ đô Rome; và Raggi cùng với Appendino ở Turin đã tạo ra bước ngoặt mới cho chính trường Italia. Nhưng đồng thời, Raggi cũng sẽ phải đối mặt những thách thức lớn. Bà sẽ bước vào bộ máy điều hành thủ đô Italia trong tâm thế của một người hiểu rõ dân tình Rome đang vô cùng thất vọng đối với những người tiền nhiệm thuộc đảng Dân chủ. Raggi phải biết cách thu phục sự ủng hộ của dân chúng thành Rome nếu muốn tiếp tục tại vị lâu dài trên ghế Thị trưởng.
Muốn làm được điều đó, Raggi sẽ phải đối mặt và giải quyết trước hết vấn đề tham nhũng. Đây là vấn đề hết sức phức tạp, vì nó gắn liền với vấn nạn tội phạm có tổ chức (mafia) ở Italia. Lâu nay, người ta chỉ biết đến các "kinh đô mafia" ở Italia là các thành phố như Sicily, Naples hay Reggio Calabria. Nhưng trong vòng hai năm qua, thủ đô Italia đã gây chấn động dư luận với các vụ án tham nhũng xảy ra liên tục, mà tất cả đều có bóng dáng của mafia.
Chiara Appendino mừng chiến thắng ở thành Turin. |
Cựu Thị trưởng Ignazio Marino đã phải từ chức vì bị điều tra đối với các khoản chi tiêu cá nhân và năng lực điều hành yếu kém, không chống nổi vấn nạn mafia và tham nhũng. Người kế nhiệm là Roberto Giachetti cũng không khá hơn. Cho nên, khi Raggi đưa ra lời hứa thanh trừng tham nhũng torng chiến dịch tranh cử, người dân Rome đã mau chóng đón nhận bà. Nhưng, sự kỳ vọng rất lớn của dân chúng đang trở thành gánh nặng, và một thách thức khó khăn cũng chực chờ, vì giải quyết nạn tham nhũng - mafia ở Rome không hề dễ dàng.
Thách thức còn đến từ vấn đề kỳ thị nam nữ - truyền thống đàn ông thống trị vẫn còn rất nặng nề trong chính trường Italia. Trước khi vòng đầu của cuộc bầu cử địa phương diễn ra vào ngày 5-6, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi đã từ chối ủng hộ một nữ ứng cử viên cùng cánh hữu với ông với lý do bà này mang thai, không thích hợp làm chính trị.
Hôm 20-6, bà Chủ tịch Hạ viện Laura Boldrini đã kể cho báo chí câu chuyện của bà - đó là một cuộc đấu tranh gian khổ của một nữ chính khách để được công nhận và để ngoi lên hàng lãnh đạo. Và trên con đường phấn đấu đi lên của bà đã có không ít lời lẽ lăng nhục, xúc phạm, thậm chí hăm dọa "hiếp xong giết". Hai chiến thắng của Raggi và Appendino, không chỉ gây chấn động ở hai thành phố này, mà còn tạo ra một cuộc tranh luận xã hội xung quanh giống "đực" hay "cái" của danh từ "thành phố" trong tiếng Italia.
Lâu nay người ta dùng chữ "sindaco" (giống cái) để chỉ "thành phố", còn bây giờ, người ta đề xuất dùng chữ "sindaca", nhưng cũng có nhiều người phản đối. Riêng hai bà Raggi và Appendino thì thận trọng dùng từ giống "đực" là "sindaca".