Hải quân Anh với kế hoạch Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Thứ Bảy, 21/11/2020, 09:18
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Anh đề ra thì cuối năm 2021, Hải quân Hoàng gia Anh sẽ triển khai đội tàu chiến lớn nhất trong một thế hệ đến châu Á. Sự kiện này đang thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

Các quan chức hàng đầu của Hải quân Hoàng gia Anh đã tỏ ý muốn bố trí các tàu này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong phần lớn thời gian hoạt động của chúng.

Dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay này sẽ là tàu chiến lớn nhất từ trước đến nay của Hải quân Hoàng gia Anh, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth 65.000 tấn, trị giá 3,9 tỷ USD. Tàu sân bay này sẽ mang theo một phi đội máy bay chiến đấu F35B của Không quân Hoàng gia Anh và một phi đội F35B của thủy quân lục chiến Mỹ. Tháp tùng tàu Queen Elizabeth sẽ là 9 đến 10 tàu chiến khác, bao gồm cả các tàu khu trục, khinh hạm, tàu hỗ trợ, tàu ngầm, có thể bao gồm cả tàu của một đồng minh NATO. Một buổi diễn tập đã vừa mới diễn ra ngoài khơi Scotland.

Dẫn đầu nhóm tác chiến tàu sân bay là hàng không mẫu hạm lớn nhất của Hải quân Hoàng gia Anh HMS Queen Elizabeth 65.000 tấn, trị giá 3,9 tỷ USD.

Dự kiến hải đội của Anh sẽ thăm Đông Nam Á và gần như chắc chắn sẽ ghé qua căn cứ hải quân Changi của Singapore. Hải đội này cũng có thể tham gia các hoạt động hải quân kỷ niệm 50 năm Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc (FPDA), liên minh quân sự gắn kết Anh với Singapore, Malaysia, Australia và New Zealand. Chương trình làm việc của hải đội dự kiến sẽ đi qua Biển Đông, có thể tham gia tập trận chung với các tàu chiến Mỹ, Nhật Bản và Australia như một cách khẳng định việc đảm bảo tự do hàng hải và hạn chế bành trướng trên biển.

Tại một hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (HSS) tổ chức hồi tháng 7-2020, Phó Đô đốc Jerry Kyd, chỉ huy hạm đội của Hải quân Hoàng gia Anh, đã gọi các tàu sân bay là biểu tượng của một quốc gia dân tộc có ý định ghi dấu ấn trên trường quốc tế ở cấp độ chiến lược. Theo ông này, các tàu sân bay có thể thực hiện nhiều sứ mệnh, bao gồm việc đưa ra thông điệp chiến lược, triển khai sức mạnh, ngoại giao hải quân và cả xúc tiến thương mại.

Tướng Jerry Kid lưu ý rằng mặc dù châu Âu - Đại Tây Dương vẫn là trọng tâm chiến lược của Anh, song việc Hải quân Hoàng gia Anh đang quay trở lại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tham vọng duy trì sự hiện diện lâu dài và tích cực ở đó. Thực tế, sau khi quyết định rời khỏi EU, Anh đã thúc đẩy một tầm nhìn về một "nước Anh toàn cầu" với sự hiện diện quân sự lớn hơn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, sự hiện diện lâu dài chính xác là gì và làm thế nào để đạt được điều đó? Ở đây, từ "lâu dài" được sử dụng một cách có chủ ý: Nó có nghĩa là trong một khoảng thời gian dài nhưng không nhất thiết là thường trực. Và đó cũng sẽ là cách mà các tướng lĩnh và nhà chức trách Anh giải thích với dư luận trong nước cho một khoản đầu tư triển khai tốn kém giữa lúc tình hình đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Vậy thì đâu sẽ là điểm phù hợp để nhóm tác chiến tàu sân bay này tạm thời đồn trú? Đông Nam Á là một trong những lựa chọn. Vì lý do lịch sử và mối liên hệ quốc phòng sâu rộng giữa Anh với Singapore và Brunei, hai quốc gia này sẽ đứng đầu danh sách. Trong 2 quốc gia này, Singapore có vẻ là lựa chọn hợp lý hơn vì Hải quân Hoàng gia Anh hiện đã duy trì một cơ sở hậu cần hải quân ở đó để hỗ trợ Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc, và cũng vì căn cứ hải quân Changi có cơ sở vật chất rất tốt.

Australia sẽ là một lựa chọn khác, đặc biệt là Darwin ở các vùng lãnh thổ phía Bắc. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang là lựa chọn ưu tiên. Thứ nhất, đồng minh thân cận nhất của Anh là Mỹ đã duy trì một căn cứ hải quân lớn tại Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa. Hạm đội 7 của Mỹ, bao gồm cả tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan cũng đồn trú tại đây. Các tàu chiến của Anh cũng thường xuyên đến Yokosuka để bảo dưỡng và cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi, kể cả tàu HMS Albion năm 2018. Ngoài ra, những chiếc F-35B sẽ được hỗ trợ tốt hơn với căn cứ của Mỹ.

Thứ nữa là việc bố trí một tàu sân bay của Hải quân Hoàng gia Anh ở Nhật Bản sẽ giúp củng cố quan hệ chiến lược Nhật - Anh. Anh là nước tiếp theo Australia đàm phán với Nhật Bản về một thỏa thuận quy chế các lực lượng nhằm cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các quân nhân Anh hiện diện tại quốc gia này. Cuối cùng, một hải đội của Anh tại Nhật Bản sẽ giúp cải thiện khả năng phối hợp hoạt động giữa hải quân Anh, Mỹ và Nhật Bản, điều mà cả 3 đều đã nhất trí thúc đẩy. Mỹ và Anh đã vận hành máy bay cất cánh ngắn và hạ cánh thẳng đứng F-35B, còn Nhật Bản có kế hoạch mua 42 chiếc máy bay loại này để sử dụng trên hai tàu sân bay trực thăng JS Izumo và JS Kaga sau khi được tân trang.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, đó là sự hiện diện của Hải quân Anh tại Nhật Bản chắc chắn sẽ vấp phải nhiều trở ngại lớn. Về phía chủ quan, đó là chi phí lớn cho một cuộc triển khai tầm mức như vậy trong thời gian dài. Tiếp theo là các vấn đề hậu cần. Và rào cản cuối cùng, quan trọng nhất, là phải giành được sự ủng hộ của Chính phủ Nhật Bản. Mà điều này lại phụ thuộc rất lớn vào công luận. Việc bố trí lực lượng quân sự - cả của trong nước và của nước ngoài - luôn là một chủ đề gay tranh cãi trong công chúng Nhật Bản.

Vũ Dũng (Tổng hợp)
.
.