Haiti: Làm Tổng thống không dễ như làm ca sĩ

Thứ Bảy, 11/04/2015, 10:25
Tổng thống Haiti Michel Martelly từng là một ca sĩ nổi tiếng thế giới, nhất là tại khu vực Mỹ Latinh. Ông được bầu lên làm Tổng thống Haiti cũng là nhờ sự nổi tiếng này. Cứ ngỡ rằng sự nổi tiếng sẽ tạo đà cho con đường quyền lực của ông thêm trôi chảy, nhưng thực tế đang chứng minh rằng, nó không dễ dàng như ông nghĩ.

"Điều đầu tiên tôi làm sau khi thiết lập được quyền lực là tôi sẽ đóng cửa cái thứ nghị viện đó" - Michel Martelly đã nói với báo chí như thế vào năm 1997, khi ông còn là một ca sĩ nhạc Latinh. Và đó có vẻ như là một lời tiên tri đã được nghiệm đúng trong thực tế. Martelly hiện nay đang là Tổng thống Haiti, tức là quyền lực "rất mạnh" của ông đã được xác lập.

Tổng thống Michel Martelly.

Và sau 4 năm cầm quyền, Martelly đang điều hành đất nước mà không có Nghị viện! Lý do là Martelly và các đối thủ của ông ở Nghị viện Haiti đã không thể nhất trí với nhau về bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ tới, trong khi hiện tại hầu hết các chức danh nghị sĩ đều đã hết nhiệm kỳ. Hiện cả nước Haiti chỉ còn 11 quan chức dân cử còn tại nhiệm, trong đó có Tổng thống Martelly. Tình trạng này đã kéo dài hơn 2 tháng qua, và Martelly đang điều hành đất nước bằng các sắc lệnh Tổng thống. Điều này đang làm cho phần lớn quyền hành tập trung vào tay Martelly.

Ông Martelly được bầu làm Tổng thống Haiti vào năm 2011 trong một cuộc bầu cử gây tranh cãi. Tại cuộc bầu cử đó, ông Martelly về thứ ba, theo luật thì không thể dự vòng 2. Tuy nhiên, có dư luận cho rằng các tổ chức quốc tế với sự ủng hộ của Mỹ đã điều tra và tuyên bố các đối thủ của ông Martelly "có gian lận phiếu bầu".

Thế là, cũng theo luật, họ bị loại để giúp Martelly "được vào vòng 2". Sau 4 năm, Martelly đã làm được nhiều việc cho đất nước Haiti. Ông được nhiều người tín nhiệm vì đã giúp cho phần lớn nạn nhân bị mất nhà cửa trong trận động đất kinh hoàng năm 2010 thoát khỏi cảnh ở lều tạm. Tất cả các đống đổ nát sau trận động đất đã được dọn sạch. Cùng với đó là "thành phố lều" với 1,5 triệu người, những công viên chật kín người tị nạn,... nay đều đã thông thoáng.

Năng lượng mặt trời được trang bị giúp cho các con phố tối tăm vì mất điện sáng đèn trở lại. Nhiều tòa nhà mới, trụ sở cơ quan chính phủ và khách sạn được xây dựng lại. Đặc biệt, ông Martelly đã ban hành một đạo luật chống tham nhũng để trong sạch hóa đất nước, đồng thời tìm cách để đưa trẻ em trở lại trường học. Haiti ngày nay là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Caribbe, phần lớn nhờ vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng nhờ số tiền Haiti tiết kiệm được từ việc mua dầu hỏa giá ưu đãi của Venezuela. Tuy nhiên, Haiti hiện tại vẫn còn 24% người sống trong nghèo khổ.

Hiện tại, với việc Nghị viện giải tán, Tổng thống Martelly có thể tiến hành bầu cử mà không cần tham khảo ý kiến các đảng phái đối lập. Một phong trào từng được đẩy mạnh để hạ bệ Tổng thống Martelly hiện cũng đang "xì hơi" và yếu hẳn trước sức mạnh quyền lực ngày càng tăng của Tổng thống. Kể cả những cuộc biểu tình, đình công do phe đối lập tổ chức nhằm gây khó khăn cho Tổng thống cũng sớm đi vào ngõ cụt do không đủ sức thu hút người tham gia.

Người dân biểu tình phản đối trước Dinh Tổng thống Haiti, tháng 1/2015.

Nhưng, trong khi tình hình đang có vẻ thuận lợi cho Tổng thống Martelly, quyền lực cũng đang tập trung "rất mạnh" trong tay ông, thì lại diễn ra một chiến dịch khác khiến cho những người xung quanh ông, bao gồm bạn bè, phụ tá thân tín bị dính vào những vụ bê bối liên quan đến hiếp dâm, giết người, buôn lậu ma túy và bắt cóc.

Người đã khiến cho những người thân tín của ông Martelly phải đối mặt với pháp luật không ai khác chính là cựu Thủ tướng Laurent Lamothe thuộc đảng đối lập, và chiến dịch xử lý những người của Martelly diễn ra vào lúc đỉnh điểm mâu thuẫn giữa đảng của ông Martelly với các đảng phái đối lập vào năm ngoái. Kết quả của cuộc "thư hùng" đó là việc Thủ tướng Lamothe buộc phải từ chức vào tháng 12/2014 sau loạt biểu tình phản đối chính phủ lan rộng với hàng chục ngàn người tham gia, trong đó có cả em vợ Tổng thống, Saint-Rémy.

Một trong những người thân thích của Tổng thống Martelly là Charles Saint-Rémy, em vợ ông, dính líu đến buôn lậu ma túy. Năm ngoái, một người bạn thân của ông đã "mất tích" không lâu sau khi được ra tù vì tội buôn lậu cần sa. Thẩm phán xử vụ án đó đã phải chạy trốn ra nước ngoài vì sợ bị trả thù. Rồi các cố vấn cao cấp của ông đã bị giam 6 tháng vì làm chết một tay súng trong một cuộc đấu súng gần biên giới Cộng hòa Dominica.

Một người thân tín khác của Martelly là Woodley Ethéart, từng làm việc trong Bộ Nội vụ Haiti, đang bị điều tra với cáo buộc liên quan đến một đường dây bắt cóc tống tiền ở Haiti. Năm 2014, Etheart đã bị cơ quan chức năng bắt giam vì bị nghi liên quan đến vụ bắt cóc một doanh nhân do một nhóm bắt cóc mặc cảnh phục và đòi 1,2 triệu USD tiền chuộc.

Hiện cơ quan chức năng đang xác định liệu ông Etheart có "rửa" số tiền phi pháp được chia chác bằng cách chiêu đãi tiệc tùng trong Dinh Tổng thống hay không. Nếu có, đây sẽ là một bước ngoặt có thể khiến Tổng thống Martelly đối mặt với khó khăn thật sự khi cuộc bầu cử sắp diễn ra.

Trong số những người thân tín, bạn bè và thuộc hạ của Tổng thống Maretelly bị bắt giam, có những người đã sớm được trả tự do và ngay sau đó đã quay trở lại làm việc. Những người đối lập với Tổng thống cho rằng, việc đó là do có ảnh hưởng của Tổng thống và sự can thiệp của chính phủ đối với các cơ quan tư pháp. Và chính nó đang làm xói mòn niềm tin của nhiều người dành cho Tổng thống Martelly.

An Châu (tổng hợp)
.
.