Chuyến công du châu Âu của Thủ tướng Shinzo Abe:

Hiện thực hóa mục tiêu nước Nhật mới

Thứ Sáu, 13/05/2016, 12:35
Năm 2016 là năm mở đầu cho các nhiệm vụ đầy thách thức của Tokyo, khi Nhật Bản vừa giữ vai trò Chủ tịch Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), vừa trở lại cương vị thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Chính vì vậy, chuyến công du 6 nước châu Âu (từ 1-7/5) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, an ninh... với các quốc gia tại “lục địa già” và chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị G7 của Thủ tướng Shinzo Abe được đánh giá là bước đi nhằm củng cố và mở rộng vai trò của mình trong việc thúc đẩy, duy trì hòa bình, ổn định toàn cầu.

Với chủ trương ưu tiên tăng cường hợp tác trong nội khối, ông Abe nhận thức rằng hội nghị G7 là cơ hội để các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cùng phối hợp giải quyết các vấn đề kinh tế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường và  sự gia tăng của hoạt động khủng bố.

Ngay tại chặng dừng chân đầu tiên ở Italy, Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Matteo Renzi  đã nhất trí, tại hội nghị G7 dự kiến diễn ra ngày 26-27/5 tại Nhật Bản, các nước cần khẳng định hợp tác chặt chẽ trong việc kích thích tài chính nhằm hỗ trợ nền kinh tế thế giới, cho rằng việc G7 cần tăng cường cải cách cơ cấu và những biện pháp kích thích tài chính linh hoạt là hết sức cần thiết. Ông Abe đề nghị Italy hợp tác trong việc xây dựng “Chương trình hành động”, để công bố tại Hội nghị G7, nhằm thực hiện các bước đi cụ thể cho vấn đề này.

Tại Pháp, ngoài việc khẳng định hai nước cần thực hiện các biện pháp tài chính một cách linh hoạt, tiến hành cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng và hướng tới sự ổn định của tỷ giá, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Francois Hollande  quan tâm đến những thách thức an ninh trong bối cảnh nguy cơ xảy ra các vụ  tấn công khủng bố gia tăng. Hai nhà lãnh đạo cam kết tăng cường mối quan hệ song phương, phối hợp hơn nữa nhằm đối phó với những thách thức về kinh tế và môi trường cũng như chủ nghĩa khủng bố.

Trong chặng dừng chân thứ ba tại Bỉ, trung tâm của các cơ quan đầu não Liên minh châu Âu (EU), ông Abe và Thủ tướng Charles Michel nhất trí thiết lập đối thoại song phương về chống khủng bố trong năm 2016, đồng thời chia sẻ quan điểm cần duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Bằng tuyên bố sẽ đoàn kết với Bỉ, cũng như các nước châu Âu khác và phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến chống khủng bố, ông Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Brussels nhằm bảo đảm an toàn cho công dân và các công ty của Nhật Bản hoạt động tại quốc gia thành viên EU này.

Với London, ông Abe bày tỏ mong muốn Anh ở lại EU, cho rằng điều đó "có lợi cho châu Âu và thế giới" trong việc xử lý tất cả những vấn đề, đặc biệt là cuộc chiến chống khủng bố và cuộc khủng hoảng người di cư mà châu Âu đang phải đối mặt. Với hơn 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Anh và tổng số đầu tư của Nhật Bản vào Anh khoảng 48 tỷ euro tính đến cuối năm 2014, cả ông Abe và người đồng cấp David Cameron thừa nhận "quốc gia nằm ở cửa ngõ châu Âu" này ở lại EU là cần thiết.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Mặc dù còn tồn tại bất đồng trong việc tạo một lực đẩy cho nền kinh tế toàn cầu, tại chặng dừng chân ở Đức, bà Merkel và ông Abe đã thảo luận về các vấn đề song phương và Hiệp định thương mại tự do (FTA) xuyên Thái Bình Dương. Ngoài việc cho rằng hai bên có thể kết sớm thúc đàm phán về một FTA giữa EU và Nhật Bản, Đức khẳng định sẽ nỗ lực để kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) trong năm nay, coi đây là thỏa thuận có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn cầu.

Chương trình nghị sự cho Hội nghị G7, mục tiêu chính của chuyến công du châu Âu đã được Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Đức thảo luận nhiều nhất tại đây. Với trọng tâm là kinh tế, hai thành viên có nhiều ảnh hưởng trong G7 nhất trí cùng hướng tới 3 trụ cột gồm đầu tư, cải cách cấu trúc và chính sách tiền tệ. Với các vấn đề chính sách đối ngoại, an ninh và cuộc chiến chống khủng bố, Thủ tướng Merkel kêu gọi Tokyo có đóng góp hơn nữa trong nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột và khủng khoảng.

Mặc dù không phải là chuyến thăm chính thức, chặng dừng chân cuối cùng tại Nga trong hành trình công du châu Âu lại được dư luận đặc biệt quan tâm và đặt không ít câu hỏi về lý do thực sự cho chuyến thăm này là gì, khi mà ông Abe bất chấp cả lời đề nghị trì hoãn của người đồng minh Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên thuộc nhóm G7 tới Nga, phá vỡ thế "cô lập quốc tế" mà giới chức phương Tây và Mỹ dựng lên quanh Moskva sau sự kiện Crimea sáp nhập vào nước này hai năm trước. Dù vấn đề tranh chấp lãnh thổ và quan hệ với Mỹ chưa giải quyết được, song chuyến thăm Nga của Thủ tướng Nhật Bản cho thấy quan hệ giữa hai nước đã có những tín hiệu nồng ấm.

Cụ thể, ông Shinzo Abe, sau cuộc gặp kín với Tổng thống LB Nga Vladimir Putin ở Sochi, đã tuyên bố bước đột phá trong giải quyết vấn đề quần đảo Nam Kuril mà phía Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Phía Kremlin xác nhận “vấn đề được thảo luận một cách xây dựng”.

Với kế hoạch đề xuất một chương trình hợp tác trong 8 lĩnh vực, bao gồm cả năng lượng và công nghiệp phát triển tại vùng Viễn Đông của Nga, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Nga hy vọng sẽ thảo luận và tìm kiếm giải pháp có thể giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tạo tiền đề tiến tới ký hiệp ước hòa bình - một văn bản vốn đã bị trì hoãn ký kết kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ II.

Trong xu thế đa dạng hóa các mối quan hệ, việc thiết lập và củng cố quan hệ với các đối tác quan trọng được coi là nhu cầu của mọi quốc gia trên thế giới. Nhìn từ góc độ này, những nỗ lực của Nhật Bản có thể xem như hình mẫu cho mô hình mới đang xuất hiện trên thế giới hiện đại.

Chuyến công du châu Âu của  Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không chỉ là kế hoạch tổng thể của chính phủ nhằm điều chỉnh mạnh mẽ chính sách đối ngoại để có thể trở thành một quốc gia ngày càng năng động và tích cực hơn, mà còn là một trong những bước đi để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Nhật mới có vị thế, vai trò và ảnh hưởng ở khu vực cũng như trên thế giới.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.