Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Israel: Lợi bất cập hại
Cả hai nhà lãnh đạo cho rằng, một hiệp ước đồng minh không chỉ giúp gia tăng cơ hội tái đắc cử của ông Netanyahu mà quan hệ thân thiết giữa hai bên cũng có lợi cho người đứng đầu nước Mỹ với chính sách Trung Đông rõ ràng hơn, một điểm cộng trước thềm cuộc bầu cử căng thẳng ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu hiệp ước phòng thủ được ký, liên minh này chắc chắn sẽ gây ra sóng gió lớn hơn trong khu vực.
Mối quan hệ đầy tính toán để cùng có lợi giữa ông Netanyahu và ông Donald Trump. |
Ngòi nổ một cuộc chiến lớn
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Tôi đã điện đàm với Thủ tướng Netanyahu nhằm thảo luận về khả năng tiến tới một hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Israel, sẽ giúp gắn kết hơn nữa liên minh to lớn giữa hai nước". Ông chủ Nhà Trắng cũng nói thêm rằng ông "mong chờ được tiếp tục các cuộc thảo luận về vấn đề này sau cuộc bầu cử ở Israel khi chúng tôi gặp nhau tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào cuối tháng này".
Đáp lại thông báo trên của ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Netanyahu đã gửi lời cảm ơn, đồng thời bày tỏ hy vọng vào cuộc gặp với nhà lãnh đạo Mỹ bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng LHQ tại New York (Mỹ) để thúc đẩy một hiệp ước phòng thủ lịch sử giữa hai nước. Ông Netanyahu cũng cam kết tiếp tục nỗ lực hết mình trong cuộc chiến chung chống khủng bố.
Ngay sau khi tuyên bố về một hiệp ước phòng thủ chung - (tức là Mỹ sẽ được quyền tiến hành tấn công bất kỳ nước nào nếu quốc gia đó, tổ chức đó tấn công Israel) được hình thành, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngay lập tức lên tiếng cảnh báo nước này có lẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện một chiến dịch lớn chống lại "các lực lượng khủng bố" ở Dải Gaza.
Cũng theo Thủ tướng Israel, nước này đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch. Có lẽ một cuộc chiến ở khu vực Bờ Tây không còn quá xa sau cam kết sáp nhập Bờ Tây của Israel cùng những tuyên bố vô cùng cứng rắn từ Israel. Bởi, Bờ Tây luôn là một điểm nóng trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine ở Trung Đông.
“Chảo lửa” này đang đối diện với nguy cơ tiềm ẩn với những bước đi mới đây của Israel khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết sáp nhập Bờ Tây. Và kế hoạch này có độ khả thi cao sau khi Israel có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ.
Từ lâu những cái tên Jerusalem, Hebron, Nablus, Ramallah hay Bethlehem đã là những địa danh huyền thoại đối với người Do Thái, Hồi giáo và Thiên Chúa giáo. Các vùng đất linh thiêng này có ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh và giá trị tự tôn dân tộc của các cộng đồng dân cư. Chính vì lẽ đó khu vực Bờ Tây, nhất là sau Chiến tranh thế giới 2 tới nay, luôn là một trong những “chảo lửa”, một trong những điểm nóng địa chính trị hàng đầu thế giới.
Các khu định cư ở Bờ Tây luôn trong tình trạng không an toàn. Ảnh: UPI. |
Nhiều thập niên sau cuộc chiến 6 ngày, tiến trình hòa bình Trung Đông luôn rơi vào bế tắc, trong những nguyên nhân dẫn tới thế giằng co này có quy chế của thành phố linh thiêng Jerusalem và các khu định cư Do Thái. Các khu định cư Do Thái của Israel ở Bờ Tây luôn là tâm điểm căng thẳng giữa Israel và Palestine.
Phía Palestine cho rằng sự hiện diện của các khu định cư khiến viễn cảnh thành lập một quốc gia độc lập trong tương lai tại khu vực này là điều không thể. Đáp lại, Israel khẳng định rằng người Palestine đang tận dụng vấn đề định cư như cái cớ để tránh các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp và rằng các khu định cư không phải là trở ngại thực sự cho hòa bình và hoàn toàn có thể thương lượng.
Tới nay, Israel đã sắp xếp cho khoảng 400.000 người Do Thái ở các khu định cư ở Bờ Tây và 200.000 người khác sống ở Đông Jerusalem. Hiện có khoảng 2,5 triệu người Palestine sống ở Bờ Tây. Người dân Palestine muốn thành lập một nhà nước ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza bị chiếm đóng. Israel cho rằng các khu định cư là cần thiết cho an ninh của nước này và người Palestine phải công nhận quyền tồn tại của Israel nếu có một hòa ước.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hoạt động xây dựng nhà định cư cho người Do Thái của Israel chính là một trở ngại lớn đối với hòa bình ở Trung Đông. Hành động này của Israel đã gây ra sự phản đối lớn từ những người Palestine, làm bùng lên các cuộc biểu tình và những vụ tấn công của người Palestine nhằm vào người Israel trong nhiều thập niên qua.
Bờ Tây - mảnh đất dữ
Gần đây nhất, ngày 11-9, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ là một bước đi lịch sử nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Bờ Tây. Kế hoạch của ông Netanyahu sẽ mở rộng chủ quyền của Israel qua Thung lũng Jordan và phía Bắc của Biển Chết, chiếm 1/3 diện tích khu Bờ Tây, trừ những thành phố của người Palestine trong khu vực như Jechiro.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói thêm rằng các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo sau khi đảng Likud của ông giành thắng lợi sau cuộc bầu cử. Thủ tướng Netanyahu gọi bước đi này là "cơ hội lịch sử" để mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây.
Ngay sau khi tuyên bố cam kết sáp nhập, Thủ tướng Israel Netanyahu đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã cảnh báo kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu nếu được triển khai sẽ "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hủy hoại cơ hội khôi phục đàm phán và hòa bình khu vực cũng như phá hoại nghiêm trọng khả năng tiến tới giải pháp hai nhà nước".
Các quốc gia Arab và Hồi giáo đã lên tiếng chỉ trích động thái mới của Thủ tướng Israel Netanyahu. Trong một thông cáo chung, các ngoại trưởng Arab cho rằng tuyên bố trên của Thủ tướng Israel là "một diễn biến nguy hiểm và là một động thái gây hấn mới của Israel", đồng thời cảnh báo "việc phát triển những động thái nguy hiểm, bất hợp pháp và vô trách nhiệm như vậy" sẽ phá hoại cơ hội thúc đẩy tiến trình hòa bình khu vực.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo rằng tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Thủ tướng Israel Netanyahu sáp nhập Thung lũng Jordan. Nhà lãnh đạo Palestine khẳng định "Chúng tôi có quyền bảo vệ các quyền lợi của mình và đạt được các mục tiêu của mình bằng mọi cách, bất kể kết quả là gì, vì các quyết định của Netanyahu trái với luật và tính hợp pháp quốc tế".
Lính Israel bảo vệ các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây. Ảnh: CNN. |
Bộ trưởng Ngoại giao Palestine Reyad al-Malki kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt trừng phạt Israel sau động thái trên. Ông al-Malki cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu thể hiện sự coi thường các nghị quyết của LHQ, những định chế liên quan và các quốc gia mong muốn nền hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Saudi Arabia, một đồng minh của Mỹ cũng đã chỉ trích cam kết gây tranh cãi của Thủ tướng Israel Netanyahu là một leo thang vô cùng nguy hiểm chống lại người dân Palestine và thể hiện sự vi phạm trắng trợn đối với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Jordan Atef al-Tawarneh lo ngại động thái này thậm chí có thể đe dọa hiệp ước hòa bình giữa Jordan và Israel. Chính phủ Syria cũng lên án tuyên bố mới của Thủ tướng Israel vi phạm các hiệp ước quốc tế.
Nhiều quốc gia có quyền lợi an ninh, kinh tế trực tiếp và gián tiếp với khu vực này cũng bày tỏ phản đối. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại về kế hoạch trên của lãnh đạo Israel, cảnh báo cam kết của Thủ tướng Israel Netanyahu có thể dẫn tới "leo thang căng thẳng đột ngột tại khu vực và hủy hoại những hy vọng về việc thiết lập hòa bình được mong chờ từ lâu giữa Israel và các nước Arab láng giềng".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích quyết định "phân biệt chủng tộc" gây tranh cãi trên của Thủ tướng Israel. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã đăng tải: "Cam kết tranh cử của ông Netanyahu, người đang truyền đạt tất cả các kiểu thông điệp phi pháp, bất chính và hiếu chiến trước thềm cuộc bầu cử, là một nhà nước phân biệt chủng tộc".
Cam kết sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây của Thủ tướng Israel Netanyahu là một bước đi được giới quan sát đánh giá là vô cùng mạo hiểm nhưng không gây nhiều ngạc nhiên, bởi cam kết này đã nằm trong chiến lược tranh cử của ông Netanyahu ngay từ cuộc bầu cử hồi tháng 4 vừa qua. Có thể thấy động thái lần này của nhà lãnh đạo Israel không mới với mục tiêu vẫn là thu hút sự ủng hộ của các lực lượng chính trị cũng như cử tri ủng hộ phe cánh hữu và cực hữu.
Nước cờ mạo hiểm
Nhìn từ Trung Đông, có thể thấy dù đảng nào ở Israel giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sắp tới thì chính sách của Tel Aviv đối với Palestine cũng sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể. Giới quan sát đã chỉ ra rằng ngay từ cuộc bầu cử lần trước, trong suốt chiến dịch tranh cử, không một đảng chính trị lớn nào của Israel đề cập về hòa bình Trung Đông. Không một chính trị gia hàng đầu nào của Israel kêu gọi dỡ bỏ các khu định cư Do Thái xây dựng bất hợp pháp trên đất của người Palestine và cũng không đề cập về giải pháp hai nhà nước.
Có thể hiểu những chủ đề này được xem là tối quan trọng đối với việc duy trì lợi ích an ninh của Nhà nước Israel, đồng nghĩa đây sẽ là chính sách "không khoan nhượng" đối với Tel Aviv. Và căn cốt của liên minh Mỹ-Israel nằm ở đây, bên nào cũng cần bảo đảm lợi ích tối đa cho mình.
Lính Israel bảo vệ các khu định cư của người Israel ở Bờ Tây. Ảnh: CNN. |
Mỹ thì cần Israel "trấn giữ" một khu vực quá phức tạp với nhiều tôn giáo và các hoạt động khủng bố xuất phát từ những phần tử Arab cực đoan. Israel thì cần chiếc ô sức mạnh quân sự siêu "khủng" của Mỹ để "hù" các nước Arab trong khu vực. Các chuyên gia nhận định, chỉ khi có liên minh quân sự Mỹ-Israel thực sự hình thành, khi đó Israel mới đủ "tự tin" trước kế hoạch "sáp nhập".
Rõ ràng, ông Netanyahu đang sử dụng vấn đề sáp nhập lãnh thổ để giành lợi thế trong cuộc bầu cử vừa diễn ra ngày 17-9. Ở phương diện này, ông Netanyahu được đánh giá là có nhiều kinh nghiệm tranh cử với việc đưa ra chương trình tranh cử rất rõ ràng, biết tranh thủ các lực lượng cánh hữu, có thái độ cứng rắn đối với vấn đề Palestine, biết củng cố cho lợi ích của Israel ở Trung Đông.
Hơn thế, trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Israel Netanyahu cũng đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Washington và cá nhân Tổng thống Donald Trump. Những động thái này được coi là “bảo trợ ngầm” của chính quyền Washington với ông Netanyahu.
Tuy nhiên, tuyên bố sáp nhập Bờ Tây nếu được hiện thực hóa, sẽ đặt dấu chấm hết cho giải pháp hai nhà nước và xóa bỏ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột Israel-Palestine, đồng thời khoét sâu những bất đồng và thậm chí sự thù địch giữa các nước Arab với Israel vốn đã kéo dài nhiều năm qua. Bên cạnh đó, động thái của nhà lãnh đạo Israel có nguy cơ làm xói mòn các nghị quyết, hiệp ước quốc tế, làm suy yếu luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, hành động của Thủ tướng Israel có thể một lần nữa kích động làn sóng bài Do Thái ở không chỉ các vùng lãnh thổ của Palestine mà có thể lan rộng khắp các nước ở Trung Đông và rộng hơn có thể là cả thế giới Hồi giáo và Arab. Hòa bình Trung Đông vốn đã mong manh nay lại đối mặt thêm nhiều thử thách và miền đất linh thiêng này có lẽ chưa thể bình yên sau hàng thế kỷ xung đột.