“Hiệu ứng Macron” và “nỗi buồn Grenfell Tower” của Thủ tướng Theresa May

Thứ Hai, 26/06/2017, 19:24
Từng là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong đời sống chính trị của nước Anh, Thủ tướng Theresa May bỗng chốc trở thành một nhà lãnh đạo "vịt què" - theo lối gọi trào phúng của giới truyền thông. Trong khi, bị đánh giá là quá trẻ, chưa có đủ kinh nghiệm chính trường, tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại vừa giành được nhiều sự ủng hộ, vừa chiến thắng lớn trong các cuộc bầu cử lập pháp vừa kết thúc ngày 18-6.

Nếu so sánh phong cách của hai nhà lãnh đạo này để tìm hiểu tại sao một người ở thế "thượng phong" (Macron), còn một người ở thế "hạ phong" (Theresa May), đặc biệt là cách phản ứng của hai nhân vật này đối với hai sự kiện "kịch tính" có nguy cơ đảo ngược sự nghiệp chính trị của họ, ta có thể thấy một sự khác biệt lớn.

Thường thì, các cử tri hay có xu hướng đánh giá tính cách và giá trị của một nhà lãnh đạo thông qua một sự kiện hay một thời khắc then chốt nào đó, hoặc qua "vòng quay tin tức". Bởi cách phản ứng và xử lý trước một tình huống bất ngờ nảy sinh sẽ nói lên rất nhiều điều. Sự quyết đoán hay tính linh hoạt, nhạy bén trong giải quyết vấn đề chính là yếu tố quyết định sự ủng hộ của cử tri cho một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp.

Hai sự kiện mới nhất được coi là tác động đến mạnh đến sự nghiệp chính trị của bà Theresa May và ông Emmanuel Macron đó là vụ đình công ở nhà máy Whirlpool (dành cho Emmanuel Macron), và vụ cháy chung cư Grenfell Tower thảm khốc (dành cho bà Theresa May). Mặc dù vụ cháy chung cư Grenfell Tower xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử ở Anh, song cách phản ứng của bà May đối với vụ việc này là minh chứng rõ ràng giải thích lý do tại sao phe của bà đang ở thế dẫn đầu "khó có thể đảo ngược" trong các cuộc thăm dò ý kiến bỗng rơi vào thế thiểu số tại Hạ viện.

Grenfell Tower là một tòa nhà chung cư, và hiện giờ người ta vẫn chưa biết rõ nguyên nhân xảy ra vụ cháy, các cuộc điều tra cũng đang được tiến hành, song chính sự thờ ơ (của bà May) đối với vụ việc đã khiến các cử tri cánh tả coi đó là biểu trưng cho thái độ xem nhẹ thảm kịch này của chính phủ đảng Bảo thủ.

Sau thảm kịch, bà May đã từ chối tới thăm khu vực này (Grenfell Tower). Văn phòng của bà viện dẫn lý do quan ngại về tình hình an ninh. Cái cớ mà văn phòng của bà May đưa ra dường như không đáng tin và không có sức thuyết phục bởi chỉ một ngày sau thảm kịch, chính Nữ hoàng đã đích thân tới thăm khu vực này.

Động thái nói trên chỉ càng củng cố ý kiến cho rằng bà May vừa thiếu hiểu biết về tình hình, vừa là người... "nhát gan"? Mặc dù sau đó bà May rốt cuộc đã quyết định tới thăm Grenfell Tower, song điều đó chỉ càng khiến cho hình ảnh của bà thêm tồi tệ, bởi dư luận cho rằng bà là người "thay đổi như chong chóng".

Với  ông Macron, việc xử lý vụ đình công ở nhà máy Whirlpool, diễn ra trước cuộc bầu cử Tổng thống Pháp được đánh giá là khá khôn khéo khi lật ngược được tình thế. Theo kế hoạch, ông Macron sẽ đến gặp đại diện công nhân nhà máy Whirlpool, một nhà máy sắp bị đóng cửa để chuyển sang hoạt động ở một khu rẻ hơn tại Ba Lan.

Tuy nhiên, trong khi ông không thể đến vì lịch trình bận rộn, với các cuộc gặp đại diện giới công đoàn và doanh nhân thì đối thủ của ông trong cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống là bà Marine Le Pen đã bất ngờ xuất hiện ở nhà máy này mà không báo trước. Bà chụp ảnh với các công nhân trước máy quay của đài truyền hình (quay trực tiếp) để cảnh tượng được phát đi ngay lập tức.

Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo sau hội đàm Brexit.

Sau khi biết tin, ông Macron đã vô cùng tức giận và cho rằng đây là kế ly gián của bà Le Pen. Ông nhanh chóng đến Whirlpool sau khi bà Le Pen đã rời đi. Ban đầu, ông chỉ được chào đón bởi những tiếng la ó phản đối của công nhân. Song, Macron không hề nao núng, ông đưa micro cho từng người để họ nói lên ý kiến của mình, sau đó ông nói: "Tôi cố gắng cải thiện vấn đề chứ không lợi dụng nó (ám chỉ đến kế ly gián của bà Le Pen). Tôi thừa nhận việc để nước Pháp đứng vững trên đôi chân của mình sẽ rất khó khăn và mất nhiều thời gian".

Tuy không thể giữ nhà máy, nhưng ông cam kết sẽ đấu tranh để giành các điều khoản tốt cho công nhân khi nhà máy đóng cửa.

Hành động bắt tay với tất cả công nhân trước khi rời đi được đánh giá là ghi điểm cho chính trị gia này trong thời điểm nhạy cảm. Không còn tiếng la ó và có vẻ mọi người đều bị ông thuyết phục. Đa số công nhân đều có chung nhận định rằng: "Khi gặp ông ấy, chúng tôi không hề vui vì biết ông ấy đến chỉ vì bà Le Pen cũng đến. Tuy nhiên, khi nghe ông ấy nói một cách rất nhẹ nhàng và trung thực, thái độ và suy nghĩ của chúng tôi đối với ông ấy đã thay đổi".

Giới phân tích cho rằng ông Macron đã lĩnh hội được bài học lớn khi biết chấp nhận rủi ro, thậm chí  phải "nhảy vào lửa" nếu cần, ở mọi thời điểm. Với bản thân Macron, ông cho rằng nếu chỉ nghe lời khuyên của các nhân viên an ninh mà lo ngại cho sự an nguy của mình, bạn sẽ có cái kết giống như cựu Tổng thống Hollande. Khi đó bạn có thể nhận được sự an toàn, nhưng cũng có thể sẽ chết.

Những chính trị gia luôn lo sợ xung đột, sợ "nhảy vào lửa", sẽ khiến họ phải đối mặt với cái kết mang tính trừng phạt. Bà Theresa May đã quá thận trọng trong mọi bước đi trên con đường sự nghiệp chính trị của bà. Bà đã có một chiến dịch tranh cử thận trọng, luôn lo ngại cho sự an nguy của mình. Và đó có thể là những yếu tố kéo bà từ đỉnh cao rơi xuống chân dốc.

Có thể nói, các cuộc bầu cử trong tháng 5 và tháng 6 tại Pháp vừa qua đã định hình một bức tranh chính trị hoàn toàn mới cho nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu, sau Đức. Giới chuyên gia đánh giá, sau Tướng Charles De Gaulle, Tổng thống Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo đầu tiên trong nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp tập trung được quyền lực lớn trong tay đến vậy.

Việc đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Emmanuel Macron, một đảng mới thành lập hơn một năm đã thu được kết quả vang dội trong lần ra quân đầu tiên, nắm trọn trong tay hai nhánh quan trọng nhất của bộ máy quyền lực Pháp, quả là một phép màu khó ai có thể tưởng tượng cách đây chỉ vài tháng.

Sau cuộc bầu cử tổng thống, rất nhiều người đặt câu hỏi liệu phong trào chính trị của nhà lãnh đạo trẻ tuổi có thể tìm kiếm đủ ứng cử viên tham gia cuộc tổng tuyển cử hay không. Thế rồi không chỉ thu hút đủ nhân sự, họ còn tuân thủ gần như hoàn toàn các tiêu chí rất khắt khe mà LREM tự đặt ra để đáp ứng sự mong đợi của cử tri.

Trong số 526 ứng cử viên được đưa ra để bảo vệ cho cương lĩnh chính trị của Tổng thống Macron, có 266 phụ nữ, chiếm hơn một nửa; có 271 người chưa từng là đại biểu dân cử; hơn 1/3 ở độ tuổi dưới 40. Nói cách khác, phần lớn ứng cử viên của LREM là những gương mặt mới trên chính trường và ông Emmanuel Macron đã bước đầu thực hiện được sứ mạng đổi mới diện mạo nền chính trị Pháp.

Đội ngũ mới mẻ đó đã tạo ra một con sóng lớn, đúng hơn là một cuộc "đại hồng thủy", cuốn phăng tất cả các đối thủ để về đích. Lần lượt những thành trì của các đảng chính trị lớn sụp đổ. Miền Bắc nước Pháp, nơi đảng Xã hội hùng cứ suốt bao nhiêu năm, nay không giữ được ghế nghị sỹ nào. Miền Nam trù phú, thánh địa của cánh hữu cũng gần như "sạch bóng" các nghị sỹ của cả đảng Xã hội và Cộng hòa.

Qua 2 vòng bầu cử, LREM và đảng liên minh giành tới 351 ghế trên tổng số 577 ghế hạ viện, vượt xa đa số tuyệt đối (289 ghế). Đảng Xã hội chịu thất bại cay đắng nhất trong lịch sử, mất hơn 250 ghế, chỉ còn 29 ghế. Bên phía cánh hữu, đảng Những người Cộng hòa và liên minh cũng chịu chung số phận, từ chỗ nắm hơn 200 ghế nghị sĩ nay chỉ còn 131 ghế.

Khó có thể lý giải nguyên nhân chính của sự thay đổi lớn lao này trong nền chính trị Pháp, ngoài xung lực tạo ra là dư chấn của cuộc bầu cử tổng thống kéo dài tới nay. Từ khi Tướng De Gaulle thành lập nền Cộng hòa thứ Năm năm 1958, người dân Pháp có xu hướng trao cho tổng thống thế đa số trong Hạ viện để lãnh đạo đất nước. Do đó, các đảng cầm quyền thường giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử hạ viện diễn ra ngay sau bầu cử tổng thống.

Nhưng chiến thắng vang dội của ông Emmanuel Macron là một ngoại lệ vì quy mô và thế áp đảo của đảng cầm quyền, nhất là với một đảng non trẻ như LREM. Chính chương trình tranh cử, tác phong và những cam kết đã được cụ thể hóa trong hơn một tháng cầm quyền của ông Macron đã thuyết phục được cử tri.

Tổng thống Emmanuel Macron đã thành lập một chính phủ tập hợp các gương mặt của cả cánh tả và cánh hữu, với đội ngũ ứng cử viên tranh cử đúng như cam kết. Người dân Pháp bắt đầu tin tưởng ở vị Tổng thống trẻ Macron và trao trọn vẹn các đòn bẩy quyền lực cần thiết vào tay ông.

Vụ hỏa hoạn ở Grenfell Tower bộc lộ nhiều hạn chế trong khả năng giải quyết khủng hoảng của người đứng đầu nước Anh.

Nhiều nhà phân tích gọi đó là “hiệu ứng Macron”. Lợi thế lớn nhất của nhà lãnh đạo mới là tập trung quyền lực gần như tuyệt đối trong nội bộ đảng LREM. Ngoài việc đánh bại các đảng lớn, LREM còn tạo ra một thắng lợi hết sức ngoạn mục, đó là đập tan đà đi lên của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu, đẩy đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) vào thế "diều đứt dây", thậm chí có nguy cơ phân rã sau thất bại liên tiếp gần đây.

Mặc dù thủ lĩnh cực hữu, bà Marine Le Pen, đã lần đầu tiên đắc cử nghị sỹ, song FN đã tiêu tan hy vọng tạo ra đột phá và thành lập một nhóm nghị sỹ tại Hạ viện.

Còn nếu nhìn vào bàn cờ chính trị nước Anh hậu Brexit mới thấy được mức độ quan trọng đóng góp của tân Tổng thống Macron cho sự ổn định của nước Pháp và cho Liên minh châu Âu (EU). Về mặt đối ngoại, việc Tổng thống Macron khẳng định quyền lực đã giúp tăng mạnh vị thế của nước Pháp ở châu Âu và trên thế giới.

Trong mắt các đối tác, từ nay ông Macron đã chính thức trở thành một nhà lãnh đạo tin cậy, đủ sức cùng với các đối tác chủ chốt trong EU, nhất là nước Đức, thực hiện một chương trình đầy tham vọng thúc đẩy hội nhập châu Âu.

Tuy nhiên, nếu xét các con số thống kê mới thấy kết quả này không chỉ có một chiều thuận lợi cho đảng cầm quyền. Tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu quá cao, tới hơn 51%. Trong vòng một, đảng LREM chỉ nhận được 6,4 triệu phiếu, chiếm 15,4% tổng số cử tri đăng ký và chưa bằng một phần mười dân số Pháp, thấp hơn mức mà các đảng cầm quyền thu được trong 2 kỳ bầu cử Hạ viện năm 2012 và 2007.

Phần lớn cử tri bỏ phiếu cho đảng LREM là những người có thu nhập cao, tỷ lệ tầng lớp bình dân khá  thấp, chỉ khoảng 17%. Liên minh LREM và đảng trung hữu Modem có số phiếu chưa bằng ba đảng Xã hội, Nước Pháp bất khuất và FN cộng lại, nhưng đảng cầm quyền lại giành được số ghế gấp gần 10 lần của ba đảng này.     

Tuy nhiên, tín nhiệm của cử tri dành cho LREM càng cao thì trách nhiệm của đảng càng nặng. Theo kết quả thăm do dư luận mới nhất, khoảng 62% người Pháp hài lòng với hành động của ông Macron, một mức khá cao so với các chính quyền tiền nhiệm. Sự ủng hộ của cử tri sẽ còn tiếp tục nếu ông Macron giải tỏa được những trở ngại cản bước đi lên của nước Pháp mấy chục năm qua. Nếu không, nền tảng chính trị của LREM sẽ nhanh chóng tan vỡ vì thiếu một nền tảng vững chắc ở cấp cơ sở như của cánh tả hay cánh hữu Pháp.

Ở nước Pháp luôn tồn tại một nghịch lý: trong khi cử tri muốn cải tổ và sẵn sàng trao cho tổng thống quyền lực để cải tổ, họ luôn phản đối khi cải tổ thành hình. Tổng thống Emmanuel Macron và đảng Nền Cộng hòa tiến bước chắc chắc không phải là ngoại lệ. Thời gian từ nay đến cuối năm sẽ là giai đoạn quyết định đối với thành công hay thất bại của nhà lãnh đạo trẻ này.

Còn với bà Theresa May, giới chức EU đang lo sợ rằng London không có chiến lược thực sự, khi vừa phải hứng chịu sức ép trong nước vừa phải tìm cách đạt được thỏa thuận với đảng Bảo thủ Bắc Irealand để duy trì quyền lực cũng như phải đối mặt với các chỉ trích về cách xử lý vụ cháy tòa chung cư ở London.

Giới phân tích cảnh báo các cuộc đàm phán đưa nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, nếu không được hoàn tất vào tháng 10-2018 để các bên phê chuẩn hiệp ước cuối cùng trước tháng 3-2019, sự nghiệp chính trị của bà May khó nói trước được điều gì.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.