Hillary Clinton và Condoleezza Rice trong cuộc đua vào nhà Trắng

Thứ Bảy, 28/01/2006, 09:45

Trong cuốn sách mới xuất bản của Dick Morris mang tên "Condi chống lại Hillary: Cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới", ông đã phân tích những điều kiện thực tế và đưa ra tình huống là cuộc đua quyền lực giữa hai người phụ nữ thuộc Đảng Dân Chủ và Cộng Hoà: cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và Ngoại trưởng Condoleezza Rice.

Hai phụ nữ này đều rất tài giỏi, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của hai đảng phái khác nhau, đều là ngôi sao của giới truyền thông và đã không ít lần thể hiện được bản năng lãnh đạo của mình. Hơn nữa, bản thân họ không dưới một lần được xếp vào danh sách những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

Có thể nhận thấy rằng nữ giới Mỹ đã ngày càng khẳng định được mình trên mọi lĩnh vực từ chính trị đến khoa học và xã hội. Trong các cuộc khảo sát gần đây của hãng tin CNN, tờ USA Today, tổ chức Gallup Poll, đa số dân Mỹ (chiếm từ 60% đến 80%) cảm thấy thoải mái khi người chèo lái đất nước họ là một phụ nữ.

Giới truyền thông và giải trí Mỹ cũng nhảy vào cuộc với những bộ phim, vở kịch, cuốn sách… xung quanh vấn đề nữ Tổng thống. Chưa hết, các chính trị gia trong đó có cả cựu Phó Tổng thống Al Gore, cố vấn của cựu Tổng thống Bill Cliton, Dick Morris… cũng đã đưa ra những nhận định sắc bén về vấn đề này.

Hillary Clinton- "Đệ nhất phu nhân không chịu núp bóng tùng quân"

Cách đây hơn 5 năm, khi Tổng thống Bill Clinton sắp rời khỏi Nhà Trắng, Đệ nhất phu nhân nước Mỹ lúc bấy giờ là bà Hillary Clinton đã tiếc ngẩn, tiếc ngơ và thề rằng sẽ có ngày trở lại nhưng không phải ở cương vị "núp bóng tùng quân" mà là ngồi thẳng vào chiếc ghế cao chót vót, chỉ huy cả nước Mỹ. Năm tháng qua đi cùng với ước vọng của bà ngày càng lớn dần. Được sự ủng hộ của chồng, Hillary Clinton vẫn tiếp tục tham gia chính trường, trở thành Thượng nghị sĩ của New York.

Theo các nhà chiến lược và quan chức đảng Dân chủ, với thất bại của ứng viên John Kerry trong cuộc tranh cử Tổng thống thứ 43 của nước Mỹ và được 61% dân chúng ủng hộ trong 4 năm liền, bà Hillary Clinton đã trở thành một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong Đảng, là người có nhiều tiềm năng được đề cử ghế ứng viên Tổng thống năm 2008.

Rất nổi tiếng, lại có khả năng gây quỹ và hoạt động chính trị mạnh mẽ, cựu Đệ nhất phu nhân đang trở thành điểm tập trung của Đảng Dân Chủ. Tuy nhiên, con đường tiến tới "chiếc ngai vàng nước Mỹ" của Hillary Clinton không phải xuôi chèo mát mái. Trước hết, bà phải vượt qua lần tranh cử ghế thượng nghị sĩ ở New York năm 2006. Sẽ rất hữu ích nếu bà thực hiện chiến dịch tranh cử trên toàn quốc với cơ sở hậu thuẫn vững chắc ở trung tâm tài chính và tái đắc cử với tỷ lệ phiếu cách biệt lớn.

4 năm qua, Hillary Clinton đã thuyết phục được những cử tri chưa quyết định ủng hộ ai thành người ngưỡng mộ mình. Quả là một động thái gây ấn tượng mạnh. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ những giờ phút khó khăn của gia đình Hillary Clinton khi chồng bà bị điều trần trước Quốc hội về những cáo buộc quấy rối tình dục nhân viên.

Rồi mặc cho dư luận Mỹ khi đó rùm beng đủ thứ xung quanh câu chuyện "thích phở hơn cơm" của ông chủ Nhà Trắng, Hillary Clinton vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt", thể hiện thái độ yêu thương, trân trọng và bảo vệ danh dự cho chồng ngay cả khi bà bị "bồ nhí" của chồng là Monica Lewinski chọc tức. Hành động dịu dàng, điềm đạm của cựu Đệ nhất phu nhân không những khiến cánh mày râu kính trọng mà ngay cả nữ giới cũng phải nể phục, coi đó là chuẩn mực về cách giải quyết những rắc rối trong hôn nhân và gia đình.

Người ta bảo rằng, thành công của cựu Tổng thống Bill Clinton có phần lớn công đóng góp của vợ. Chính bản thân Bill Clinton cũng thừa nhận điều này và trong một lần vận động tranh cử, ông đã thuyết phục cử tri rằng nếu bỏ phiếu cho ông, nước Mỹ sẽ có hai chứ không phải là một Tổng thống.

Là một trong 10 luật sư giỏi nhất nước Mỹ, Hillary Clinton có tài lãnh đạo và thuyết phục người khác đến mức chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton còn phải công nhận rằng bà có thể làm chủ Nhà Trắng giỏi hơn những gì ông đã làm.

Condoleezza Rice - "Bộ mặt của nước Mỹ trên thế giới"

Ở tuổi 50, Condoleezza Rice đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ Ngoại trưởng Mỹ. Từ một cố vấn an ninh trung thành của Tổng thống Mỹ George Bush trong nhiệm kỳ I, Condoleezza Rice đã có thêm nhiều cơ hội và thách thức khi chuyển sang làm nghề ngoại giao.

Vì là một người nổi tiếng theo đường lối cứng rắn, nên Condoleezza Rice đã dần dần thay đổi chính sách ngoại giao của Mỹ đối với thế giới đặc biệt là khu vực Trung Đông trong đó có Iran, Syria. Thông minh, lại am hiểu Liên Xô cũ, khi đồng hành cùng ông George Bush, vô tình Condoleezza Rice và Tổng thống đã trở thành một "êkíp" bất ngờ lái con tàu Mỹ đi theo một hướng mới.

Trong 5 năm bên cạnh ông Bush, trên thực tế, người đàn bà này đã trở thành một nhà đạo đức học đối với Tổng thống Mỹ. Sự tác động của Condoleezza Rice đối với ông Bush vẫn là một bí mật mà nhiều người muốn khám phá. Không ai có thể tìm thấy điểm chung giữa một phụ nữ da đen xuất thân từ một gia đình không giàu có với một người đàn ông da trắng có đầy đủ mọi thứ ngay từ khi mới chào đời. ấy vậy mà chính bà Rice chứ không phải ai khác đã giúp ông Bush giành vị trí "quán quân hài hước" trên chính trường Mỹ và đưa Tổng thống trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực chính trị quốc tế. Người ta đồn rằng bà Rice từng liệt kê danh sách tên một loạt nhà lãnh đạo thế giới để Tổng thống George Bush đọc hàng đêm trước khi đi ngủ và sẵn sàng gọi cho ông vào giữa đêm để thảo luận quốc sự.

Sinh ngày 14/11/1954, tại Birmingham, tiểu bang Alabama, Condoleezza Rice là người con duy nhất của mục sư John Wesley Rice, Jr và nữ giáo viên âm nhạc Angelena Rice. Tên của bà cũng có nguồn gốc từ thuật ngữ âm nhạc. Con dolcezza tiếng Italia có nghĩa là tấu nhạc một cách ngọt ngào. Ngay từ khi mới 3 tuổi, Condoleezza Rice đã biết chơi đàn piano và gia nhập ban đồng ca nhà thờ một năm sau đó. Chăm chỉ, lại thông minh nên cô bé da màu chẳng bao giờ ngại ngùng trước đám bạn da trắng mà thường xuyên vươn lên, trở thành người đứng đầu trong các lớp học.

Ngày nay, mặc dù giữ trọng trách trong "triều chính" của Tổng thống George Bush, bận bịu tối ngày với mớ công việc ùn ùn, Condoleezza Rice vẫn giữ thói quen của mình như dậy sớm từ lúc 4h30, tập thể dục và chơi nhạc... Những khi không phải đi công tác nước ngoài, không tối nào bà không ngồi hàng giờ bên cây đàn piano của mình. Yêu thích nhạc cổ điển, Condoleezza Rice thuộc lòng các tác phẩm nổi tiếng của Beethoven, Chopin…

Không xinh đẹp, không chạy đua theo mốt thời thượng song Condoleezza Rice lại thích dùng các trang phục đắt tiền của hãng Armani và Oscar de la Renta. Bà có một bộ sưu tập giày ấn tượng, mỗi một đôi lại phải đi riêng với một bộ áo cánh. Bà có quyền điều hành cả một bộ quan trọng trong chính quyền Washington và mang ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều quyết định lớn của Tổng thống Mỹ.

Có thể nói rằng, Condoleezza Rice có tất cả những gì một người phụ nữ muốn có trong cuộc đời ngoại trừ một người đàn ông. Tuy nhiên, độc thân lại không phải là một vấn đề gây cản trở cho con đường tiến thân của bà. Nhiều nguồn tin từ phương Tây cho biết Condoleezza Rice có khẳ năng sẽ trở thành nữ Phó Tổng thống thay cho vị trí Phó Tổng thống của ông Dick Cheney đặc biệt là sau những bê bối liên quan đến việc tiết lộ danh tính của một nhân viên CIA. Và nếu kịch bản này thành công, con đường tiến tới chiếc ngai vàng quyền lực tối cao trên đất Mỹ của Condoleezza Rice lại càng rộng mở

Chu Nguyễn (Tổng hợp)
.
.