Hillary Clinton và “nghệ thuật ngoại giao mềm”

Thứ Hai, 26/10/2009, 14:40
Có một điểm chung nhất trong các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, từ chuyến thăm đầu tiên tới châu Á vào tháng 2 tới chuyến công du châu Phi vào tháng 8 vừa qua: Đó là "quyền lực mềm" được bà thể hiện rất khéo léo.

Trong chuyến viếng thăm chính thức 5 ngày tới châu Âu, bà Hillary Clinton phải tham gia từ các cuộc thương lượng căng thẳng vào phút chót tại Zurich quanh vấn đề hòa giải giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến cuộc thảo luận về vấn đề Afghanistan và Iran ở London. Những cuộc thương lượng tiếp tục tại Moskva sau khi bà có một chuyến thăm ngắn tới DublinBelfast.

Chuyến thăm kết thúc tại Tatarstan, nước cộng hòa thuộc Nga, nơi Ngoại trưởng Mỹ, trong lúc nóng lòng muốn bỏ lại các thủ đô lớn đằng sau, có chuyến thăm tận mắt để chứng kiến sự tồn tại giữa người Thiên Chúa giáo và người Hồi giáo tại thủ đô Kazan hơn 1000 năm tuổi.

Mặc dù IranAfghanistan là các chủ đề nổi bật trong các cuộc đối thoại, có vẻ như chuyến thăm không có chủ đề cụ thể nào và sự kết nối duy nhất giữa các địa điểm là chúng nằm trên khu vực chính trị Á - Âu.

Tiềm năng thiên phú

Cho dù ở Nga nói chuyện về chương trình hạt nhân của Iran, ở Hàn Quốc bàn về mối đe dọa của Bình Nhưỡng, hay ở Bắc Ireland kêu gọi các phe phái đối lập không quay lại con đường bạo lực, bà Clinton tiếp tục lấp đầy nghị trình của mình với các sự kiện "mềm", tại đó bà gặp gỡ sinh viên, những người hoạt động về quyền phụ nữ hay nhân quyền.

Bà nói về những cuốn sách tạo ảnh hưởng cuộc đời mình, nâng cao nhận thức của mọi người về tình trạng lạm dụng xâm hại phụ nữ như vũ khí chiến tranh, và thường xuyên nhắc tới những tiềm năng trời ban cho con người. (Bà thường xuyên sử dụng thuật ngữ này đến nỗi các phóng viên khi tác nghiệp chỉ ghi tắt GGP, God-given potential, những tiềm năng trời ban).

Cũng khó mà đánh giá đường lối ngoại giao công khai này có tác động ra sao tới hình ảnh của Hoa Kỳ ở nước ngoài, hay thúc đẩy thêm tới đâu các mục tiêu ngoại giao của chính quyền của Tổng thống Barack Obama. Có thể bà chỉ muốn tác động phần lớn tới những người đã thay đổi ý kiến, hay muốn gia tăng thêm thiện chí đối với Hoa Kỳ sau khi ông Obama thắng cử. Tuy nhiên, điều này cũng giúp làm giảm đi thái độ chống Mỹ tại một số nơi trên thế giới.

Bà Clinton, vốn có vị thế của một ngôi sao quyền lực từ khi còn là đệ nhất phu nhân, cũng cho thấy sự đối lập mạnh với người tiền nhiệm Condoleezza Rice. Cần biết rằng bà Rice thực hiện chính sách đối ngoại một cách cứng rắn hơn, theo lối học thuật, và chỉ tham dự các cuộc gặp gỡ chính thức trong những chuyến thăm ngắn với mức độ chính xác kiểu quân sự.

Người không thích phô trương

Các quan chức không muốn tiết lộ danh tính trong chính quyền Obama đưa ra những phân tích khác nhau về vai trò của bà Clinton. Một số người nói bà không tỏ ra hết mình trong lĩnh vực ngoại giao, và không gánh nhiều trọng trách trong quá trình đưa ra các sách lược.

Những người khác thì mạnh mẽ bảo vệ bà, khẳng định rằng khó có thể đánh giá quá cao vai trò chủ đạo của bà trong đối thoại và những quyết định về mọi chuyện, từ Afghanistan, Iran cho đến Trung Đông.

 Tuy nhiên, phụ nữ và nhân quyền dường như "thực sự quan trọng" đối với bà Clinton, và điều này giải thích tại sao các chuyến thăm của bà tiếp tục chứa đầy các sự kiện "quyền lực mềm".

 Bà Clinton có vẻ bực tức khi bị chất vấn là bà có cảm thấy bị gạt ra bên lề trong các vấn đề lớn hay không. Phát biểu với Hãng truyền hình NBC của Mỹ gần đây, bà nói: "Tôi thấy đề cập như vậy là thiếu hiểu biết... Tôi nghĩ đó là một đánh giá không thực tiễn chút nào về những gì tôi làm mỗi ngày. Tôi tin tưởng vào chuyện giao bớt quyền hành. Tôi không phải là người thích lúc nào cũng phải chường mặt ra trên trang nhất của mọi tờ báo hay tivi".

Người trong cuộc

Chắc chắn là bà Clinton cũng không cần phải "gào to" mới được Tổng thống Obama chú ý. Có lần, khi các phóng viên hỏi bà Clinton thấy điều gì đáng ngạc nhiên nhất hay bất ngờ nhất trong công việc của mình, bà nói đó là thời gian bà phải có mặt tại Nhà Trắng. 

Trong nhiều tháng, có vẻ như bà lặng lẽ chơi trò chơi "người trong cuộc", gây dựng các liên minh và chăm chú học hỏi những điều mấu chốt trong công việc mới, khéo léo tạo dựng quan điểm của mình trong nhiều vấn đề ngoại giao mà có thể bà chưa nghĩ tới từ lúc là thượng nghị sĩ đại diện cho New York, hay thậm chí từ thời là đệ nhất phu nhân.

Giờ đây, bà có một đồng minh khá khác thường và đầy quyền lực trong chính quyền, là Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates. Rất ít khi Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hợp nhau. Thông thường Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hay "khẩu chiến" với nhau, đặc biệt dưới thời Tổng thống George W Bush.

Nói chuyện tại một diễn đàn hôm 5/10 vừa qua, ông Gates nói: "Sự nghiệp của tôi đa phần chứng kiến các vị Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng không nói chuyện với nhau, thường thì người ngoài không thể biết nhưng quan hệ đó đôi khi rất tồi tệ".

Tuy nhiên, hai vị bộ trưởng này thường nói chuyện với nhau trên điện thoại, và "có vẻ như (bà Clinton) thường xuyên có mặt tại Phòng Tình huống trong Nhà Trắng", theo lời ông Gates trên báo Washington Post gần đây.

Trong khi quyết định về chiến lược của Mỹ tại Afghanistan sắp đưa ra, hai vị có vẻ như nói cùng một tiếng nói và cùng biểu quyết khá dứt khoát về số lượng, chiến lược cũng như việc triển khai quân lính.

Viết trên tuần báo New York mới đây, ông John Heilemann nói rằng cho dù không ai gọi đó là học thuyết Hillary, kiểu chiến thắng thầm lặng chính là thứ đưa đến quyền lực nội tại lớn hơn cho bà Clinton trong tương lai

Hoàng Thanh (theo BBC News)
.
.