Hoàng gia Tây Ban Nha điêu đứng vì vụ bê bối của Phò mã

Thứ Năm, 14/03/2013, 18:25

Cuộc điều tra xung quanh vụ án biển thủ tiền quỹ tại tổ chức từ thiện Noos Institute do Quận công Inaki Urdangarin của xứ Palma, Phò mã của Hoàng gia Tây Ban Nha điều hành đang tiếp tục với những tình tiết mới làm điêu đứng Hoàng gia Tây Ban Nha, đồng thời có thể sẽ là cú giáng mạnh vào uy tín của Vua Juan Carlos.

Diễn biến mới nhất của cuộc điều tra là vào ngày 23/2/2013, Quận công Inaki Urdangarin phải ra điều trần trước thẩm phán Jose Castro, người phụ trách chính điều tra vụ án. Quận công Urdangarin khẳng định với thẩm phán Castro rằng vợ mình, Công chúa Cristina, và cha vợ, Vua Juan Carlos, đều không có liên quan gì trong vụ việc lùm xùm tại tổ chức từ thiện Noos Institute.

Tuy nhiên, lời khẳng định của Quận công Urdangarin đã không thể dập tắt được dư luận đang ngày càng chú ý mạnh vào việc Hoàng gia Tây Ban Nha ít nhiều đã có dính líu trong vụ việc bê bối này. Urdangarin đã cố gắng bác bỏ những lời khai làm chứng của một người "bạn làm ăn" cũ của mình là Diego Torres, người một tuần trước đó đã khẳng định với thẩm phán Castro rằng Vua Juan Carlos và Công chúa Cristina không hoàn toàn "vô can" trong vụ này.

Cụ thể, Torres cho rằng, mọi hoạt động của Quận công Urdangarin đều nằm trong sự kiểm soát của Hoàng gia. Ngoài ra, Torres cũng khẳng định Công chúa Cristina không phải là không biết những gì chồng bà làm, mà ngược lại, còn tham gia cả trực tiếp lẫn gián tiếp cùng chồng điều hành tổ chức Noos Institute thông qua hình thức "cố vấn", giúp chồng vạch kế hoạch hoạt động, hoặc thông qua người thư ký Hoàng gia là Carlos Garcia Revenga.

Để minh chứng cho điều mình nói, Torres đã trưng ra hơn 200 e-mail trong đó chứa đựng những "bằng chứng" về việc Công chúa Cristina, Vua Juan Carlos và Hoàng gia Tây Ban Nha có liên quan đến những hoạt động của Urdangarin tại tổ chức Noos Institute. Theo nội dung các e-mail, từ trước khi vụ việc được phanh phui và điều tra vào năm 2007, Hoàng gia Tây Ban Nha đã biết và rất quan ngại nên đã thúc giục Quận công Urdangarin rời khỏi tổ chức này.

Còn theo thông tin từ Hoàng gia Tây Ban Nha, từ năm 2004, Hoàng gia đã tìm mọi cách để kéo Urdangarin ra khỏi Noos Institute, trong đó có việc tìm kiếm cho Quận công một công việc mới "xứng tầm" để ông yên tâm từ bỏ Noos Institute. Cuộc tìm kiếm việc làm cho Quận công Urdangarin kéo dài sang năm 2005, và Vua Juan Carlos đã yêu cầu một người bạn, cũng là cố vấn riêng của mình nguyên là Công chúa Đức Corinnna Satn-Wittgenstein tìm kiếm việc làm cho con rể mình.

Vua Juan Carlos (phải) cùng con gái và con rể, Quận công Inaki Urdangarin (trái).

Urdangarin năm nay 45 tuổi, cưới Công chúa Cristina, 47 tuổi, và trở thành Quận công vào năm 1997. Trong vụ việc tại Noos Institute, ông cùng với Torres bị cáo buộc đồng lõa nhận hối lộ với số tiền lên đến 8 triệu USD từ chính quyền các tỉnh Balearic Islands và Valenvia để tổ chức các sự kiện thể thao và du lịch tại các địa phương này. Sau đó Quận công Urdangarin chuyển phần lớn khoản tiền này ra nước ngoài, gửi trong các tài khoản ngân hàng và đầu tư vào các công ty kinh doanh, trong đó có một công ty bất động sản được cho là do đích thân vợ chồng ông trực tiếp điều hành. Với những thông tin làm chứng của Torres, người ta dự đoán Công chúa Cristina có thể cũng sẽ bị điều tra.

Hiện tại, thẩm phán Castro chưa đưa ra quyết định truy tố đối với Quận công Urdangarin và ông Torres, vì phía công tố viên vẫn chưa tập hợp đủ chứng cứ buộc tội. Hiện các luật sư của Quận công Urdangarin đang đặt vấn đề nghi ngờ tính chân thực của các e-mail mà Torres trưng ra.

Bất luận các kết quả điều tra sẽ như thế nào thì chuyện lùm xùm này cũng đã làm cho Hoàng gia Tây Ban Nha mang thêm tai tiếng. Vụ việc khiến cho người dân nhớ lại những cáo buộc trước đây về các khoản chi tiêu hoang phí của các thành viên Hoàng gia bằng đồng tiền thuế của người dân, vì thế uy tín vốn đã xuống thấp nay còn thấp hơn nữa.

Có người nghĩ đến chuyện đã đến lúc Hoàng gia Tây Ban Nha làm một cuộc "thay máu", ám chỉ việc Vua Juan Carlos thoái vị để nhường ngôi lại cho con trai là Hoàng thái tử Felipe - một người trẻ tuổi, theo xu hướng phát triển mới, để giúp đưa Hoàng gia hợp thời hơn với thế kỷ XXI. Nhưng ở Tây Ban Nha, vấn đề thoái vị rất hiếm khi xảy ra. Trên thực tế, Vua Juan Carlos hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ ủng hộ, xem ông là biểu tượng của dân chủ và ổn định đất nước.

Lên trị vì ngay sau khi nhà độc tài Franco bị truất phế, Vua Juan Carlos đã có công mang đến hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, ổn định cho đất nước Tây Ban Nha; ông đã từng đóng vai trò chính dập tắt một cuộc nội chiến suýt nổ ra vào năm 1981. Ngày nay, Hoàng gia rơi vào hoàn cảnh khó khăn, uy tín sụt giảm, chi tiêu và sinh hoạt đều hạn chế, thậm chí bị kiểm soát nghiêm ngặt. Nhưng nếu chỉ vì một vài vụ việc tai tiếng có liên quan đến một vài thành viên Hoàng gia thì không thể gạt bỏ tất cả công lao của nhà Vua.

Và không chỉ Hoàng gia, vụ việc bê bối tại Noos Institute còn ảnh hưởng đến Thủ tướng Mariano Rajoy và đảng cầm quyền của ông. Ông Rajoy và đảng của ông cũng đang đối mặt với một cuộc điều tra tài chính nhắm vào Luis Bárcenas, cựu Thủ quỹ của ông, với cáo buộc nghi ngờ lập quỹ đen và tạo tài khoản bí mật ở nước ngoài để cất giữ những khoản tiền bất minh.

Người dân Tây Ban Nha vốn đã phải chịu cực khổ vì chính sách "thắt lưng buộc bụng" của Thủ tướng Rajoy, cho nên họ tổ chức biểu tình phản đối trên khắp các đường phố Madrid, với khẩu hiệu: "Các vị có phong bì, chúng tôi phải cắt chi tiêu!"

Tiểu Bảo (tổng hợp)
.
.