Hoạt động của lực lượng giữ hòa bình LHQ

Thứ Ba, 17/01/2006, 08:15

Để giám sát việc ngừng bắn giữa Israel và các nước Arập, ngày 29/5/1948, LHQ đã thành lập Uỷ ban Giám sát đình chiến. Đó là hành động gìn giữ hòa bình đầu tiên của tổ chức quốc tế này. Nhiệm vụ lúc đó mới chỉ giới hạn trọng các nước Ai Cập, Syria, Jordan, Liban và Israel. Hơn nửa thế kỷ qua, gần 1 triệu binh lính quân đội và cảnh sát đến từ 140 quốc gia đã thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, tất cả hơn 50 cuộc và ở khắp các châu lục.

Tiêu điểm: châu Á và châu Phi

Trong hơn 50 lần can thiệp vì mục đích gìn giữ hòa bình thì ở châu Á và châu Phi là 19 lần, chiếm 70%, trong đó cuộc dàn xếp xung đột đầu tiên và dài nhất suốt từ năm 1948 đến nay là dàn xếp giữa Israel và các nước Arập, tiếp đến là dàn xếp xung đột quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan.

Trong 30 năm đầu, từ năm 1948 đến 1978, Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã can thiệp 19 lần, trong đó 10 lần ở châu Á, 6 lần có liên quan đến cuộc xung đột Israel và các nước Arập, 3 lần khác ở châu Phi, Nam Mỹ và châu Đại Dương.

Từ cuối thập niên 80 đến đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng gìn giữ hòa bình là ở “khu vực Liên Xô cũ”. Tháng 8/1993, Ủy ban Giám sát quân sự của LHQ và lực lượng gìn giữ hòa bình của các nước SNG mà nòng cốt là quân đội Nga đã thực thi nhiệm vụ ở Gruzia. Tháng 12/1994, LHQ thành lập Ủy ban Giám sát quân sự ở Tatgikistan cùng phối hợp với lực lượng quân đội của các nước SNG và Ủy ban An ninh châu Âu, đã chuyển cuộc xung đột vũ trang ở Tadjikistan thành đàm phán hòa bình. Nửa cuối thập niên 90, nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tập trung vào các nước thuộc thế giới thứ 3, trong đó phần lớn là ở châu Phi.

Triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình.

“Phương thức thứ 3”, một sáng tạo trong thực tiễn

Trong 57 năm làm nhiệm vụ, Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã tích lũy được những kinh nghiệm tốt, có thể đánh giá là có một không hai trên thế giới.

LHQ đã xây dựng được hành lang luật pháp về công tác gìn giữ hòa bình trong các nước thành viên. Theo đó, việc ngăn chặn xung đột quốc tế theo hai phương thức: Một là phương thức ngoại giao, tức là thông qua đàm phán để giải quyết tranh chấp, xung đột; hai là phương thức cưỡng chế, tức là dùng các biện pháp phong tỏa, cấm vận, bao vây kinh tế, thậm chí cưỡng chế bằng lực lượng quân sự.

Tuy nhiên, đối với một số quốc gia  nhiều sắc tộc, mâu thuẫn giữa các sắc tộc gay gắt, giải quyết bằng hai phương thức trên bị hạn chế nên đã sáng tạo ra “phương thức thứ ba”, tức là Lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ, thừa ủy quyền của Hội đồng Bảo an LHQ, dùng phương pháp phi võ lực để giúp đỡ giải quyết xung đột theo 3 nguyên tắc. Nguyên tắc đồng thuận, tức là hai bên xung đột đều đồng ý chấp thuận. Nguyên tắc trung lập, tức là không ảnh hưởng tới quyền lợi, yêu cầu hoặc lập trường của các nước có liên quan. Cuối cùng là nguyên tắc phi võ lực, tức là lực lượng gìn giữ hòa bình khi thực thi nhiệm vụ chỉ được mang theo người vũ khí hạng nhẹ và chỉ được sử dụng trong trường hợp bắt buộc phải tự vệ.

Nhiệm vụ nặng nề, thách thức còn nhiều

Trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã có những cống hiến quan trọng đối với thế giới, được sự tán thưởng rộng rãi của dư luận. Tính đến đầu năm 2003, đã có 1.803 người thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Vì thế năm 1988, lực lượng Mũ nồi xanh được nhận giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên trong thực tế, lực lượng gìn giữ hòa bình còn gặp nhiều khó khăn, thử thách sau đây:

Một là, do hạn chế bởi cơ chế hoạt động nên lực lượng này luôn lạc hậu không theo kịp sự biến chuyển của tình hình xung đột, do đó chưa chủ động và tích cực tạo mọi điều kiện để giải quyết các nguyên nhân của sự xung đột. Một ví dụ gần đây nhất xảy ra ở BosniaCroatia, do Lực lượng gìn giữ hòa bình không can thiệp, dẫn đến xung đột kéo dài và mở rộng, uy tín của LHQ ở khu vực này vốn đã không nhiều lại bị suy giảm.

Hai là, hiệu quả công việc bị hạn chế do phải dựa vào ngân sách đóng góp của 7 nước  phát triển nhất chiếm 70% dự toán ngân sách hàng năm của LHQ, trong đó Mỹ góp 22%, Nhật Bản 19,5%, ngược lại Nga chỉ có 1,2%, thấp hơn cả Hàn Quốc (1,9%) và Hà Lan (1,7%). Nguyên tắc “kẻ nào có tiền, kẻ đó có quyền phát ngôn” của phương Tây đã biểu hiện rất rõ. Điển hình là việc gìn giữ hòa bình ở Kosovo năm 1999, về danh nghĩa là trách nhiệm của LHQ, nhưng phương án cụ thể lại do Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quyết định.

Ba là, chi phí hoạt động không đủ. Chi phí hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình dựa vào 4 nguồn: dự toán thường niên; các nước có liên quan trực tiếp đóng góp; chi phí tự nguyện, bao gồm cả khoản chi phí của các nước gửi quân tới và kinh phí đặc biệt ngoài dự toán do các nước thành viên đóng góp theo tỉ lệ. Tuy nhiên, tình trạng nợ “hội phí” của một số nước thành viên rất nghiêm trọng, hơn thế, chi phí cho việc gìn giữ hòa bình ngày một tăng, nên chi phí luôn thiếu hụt. Từ năm 1948 đến nay, khoản chi phí này là 26,1 tỉ USD. Vì thế lực lượng làm nhiệm vụ này từ 1 triệu người hiện chỉ còn  37.000 người.

Bốn là, cách làm của người Mỹ và các nước phương Tây là “lợi thì làm, không lợi thì mặc kệ” khiến cho Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ngày càng  đối mặt với nhiều thách thức. Cuộc chiến tranh Iraq (trước đó là cuộc chiến tranh ở Afghanistan) do Mỹ gây ra không được sự đồng thuận của LHQ, khiến LHQ bị liên đới chịu trách nhiệm và uy tín bị giảm sút

Phạm Xuân Tiến (Tổng hợp)
.
.