Hối lộ, tham nhũng, lạm quyền và... hồi kết
Tạp chí Tài Kinh của Trung Quốc ngày 30/7 vừa đăng tải những chi tiết mới về cáo buộc nhắm vào cựu chính trị gia Bạc Hy Lai. Tập trung của cáo buộc là việc ông Bạc đã nhận hối lộ từ khi làm Thị trưởng thành phố Đại Liên và cản trở công tác điều tra vụ bà Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai, sát hại một doanh nhân Anh trong khi đang giữ chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, cũng như có quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ...
Trước đó vào ngày 25/7, Hãng tin Tân Hoa xã chính thức đưa tin ông Bạc đã bị truy tố vì 3 tội "nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực" và phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai sẽ được tiến hành "trong thời gian ngắn" ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông nhưng thời gian cụ thể diễn ra phiên tòa chưa được tiết lộ.
Có thể nói, vụ bê bối của Bạc Hy Lai được coi là vụ bê bối lớn nhất tại Trung Quốc kể từ năm 1976 của một quan chức cao cấp trong chính phủ. Ông Bạc từng có thời gian làm Bộ trưởng Thương mại và là Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc, từng được đánh giá là một ngôi sao đang lên và được dự báo sẽ vào Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị.
Việc xét xử ông Bạc diễn ra lúc này đang được coi là "liều thuốc thử" phản ứng của chính phủ trước quyết tâm đẩy mạnh cải cách luật pháp cũng như minh bạch hóa các hoạt động chính trị trong bối cảnh chống tham nhũng đã trở thành mục tiêu chính và nhiệm vụ sống còn của Trung Quốc…
Vẫn còn những bí mật
Vụ Bạc Hy Lai sa cơ thất thế năm 2012 đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của cánh nhà báo. Trong một cáo buộc mới nhất được đưa ra hôm 30/7 bởi tạp chí Tài Kinh, Bạc Hy Lai bị công tố viên buộc tội nhận hối lộ và biển thủ công quỹ từ thời còn đương chức Thị trưởng thành phố Đại Liên trong những năm 90. Ông Bạc bị cáo buộc nhận hối lộ với số tiền lên tới trên 4 triệu USD và biển thủ ít nhất 1 triệu USD.
Theo tạp chí này, một doanh nhân ngành nhựa có tên là Hứa Minh được cho là "kẻ đưa hối lộ nhiều nhất" cho ông Bạc. Nhân vật họ Hứa sở hữu khối tài sản gần 1 tỉ USD, chủ sở hữu Tập đoàn Shide Đại Liên, đã bị bắt năm 2012, một ngày trước khi chính phủ công bố việc cách chức Bạc Hy Lai, và từ đó đến nay không thấy ông ta xuất hiện trước công chúng. Bạc Hy Lai và Hứa Minh có mối quan hệ "quan - thương câu kết", và chính doanh nhân Hứa Minh đã hối lộ Bạc bằng cách chi tiền cho quý tử Bạc Qua Qua du học.
Ngoài ra, các mối quan hệ của ông Bạc với giới quan chức trung cấp ở Trùng Khánh, trong đó có cựu Giám đốc Tổng cục Trùng Khánh Vũ Văn Khang và cựu Bí thư Huyện ủy Nam An, Hạ Trạch Lương, vẫn còn là một ẩn số.
Tạp chí Tài Kinh cũng phát hiện ông Bạc phải đối mặt với cáo buộc lạm quyền vì bị nghi ngờ "bẻ cong pháp luật" do cản trở cảnh sát Vương Lập Quân, một phụ tá của ông ta điều tra vụ bà vợ Cốc Khai Lai sát hại doanh nhân người Anh Neil Heywood hồi năm 2011. Vào lúc đó, ông Bạc là Bí thư Thành ủy thành phố Trùng Khánh và là 1 trong 25 ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Luật sư của ông Bạc đã từ chối bình luận về bài báo trên tạp chí Tài Kinh, cho rằng đó là sản phẩm bịa đặt của những người muốn tử hình ông Bạc. Lý do được đưa ra là những tác giả của bài báo đăng trên Tạp chí Tài Kinh không nêu tên bất kỳ nguồn thông tin nào của họ. Tuy nhiên, đây là cách thức làm việc thông thường của tạp chí này, có tiếng về phóng sự điều tra và vạch trần tham nhũng ở Trung Quốc. Bài báo sau đó đã bị gỡ bỏ khỏi trang web của tạp chí nhưng được đăng lại trên một trang blog của tờ nhật báo Nhân dân.
Bạc Hy Lai và Hứa Minh có mối quan hệ "quan - thương câu kết", trong đó doanh nhân họ Hứa được cho là "kẻ đưa hối lộ nhiều nhất" cho ông Bạc. |
Đầu tháng 3, cũng chính tạp chí Tài Kinh đã đăng tải một nghi án mới về chuyện ông Bạc rửa tiền và dính líu tới trùm sòng bài ở Ma Cao. Theo đó, Bạc Hy Lai thường xuyên qua lại với Giám đốc Lin Cheuk Chiu, có biệt danh "Hải âu đỏ đen biển khơi", vốn đang thuộc diện điều tra do các cáo buộc liên quan tới một mạng lưới rửa tiền, buôn lậu và tham nhũng quy mô lớn.
Các nhân viên điều tra của Trung Quốc đã tới một trong những sòng bài nổi tiếng nhất tại Ma Cao của Lin Cheuk Chiu và tìm hiểu thông tin từ 6 người đang ngồi chơi tại phòng dành cho khách hạng sang để xem xét liệu ông Bạc có tiến hành rửa tiền phi pháp tại các sòng bài ở Ma Cao hay không. Kết quả điều tra bất ngờ cho thấy, các hồ sơ tài chính của bà Cốc Khai Lai (một trong những khách hàng thân thiết của casino do Lin Cheuk Chiu làm chủ), có kết nối với casino của ông Lin và các ngân hàng ngầm của ông này.
Rất có thể, thông qua các mối quan hệ kiểu này mà Bạc Hy Lai đã "tuồn" được 6 tỉ USD ra nước ngoài để "phòng thân". Mức lương của ông Bạc chỉ vào khoảng 1.600 USD/tháng; do đó, người ta không hiểu ông Bạc và các thành viên gia đình lấy tiền đâu để làm ăn lớn, sinh hoạt vương giả và cho Bạc Qua Qua du học tại các trường quý tộc và tiêu tiền như rác ở Âu, Mỹ.
Chỉ khi điều tra bóc mẽ khối tài sản khổng lồ của gia đình họ Bạc, mọi chuyện mới trở nên rõ ràng. Bạc Hy Lai cùng các thành viên trong gia đình thành lập các công ty ở nước ngoài và đăng ký bằng nhiều tên khác nhau nhằm gây khó khăn cho việc theo dõi các phi vụ kinh doanh của họ. Tạp chí Tài Kinh cũng đã đưa tin một số quan chức tham nhũng "giấu tên" đã bí mật nhờ vợ con, bạn bè, thậm chí cả tình nhân để chuyển tài sản bòn rút được ra nước ngoài. "Một vài kẻ thậm chí còn âm thầm lấy quốc tịch nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau", tạp chí này cho biết.
Dư luận cũng chú ý tới Bạc Hy Lai vì lối sống thác loạn và sa đọa của con người này. Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương có viết: "Bạc Hy Lai có quan hệ tình ái với nhiều phụ nữ". Các bài báo điều tra liên tiếp phanh phui chuyện ái tình của ông Bạc từ thời còn là Thị trưởng Đại Liên. Cựu Bí thư Trùng Khánh thừa nhận chỉ có quan hệ tình ái với... 33 phụ nữ, nhưng thực chất thì số nhân tình của Bạc Hy Lai có thể lên tới 170, còn theo đơn tố cáo thì là… 491.
Thậm chí, một bài báo có tên "Bạc Hy Lai một đời chính khí, dẹp xã hội đen, rốt cục có bao nhiêu tình nhân?" còn xác nhận Bạc Hy Lai từng có quan hệ bất chính với hơn 170 phụ nữ, trong đó có 11 thiếu nữ chưa đầy 16 tuổi, một số cô đã mang thai, bị ép bỏ thai và sinh con. Trong đó, đa phần là "hàng cống" từ Vương Lập Quân và giới quan chức nhằm lấy lòng ông Bạc.
Bạc Hy Lai tỏ ra "chơi đẹp" với những cô gái ông ta đã có quan hệ thân xác. Một nữ MC truyền hình sau khi lên giường được Bạc tặng một căn hộ trong "khu đất vàng" ở Trùng Khánh; còn nhiều bạn bè, cấp dưới đã được thăng chức hoặc tạo điều kiện vay vốn, nhận công trình. Thậm chí một số người khi bị tố giác phạm tội, bị điều tra, nhưng khi tìm được gái đẹp làm quà hối lộ cho Bạc đều được bỏ qua.
Án nào cho chính khách họ Bạc?
Có một thực tế là hầu hết tội trạng của Bạc Hy Lai diễn ra ở Liêu Ninh, Bắc Kinh và Trùng Khánh. Do đó, 1 trong 3 nơi này được coi là địa điểm lý tưởng cho phiên tòa xét xử ông Bạc, chứ không phải là một tòa án nhỏ ở Tế Nam - nơi vốn không hề liên quan tới ông Bạc. Theo giải thích của các chuyên gia pháp lý, việc này nhằm tránh sự can thiệp của các mối quan hệ, thích hợp áp dụng với các bị cáo là quan chức cấp cao. Đồng thời, tính công minh của pháp luật cũng được đảm bảo khi vận dụng triệt để nguyên tắc pháp lý "chỉ định quản hạt, dị địa thẩm lý" (chỉ định nơi quản lý và xét xử ở nơi khác).
Khi mà nghi ngờ về nơi xét xử vụ án còn chưa lắng xuống thì báo chí Trung Quốc lại rầm rộ đưa tin thay vì phanh phui toàn bộ tội trạng của cựu Bí thư Trùng Khánh, tòa án có thể chỉ xét xử ông Bạc vì tội tham nhũng từ những năm 90 với số tiền 4 triệu USD. Theo các nhà phân tích, với sự nghiệp chính trị dài và nắm giữ vị trí cao, sẽ là đáng ngờ khi cáo buộc tham nhũng chỉ ảnh hưởng tới những ngày đầu làm chính trị của ông Bạc ở những vị trí ít quyền lực.
"Khi ông ấy còn ở Đại Liên, ông ấy đã có thể nhận 25 triệu NDT, liệu ông ta có dừng lại hay không?", chuyên gia chính trị của Đại học Nottingham nhận xét, và cho rằng điều này "không hề logic". Tuy nhiên, việc thu hẹp phạm vi khởi tố xuống mức thấp nhất có nhiều khả năng còn là dấu hiệu ẩn chứa những điều khác hay không. Song rõ ràng, đã xuất hiện những sự thương lượng khó khăn giữa các chính trị gia cấp cao hay những người có thể tác động tới quá trình tố tụng trong việc quyết định cách thức xử lý vụ ông Bạc.
Các nhân vật liên quan tới vụ bê bối (từ trái qua phải): Bà Cốc Khai Lai, ông Bạc Hy Lai, doanh nhân Anh Neil Heywood, cảnh sát Vương Lập Quân. |
Ngày 22/7 vừa qua, chỉ 3 ngày trước khi ông Bạc chính thức bị truy tố các tội danh nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền tại Tòa án Tế Nam, báo chí đăng tải một bài báo nhấn mạnh những nguy hại của việc phán quyết án tử hình cho các nhân vật chính trị gây mâu thuẫn. Bài báo dẫn lời cố lãnh đạo Trần Vân nói với các nhà lãnh đạo cấp cao nhằm thuyết phục họ từ bỏ án tử hình, cho rằng việc sát hại lẫn nhau từ những nghi ngờ nhỏ nhặt do đấu tranh nội bộ sẽ "chỉ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn".
Một số nhà quan sát chính trị Trung Quốc cho rằng, thời điểm bài báo được đăng tải và nội dung của bài báo có thể là thông điệp tế nhị rằng ông Bạc sẽ thoát khỏi án tử hình trong bối cảnh dư luận đang kêu gọi trừng phạt mạnh tay hơn nữa các quan chức tham nhũng. Tuy nhiên, điều này chưa thể chắc chắn bởi lẽ các cáo buộc chính thức đối với ông Bạc lại đậm chất hình sự.
Một động thái khác từ giới truyền thông lại cho thấy Bạc Hy Lai sẽ chịu án tù chung thân với tội trạng có phần được giảm nhẹ. Hôm 25/7, bản tin của Tân Hoa xã có vỏn vẹn 281 chữ, chỉ đưa tên "Bạc Hy Lai" mà không đả động đến các chức vụ cũ của bị cáo. Ông Bạc bị quy kết 7 tội nhưng nay chỉ bị xét xử về 3 tội, điều này cho thấy đã có những sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá công, tội của Bạc Hy Lai.
Bản cáo trạng do đó chỉ buộc tội Bạc "là nhân viên Nhà nước, lợi dụng chức quyền mưu lợi cho người khác để nhận số lượng đặc biệt lớn của cải, tiền bạc một cách phi pháp; tham ô số tiền lớn; lạm dụng chức quyền gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân", với tình tiết đặc biệt nghiêm trọng, có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng chức quyền.
Giáo sư Hồng Đạo Đức ở Đại học Chính trị pháp luật Trung Quốc phân tích: trong 3 tội trên, nặng nhất là tội nhận hối lộ "số lượng đặc biệt lớn" với mức án cao nhất là tù chung thân, nếu thêm "tình tiết đặc biệt nghiêm trọng" mới có thể bị tử hình. Tội của Bạc Hy Lai không có "đuôi" này nên ông có thể sẽ không bị kết án tử hình. "Điều này có nghĩa là, dù bị xử về 3 tội trên, nhưng hình phạt tổng hợp của Bạc Hy Lai phải nhận cao nhất là tù chung thân, nhưng khả năng sẽ chỉ là mức án 25 năm", giáo sư Hồng nhận định.
Trong khi đó, tội "lạm dụng chức quyền" nhằm ám chỉ việc Bạc Hy Lai liên quan tới vụ án bà vợ Cốc Khai Lai sát hại thương gia người Anh Neil Heywood và có thể cả việc sử dụng các thủ đoạn nghiệp vụ để theo dõi, nghe lén, giám sát các nhà lãnh đạo quốc gia. Giáo sư Hồng cho rằng, khi xử Vương Lập Quân, tội nghe lén, giám sát trái phép các nhà lãnh đạo không được đưa ra xử công khai; thế nên, Bạc Hy Lai sẽ chỉ bị xét xử kín với tội trạng này. Hơn nữa, Bạc Hy Lai vẫn thường xuyên được tư vấn pháp lý và sẽ được quyền lựa chọn luật sư biện hộ. Do đó, sẽ khó có khả năng ông ta phải nhận án tử hình mà thay vào đó tòa sẽ tuyên án tử hình treo.
Rõ ràng, vẫn còn quá nhiều những dự đoán về vụ án Bạc Hy Lai. Thế nhưng, dư luận vẫn luôn mong chờ những động thái tích cực từ chính phủ trước vụ xét xử ông Bạc Hy Lai. Đây được coi là phép thử cho cuộc cải cách pháp lý và những cam kết của Chính phủ Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng…