Hội nghị các thủ lĩnh tại Afghanistan chấp nhận đàm phán với Taliban: Afghanistan sẽ đi về đâu?

Thứ Năm, 17/06/2010, 10:40
Hội nghị Các thủ lĩnh (Jirga) về tiến trình hòa bình tại Afghanistan được coi là tạo ra một bước ngoặt cho lịch sử cho Afghanistan. Khoảng 1.600 tù trưởng bộ lạc, các nghị sĩ, các nhân vật hoạt động xã hội và chính trị cũng như giới chức chính phủ tham dự hội nghị đã thống nhất thành lập một ủy ban quốc gia về hòa giải với phiến quân Taliban.

Hội nghị còn được gọi với cái tên Tư vấn quốc gia về hòa bình diễn ra từ ngày 2/6 tại một căn lều lớn ở ngoại ô thủ đô Kabul, nhằm thảo luận các biện pháp và cách thức thúc đẩy tiến trình hòa giải do Chính phủ khởi xướng với phiến quân Taliban. Đây là hội nghị hòa bình Jirga thứ ba được tổ chức kể từ khi Taliban bị lật đổ năm 2001 trong một cuộc chiến dưới danh nghĩa chống khủng bố do Mỹ và liên quân nhiều nước tiến hành.

Đại diện của Taliban không được mời tham dự hội nghị này. Cho nên dù với một lực lượng an ninh hùng hậu bảo vệ, hơn 12.000 nhân viên an ninh, nhưng ngay trong ngày khai mạc Hội nghị, đã xảy ra ít nhất 3 vụ bắn đạn rocket vào gần căn lều ở thủ đô Kabul, nơi Tổng thống  Afghanistan Hamid Karzai đọc diễn văn khai mạc hội nghị.

Ngay sau đó đã xuất hiện tiếng súng gần Trường đại học Bách khoa Kabul, khu vực diễn ra hội nghị trên, khoảng nửa giờ đồng hồ sau các vụ bắn rocket. Taliban đã lên tiếng nhận trách nhiệm tiến hành vụ tấn công nhằm vào hội nghị. Hành động này của Taliban cho thấy an ninh tại Kabul đang là một vấn đề gai góc mà chính quyền của Tổng thống Karzai phải đối phó.

Trước đó Taliban đã thực hiện thành công nhiều vụ tấn công khủng bố chớp nhoáng gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho chính quyền Kabul cũng như Mỹ và liên quân đang có mặt tại Afghanistan. Chả vì thế mà hai ngày sau khi hội nghị kết thúc, Bộ trưởng Nội vụ, Hanif Atmar, và lãnh đạo Cơ quan Tình báo Afghanistan, Amrullah Saleh, đã bị sa thải do để xảy ra sự cố trên.

Mặc dù vậy, hội nghị Jirga lần này cũng đã kết thúc tốt đẹp với thành công ngoài mong đợi, mở ra cơ hội kết thúc cuộc nội chiến kéo dài 9 năm tại Afghanistan. Phó chủ tịch hội nghị Qiyamuddin Kashaf nói rằng, hội nghị hòa bình này là cơ hội cuối cùng để chấm dứt tình trạng bất ổn tại nước này: "Nếu không mở cánh cửa sổ cho hòa bình, thì chúng ta sẽ không bao giờ mở được cánh cổng chính dẫn đến hòa bình".

Các đại biểu tham gia hội nghị đã chấp thuận các kế hoạch của Tổng thống Hamid Karzai để mở hòa đàm với phe Taliban trong một cố gắng nhằm chấm dứt gần 9 năm nội chiến. Hội nghị kết thúc với nghị quyết chung cuộc kêu gọi thành lập một ủy ban để lãnh đạo những nỗ lực mở thương thuyết với phe Taliban.

Nghị quyết này nói rằng những thành phần nổi dậy muốn tham gia vào tiến trình hòa bình phải cắt đứt liên hệ với Al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác. Ngoài ra, các đại biểu cũng đồng tình cho rằng, những phần tử tranh đấu tham gia tiến trình hòa bình cần phải được xóa tên khỏi danh sách đen của Liên Hiệp Quốc và kêu gọi trả tự do cho các tù nhân bị các lực lượng Afghanistan và nước ngoài giam giữ trái phép.

Gần 1.600 đại biểu chia thành nhiều nhóm làm việc để tìm những giải pháp hòa giải với phe Taliban.

Ông Kashaf nói rằng một số đại biểu muốn Mỹ trả tự do cho các tù nhân Taliban đang bị cầm giữ tại các trung tâm giam giữ của quân đội Mỹ, nếu những người tù chưa bị truy tố.

Trong lời nhận định đưa ra vào lúc kết thúc hội nghị, Tổng thống Karzai khuyến nghị phe Taliban và những nhóm tranh đấu bạo động khác hãy ngừng giao tranh. Ngược lại với đường hướng này, phe Taliban tuyên bố họ sẽ không tham gia vào các cuộc hòa đàm với chính phủ Kabul cho tới khi nào tất cả mọi binh sĩ nước ngoài rút khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, trong lời phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng thống Karzai hướng thẳng tới phe Taliban mà nhấn mạnh rằng: "Thỏa hiệp hòa bình với tôi thì sẽ không có sự hiện diện của người ngoài ở đây. Chừng nào các bạn không hòa đàm với chúng tôi, chừng đó chúng tôi sẽ không để cho quân đội nước ngoài rút đi".

Nghị quyết chung cuộc cũng kêu gọi các lực lượng quốc tế và Afghanistan chấm dứt các vụ không kích nhắm vào những nơi có thường dân và ngưng những vụ lùng soát nhà dân không cần thiết.

Binh sĩ Afghanistan canh gác đảm bảo an ninh cho Hội nghị hòa bình Afghanistan tại Kabul, ngày 2/6.

Phản ứng của quốc tế về hội nghị này là khá khả quan. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon gọi hội nghị là một bước đáng kể với tất cả mọi người dân Afghanistan để cổ vũ cho một cuộc đối thoại với sự tham gia của đủ mọi thành phần nhằm đạt tới hòa bình và ổn định tại Afghanistan. Còn đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan nói rằng thảo luận là bước khởi đầu cho một tiến trình sẽ giúp đem lại ổn định cho quốc gia này.

Hai ngày sau khi hội nghị kết thúc, Tổng thống Hamid Karzai đã bắt đầu bắt tay vào việc khi đưa ra yêu cầu xem xét lại tất cả hồ sơ các tù nhân có liên quan với Taliban để từ đó sẽ phóng thích những ai bị cầm tù mà không có chứng cứ phạm tội cụ thể nào. Một ủy ban đặc biệt đã được thành lập nhằm thực hiện những biện pháp cấp bách để trả tự do cho những tù nhân bị bắt chỉ vì có nguồn tin cho rằng họ dính dáng tới phe nổi loạn Taliban.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay là có những nhà tù vẫn do Mỹ kiểm soát nên Chính phủ Mỹ sẽ theo dõi rất sát chính sách mới của chính quyền Kabul. Mặc dù vậy, hành động trên của Tổng thống Karzai mang ý nghĩa vô cùng lớn nhằm tìm kiếm các lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.