Hungary: Thủ tướng trở thành nhân tố mới thách thức Mỹ và phương Tây

Thứ Ba, 16/12/2014, 16:35
Hungary và nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc - Thủ tướng Viktor Orban đang khiến giới chính trị cao cấp Mỹ tức lộn ruột vì "hành vi" có quan hệ song phương với Nga và công khai thách thức Washington thông qua hợp tác kinh tế - ký kết với Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga để đưa đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” vào châu Âu thông qua Hungary.

Ông Viktor Orban đã trải qua một hành trình chính trị đầy gian nan kể từ khi ông được bầu làm Thủ tướng  Hungary năm 1998. Thời gian đó, ông giám sát việc gia nhập của Hungary cùng với Cộng hòa Czech vào NATO trước sự phản đối từ Nga và trở thành thành viên EU. Đảm nhận trọng trách Thủ tướng trong thời kỳ kinh tế ngày càng phát triển trong lòng EU, ông Orban đã cắt giảm thuế, bãi bỏ học phí đại học cho sinh viên học giỏi, tăng trợ cấp thai sản, thu hút ngành công nghiệp Đức bằng lực lượng lao động Hungary giá rẻ nhưng trình độ chuyên môn đạt tiêu chuẩn.

Một trong những cố vấn của ông là James Denton - chuyên gia Cách mạng màu hoạt động dưới vỏ bọc một tổ chức phi chính phủ có tên gọi Ngôi nhà Tự do (Free House). Mỹ tỏ ra hài lòng, xem người đứng đầu Chính phủ Hungary dường như là một nhà chính trị có tư tưởng tân bảo thủ sẽ nằm trong "vòng tay âu yếm" của Washington. Nhưng từ năm 2010, Thủ tướng Hungary quyết làm theo cách riêng của mình. Vì vậy, ông Orban bị nhà chính trị Daniel Cohn Bendit, thành viên liên minh các đảng Xanh châu Âu tố cáo đang xây dựng Hungary theo mô hình Hugo Chavez. Vì sao được Mỹ và EU "tiếp sức" rất nhiều, ông Orban vẫn "học hỏi" người bạn Nam Mỹ - cựu Tổng thống Venezuela Hugo Chevez? Thủ tướng Orban luôn kiên định con đường tự chủ, độc lập, sẵn sàng quan hệ bình đẳng, hòa nhập sâu rộng, nhưng sẽ không đánh mất bản sắc dân tộc, ông không màng đến luật chơi mà phương Tây đang áp dụng trên toàn thế giới nhằm giữ "trật tự mới" theo toan tính của họ. Kể từ khi "quay lưng" từ chối "rổ cà rốt" cũng như ra mặt chống lại sự trừng phạt có thể đến từ "chiếc gậy", đảng Fidezs bỗng chốc bị các phương tiện truyền thông Mỹ, phương Tây nói xấu, biến thành "quỷ dữ". Chiến dịch "bão táp thông tin" nhằm quật đổ Viktor Orban diễn ra quyết liệt nhất là vào năm 2012.

Đối với Nga và Hungary, đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Nam” ví như một "dòng chảy kinh tế đầy vị ngọt". Ông Orban bất chấp sức ép EU nhằm ngưng việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt, vốn đóng vai trò quan trọng trong quan hệ kinh tế với Nga và được xem như động lực phát triển của Hungary. Tháng 1/2014, Chính phủ Orban ký kết thành công hiệp định năng lượng trị giá 10 tỉ USD với các tập đoàn năng lượng Nga để hiện đại hóa nhà máy hạt nhân của Hungary ở tỉnh Paks, đây là nhà máy do Liên Xô thiết kế và giúp Hungary xây dựng trước đây.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban trong một cuộc họp bàn về quan hệ kinh tế song phương vào đầu năm nay ở Budapest.

Ông Orban tiếp tục "đổ thêm dầu vào lửa" khi phê bình Mỹ năm 2013 bất lực trong việc giải quyết khủng khoảng tài chính, ngân hàng toàn cầu. Ông Orban mạnh mẽ đưa ra tuyên bố khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama vô cùng tức tối: "Nước Mỹ sẽ không còn đủ khả năng duy trì năng lực cạnh tranh toàn cầu của họ trong những thập niên sắp tới và còn bị thu hẹp lại, trừ khi họ có khả năng thay đổi chính bản thân một cách đáng kể". Chính phủ Orban đã nỗ lực hết mình giúp đất nước dần thoát khỏi chính sách "lạt mềm buộc chặt" của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tháng 8/2013, Bộ Kinh tế Hungary tuyên bố nhờ chính sách kinh tế đúng đắn, số dư nợ với IMF chỉ còn 2,2 tỉ USD. Hungary cũng thực hiện quốc hữu hóa các doanh nghiệp tư nhân hoặc phải tuân theo những quy định, nghị định và chính sách cụ thể do chính phủ đặt ra. IFM không đồng ý, nhưng ông Orban kiên quyết thực hiện. Tình thế được đẩy lên đỉnh điểm, khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Hungary yêu cầu IMF đóng cửa Văn phòng đại diện ở Budapest.

Nhưng "cảnh báo đỏ" chỉ thật sự vang lên khi ông Orban cùng đảng Fidesz của ông phê duyệt một bản ký tắt cùng với nước Áo láng giềng cho phép Nga xây dựng đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam”, phủ nhận tuyên bố vi phạm những quy định của EU. Ông Orban tỏ ra cứng rắn hơn khi đưa ra tuyên bố trước mặt chính trị gia cấp cao Horst Seehofer của Đức tại một cuộc họp ở Munich vào ngày 6-11 bằng tiếng Đức nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc đại ý là "Nền quân chủ hùng cường của dân tộc Áo - Hung mãi trường tồn". Lập tức Washington lên tiếng cảnh báo. Thời báo New York tức tốc ra loạt bài có tiêu đề "Cú trượt ngã đầy rủi ro của Hungary". Bài báo cho rằng "Chính phủ Thủ tướng Hungary Viktor Orban đang trượt dần về phía chủ nghĩa độc tài, không nhận ra những giá trị cơ bản của Liên minh châu Âu và kiên quyết đối đầu”. Tạp chí Times của Mỹ tiết lộ nguyên nhân thật sự khiến chính quyền Obama nổi đóa với Chính phủ Hungary: "Gần đây nhất, Hungary có biểu hiện coi thường đối với EU thông qua một đạo luật cho đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam” của Nga xuyên qua Hungary. Luật mới rõ ràng là sự “xúc phạm” lời kêu gọi của EU được đưa ra vào tháng 9 dành cho các thành viên để phá vỡ Dòng chảy phương Nam song song với các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga”.

Vì dám cả gan tự quyết vấn đề năng lượng, "chìa tay và nắm chặt hợp tác" với Nga, rất có thể trong tương lai, IMF và Quỹ Quốc gia Vì dân chủ - một tổ chức chính trị bí mật luôn dung nạp, nuôi dưỡng, cung cấp tài chính cho các tổ chức phản đối gây bạo động lật đổ chính quyền sẽ kết nối với các tổ chức "gắn mác" phi chính phủ của Mỹ tìm mọi cớ để khởi động một cuộc biểu tình chống lại Thủ tướng Hungary?

Phạm Anh (tổng hợp)
.
.