Về chuyến đi CHĐCN Triều Tiên của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton:

Hy vọng sẽ có đột phá trong đàm phán 6 bên

Thứ Ba, 18/08/2009, 10:35
Ngày 5/8 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mở đầu chuyến công du châu Phi 11 ngày. Nhưng sự kiện này dường như đã bị át đi do giới báo chí, quan sát dồn mọi sự chú ý vào chuyến thăm CHDCND Triều Tiên của chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton. Đã có một số tín hiệu lạc quan lóe lên từ bán đảo Triều Tiên sau hoạt động ngoại giao không chính thức này.

Chuyến đi của ông Clinton có mục đích rõ ràng là để tìm kiếm tự do cho 2 nữ phóng viên Đài Truyền hình Current TV người Mỹ gốc Hàn Quốc, Laura Ling (32 tuổi) và Euna Lee (36 tuổi), đang bị Bình Nhưỡng giam giữ vì nhập cảnh trái phép và bị cáo buộc làm gián điệp cho Hàn Quốc. Khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Bình Nhưỡng trong buổi sáng ngày 4/8, ông Clinton đã được đón tiếp bởi phái đoàn ngoại giao cao cấp của CHDCND Triều Tiên, có cả Thứ trưởng Ngoại giao Kim Guy Kye - nhà đàm phán hạt nhân chủ chốt của nước chủ nhà.

Trong 20 giờ đồng hồ thăm CHDCND Triều Tiên, ông Clinton đã có cuộc tiếp xúc hơn 3 giờ với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il (ăn trưa và hội đàm). Và sau hơn một giờ đồng hồ đàm phán, ông Bill Clinton đã thuyết phục được nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Il ân xá cho 2 nữ phóng viên Laura Ling và Euna Lee. Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết, Chủ tịch Kim Jong Il chấp thuận ân xá cho 2 nữ nhà báo sau khi nhận được lời xin lỗi từ phía Mỹ. Rạng sáng ngày 5/8, ông Clinton cùng 2 nữ phóng viên Ling và Lee đã lên máy bay rời Bình Nhưỡng.

Về mặt dư luận, báo chí cũng như giới chức Mỹ đều khẳng định chuyến đi của ông Clinton chỉ mang tính chất cá nhân, hoàn toàn không phải do chính quyền Barack Obama biệt phái; ông bay sang Bình Nhưỡng trên chiếc máy bay cá nhân không mang phiên hiệu nào, chứng tỏ chuyến viếng thăm của ông là không chính thức; nếu có bất cứ trao đổi, thỏa thuận nào giữa ông với lãnh đạo Triều Tiên thì cũng không mang tính ràng buộc chính thống.

Trên thực tế, dù không chính thức nhưng ông Clinton đã làm được điều mà các kênh ngoại giao chính thức không làm được: đưa 2 nhà báo Laura Ling và Euna Lee về nhà. Có thể ông Clinton đã dùng uy tín và ảnh hưởng của mình để thuyết phục nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên ân xá cho Ling và Lee bằng lời xin lỗi (như Thông tấn xã Triều Tiên KCNA đã đưa), nhưng điều quan trọng là động cơ thúc đẩy hành động "vì sự nhân đạo và yêu chuộng hòa bình" (theo KCNA) của Bình Nhưỡng xuất phát từ mong muốn Mỹ cử một nhân vật cao cấp đến thương lượng, và điều đó đã xảy ra.

Theo dõi dư luận báo chí thế giới gần đây liên quan đến thái độ của CHDCND Triều Tiên và Mỹ kể cả sau khi Triều Tiên bắn thử tên lửa (ngày 5/4/2009) có thể rút ra một điều rằng cả 2 phía Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang "giằng co" nhằm chiếm lợi thế trước các cuộc đàm phán sắp tới.

Hơn 10 ngày trước khi ông Clinton đến Bình Nhưỡng, bà Ngoại trưởng Clinton đã có lời xúc phạm CHDCND Triều Tiên khi bình luận liên quan đến vụ bắt giữ và kết án 2 nữ phóng viên Ling và Lee, nhưng ngày sau đó bà đã phải cải chính và hạ giọng xin lỗi, theo BBC News ngày 5/8.

BBC News cho rằng, chính lời xin lỗi này của bà Clinton là xúc tác làm dịu thái độ căng thẳng của Bình Nhưỡng quanh vấn đề 2 nữ nhà báo Current TV, từ đó giúp việc đàm phán trả tự do cho họ dễ dàng hơn. Nói cách khác, Bình Nhưỡng đã thành công trong việc lôi kéo được nhân vật cao cấp như ông Bill Clinton đến "năn nỉ" họ, tạo thế thượng phong cho các cuộc đối thoại song và đa phương trong tương lai.

Thật ra, sứ mệnh của ông Clinton trong chuyến đi này, dù với tư cách cá nhân, không chỉ gói gọn trong việc giải thoát 2 nữ phóng viên truyền hình Current TV. Bản thân sự việc cựu Tổng thống Clinton - nhân vật cao cấp nhất kể từ thời cựu Ngoại trưởng Madeleine K. Albright đặt chân đến Bình Nhưỡng đã là một sự kiện đặc biệt đáng quan tâm.

Khi ông Clinton đặt chân đến Bình Nhưỡng vào trưa ngày 4/8, giới quan sát khắp thế giới, vốn theo dõi rất sát chuyến đi của ông, đã đưa ra một số bình luận về những thông điệp thật sự mà ông sẽ mang đến với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên.

Nói là chuyến thăm với tư cách cá nhân, nhưng từ hình thức đón tiếp cho đến cuộc tiếp xúc và đàm phán đều được phía CHDCND Triều Tiên sắp xếp rất chu đáo, cho thấy một thái độ nghiêm túc. Mặc dù nội dung thảo luận thật sự không được tiết lộ đầy đủ nhưng Thông tấn xã Triều Tiên KCNA cho biết, ông Clinton đã chuyển đến Chủ tịch Kim "một thông điệp bằng lời từ Tổng thống Barack Obama", và Chủ tịch Kim đã nói lời "Cảm ơn!".

Đối với CHDCND Triều Tiên thì chuyến thăm của ông Clinton và cách tiếp đón trọng thị của Bình Nhưỡng đã tạo nên một hình ảnh tích cực trong cộng đồng thế giới, là một thành công về chính trị lẫn quảng bá hình ảnh của CHDCND Triều Tiên.

Báo chí Mỹ dù luôn chống phá CHDCND Triều Tiên vẫn cho rằng thái độ của Bình Nhưỡng trong việc giải quyết vấn đề 2 nữ nhà báo một lần nữa cho thấy họ có thể làm chủ "sân chơi" và sẵn sàng đàm phán với Mỹ và các đối tác "sáu bên" với những điều kiện và tư thế do họ chọn lựa.

Trong quá khứ, đã từng có những đột phá trong quan hệ 2 nước CHDCND Triều Tiên và Mỹ sau những chuyến viếng thăm của các nhân vật cao cấp (như chuyến viếng thăm của cựu Tổng thống Jimmy Carter dẫn đến đột phá ngoại giao năm 1994). Lần này, giới quan sát đang dự đoán rất có thể sau chuyến đi của ông Clinton, tiến trình đàm phán hạt nhân 6 bên cũng như quan hệ song phương Mỹ - CHDCND Triều Tiên sẽ có đột phá tương tự

An Châu (tổng hợp)
.
.