Indonesia: Đi tìm thuyền trưởng cho “con tàu” kinh tế

Thứ Sáu, 19/04/2019, 11:57
Ngày 13-4, chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tháng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Indonesia đã chính thức kết thúc với cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng viên. Đối thủ chính của đương kim Tổng thống Joko Widodo là cựu trung tướng Prabowo Subianto, người có liên hệ mật thiết với giới tinh hoa chính trị Indonesia.

Cuộc bầu cử ngày 17-4 với hơn 190 triệu cử tri đủ điều kiện được xem là cuộc bầu cử dân chủ diễn ra trong một ngày lớn nhất thế giới. Người chiến thắng trong cuộc đua giành ghế tổng thống sẽ nhậm chức vào tháng 10-2019.

Đối thủ cũ, biến số mới

5 năm trước, người dân đảo quốc gọi ông Widodo với biệt danh giản dị “chính trị gia chân đất” bởi xuất thân bình dân, giản dị và thường xuyên “vi hành” đến những nơi nghèo nàn nhất của thủ đô. Liệu rằng lần này cử tri Indonesia có tiếp tục trao niềm tin và hy vọng của mình cho ông Widodo?

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ưu thế đang nghiêng về đương kim Tổng thống Widodo, nhưng các biến số khác nhau cũng khiến cho tình hình bầu cử có thể đảo ngược bất cứ lúc nào.

Hiện tại, ứng cử viên Prabowo Subianto xoáy vào điểm yếu lớn nhất của ông Widodo, đó là các vấn đề kinh tế mà Indonesia đang phải đối mặt trong bối cảnh giá trị đồng rupiah của Indonesia ở mức thấp kỷ lục.

Theo phe đối lập, Tổng thống Widodo đã không thực hiện được giảm bất bình đẳng thu nhập và đảm bảo tăng trưởng 7% như cam kết trong chiến dịch năm 2014. Bên cạnh đó là bức tranh kinh tế nhiều điểm trừ bởi các dự án hạ tầng đắt đỏ, nợ nước ngoài và nợ công liên tục tăng, sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn Viện nghiên cứu Đông Á gần đây, ông Sandiaga Uno, ứng cử viên Phó tổng thống của Indonesia đã coi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới là một cuộc trưng cầu dân ý về nền kinh tế Indonesia.

Vì lẽ đó, vấn đề kinh tế một lần nữa lại làm “nóng” cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng. Tại đây, ứng cử viên Prabowo Subianto tuyên bố sẽ tăng giá trị cho ngành công nghiệp của Indonesia. Ông Prabowo cho rằng chính quyền Tổng thống Widodo chỉ tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng và kết quả là ngành công nghiệp bị tụt hậu. Việc thúc đẩy ngành công nghiệp và duy trì sự chắc chắn trong kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp của Indonesia.

Phản pháo lại quan điểm này, ông Widodo cho rằng những gì ông đang làm chỉ là một giai đoạn trong lộ trình phát triển kinh tế của quốc đảo, cơ sở hạ tầng nước này sẽ được liên kết với các khu vực công nghiệp, các điểm du lịch và công trình xây dựng.

Uy tín của ông Widodo trong lòng người dân Indonesia đang có xu hướng giảm. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy rõ ông Widodo sẽ giành được khoảng 55% số phiếu bầu, đối thủ Prabowo Subianto giành được khoảng 30% hoặc 40% số phiếu. Số cử tri do dự vẫn chưa quyết định ủng hộ ứng cử viên nào chiếm khoảng 10%.

Các cuộc thăm dò dư luận chung của Cơ quan Nghiên cứu và Tư vấn Saiful Mujani (SMRC), Viện khảo sát Indonesia (LSI) và tờ Bisnis Indonesia đều cho thấy mức độ dẫn trước của ông Widodo đang bị thu hẹp. Cuộc thăm dò dư luận của Trung tâm khảo sát truyền thông quốc gia Indonesia (Median) công bố vào đầu năm 2019 cũng cho thấy ông Widodo chỉ dẫn trước khoảng 9%.

Cuộc thăm dò dư luận mới nhất của tờ Bisnis Indonesia vào ngày 20-3-2019 cũng cho thấy ưu thế của tổng thống Widodo đã giảm 8% so với 6 tháng trước, còn khoảng 50%, nhưng vẫn duy trì mức dẫn trước hai con số là gần 12%. Tỷ lệ ủng hộ ứng cử viên Prabowo Subianto cũng đã tăng lên 5% trong cùng giai đoạn đó.

Các ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống.

Đặc biệt, dù trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay, ông Widodo nhiều điểm thuận lợi hơn so với năm 2014 nhưng vẫn chưa thể cho ông một sự đảm bảo cho vị trí Tổng thống. Năm 2014, ông Widodo chỉ giành được sự ủng hộ của 4 đảng nhưng năm nay đã có tổng cộng 9 đảng ủng hộ ông Widodo, và những đảng này chiếm tới 60% số ghế ở quốc hội. Đây được xem là “cánh cửa may mắn” của Tổng thống đương nhiệm song cuộc bầu cử tại Indonesia là bầu “chọn người chứ không chọn đảng”.

Do đó, số đảng ủng hộ và tỷ lệ số ghế của các đảng này trong quốc hội không đảm bảo cho số phiếu mà ứng cử viên tổng thống giành được trong cuộc bầu cử. Điều đó có nghĩa, việc 9 đảng chiếm tới 60% số ghế tại quốc hội ủng hộ ông Widodo không đảm bảo cho việc ông giành được 60% số phiếu bầu.

Nỗ lực thay đổi cái nhìn của công chúng

Để củng cố lòng tin trong công chúng và làm mình trở nên hoàn hảo nhất có thể trong mắt cử tri, Tổng thống Widodo đã có nhiều hành động, trong đó đặc biệt quan tâm đến các vấn đề tôn giáo. Thời gian qua, nhiều người Indonesia cho rằng ông Widodo là người chống Hồi giáo trong khi quên đi thực tế rằng ông là một người Hồi giáo ôn hòa đến từ thành phố Solo.

Áp lực trước luồng dư luận đó, việc ông Widodo lựa chọn Maruf Amin, người có ảnh hưởng sâu sắc trong các tổ chức Hồi giáo, làm ứng cử viên phó tổng thống có thể sẽ giúp bù đắp được những thiếu hụt của ông. Đây cũng là nỗ lực giúp ông Widodo cố gắng giành phiếu bầu của các tín đồ Hồi giáo và đối đầu với đối thủ Prabowo Subianto, người giương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc và tự coi mình là “người bảo vệ Hồi giáo”.

Một hành động thiện chí hơn nữa, ba ngày trước cuộc bầu cử, Tổng thống Widodo đã hành hương đến địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi - Thánh địa Mecca tại Saudi Arabia. Mục đích thật sự của chuyến thăm, theo nhiều người Indonesia, là để nhấn mạnh trước nhân dân rằng đương kim Tổng thống của họ là một người Hồi giáo sùng đạo.

Năm 2016, khi các cuộc biểu tình phản đối cộng đồng gốc Hoa thiểu số diễn ra rầm rộ, các bình luận về Kinh Coran của một tỉnh trưởng gốc Hoa theo Công giáo ở Jakarta, điều mà người Hồi giáo Indonesia cho là báng bổ, đã đẩy căng thẳng tôn giáo lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Như vậy, nếu như năm 2014, người dân quốc đảo cần một sự giải tỏa, một thế hệ chính khách mới, không liên quan tới quân sự thì năm nay, có lẽ họ cần một nhà lãnh đạo có những tư duy sắc sảo về kinh tế. Liệu đương kim Tổng thống Widodo có thể tiếp tục gánh vác trọng trách này và một lần nữa tạo được niềm tin cho cử tri Indonesia?

Hà Phương (tổng hợp)
.
.