Iran phát triển du lịch bất chấp vòng vây cấm vận

Thứ Ba, 07/08/2018, 16:50
Các nỗ lực quốc tế nhằm cô lập Iran và buộc nhà nước Hồi giáo từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi dai dẳng, song giới quan chức nước này lại mừng khi ngành du lịch phát triển cứu vãn kinh tế đất nước.

Sức hút của các kiến trúc đền thờ Hồi giáo

Du khách nước ngoài được coi là những người tích cực cung cấp tài chính cho một đất nước đang bị chao đảo vì nạn lạm phát tăng cao, thị trường xuất khẩu có giới hạn và gặp nhiều trở ngại trong nhập khẩu các nguyên liệu thô. Những năm gần đây xu hướng du lịch đến quốc gia Hồi giáo là một trong những sự tăng trưởng vượt quá mức trung bình toàn cầu.

Từ năm 2004 đến 2010, mức tăng hằng năm về lượng du khách tìm đến các quốc gia nước ngoài là 3,2% trên toàn thế giới - theo báo cáo của Tổ chức Du lịch Thế giới Liên Hiệp Quốc (UNWTO). Số liệu trong thời gian tương tự của Iran cho thấy ngành du lịch nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn - 12,7%. Lượng du khách nước ngoài đến Iran đạt ngưỡng 3 triệu người vào năm 2011, từ đó góp hơn 2 tỷ USD cho kinh tế nước này - theo dữ liệu của Iran.

Các công ty cung cấp tour du lịch ở Iran cho biết lượng du khách đổ về nơi đây tiếp tục tăng mạnh hơn nữa trong năm 2012. Tuyệt đại đa số du khách tìm đến đến Iran vì muốn hành hương đến các vùng đất thánh của người Siite. Năm 2011, hơn 1.000 người Mỹ viếng thăm đất nước Iran vì mục đích du lịch thuần túy, theo Hội Các công ty du lịch Iran.

Sức hấp dẫn mạnh những du khách nước ngoài có lẽ là nét cấm đoán của thế giới Hồi giáo! Vào những năm đầu tiên sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, những người cứng rắn trong giới tôn giáo chủ trương phá hủy một số khu di tích tiền Hồi giáo nổi tiếng nhất của Iran, bao gồm thành phố cổ Persepolis - một khu phức hợp cung điện có niên đại 2.500 năm. Nhưng, do hiểu được tầm quan trọng của du lịch cho nên chính quyền Iran vẫn duy trì những di tích cổ, đồng thời tạo mọi điều kiện dễ dàng cho người nước ngoài muốn viếng thăm đất nước Hồi giáo cổ kính này.

Quảng trường Meidan-e Emam với Giáo đường Sheikh Lotfallah phía sau.

Manouchehr Jahanian - Phó Giám đốc Tổ chức Du lịch, Ngành nghề thủ công và Di sản Văn hóa Iran (CHTN) - thừa nhận “du lịch tôn giáo” đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của các quốc gia hơn bất cứ loại hình du lịch nào khác. Các tổ chức du lịch quốc tế, như là UNWTO, cũng công nhận hành hương là động cơ chính của du lịch tôn giáo.

Theo giải thích của Jahanian, phần đông du khách nước ngoài đến Iran quan tâm nhiều các di tích tôn giáo bởi vì chúng liên quan đến nếp sống truyền thống của Iran. Jahanian cho rằng chính quyền Tehran nên quan tâm đến các nhóm tôn giáo, đặc biệt là các cộng đồng người Hồi giáo, để phát triển ngành du lịch nước nhà. Jahanian cũng cho biết các tổ chức du lịch của Iran đã chuẩn bị kế hoạch quy hoạch 3 thành phố Mashhad, Qom và Shiraz thành khu du lịch đặc biệt gọi là “Các khu tôn giáo tự do” (FRZ) để thu hút thật nhiều khách hành hương từ các quốc gia trong khu vực. Nghĩa là, khách hành hương đến FRZ không cần đến thị thực.

Tuy nhiên, do có nhiều hạn chế, bao gồm quy định phụ nữ phải mang khăn choàng mặt và cấm uống rượu, cho nên Iran vẫn chưa thật sự là điểm đến du lịch thu hút phần đông người phương Tây. Thêm nữa, chính quyền Iran có thêm một số quy định riêng đối với du khách người Mỹ. Chẳng hạn, một hướng dẫn viên du lịch phải đi kèm sát những du khách người Mỹ trong suốt hành trình tham quan Iran. Người Iran không tiếp đón người Mỹ vào nhà họ.

Du lịch khám phá di sản độc đáo

David McGuinness, đồng sáng lập công ty du lịch Travel The Unknown, nhận định: “Iran có sức hút mạnh mẽ nhờ vào những thành phố cổ như là Persepolis và Pasargadae được xây dựng bởi những hoàng đế nổi tiếng như Cyrus Đại đế và Darius, cũng như kiến trúc và nghệ thuật Hồi giáo đạt đến đỉnh cao ở thành phố Esfahan nằm cách Tehran 340km về phía nam. Iran có 19 địa điểm được Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) xếp vào danh sách những di sản thế giới, những bãi biển, vùng núi, nơi họp chợ truyền thống và nghệ thuật ẩm thực phong phú.

Đầu tháng 7-2015, UNESCO tiếp tục công nhận thêm 2 địa điểm có từ 2 thế kỷ 18 và 19 của Iran vào danh sách di sản thế giới - đó là thành phố khảo cổ Susa và ngôi làng tuyệt vời Meymand. Trước cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran là điểm đến ưa thích của du khách quốc tế và từng tiếp đón những nhân vật nổi tiếng như họa sĩ Andy Warhol, nghệ sĩ violon Yehudi Menuhin và nhà biên đạo múa Maurice Béjart.

Iran - đất nước của Bái hỏa giáo (Zoroastrian) trước khi Hồi giáo du nhập - là quê hương của nhiều di tích khảo cổ cũng như lịch sử tráng lệ nhất thế giới, những tàn tích cổ, giáo đường nguy nga và phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Du khách háo hức với 2 địa danh Shiraz (thành phố thơ ca và tình yêu) và Hamadan (nơi cha đẻ của nền y học hiện đại Avicenna được chôn cất). Thủ đô Tehran cũng nổi tiếng với nhiều khu nghỉ dưỡng trượt tuyết.

Trong vài năm qua, các tập đoàn kinh doanh khách sạn Đức, Hy Lạp, Hàn Quốc và Singapore thường xuyên bay đến Tehran để nghiên cứu thị trường du lịch Iran cũng như về luật đầu tư của nước này đồng thời tiến hành đàm phán mở rộng hoạt động kinh doanh”. Năm 2015, 11 khách sạn được xây dựng trên khắp đất nước Iran bao gồm 2 công trình tại sân bay quốc tế Imam Khomeini (IKIA) ở Tehran và 9 khách sạn khác ở những thành phố như: Shiraz, Mashhad, Urmia, Yazd, Tabriz, Gorgan và Semnan.

Sau khi tổng thống tương đối ôn hòa Hassan Rouhani đắc cử năm 2013, chính quyền mới bắt đầu nới lỏng một số yêu cầu về thị thực nhập cảnh cho du khách đồng thời cho xây dựng thêm khoảng 200 khách sạn mới - trong đó 11 khách sạn được xây dựng chỉ riêng trong năm 2015 - giúp ngành du lịch Iran phát triển. Tehran dự kiến sẽ thu hút khoảng 20 triệu du khách mỗi năm đến Iran vào năm 2025 và mang về 30 tỷ USD cho đất nước.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.