Ireland: Bất ổn chính trị do khủng hoảng tài chính

Thứ Tư, 01/12/2010, 10:15
Vào lúc chính quyền Irelandd đang phải đối mặt những khó khăn tài chính thì chính trường nước này lại rơi vào khủng hoảng. Đây là hậu quả tất yếu của cuộc khủng hoảng tài chính, nhất là sau khi chính quyền của Thủ tướng Brian Cowen chấp nhận gói cứu trợ của châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong khi phe đối lập và nội bộ liên minh cầm quyền cực lực phản đối.

Từ khi cuộc khủng khoảng tài chính tại Ireland bùng phát, Thủ tướng nước này là ông Brian Cowen đã và đang chịu nhiều áp lực. Bất chấp tình hình nghiêm trọng, hôm 23/11, ông Cowen bác bỏ khả năng từ chức và tuyên bố sẽ chỉ giải tán Quốc hội sau khi định chế này hoàn tất các thủ tục lập pháp để ban hành một ngân sách khẩn cấp sẽ được ông đưa ra biểu quyết vào ngày 7/12 tới.

Tuyên bố trên được ông Cowen đưa ra tại một cuộc họp báo sau khi thảo luận về cuộc khủng hoảng với các đảng viên cao cấp trong đảng đương quyền Fianna Fail của ông. Nguyên nhân dẫn đến quyết định trên của Thủ tướng Cowen bắt nguồn từ thông báo cầu cứu EU và IMF của chính phủ ông hôm 21/11 sau nhiều tuần lễ từ chối vì cho rằng Ireland có thể cầm cự được.

Theo các số liệu được công bố trung tuần tháng 11/2010, nợ công của Ireland tăng lên mức cao chưa từng thấy, ước tính tương đương 32% GDP, cao hơn mức trần được 16 nước thành viên khối sử dụng đồng euro quy định gần 10 lần và cao hơn mức thâm thủng của Hy Lạp 3 lần. Bong bóng bất động sản bùng nổ ở Ireland đã khiến giá nhà đất tụt giảm 60%, đặt cả hệ thống ngân hàng với tổng giá trị lên đến 1.800 tỉ USD trước nguy cơ sụp đổ, buộc chính phủ phải hỗ trợ cho 5 ngân hàng. Và mặc dù chỉ là nền kinh tế nhỏ của châu Âu, Ireland là nước vay nợ lớn nhất của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khoảng 177 tỉ USD.

Mặc dù vậy, Chính phủ Ireland ban đầu không có ý định tìm một gói cứu nguy của quốc tế vì lo ngại là nếu phải nhờ trợ giúp từ bên ngoài thì khả năng huy động vốn trên thị trường của nước này sẽ càng bị suy giảm trước sự lo ngại của giới đầu tư. Nhưng trước sức ép của EU, chiều ngày 21/11, sau phiên họp khẩn cấp của nội các, Thủ tướng Brian Cowen thông báo kế hoạch xin quốc tế tài trợ. EU và IMF đã nhanh chóng chấp thuận. Một chương trình trợ giúp cụ thể sẽ được công bố trong vài tuần tới với ngân khoản lên đến 90 tỉ euro.

Ireland là thành viên thứ hai của EU phải cầu cứu nước ngoài trước nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, liều thuốc quốc tế mang vị đắng. Ireland cam kết phải giảm chi để tiết kiệm 15 tỉ euro trong vòng 4 năm tới hòng kéo tỉ lệ thâm thủng ngân sách từ 32% hiện nay xuống 3% mỗi năm theo đòi hỏi của EU.

Ngay lập tức, tại Dublin, báo chí và nhiều người biểu tình trước tòa nhà chính phủ lên án quyết định cầu cứu nước ngoài và cho đây là một "thái độ đầu hàng, một quyết định nhục nhã". Đảng Xanh, một thành phần nhỏ hơn trong chính phủ liên hiệp của ông Cowen hôm 22/11 nói rằng, nhân dân Ireland cảm thấy bị "đánh lạc hướng và phản bội" khi ông thủ tướng đổi ngược lập trường ban đầu về vụ cứu nguy.

Thủ tướng Ireland đang ở trong vị thế bấp bênh. Áp lực chính trị từ bên ngoài và bên trong đảng của ông ngày càng tăng, thậm chỉ ngay cả trong nội các. Trước sức ép này, ông Brian Cowen đề nghị thỏa thuận với các phe chống đối, nhân danh lợi ích quốc gia và lợi ích của châu Âu. Ông kêu gọi các dân biểu Ireland ủng hộ những nỗ lực của chính phủ để thực hiện một kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” trong vòng 4 năm. Thủ tướng Ireland cũng đề nghị các dân biểu bỏ phiếu thông qua Dự luật ngân sách năm 2011 vào ngày 7/12 sắp tới, và để cho ông có thời gian hoàn tất các cuộc thương lượng với châu Âu và IMF về kế hoạch trợ giúp tài chính Ireland.

Đổi lại, Thủ tướng Ireland hứa sẽ cho tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 1/2011, sau khi nghị viện Ireland làm xong các công việc của mình. Ông tuyên bố sẽ đề nghị giải tán Quốc hội ngay sau khi tất cả các chi tiết pháp lý được triển khai, tức là các dự luật được thông qua, để có thể áp dụng một ngân sách rất quan trọng. Liệu ông Cowen có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước cho đến tận tháng 1  năm tới? Chưa có gì là chắc chắn cả.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính Ireland, các nước châu Âu không những mong muốn nước này sớm đề nghị được giúp đỡ mà còn nhanh chóng xử lý, nếu so với việc giải quyết vấn đề Hy Lạp. Hồi đầu năm nay, châu Âu đã mất nhiều tháng trời tranh luận, thuyết phục thì mới đưa ra được kế hoạch 110 tỉ euro để giúp Hy Lạp. Bởi vì Đức tỏ thái độ ngần ngại, đòi châu Âu phải tăng cường kỷ luật ngân sách. Hơn nữa, đây là trường hợp đầu tiên mà khối các nước đồng euro gặp phải. Sau vụ Hy Lạp, một cơ chế hỗ trợ các nước thành viên khối euro được thành lập với tổng số vốn lên tới 750 tỉ euro. Nhờ vậy, châu Âu đã phản ứng nhanh chóng trong trường hợp Ireland.

Thế nhưng, các nhà phân tích cho rằng, nguy cơ lây lan khủng hoảng tài chính vẫn đè nặng châu Âu, đặc biệt là đối với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Hai nước này có tình hình tài chính công không vững chắc và có thể gặp khó khăn, trả giá đắt, khi đi vay tiền trên thị trường, qua phát hành công trái.

Thủ tướng và Bộ trưởng Tài chính Ireland thông báo kế hoạch xin cứu trợ quốc tế.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Bồ Đào Nha đã tìm mọi cách trấn an thị trường tài chính quốc tế. Mặc dù vậy, hôm 23/11, lãi suất công trái Bồ Đào Nha đã lên tới 6,56% thay vì chỉ có 6,5% hôm 19/11. Nếu áp lực này tiếp tục thì Bồ Đào Nha sẽ phải kêu gọi trợ giúp khẩn cấp.

Theo một số nhà kinh tế, Bồ Đào Nha sẽ thấy phi lý khi phải trả lãi công trái xấp xỉ 7% và do vậy, sẽ quay sang nhờ sự giúp đỡ của bên ngoài. Với mức nợ công lên tới 161 tỉ euro, tương đương 82% GDP, nhu cầu huy động vốn của Bồ Đào Nha còn cao hơn cả Ireland. Ngay bây giờ, Bồ Đào Nha có thể chưa cần đến hỗ trợ của châu Âu thì sang năm tới, nước này phải đối mặt với một khoản nợ đáo hạn 25,6 tỉ euro trong đó có 19,7 tỉ euro phải thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2011.

Trường hợp Tây Ban Nha cũng đáng lo ngại. Ngày 23/11, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha Miguel Angel Fernandez Ordonez đã nhấn mạnh rằng, những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Ireland đã lan rộng và nhanh sang một số nước trong khu vực đồng euro và đang đè nặng lên khoản nợ của Tây Ban Nha, cho dù ảnh hưởng không lớn như đối với Hy Lạp hay Bồ Đào Nha.

Có một dấu hiệu chứng tỏ giới đầu tư không tin tưởng vào khả năng thanh toán của Tây Ban Nha: lãi suất đối với công trái của nước này có xu hướng tăng, đạt mức 4,713% ngày 22/11. Giới chuyên gia nêu lên những điểm yếu của nền kinh tế Tây Ban Nha như mức tăng trưởng gần số không, thất nghiệp lên tới 20%, các biện pháp cải cách về thị trường lao động, quỹ tiết kiệm... chưa đủ để có thể giảm thâm hụt ngân sách

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.