Israel: Bầu cử liệu có giải quyết được khủng hoảng?

Thứ Năm, 25/03/2021, 14:11
Ngày 23-3, người Israel đi bỏ phiếu bầu cử lần thứ tư trong vòng 2 năm để bầu ra quốc hội mà chưa lần nào có được một chính phủ ổn định để đưa đất nước thoát khỏi những vấn đề khó khăn. Canh bạc lần này của ông Benjamin Netanyahu được đặt vào thành công của chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 vừa qua. Nhưng, thách thức còn nhiều và chưa ai dám chắc cuộc bầu cử lần này sẽ giải quyết được khủng hoảng chính trị dai dẳng.


Bế tắc kéo dài

Trước khi bước vào cuộc bầu cử ngày 23-3, Israel đã trải qua 3 lần bầu cử nhưng bế tắc chính trị vẫn tồn tại kéo dài. Bởi cả 3 lần bầu cử đó đều cho kết quả rất sít sao, khoảng cách giữa đảng dẫn đầu Likud của ông Netanyahu so với đảng về nhì là không đáng kể và mỗi đảng đều giành được không quá con số 40 ghế đại biểu, do đó không thể tự mình đứng ra thành lập chính phủ mà phải đàm phán với các đảng nhỏ hơn để thành lập liên minh hội đủ 61 ghế trên tổng số 120 ghế quốc hội để nắm thế đa số.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành ưu thế sau thành công của chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong 2 lần bầu cử trong năm 2019, đảng Likud của ông Netanyahu hòa 1 (tháng 4-2019) và thua 1 (tháng 9-2019) nhưng cả hai lần đều không đảng nào thành lập được chính phủ sau nhiều tháng đàm phán không có kết quả. Sau cuộc bầu cử tháng 9-2019, cả 2 ông Netanyahu và Gantz đều được Tổng thống Israel Reuven Rivlin trao cho cơ hội tiến hành các cuộc đàm phán thành lập liên minh chính phủ. Thế nhưng, cả hai đều thất bại, vì thế phải tiến hành cuộc bầu cử lần 3 vào ngày 2-3-2020. Đảng Likud của ông Netanyahu giành chiến thắng với 36 ghế, đảng Blue and White của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz giành 33 ghế đại biểu. Cơ hội được trao cho ông Netanyahu tiến hành đàm phán thành lập liên minh chính phủ. Một ý tưởng táo bạo được ông Netanyahu đưa ra là đề nghị ông Gantz tham gia liên minh chính phủ, với công thức mới được hình thành: hai ông luân phiên nhau làm thủ tướng trong nhiệm kỳ 3 năm, mỗi người làm thủ tướng 18 tháng và Netanyahu lảm thủ tướng trước. Sau khi đắn đo, ông Gantz gật đầu đồng ý, gây nên làn sóng chỉ trích trong nội bộ liên minh đối lập của ông.

Tuy nhiên, đúng như dự báo của giới chuyên gia, chính phủ “hai đầu” luân phiên của Netanyahu và Gantz đã không thể ổn định được lâu. Mâu thuẫn về chủ trương, đường lối và nhất là sự đấu đá quyền lực trong thực thi chính sách đã khiến cho chính phủ liên minh thường xuyên vận hành không suôn sẻ. Rốt cuộc, ông Gantz tố cáo ông Netanyahu.

Ngay trước thềm cuộc bầu cử ngày 23-3, hàng chục ngàn người Israel đã xuống đường biểu tình để phản đối Thủ tướng Netanyahu. Họ vây kín khu nhà ở của Thủ tướng Netanyahu, giương khẩu hiệu đòi phế truất ông Netanyahu. Những người tổ chức biểu tình cho rằng ông Netanyahu không còn phù hợp để tiếp tục lãnh đạo đất nước, khi mà bản thân ông đang đối mặt với các cáo buộc tham nhũng và gian lận. Hiện ông Netanyahu đang bị truy tố trong 3 vụ án tham nhũng kéo dài hơn 2 năm qua. Phiên tòa xét xử ông đã bị gián đoạn vài tháng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và dự kiến sẽ được mở lại vào tháng 4-2021.

Ông Netanyahu có còn cơ hội?

Có một thực tế đầy mâu thuẫn ở Israel hiện nay là rất nhiều người mong muốn ông Netanyahu ra đi nhưng trên thực tế ông vẫn là chính khách có tỉ lệ ủng hộ cao nhất trong các chính khách hiện nay ở nước này.

Trong cuộc bầu cử lần này, có lẽ ông Netanyahu đang nhắm đến cơ hội làm nên chiến thắng rõ rệt đầu tiên sau 2 năm giằng co. Hai quân bài quan trọng được ông Netanyahu mang ra vận động trong lần bầu cử thứ tư này là thắng lợi ngoại giao trong loạt sự kiện bình thường hóa quan hệ với các quốc gia khối Arab trong khu vực vào năm 2020 và thành công của chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19. Israel đã ký thỏa thuận nối lại quan hệ ngoại giao với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain, đồng thời đang đàm phán thuận lợi với Saudi Arabia, Maorocco và một số nước khác ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm đại trà cho hơn 50% dân số. Một cuộc thăm dò cử tri trước bầu cử cho thấy đảng Likud của ông Netanyahu có thể giành từ 30-32 ghế, vẫn là đảng dẫn đầu cuộc bầu cử.

Đối thủ của ông Netanyahu trong những lần bầu cử trước là ông Benny Gantz giờ đây lại đang rơi vào tình trạng mất khả năng cạnh tranh với ông trong chiến dịch tranh cử, do đảng Blue and White đang sa sút một cách thảm hại do mất đi sự ủng hộ của cử tri.

Tuy nhiên, thách thức đối với ông Netanyahu không vì thế mà mất đi. Người thay thế ông Gantz ở vị trí đối lập giờ đây là Yair Lapid, cựu phóng viên báo chí ở Tel Aviv và rất được lòng cử tri trung lưu. Đảng Yesh Atid của ông hứa hẹn với cử tri là sẽ kéo giảm giá cả sinh hoạt, đồng thời giảm bớt quyền lực tôn giáo trong đời sống xã hội, thông qua việc đưa trở lại phong tục cưới hỏi dân gian. Bản thân ông Lapid là người chủ trương theo đường lối trung dung, ủng hộ đàm phán với người Palestine.

Thách thức lớn nhất đối với Netanyahu đến từ hai cựu đồng minh nay trở thành đối thủ chính trị. Người thứ nhất là cựu trợ lý Gideon Saar, đã tách ra thành lập đảng mới mang tên New Hope để chống lại ông Netanyahu. Người thứ hai là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennett, hiện dẫn dắt đảng cánh hữu Yamina. Bennett có thể trở thành “kẻ dựng vua” đầy quyền lực bởi, theo giới phân tích, ông Netanyahu không thể có được liên minh 61 ghế thành lập chính phủ nếu không lôi kéo được sự tham gia của đảng Yamina. Ngoài ra, cũng phải kế đến Liên minh các đảng phái Arab. Đây là lực lượng thứ ba, cùng với cánh tả làm nên một thế lực không nhỏ trong chính trường Israel. Khủng hoảng chính trị vì thế sẽ khó được giải quyết dứt điểm sau cuộc bầu cử thứ tư này.

An Châu
.
.