Italia: Tổng thống Giorgio Napolitano giữa vòng xoáy khủng hoảng

Thứ Tư, 17/04/2013, 16:50

Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đang trở thành trung tâm của mọi sự mong đợi không chỉ từ giới chính trị và người dân Italia mà cả trên thị trường tài chính châu Âu và thế giới. Với vai trò và quyền hạn của tổng thống, ông Napolitano được mong đợi sẽ ra tay giải quyết bế tắc chính trị hiện nay của đất nước Italia, tạo thuận lợi cho quốc gia đang khủng hoảng nợ công này đẩy nhanh tiến trình cải cách kinh tế.

Trong khoảng thời gian vài tuần nắm quyền còn lại, giới phân tích đưa ra 2 sự lựa chọn mà ông Napolitano có khả năng sẽ thực hiện: một là ông sẽ từ chức ngay để mở đường cho một cuộc bầu cử mới với hy vọng tìm ra lối thoát bế tắc; và hai là ông tiếp tục tại vị cho đến hết nhiệm kỳ và xắn tay áo làm tròn trách nhiệm của một tổng thống Italia. Tin đồn là Napolitano có khả năng từ chức sớm; còn tin chính thống từ chính tuyên bố của ông Napolitano là ông không từ chức và sẽ tiếp tục công việc cho đến hết nhiệm kỳ.

Napolitano đã thay đổi ý định từ chức sau khi nhận được một số lời khuyên từ những người có uy tín, chẳng hạn như Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã gọi điện cho ông Napolitano vào chủ nhật 31/3 vừa qua để cảnh báo nếu ông từ chức, Italia sẽ rơi vào tình trạng nguy hiểm vì không có người cầm trịch đủ sức kiểm soát tình hình.

Năm nay 87 tuổi, ông Napolitano từng là thành viên trong phong trào sinh viên chống phát xít thời Chiến tranh thế giới thứ II, và sau đó là đảng viên Đảng Cộng sản Italia. Ông được bầu làm Tổng thống khi đã bước sang tuổi 80, và được cả châu Âu nể phục khi ra tay giải quyết cao trào khủng hoảng chính trị, tài chính cùng lúc tại Italia vào năm 2011. Khi đó, chính ông đã thuyết phục Thủ tướng Silvio Berlusconi và chính phủ của ông ta tự nguyện từ chức nhường chỗ cho việc thành lập Chính phủ lâm thời với Thủ tướng mới là ông Mario Monti. Từ sự kiện năm 2011, dư luận các giới ở châu Âu đều hướng cái nhìn về phía ông Napolitano hy vọng ông sẽ lại ra tay đối với cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Sau cuộc bầu cử tháng 2/2013, có 3 đảng phái chính trị giành được số phiếu cao nhất trở thành những lực lượng chính trị có khả năng đứng ra thành lập chính phủ mới. Trong đó, liên minh trung tả do đảng Dân chủ Italia của ông Pier Luigi Bersani dẫn đầu giành chiến thắng ở Hạ viện nhưng không đủ phiếu để kiểm soát được Thượng viện cho nên buộc phải liên minh với các đảng phái khác để thành lập chính phủ mới. Nhưng thời gian hơn 1 tháng trôi qua mà đảng của ông Bersani vẫn chưa đàm phán liên minh xong khiến cho chính trường Italia rơi vào tình trạng bế tắc.

Tình thế bế tắc này có thể nói một phần do sự "quấy phá" của cựu Thủ tướng Berlusconi, cũng như sự kèn cựa của đảng Phong trào 5 Sao của cựu danh hài Beppe Grillo. Ông Berlusconi đã vài lần đưa ra yêu sách bất cứ chính phủ mới nào được thành lập cũng phải có đảng của ông tham gia. Đây là điều không thể được vì một trong những lời hứa của ông Bersani trước cử tri là "không hợp tác với cựu Thủ tướng Berlusconi" - người đang bị tòa án xét xử vì những tội danh liên quan đến mại dâm thiếu niên và tham nhũng.

Trong khi đó, cựu danh hài Beppe Grillo thì ngược lại, bác bỏ lời mời tham gia liên minh của ông Bersani và nhất quyết đòi phải để cho đảng Phong trào 5 Sao của ông đứng ra thành lập chính phủ. Ông Bersani không chấp nhận điều này. Cứ thế, những nỗ lực tái đàm phán giữa 3 lực lượng chính trị nêu trên không đi đến kết quả nào. Tình thế này khiến nhiều người cho rằng Italia chỉ còn cách là tổ chức bầu cử lại với hy vọng phá thế giằng co như hiện nay.

Nhưng khả năng bầu cử lại đang tạm thời gác lại khi Tổng thống Napolitano quyết tâm làm hết trách nhiệm của mình. Ông Napolitano đã khẳng định, dù chính trường Italia vẫn còn nhiều điều chưa ổn định, nhưng trên thực tế Chính phủ lâm thời do ông Mario Monti lãnh đạo vẫn tiếp tục hoạt động để xử lý những vấn đề còn dang dở.

Tuy nhiên, Chính phủ lâm thời cũng đến lúc phải giải tán và một chính phủ mới phải được hình thành để đưa đất nước Italia đi vào ổn định, và đây là điều tối quan trọng hiện nay khi Italia vẫn còn đang phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để giảm thâm hụt ngân sách và tạo niềm tin trên thị trường tài chính, từng bước khắc phục khủng hoảng, đồng thời tiến hành một loạt cải cách kinh tế triệt để nhằm tránh tái diễn tình trạng khủng hoảng trong tương lai.

Chọn phương án tiếp tục tại vị để giúp giải tỏa bế tắc chính trị, nhưng ông Napolitano cũng thừa nhận mình không đủ quyền hạn để buộc các đảng phái chấp nhận một giải pháp chính trị. Trong phát biểu hôm 31/3 vừa qua, ông Napolitano đưa ra một giải pháp riêng là ông sẽ thành lập 2 nhóm cố vấn đặc biệt với 10 người bao gồm các giáo sư đại học, lãnh đạo ngân hàng và cả những nghị sĩ có uy tín từ các đảng phái chính trị nêu trên.

2 nhóm cố vấn này có nhiệm vụ giúp ông Napolitano tìm cách giải quyết bế tắc chính trị hiện nay, giúp ông vạch ra một lịch trình cải cách mà nhiều đảng phái có thể chấp nhận được, trong đó có các cải cách quan trọng về bầu cử, về kinh tế, và cả việc cắt giảm chi tiêu ngân sách cho các hoạt động chính trị. Yêu cầu tối quan trọng là các nhóm cố vấn này sẽ giúp ông Napolitano tìm được tiếng nói chung của các đảng phái đang so kè nhau quyết liệt.

Tuy nhiên, dư luận lại không mấy tin tưởng các nhóm cố vấn của ông Napolitano có thể mang lại hiệu quả tích cực như mong muốn, vì trong thành phần bao gồm người của các đảng phái cho nên khó có được tiếng nói khách quan cần thiết và tầm nhìn đủ xa, đủ rộng. Hơn nữa, các đảng luôn giữ lập trường của mình, không tin tưởng nhau trong việc thành lập liên minh, và họ cũng đang không tin tưởng vào tính hiệu quả của các nhóm cố vấn, cho nên rất khó để thuyết phục họ tin vào những gì ông Napolitano sẽ phải đưa ra.

Giữa những lời kêu gọi bầu cử lại và thúc giục tìm giải pháp mới, xem ra Tổng thống Napolitano sẽ có những ngày cuối cùng không mấy êm dịu

Văn Trương (tổng hợp)
.
.