Italy: Ra mắt chính phủ mới, chấm dứt khủng hoảng
- Italy: Khủng hoảng chính trị vì người nhập cư
- Thủ tướng đệ đơn từ chức, chính trường Italy rơi vào khủng hoảng
Chính phủ mới được thành lập trên cơ sở liên minh giữa hai đảng M5S và Dân chủ Italy (PD). Thành phần chính phủ mới bao gồm 21 thành viên, trong đó đảng M5S giữ 10 vị trí, đảng PD có 9 vị trí trong nội các, 1 vị trí cho đảng Tự do và Bình đẳng (LeU), còn 1 vị trí giao cho một thành viên độc lập từ bên ngoài, gọi là chính khách kỹ trị.
Đây là một liên minh bất đắc dĩ giữa một đảng cầm quyền với đảng đối lập trong tình thế bắt buộc để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị mà Thủ tướng Giuseppe Conte gọi là điên rồ nhất.
Cách đây 14 tháng, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội, đảng M5S của danh hài Beppe Grillo, vốn được xem là đảng dân túy, phi truyền thống, đã liên minh với đảng cực hữu The League để thành lập chính phủ liên hiệp, đẩy các đảng phái truyền thống như PD và Forza Italy của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi về phía đối lập.
Tuy nhiên, quá trình chung sống giữa 2 đảng này diễn ra không yên ấm. Đường lối dân túy của M5S thoạt nhìn có một số điểm tương đồng với The League và 2 lãnh đạo cầm quyền của 2 đảng là Thủ tướng Giuseppe và Phó Thủ tướng Matteo Salvini ban đầu có vẻ hòa hợp. Nhưng chỉ được vài tháng, nhiều vấn đề bất đồng đã nảy sinh, rạn nứt bắt đầu xuất hiện và ngày càng lớn dần.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai. |
Những rạn nứt giữa 2 lãnh đạo Conte và Salvini chủ yếu xoay quanh những vấn đề mang tính dân tộc chủ nghĩa, dân túy và dân chủ. Chính tư tưởng, đường lối dân tộc cực hữu của The League và Phó Thủ tướng Salvini đã khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng, khó giải quyết. Là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ, Salvini liên tiếp gây sóng gió ở châu Âu xung quanh việc giải quyết vấn đề người nhập cư.
Quyết định cấm cửa người di cư vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi sang, đẩy họ cho phía Tây Ban Nha và các nước láng giềng tiếp nhận đã gây nên một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Italy với phần còn lại của EU hồi cuối năm 2018 đầu năm 2019. Nhiều quan chức EU nổi giận với chính sách của Italy đối với người nhập cư đã lên tiếng đòi tẩy chay Italy, đòi thay thế chính phủ tại Italy để vấn đề được giải quyết suôn sẻ hơn.
Mâu thuẫn về quan điểm ngày càng lộ rõ giữa 2 đảng cầm quyền đã dẫn đến những tranh cãi ngày càng gay gắt giữa Thủ tướng Conte và Phó Thủ tướng Salvini. Đỉnh điểm của cuộc xung đột nội bộ này là vào tháng 8, mấu chốt là việc cho phép hay không cho phép tàu cứu hộ Open Arms cập cảng hòn đảo Lampedusa để giải cứu hơn 100 người di cư mắc nạn nguy cấp.
Ông Salvini kiên quyết không cho, bất chấp tình trạng nguy ngập của người di cư trên tàu, trong đó có hàng chục trẻ em, khiến Chính phủ Italy bị các tổ chức nhân đạo quốc tế lên án kịch liệt. Cuối cùng, với phán quyết của Tòa án Sicily, Salvini miễn cưỡng cho phép tàu Open Arms neo đậu gần bờ để đưa trẻ em gặp nguy hiểm lên bờ cứu chữa.
Ngày 8-8, ông Salvini đã phạm một sai lầm chiến thuật nghiêm trọng khi tuyên bố rút khỏi liên minh cầm quyền để đánh sập chính phủ của ông Conte. Động thái này được xem là đòn chính trị đầy tham vọng của ông Salvini nhắm đến việc lên thay thế ông Conte làm Thủ tướng Italy thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ tại nghị viện do chính Salvini đề xuất.
Salvini tính toán rằng một khi chính phủ của ông Conte sụp đổ, Tổng thống Sergio Mattarella sẽ tuyên bố bầu cử sớm và với ưu thế dẫn đầu tỉ lệ cử tri ủng hộ hiện nay, chắc chắn The League sẽ giành chiến thắng, và Salvini sẽ lên nắm quyền. Tuy nhiên, ông Salvini đã quên một chuyện rằng Tổng thống Mattarella không chỉ có lựa chọn tuyên bố bầu cử sớm mà ông còn 2 lựa chọn khác nữa, đó là chọn một trong hai người Conte hoặc Salvini đứng ra thành lập liên minh chính phủ mà không cần bầu cử, nếu một trong hai người có khả năng đàm phán thành lập liên minh.
Về khoản này thì ông Salvini thua, bởi hầu hết các đảng phái phía đối lập đều chống The League một cách gay gắt, chẳng ai muốn liên minh với một chính khách cực hữu hay gây sóng gió như ông. Thế là ông Conte được Tổng thống Mattarella chọn tiếp tục thành lập chính phủ và ông đã quyết định cùng PD lập ra liên minh mới, gạt Salvini sang bên.
Ngày 29-8, M5S và PD đạt thỏa thuận liên minh thành lập chính phủ. 6 ngày sau, ngày 4-9, Thủ tướng Conte trình lên Tổng thống Mattarella danh sách nội các dự kiến bao gồm các thành viên 3 đảng và 1 người độc lập. Tổng thống Mattarella đã quyệt danh sách nội các ngay sau đó.
Với thành phần nội các mới cân bằng giữa đảng dân túy và 2 đảng trung tả, chính phủ mới của Italy được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi, điều chỉnh trong các chính sách điều hành đất nước, cả về kinh tế lẫn chính trị, ngoại giao, đặc biệt là chính sách đối với người di cư. Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao tiếp tục giao cho ông Luigi Di Maio là một sự bảo đảm ổn định trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Italy mới, không có nhiều thay đổi so với trước.
Riêng chức Bộ trưởng Nội vụ được giao cho bà Luciana Lamorgese, cố vấn cao cấp của chính phủ, là một thay đổi lớn. Lamorgese vốn là một luật sư, từng có thời gian 2 năm làm quận trưởng ở thành phố Milan trước khi được Hội đồng Bộ trưởng của Thủ tướng Conte bổ nhiệm làm cố vấn cao cấp của chính phủ. Việc bổ nhiệm bà Lamorgese được xem là một bước nhằm làm “mềm hóa” Bộ Nội vụ Italy vốn đã bị ông Salvini biến thành diễn đàn vận động cho chính sách dân tộc cực đoan của ông.
Riêng việc giao chức Bộ trưởng Kinh tế cho ông Roberto Gualtieri (đảng PD) được đánh giá là nỗ lực nhằm cứu vãn hình ảnh trì trệ, nợ nần của Italy trên trường quốc tế. Ông Gualtieri vốn là Chủ tịch Ủy ban Các sự vụ kinh tế và tài chính của Nghị viện châu Âu, thành viên Ban Chỉ đạo Brexit của EU.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Enzo Amendola vào ghế Bộ trưởng Các sự vụ châu Âu là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Italy sẽ có sự điều chỉnh lớn trong các mối quan hệ với EU.