Jean-Claude Juncker “tái cơ cấu” Ủy ban châu Âu
Báo chí quốc tế gọi những động thái mà tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker sẽ tiến hành là những làn gió thay đổi đang quét qua Brussels khi ông Juncker nhậm chức. Liệu những "làn gió thay đổi đó" sẽ mang lại những gì thiết thực cho Liên minh châu Âu (EU) hay chỉ là sự thay đổi về hình thức?
Ông Juncker bắt đầu ngày làm việc trên cương vị Chủ tịch EC vào ngày 5/11/2014, nhưng trước đó, ngày 3/11, ông đã tham dự sự kiện phát hành quyển sách mới của cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl viết về châu Âu. Ngày 6/11, ông lại tham gia vào sự kiện tranh luận với cựu Chủ tịch EC Jacques Delors, người được ông tán dương như "người hùng" sau bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu hồi tháng 7/2014.
Nói gì thì nói, sự hiện diện của ông Juncker tại hai sự kiện nêu trên chủ yếu mang tính tượng trưng. Juncker nổi tiếng là một người mang tư tưởng bảo thủ theo đường lối châu Âu của những năm 80 thế kỷ XX, và quan điểm "liên bang hóa" châu Âu của ông được cho là trở ngại lớn nhất cho tiến trình hướng đến tương lai của châu lục.
Mặc dù vậy, nhiều người vẫn hy vọng vào lời cam kết của ông Juncker là sẽ cải tổ EC, sẽ mang lại sự đổi mới, hiện đại hóa ủy ban này trong nhiệm kỳ 5 năm tới của ông.
Thủ tướng Anh David Cameron sẽ có cơ hội tiếp tục công kích với cuộc điều tra về chính sách ưu đãi thuế mà EC đang tiến hành. |
Những động thái được cho là "đổi mới" của ông Juncker bắt đầu bằng việc ông tái cơ cấu tổ chức nhân sự của EC, với việc bổ nhiệm 7 phó chủ tịch ủy ban, mỗi người phụ trách một lĩnh vực chính sách quan trọng riêng. Các phó chủ tịch này sẽ giám sát công việc chung của các ủy viên trong từng lĩnh vực. Giới quan sát đã cảm nhận được hoạt động của hệ thống mới gần như ngay tức thì.
Hôm 4/11, Ủy viên EC phụ trách kinh tế Pierre Moscovici và Phó chủ tịch EC Jyrki Katainen cùng có mặt tại Hội nghị Dự báo kinh tế mùa thu của EC. Ngày 6 và 7/11, Moscovici tiếp tục đại diện cho EC tham dự cuộc họp quan trọng về vấn đề lao động của châu lục, do Eurogroup và Eurofin tổ chức. Trong khi đó, Phó chủ tịch phụ trách "đối thoại xã hội" Vladis Dombrovskis, người Latvia, tham dự hội nghị của Ngân hàng Trung ương châu Âu ở Frankfurt.
Ngay từ khi bộ máy mới của EC bắt đầu đi vào hoạt động, nhiều người vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của nó và của ngay chính người đầu tàu, lãnh đạo nó - ông Juncker. Bằng cách phân quyền cho các ủy viên cao cấp, nhiều người cho rằng ông Juncker đang muốn "phân quyền" lẫn phân chia trách nhiệm cho những người phụ tá của mình.
Chẳng hạn, ủy viên người Hà Lan Frans Timmermans, được bổ nhiệm làm phó chủ tịch thứ nhất, sẽ đóng vai trò chủ đạo trong điều hành các công việc chung của EC, còn Chánh văn phòng Chủ tịch EC Martin Selmyar cũng được xem là sẽ nắm quyền lực không nhỏ trong bộ máy điều hành mới. Catherine Day, Tổng thư ký EC sẽ tiếp tục tại vị trong một năm để thực hiện việc cải tổ các vị trí bộ phận trực thuộc vào tháng 4-2015 tới.
Ông Jean-Claude Juncker rung chuông bắt đầu làm việc tại ủy ban châu Âu. |
Khi Juncker được đề cử cho chức chủ tịch EC, một số quốc gia trong khối EU đã phản đối, cho rằng cựu Thủ tướng Luxembourg quá bảo thủ, cho nên sẽ không phù hợp với cương vị lãnh đạo EU đang rất cần những thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhưng kể từ khi được bầu làm Chủ tịch EC hồi tháng 7/2014, Juncker luôn nhấn mạnh rằng EC do ông lãnh đạo sẽ mạnh hơn và quyết đoán hơn EC của người tiền nhiệm Jose Manuel Barroso.
Hôm 5/11 vừa qua, ông đã chứng minh cho mọi người thấy quyết tâm thay đổi của mình khi bất ngờ xuất hiện tại phòng họp báo dành cho các ủy viên EC. Juncker cam kết sẽ hợp tác tốt với giới truyền thông trong suốt quá trình điều hành EC.
Juncker chê EC của ông Jose Manuel Barroso quá yếu kém khi phải theo sau đuôi phục vụ cho ý chí của các nước lớn trong khối trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính, nhường hẳn vai trò lãnh đạo cho Hội đồng châu Âu. Juncker cam kết, EC của ông sẽ hoạt động hiệu quả hơn, không chỉ là một cơ quan hành chính thông thường, mà đó còn là một tập thể bao gồm 28 ủy viên là thủ tướng của các quốc gia thành viên, trong đó có những người từng phản đối việc bầu ông làm chủ tịch EC, và Juncker tuyên bố sẽ không ngán ngại bất cứ ai, ý ám chỉ Thủ tướng Anh David Cameron, người đã phản đối Juncker quyết liệt nhất.
Nhưng bản thân ông Juncker hiện cũng đang gặp phải rắc rối không nhỏ. Các tài liệu vừa được công bố cho thấy Luxembourg thời ông làm Thủ tướng đã thực hiện các ưu đãi thuế cho hàng trăm công ty, trong đó có các tập đoàn lớn như Fiat và Amazon. Hiện cơ quan bảo đảm cạnh tranh của EC đang tiến hành cuộc điều tra để xem các ưu đãi thuế đó có vi phạm pháp luật về cạnh tranh của EC hay không.
Juncker tuyên bố sẽ không cản trở tiến trình điều tra của EC, nhưng ông sẽ đứng ngồi không yên vì những người chống đối ông sẽ nhân cuộc điều tra này để một lần nữa phát động chiến dịch công kích ông, sẽ đặt lại vấn đề về khả năng lãnh đạo của ông tại EC