John Reid, đối thủ mới của Gordon Brown trên chính trường Anh

Thứ Năm, 14/09/2006, 13:30

Sau chiến dịch chống khủng bố thành công tại Anh vừa qua, Bộ trưởng Nội vụ John Reid đã kiếm được rất nhiều điểm trước đối thủ Gordon Brown, người trong thời gian ngắn trước đó vẫn được coi là "không thể cạnh tranh" trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng nhiệm kỳ tới.

Hình ảnh có ở khắp nơi

Kể từ sau thời điểm ngăn chặn được âm mưu khủng bố, trên mặt báo chí Anh thường xuyên xuất hiện hình ảnh thành viên duy nhất trong chính phủ – Bộ trưởng Nội vụ John Reid. Chiến dịch chống khủng bố thành công rực rỡ vừa qua của Reid rõ ràng đã làm lu mờ tất cả các chính trị gia còn lại của nước Anh. Giây phút thăng hoa của John Reid bắt đầu từ một cuộc họp báo, trong đó vị Bộ trưởng Nội vụ chính thức công bố về việc đã vô hiệu hóa hàng chục tên khủng bố, qua đó đã cứu được mạng sống của hàng ngàn người.

Không biết là vô tình hay hữu ý, tuyên bố chấn động trên lại diễn ra vào đúng thời điểm hầu hết giới lãnh đạo cao cấp nhất của Anh đều đang đi nghỉ. Thủ tướng Tony Blair, đang có mặt tại đảo Barbados, quyết định không bỏ dở chuyến đi nghỉ của mình, qua đó dường như đã tạo điều kiện cho Bộ trưởng Nội vụ “tận hưởng” chiến công vừa qua. Về phần mình, Reid cũng quả quyết với các phóng viên rằng, vẫn thông báo trực tiếp cho Thủ tướng các công việc trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch đặc biệt chống khủng bố.

Trong khi đó, hầu hết các chính trị gia hàng đầu còn lại của nước Anh – đáng kể nhất là Phó thủ tướng John Prescott và Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown (người được coi là nhân vật có khả năng nhất kế nhiệm Thủ tướng Blair) – cũng không có mặt tại nhiệm sở do bận đi nghỉ. Prescott ngay sau vụ khủng bố chỉ có được một phát biểu nghèo nàn dài có... 90 giây đối với toàn dân, một thực tế đã bị hầu hết báo chí chỉ trích. Còn Gordon Brown thậm chí không có nhắc đến một lời nào về vụ âm mưu khủng bố trên, do lúc đó đang đi nghỉ tại Scotland. Thực tế này khiến người ta có cảm tưởng rằng, John Reid dường như đã không có ý định thông báo về quá trình chuẩn bị chiến dịch cho bất cứ đồng nghiệp nào là thành viên nội các.

Kết quả là người đứng đầu Bộ Nội vụ Anh dường như đã không gặp phải quá nhiều khó khăn để thuyết phục công luận rằng, việc ngăn ngừa được một vụ “11/9 thứ hai” chính là nhờ công lao của ông ta. Tất nhiên là không phải ai cũng tin John Reid. Các tờ báo theo cánh hữu cho rằng, ông Reid đã xử sự chẳng khác gì “một chính trị gia sành sỏi”, biết tận dụng sự vắng mặt của Tony Blair và qua mặt John Prescott, người đã không được mời đến Ủy ban chống khủng bố vào đêm 10/8 trước đó. “Ông ta rất thành thạo trong việc tự đánh bóng mình” – một bộ trưởng trong chính phủ đã phải tức giận thốt lên như vậy.

Còn những người ủng hộ cho John Reid thì ngược lại, rất vui mừng trước hành động khéo léo của ông ta. Các tờ báo trung thành với chính phủ thì ca ngợi hành động của Reid có phong cách của “một tổng thống thực sự”. Họ còn bình luận rằng, chỉ sau một đêm, John Reid đã lột xác trở thành một “siêu sao”, một ứng cử viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo của Công đảng đang cầm quyền. “Trong những ngày đó, ông ấy hoạt động liên tục và có mặt ở khắp nơi – nghị sĩ Công đảng Ian Gibson nhận xét – Nếu cứ theo đà này, uy tín trong mắt các nghị sĩ và cơ hội của Reid trở thành thủ tướng Anh sẽ ngày một cao hơn”.

Biết tận dụng thời cơ!

John Reid từ lâu đã được coi là một trong những nhà lãnh đạo có kinh nghiệm nhất tại Anh. Ông tham gia vào hoạt động chính trị ngay từ khi còn ở đại học, và hồi cuối những năm 60 đã gia nhập Đảng Cộng sản. Nhưng những thành công chính trị lớn nhất mà Reid đạt được là trong Công đảng.

Là một trong những chiến hữu thân cận của Tony Blair, Reid đã trải qua hầu hết các chức vụ trong Chính phủ Anh - Bộ trưởng Giao thông vận tải, Bộ trưởng Phụ trách Scotland, Bộ trưởng Phụ trách Bắc Ireland, Bộ trưởng Không bộ, Chủ tịch Công đảng, Chủ tịch Hạ viện, Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Quốc phòng v.v...

John Reid cũng có không ít những mặt trái gây tai tiếng. Đầu tiên là phong cách sinh hoạt có vẻ “nghiện ngập” của ông ta. Trước khi đến tuổi 50, John đã nổi tiếng là người nghiện rượu, từng thừa nhận có “bạn nhậu” là Radovan Karadzic (kẻ hiện đang bị Tòa án Quốc tế La Haye truy nã vì tội ác chiến tranh). Hồi năm 1993, John Reid từng là khách quý tại tòa biệt thự ở Genève của lãnh tụ người Serb ở Bosnia này. Sau khi bỏ rượu vào năm 1994, Reid lại nghiện thuốc nặng, từng thừa nhận hút trung bình 60 điếu mỗi ngày (chỉ bỏ sau khi trở thành Bộ trưởng Y tế).

Nhiều người Anh hiện vẫn nghi ngờ về việc John Reid đã từ bỏ được hoàn toàn những thói quen xấu của mình trong quá khứ. Mới hồi tháng 4 vừa qua, cảnh sát đã phát hiện trong phòng khách của Reid một lượng nhỏ (chưa tới 1 gram) chất cần sa. Ông này đã quả quyết không hiểu vì sao ma túy lại xuất hiện trong nhà mình, và mọi chuyện cũng được cho qua. Nhiều nhà quan sát cho rằng, cái tiểu sử đầy mâu thuẫn như vậy không những không cản trở mà còn thúc đẩy cho sự nghiệp chính trị của John Reid – nổi bật hơn so với các đối thủ khác.

Tham vọng về chiếc ghế thủ tướng của John Reid có liên quan đến khả năng từ chức trước thời hạn của ông Tony Blair. Nó còn dính dáng tới những “ân oán sâu xa” giữa ông Blair và Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown. Nhiều quan chức trong Công đảng thừa nhận rằng, Thủ tướng Blair và Brown trước cuộc bầu cử Quốc hội năm 2005 đã thỏa thuận về việc chia nửa thời hạn làm thủ tướng: nhiệm kỳ đầu cho đến năm 2007 thuộc về Blair. Sau đó chuyển giao nó cho Brown.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngầm này dường như đã không được thực thi. Brown tỏ ra mất kiên nhẫn đã bắt đầu công khai chỉ trích ông Blair. Trong một bài phỏng vấn mới đây, Brown đã ví Thủ tướng với Margaret Thatcher, vào năm 1990 đã không muốn từ bỏ cương vị của mình, nhưng sau đó phải từ chức vì sức ép của các thành viên trong đảng.

Chắc chắn là ông Tony Blair muốn nhường lại chiếc ghế của mình cho một nhân vật thân cận hơn Brown. Vị Bộ trưởng Tài chính từ lâu vẫn được coi là thủ lĩnh phe cánh tả trong Công đảng, có quan điểm sẵn sàng gạt bỏ mọi cải cách mà đương kim Thủ tướng đang tiến hành. Nhân vật kế nhiệm lý tưởng đối với ông Tony Blair rất có thể là John Reid.

Tuần qua, chính John Reid đã bắt đầu công kích đối thủ tương lai Gordon Brown của mình. Yêu cầu của Brown đòi tiết lộ danh sách những tên khủng bố bị bắt, bị Reid từ chối vì viện cớ ảnh hưởng đến quá trình điều tra. Đến khi nhận được từ Scotland Yard danh sách những kẻ bị tình nghi để phong tỏa tài khoản, Brown ngay lập tức tuồn hết cho báo chí. Reid đã tận dụng cơ hội này để buộc tội Brown “coi thường đến an ninh của người dân Anh”.

Trước mắt, quan điểm tương tự như vậy đang đem lại thành công cho Reid. Theo kết quả thăm dò tuần qua, phần lớn người Anh đều ủng hộ việc thắt chặt các biện pháp an ninh và thúc đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống khủng bố của John Reid. Ngay cả thủ lĩnh đảng Bảo thủ David Cameron, trong khi luôn phê phán kịch liệt các hành động của chính phủ, vẫn bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn và đánh giá cao những nỗ lực của Reid. Rõ ràng với ngôi sao đang lên John Reid, cuộc chạy đua vào chiếc ghế thủ tướng Anh sắp tới sẽ diễn ra rất quyết liệt

Đinh Linh (Tổng hợp)
.
.