Kamala Harris: Sự lựa chọn chiến lược của ông Biden

Thứ Năm, 20/08/2020, 16:37

Việc ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden lựa chọn Thượng nghị sĩ Kamala Harris vẫn đang là chủ đề thảo luận nóng của giới phân tích. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có nhân vật nữ da màu và gốc châu Á được đề cử cho vị trí Phó Tổng thống của một chính đảng lớn ở Mỹ.

Theo giới truyền thông Mỹ, việc lựa chọn bà Harris cho thấy ông Biden tiếp tục duy trì đường lối trung dung, có lợi cho việc tăng cường sức hút đối với cử tri gốc Phi và phụ nữ, đồng thời đoàn kết hơn nữa các cử tri da trắng theo trường phái ôn hòa. Là một ứng cử viên an toàn nhất, bà Harris không có điểm yếu rõ ràng để ê-kíp vận động tranh cử của ông Donald Trump khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho ông Biden tập trung tối đa mọi nguồn lực để đối phó với đương kim tổng thống. Tuy nhiên, thách thức của đảng Dân chủ không vì thế mà đã bị triệt tiêu. Thắng hay thua vẫn còn chưa thể biết trước được.

Theo các chuyên gia bầu cử Mỹ, sách lược tranh cử của ông Biden và đảng Dân chủ là tìm cách biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu dân ý nhằm vào năng lực cầm quyền của ông Trump, đặc biệt là cách ông ứng phó với dịch COVID-19. Do đó, tiêu chuẩn lựa chọn đối tác của ông Joe Biden chính là nâng cao tối đa xác suất thành công của cuộc "trưng cầu dân ý" và "phán xét Trump", thay vì bị ông Donald Trump dẫn dắt. Điều này đòi hỏi phải lựa chọn một nhân vật an toàn nhất. Hơn nữa, việc bà Harris được chọn đã đáp ứng kỳ vọng của mọi người về một phụ nữ da màu đầu tiên là ứng cử viên Phó Tổng thống.

Sự xuất hiện của bà Kamala Harris là một lợi thế lớn cho ứng cử viên Joe Biden.

Bà Harris, năm nay 55 tuổi, là con gái của hai vợ chồng nhập cư gốc Jamaica và Ấn Độ. Các phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng điều này là rất cần thiết để khích lệ các cử tri Mỹ gốc Phi. Năm 2016, chính vì sự không rõ ràng của các cử tri người Mỹ gốc Phi nên ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, đã thất bại thảm hại trong cuộc cạnh tranh với ông Donald Trump.

Vì vậy, mặc dù bà Harris từng chỉ trích lập trường của ông Biden khi phản đối việc cung cấp dịch vụ xe buýt dành cho các học sinh sắc tộc trong cuộc tranh luận bầu cử sơ bộ khiến ông rất tức giận nhưng họ lại hợp tác với nhau vì tình hình chung.

Theo các nhà phân tích, từ thiết kế cơ chế bầu cử cho thấy, vai trò chính của các đối tác tranh cử là bổ sung phần thiếu hụt của ứng cử viên tổng thống, giúp tổng thống sau này nếu đắc cử sẽ có tính đại diện hơn trong một quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa như nước Mỹ. Ví dụ, các ứng cử viên tổng thống ở khu vực phía Bắc thường chọn đối tác ở miền Nam, trong khi ứng cử viên da trắng thích chọn đối tác thuộc sắc tộc thiểu số.

Logic của ông Biden cũng không nằm ngoài điều này. Bà Harris sẽ giúp ông thu hút cử tri gốc Phi, gốc Á và gốc Tây Ban Nha. Và không chỉ vậy, bang California còn là kho phiếu và có nhiều nhà tài trợ của đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, mặc dù việc bổ sung bà Harris tạo lợi thế lớn cho ông Biden, song không vì thế mà đảng Dân chủ không còn những thách thức. Thứ nhất, chưa đầy 30 phút sau khi ông Biden công bố lựa chọn bà Harris, ứng cử viên Donald Trump đã nhanh chóng gắn mác phe cánh tả cực đoan cho đảng Dân chủ và các hành động bôi nhọ lẫn nhau giữa hai đảng có thể tiếp tục leo thang.

Điều này cho thấy càng đến gần ngày bầu cử, cuộc tranh luận giữa hai đảng càng gay gắt. Ông Trump đã coi việc gắn mác "con rối cánh tả" là một chiến thuật tranh cử. Thứ hai, đường lối trung dung mà ông Biden thực hiện có thể sẽ không hoàn toàn nhận được sự tán thành trong đảng, bởi đã có một số nhân vật thuộc phe cánh tả bày tỏ sự không hài lòng đối với bà Harris. Ví dụ cựu thư ký báo chí của ông Sanders, Briahna Joy Gray đã chất vấn gay gắt bà Harris trong vấn đề cải cách y tế và cảnh sát. Đây là thách thức đối với ông Biden trong việc duy trì sự đoàn kết trong đảng.

Thứ ba, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ưu thế dẫn đầu của ông Biden so với ông Trump đã dần bị thu hẹp. Nếu ông Trump tìm cách phát huy hơn nữa các yếu tố có lợi cho tình hình bầu cử của đảng Cộng hòa, thì đảng Dân chủ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Những yếu tố này bao gồm việc áp đặt các biện pháp nghiêm khắc chống lại Trung Quốc, tình hình dịch COVID-19 có chuyển biến tốt và kinh tế phục hồi do sản xuất được khôi phục. Nếu không, tình hình sẽ giúp đảng Dân chủ tạo dựng uy tín và chỉ trích đương kim tổng thống.

Đã có những dự đoán đưa ra rằng cuộc bầu cử sẽ xuất hiện một số tình huống mang tính bước ngoặt. Một là liệu đảng Dân chủ có đoàn kết? Hai là một số lực lượng thuộc phe ủng hộ đường lối chính sách cũ trong đảng Cộng hòa cảm thấy ông Trump đang thách thức lợi ích của họ để đi tới quyết định rời đảng. Và nếu xảy ra, điều này có thể trở thành một yếu tố mang tính quyết định.

Bà Harris có thể đóng một vai trò hạn chế trong việc đối phó với những thách thức này, bởi các nhân vật chính của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này vẫn là ông Biden và ông Trump. Nhiệm vụ chính của các đối tác tranh cử thường là công kích đối thủ cạnh tranh, giống như cuộc tranh luận sắp diễn ra giữa bà Harris và ông Pence vào đầu tháng 10 sắp tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 như hiện nay, mô hình bầu cử và tranh luận đã thay đổi, dù có khả năng thuyết phục nhưng mức độ vận động cử tri có thể không còn được lớn như trước.

Nhìn chung, trong bối cảnh nền chính trị Mỹ đang phân cực, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều có lực lượng cử tri ủng hộ đáng tin cậy, thì sự xuất hiện của bà Harris có thể sẽ như một làn gió thoảng qua và chưa chắc đã ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.