Kazakhstan: Một cựu bộ trưởng bị 4 nước đòi dẫn độ

Thứ Ba, 28/01/2014, 14:55

Thể theo yêu cầu của Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR), Tòa án thành phố Nice, Pháp đang mở phiên xử, xem xét thủ tục dẫn độ cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Kazakhstan Mukhtar Ablyazov về lại Kazakhstan theo quy định của ECHR.

Sở dĩ phải có phiên tòa mang tính pháp lý quyết định này, do cựu doanh nhân 51 tuổi M. Ablyazov bị cả 4 nước là Kazakhstan, Anh, Nga và Ukraina đòi Pháp cho dẫn độ về nước mình để xét xử các tội danh kinh tế khác nhau.

Còn cá nhân Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev khẳng định với giới truyền thông quốc tế rằng, trường hợp Ablyazov là tội phạm tài chính nghiêm trọng nhất trong lịch sử Kazakhstan, do đã biển thủ công quỹ khoản tiền khổng lồ lên tới hàng tỉ USD.

Lật lại hồ sơ vụ án, can phạm M. Ablyazov khi mới 35 tuổi đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Kazakhstan trong Chính phủ của cựu Thủ tướng Nurlan Balgimbayev. Cũng như nhiều quan chức cao cấp ở đất nước có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt dồi dào này, Bộ trưởng M. Ablyazov vừa tại nhiệm trong nội các vừa tham gia thương trường và có số tài sản lên tới hàng trăm triệu USD.

M. Ablyazov sở hữu phần lớn cổ phiếu của nhiều công ty thuộc các ngành nghề khác nhau ở Kazakhstan như ngũ cốc, muối ăn, mía đường, truyền hình, hàng không... Cuối năm 1998, M. Ablyazov cùng các cộng sự đã mua lại Ngân hàng BTA, một trong những cơ sở tài chính hàng đầu Kazakhstan có sự góp vốn đáng kể của nhà nước.

Trong năm 2001, M. Ablyazov là người đồng sáng lập đảng Lựa chọn Dân chủ Kazakhstan (DCK), trở thành phong trào chính trị đối lập thách thức quyền lực của Tổng thống N. Nazarbayev. Đến giữa tháng 7/2002, Bộ trưởng M. Ablyazov trẻ tuổi nhất trong nội các đột nhiên bị cách chức, rồi bị Tòa án Tối cao Kazakhstan kết án 6 năm tù về 2 tội danh là lạm dụng chức vụ gây hiệu quả nghiêm trọng và trốn thuế.

Sau 10 tháng bị giam giữ, M. Ablyazov được tha bổng trước thời hạn cùng lời cam kết "tránh xa chính trường", rồi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BTA vào đầu năm 2005, sau khi chủ tịch cũ đột tử đáng ngờ trong chuyến đi săn chó sói vào dịp lễ Giáng sinh trước đó. Đồng thời M. Ablyazov cũng đứng ra thành lập Công ty Eastbridge Capital Ltd có trụ sở tại London (Anh), rồi đưa vợ con sang thường trú ở đó.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008, qua năm 2009, Chính phủ Kazakhstan quyết định quốc hữu hóa Ngân hàng BTA và bổ nhiệm một viên chức nhà nước thay thế vị trí lãnh đạo của M. Ablyazov. Khi đấy mới vỡ lẽ 6 tỉ USD vốn điều lệ của BTA chỉ là "vốn ảo", do M. Ablyazov cùng các đồng phạm đã tiến hành biển thủ có hệ thống tài sản của ngân hàng trọng yếu này, qua hình thức cho vay "khống" vô tội vạ gấp 1.100% vốn pháp định.

Bộ trưởng M. Ablyazov lúc còn đương chức (ảnh trái); vợ con của Ablyazov trả lời truyền thông Italia trước khi bị trục xuất.

Về phần M. Ablyazov đã nhanh chân đào tẩu khỏi Kazakhstan, tới tháng 7/2011 được chính quyền London cấp quy chế tị nạn chính trị. Kế đến, phía Kazakhstan quyết định nhờ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) ban hành lệnh truy nã M. Ablyazov và đồng phạm trên toàn cầu. Việc bắt giữ M. Ablyazov diễn ra vào rạng sáng ngày 1/8/2013, khi cảnh sát Pháp đóng giả những người làm vườn ập vào ngôi biệt thự kín cổng cao tường, tọa lạc ven bờ Địa Trung Hải trong vùng Aix-en- Provence thuộc ngoại vi thành phố Nice.

M. Ablyazov lúc này đang sử dụng hộ chiếu ngoại giao của Cộng hòa Trung Phi, dưới tên giả là Marat Ayan. Đây là kết quả từ sự âm thầm theo dõi nữ luật sư riêng người Ukraina Olena Tishchenko của M. Ablyazov, khi bà này bí mật đến gặp thân chủ của mình để trao đổi công việc liên quan đến các vấn đề pháp lý đang gặp khúc mắc ở Anh.

Trước đó, vào năm 2012, Tòa án Anh đã mở phiên tòa thể theo đơn của Ngân hàng BTA, khởi kiện M. Ablyazov 18 tội danh khác nhau. Phiên tòa xử vụ bê bối tài chính lớn nhất Kazakhstan kéo dài suốt nhiều tháng ròng, qua các cấp xét xử từ sơ thẩm đến chung thẩm với sự tham gia của hơn 100 luật sư chủ yếu đại diện cho quyền lợi của BTA, cũng như tiến hành hàng trăm cuộc điều trần và thẩm vấn nhân chứng.

Kết quả, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh đã buộc doanh nhân M. Ablyazov phải trả lại cho Ngân hàng BTA hơn 4 tỉ USD là số tiền đã tham ô, kèm thêm khoản lãi suất gần 1 triệu USD mỗi ngày kể từ năm 2005, tổng cộng là 6 tỉ USD.

Đồng thời tòa cũng quyết định đóng băng mọi tài sản của bị cáo trên đất Anh, tịch biên, phát mãi ngôi biệt thự xa xỉ với 9 phòng ngủ và phòng tắm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ ở phía bắc London, nơi gia đình Ablyazov sinh sống, trị giá khoảng 25 triệu USD, như là một phần đền bù thiệt hại cho Ngân hàng BTA. Ngoài ra hộ chiếu Anh của M. Ablyazov cũng bị tịch thu để phục vụ cho công tác thi hành án.

Nhưng M. Ablyazov đã "cao chạy xa bay" khỏi Anh trước khi có phán quyết cuối cùng. Đồng thời bà vợ Alma Shalabaeva cùng cô con gái Alua Ablyazova của Ablyazov đã bí mật chuyển nơi cư trú sang Rome (Italia), rồi bị cảnh sát nước này bắt giữ theo lệnh truy nã đặc biệt của Interpol, về tội đồng mưu với chồng  và trục xuất về Kazakhstan.

Thông qua luật sư riêng O. Tishchenko, M. Ablyazov đã gửi đơn lên ECHR trụ sở đặt tại Strasbourg (Pháp) kêu oan, rằng mình là nạn nhân của "những nỗ lực trả thù chính trị hèn hạ nhằm làm mất uy tín cá nhân"

Trần Hồng (theo The Wall Street Journal)
.
.