Oksana Balynskaya, người từng 3 năm làm y tá co nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi:

Kẻ thù chính của ông Gaddafi là dầu mỏ

Thứ Ba, 08/11/2011, 10:30
Trong cuộc gặp gỡ mới đây nhất với phóng viên báo Nga Komsomolskaya Pravda, nữ y tá Oksana Balynskaya ở Ucraina, từng 3 năm ở Tripoli bên cạnh nhà lãnh đạo Libya, khẳng định: tất cả những ai đã từng làm việc, gần gụi với Gaddafi đều yêu quý ông như cha và gọi ông bằng từ "cậu" thân thương.

Trong những ngày  hạ tuần tháng 10 này, gia đình nữ y tá ở Ucraina đã không phút nào tắt máy thu hình để khỏi bỏ sót bất cứ một tin tức nào nói về Libya. Oksana Balynskaya tâm sự:

“Tôi không thể ngờ được rằng con người kiệt xuất này lại phải chết một cách khủng khiếp như thế. Ông ấy đã từng không chỉ một lần nhắc đi nhắc lại rằng, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì ông ấy cũng sẽ không rời bỏ nhân dân của mình và sẽ sẵn sàng tuẫn nạn. Có lẽ ông ấy đã linh cảm được rằng mọi chuyện sẽ xảy ra như thế. Gaddafi là một con người cực kỳ nhạy cảm. Tôi đã nhận ra điều này khi ông đích thân tuyển chọn người làm y tá cho mình ở Kiev. Hãy thử tưởng tượng mà xem: Chúng tôi có 6 người, Đại tá tới bắt tay từng cô bé một rồi lập tức xác định ngay 2 người sẽ đi cùng ông tới Libya. Trong đội ngũ thân cận với ông không có ai là tình cờ cả, tất cả các lần tuyển chọn đều do chính ông tiến hành và ông không hề bị nhầm về bất kỳ ai. Tất cả mọi người đều trung thành vì ông đối xử với ai cũng chu đáo và tận tình. Ông luôn quan tâm tới công việc của từng người. Tôi rất đau đớn vì từ nay cậu không còn sống nữa…”.

Nữ y tá riêng của ông Gaddafi đoan chắc rằng, những hình ảnh người dân Libya dường như rất vui mừng vì ông Gaddafi đã chết được tung lên truyền hình chỉ là giả tạo. Theo Oksana, người dân Libya đã rất kính trọng nhà lãnh đạo Gaddafi của mình. Nhưng khi phe đối lập giành được chiến thắng thì theo nguyên tắc phù thịnh, không phù suy, họ đã đứng về phía mạnh hơn trong cuộc nội chiến tương tàn.

Oksana nói: “Người Libya rất hồn nhiên, như trẻ con, lúc nào cũng sẵn sàng hùa theo phái mạnh. Ngay cả khi chẳng có chuyện gì để phật ý về quá khứ cả. Đó chính là nét tính cách điển hình đã ăn sâu vào máu họ. Cũng chính vì lý do đó mà ông Gaddafi đã trụ lại được trong chính quyền lâu như vậy. Vì trong thời gian dài đó, người Libya nào cũng cảm thấy trong tay của nhà nước Jamahirya có quyền lực rất chắc. Nhưng cầm quyền lâu như thế không có nghĩa, cậu là nhà độc tài, hay là kẻ sát nhân. Những lời khẳng định rằng ông ấy hành hạ dân lành là sự dối trá. Tôi đã ở Libya 3  năm, tôi không hề thấy điều gì như thế cả. Ngược lại, tôi có thể nói rằng, ông Gaddafi đã rất được yêu quý ở Libya, tôi đã nhìn thấy rõ điều này trong mắt của những người dân thường tại đó, mỗi khi cậu phát biểu trên diễn đàn ở Quảng trường Xanh tại Tripoli, còn chúng tôi phải trực ca gần xe cấp cứu tại đó. Libya đã là một quốc gia rất giàu có. Làm gì có ở đâu khác mà ta có thể mua 17 lít xăng chỉ với giá 1 euro? Làm gì ở đâu khác mà nhà nước cứ 5 năm một lần giúp cho các gia đình trẻ mua một xe hơi mới? Chính sách nhà ở của Libya là cứ sau 5 năm thì  người Libya nào cũng có nhà riêng, mà tất cả họ đều được nhận nhà miễn phí. Thế mà gọi là độc tài ư? Nhưng ông Gaddafi có một kẻ thù chính yếu, đó là dầu mỏ. Chính vì dầu mỏ mà ở Libya đã bắt đầu mọi sự can qua hiện nay”.

Cũng theo lời của nữ y tá Oksana, tại Libya trước đây, chỉ có những người nhập cư là bất mãn vì họ không được hưởng những ưu đãi mà người chính gốc được hưởng. Và chính những người nhập cư này đã làm "đục nước". Và ngay lập tức phương Tây đã lên tiếng ủng hộ họ vì phương Tây cần chiếm đoạt nhiều hơn nữa dầu mỏ của Libya

M.H. (Tổng hợp)
.
.