Khi “công chúa” và “phò mã” nhà Trump hành động
Dự kiến Ivanka Trump sẽ được bố trí văn phòng làm việc tại tầng 1 (ở Mỹ gọi là tầng 2) của Cánh Tây Nhà Trắng, ngay bên cạnh văn phòng làm việc của cố vấn cao cấp Dina Powell. Song song đó, Ivanka cũng đang được xem xét cấp quy chế an ninh và chắc chắn sẽ được Chính phủ Mỹ cấp các thiết bị thông tin liên lạc cá nhân trong tuần này.
Những việc chuẩn bị hiện tại cho thấy Chính phủ Mỹ đang tiếp nhận Ivanka với tư cách là một nhân sự làm việc toàn thời gian - một biên chế chính thức thay vì làm bán thời gian, không chính thức như vài tháng qua.
Ivanka không xa lạ gì với giới truyền thông và công chúng Mỹ ngay từ trước khi bố cô trở thành Tổng thống Mỹ. Vai trò của cô đã thay đổi từ khi còn là một người mẫu “tuổi tin” ở khu Manhattan, New York, cho đến khi là một nữ doanh nhân trẻ thành đạt. Những “vai” cô sắm trong giai đoạn bố cô đắc cử, chuẩn bị lên làm tổng thống cho đến khi bước chân vào Nhà Trắng để sắm một “vai” cố vấn cho tổng thống, Ivanka đã tạo được ấn tượng tốt trong giới quan sát chính trị Mỹ.
Ivanka Trump trong Nhà Trắng. |
Từ khi ông Trump nhậm chức tổng thống, Ivanka được trao cho nhiều vai trò không chính thức khác nhau trong Cánh Tây Nhà Trắng. Cô được mệnh danh là Đệ nhất phu nhân trên thực tế, vì bà Melania không theo ông Trump đến Washington mà lưu lại New York để thuận tiện trong việc chăm lo cho cậu út Barron Trump đến trường. Từ đó, Ivanka có nhiều cơ hội tham gia “bàn tròn quyền lực nhất nước Mỹ”, ngồi chung và bên cạnh bà cố vấn Kellyanne Conway.
Jamie Gorelick, luật sư riêng của Ivanka cho biết, vai trò của “công chúa” đang được mở rộng, trở thành “tai mắt” cho ông bố tổng thống khi cô cung cấp cho ông những lời cố vấn về nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ là chuyện giành quyền lợi cho phụ nữ. Ivanka có tiềm năng trở thành một “la bàn đạo đức”, là người “làm nguội” tính bốc đồng, dữ dội của bố mình.
Các quan chức trong Nhà Trắng hoan nghênh sự tham gia của Ivanka trong vai trò cố vấn cho bố cô với hy vọng cô có thể chế ngự các chính sách cực đoan của ông Trump, ít nhất là chính sách đối với phụ nữ tại nơi làm việc.
Báo chí Mỹ gọi Ivanka là ái nữ đầy quyền lực của Tổng thống Mỹ là có lý do. Trong suốt quá trình tranh cử của ông Trump, Ivanka và chồng Jared Kushner là những người có tiếng nói được ông Trump lắng nghe nhiều nhất. Trong những giai đoạn khác nhau của quá trình vận động tranh cử, nhất là khi chiến dịch của ông Trump lâm vào khó khăn, hàng ngũ bị lủng củng, rối loạn, thì chính Ivanka và chồng là những người hiến kế hiệu quả nhất, giúp bố vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong màn lật ngược thế cờ giành chiến thắng ngoạn mục trong ngày bầu cử tháng 11-2016.
Ivanka Trump và chồng, Jared Kushner tạo nên cặp đôi quyền lực mới ở Washington. |
Trong những ngày gần đây, người ta thấy Ivanka thường xuyên xuất hiện trong các cuộc họp quan trọng của Nhà Trắng, từ họp bàn về phát triển doanh nghiệp nữ cho đến những vấn đề về chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Thông tin rò rỉ từ trong Nhà Trắng cho biết, Ivanka và chồng Jared Kushner là những tiếng nói ôn hòa trong một chính phủ bao gồm những kẻ dân tộc chủ nghĩa.
Cặp vợ chồng Ivanka và Jared Kushner ít nhất đã góp phần chặn đứng một sắc lệnh chống người đồng tính, đồng thời thuyết phục ông Trump duy trì cam kết của người tiền nhiệm Barack Obama về chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trước công chúng, Ivanka nhiệt tình vận động ủng hộ bố cho dù ông gây tranh cãi bởi luận điệu phát ngôn “gây sốc” về người nhập cư, người Hồi giáo, phụ nữ...
Việc tham gia ủng hộ bố trong các hoạt động chính trị đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh, việc làm ăn của cá nhân Ivanka. Một thời là hình ảnh trang bìa của nhiều tạp chí thời trang và phong cách phụ nữ, hình ảnh của Ivanka hiện đã lần lượt thưa vắng dần trên các tạp chí đó. Chưa hết, các nhà bán lẻ như Nordstrom và Neiman Marcus cũng viện đủ lý do, nào là làm ăn bết bát, doanh số giảm để không phân phối, tiêu thụ hàng hóa của Ivanka nữa.
Quyết định của hai nhà bán lẻ này ngay lập tức gây “bão” trong Nhà Trắng và ông Trump đã tung ra một loạt Twitter nhắm vào họ. Sau đó, cố vấn Kellyanne Conway đã phải “vi phạm đạo đức công vụ” lên kênh truyền hình Fox News để “quảng bá” cho dòng sản phẩm thời trang của Ivanka. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer còn đứng trên bục họp báo để công khai công kích hai nhà bán lẻ đã dám từ chối bán hàng của Ivanka.
Kết quả sau một loạt chiến dịch ầm ĩ đó là doanh số bàn hàng của Ivanka có tăng lên. Nhưng các nhà nghiên cứu kinh tế - chính trị cho rằng Ivanka không muốn mượn sức ép chính trị của bố để tạo ra doanh thu kinh doanh, mà chủ yếu đó chỉ là sự “bộc phát thông thường” khi một việc xấu xảy ra cho thành viên trong gia đình.
Không nhiều người, kể cả những người đối lập về chính trị, muốn chống đối Ivanka. Điển hình như Anne-Marie Slaughter, cựu cố vấn cho bà Hillary Clinton và hiện là Chủ tịch Tổ chức New American Foundation đã bắt liên lạc với Ivanka không lâu sau khi bố cô thắng cử để thảo luận một số lĩnh vực có thể hợp tác xung quanh các chính sách đối với phụ nữ. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Ivanka cũng nhận được sự ủng hộ của cựu Phó Tổng thống Al Gore.
Ngay cả những người theo đường lối cấp tiến cũng thừa nhận họ tin rằng Ivanka có thể là một “đồng minh” bất đắc dĩ của những người theo đuổi con đường tự do chủ nghĩa. Các đề xuất của cô về vấn đề chăm sóc trẻ em và chính sách hộ sản đã nhận được sự quan tâm tích cực từ ngay chính những người phản đối bố cô.
Giới quan sát nhìn nhận, việc Ivanka có kiểm soát được những xung đột lợi ích, những vi phạm đạo đức mà bố cô thường xuyên mắc phải hay không cần phải có thời gian để kiểm chứng. Hiện tại, người ta vẫn cứ hy vọng cô có thể làm được điều đó.
Còn với chàng “phò mã” Jared Kushner, vai trò và vị trí của anh trong các quyết sách đối nội lẫn đối ngoại thể hiện ngày càng rõ rệt. Còn nhớ mùa bầu cử tổng thống đầy gay cấn trong năm 2016, cánh báo chí bắt gặp Jared Kushner ngồi với Haim Saban, một trong những nhà tài trợ lớn nhất của đảng Dân chủ ủng hộ Israel. Kushner rất quan tâm tới các cuộc gặp với ông Saban, một người Mỹ gốc Israel, nhưng chưa bao giờ được ông này để ý. Năm 2010, Kushner từng gửi thư tán dương, ngưỡng mộ ông Saban, nhưng Saban vẫn không thèm hồi đáp, cho dù là mấy chữ cám ơn.
Báo chí khi ấy tha hồ đoán già đoán non vì họ không rõ tại sao Kushner khi đó lại muốn nói chuyện với ông Saban - người đã góp 10 triệu USD cho một nhóm ủng hộ bà Hillary Clinton. Tại cuộc gặp hôm đó, Kushner đã lặp đi lặp lại lời đảm bảo với ông Saban rằng, một khi D.Trump làm tổng thống sẽ “rất tốt cho quan hệ Mỹ-Israel”.
“Phò mã” Jared Kushner cùng “công chúa” Ivanka và Tổng thống Donald Trump. |
Jared Kushner đang sở hữu khối tài sản trị giá 200 triệu USD, là người có công lớn giúp bố vợ có được sự ủng hộ quý báu của các cử tri thuộc cộng đồng thân Israel. Dưới sự lãnh đạo của Jared Kushner, kể từ năm 2007, tập đoàn bất động sản Kushner Companies đã hoàn tất các hợp đồng giao dịch trị giá hơn 14 tỉ USD và các hoạt động thâu tóm trị giá khoảng 7 tỉ USD. Jared Kushner và em trai đã cùng nhau thành lập một công ty đầu tư.
Bản thân Kushner còn tích cực đầu tư vào các tập đoàn công nghệ, tham gia nhiều hội đồng quản trị của các công ty khởi nghiệp. Anh sở hữu tòa nhà chọc trời ở số 666 đại lộ số 5, New York, không xa tòa tháp Trump Tower của cha vợ và khi ở tuổi 25, Jared đã mua lại tờ báo đình đám một thời New York Observer.
Ở tuổi 36, nhà kinh doanh phát triển bất động sản New York dạn dày kinh nghiệm kinh doanh với nụ cười bình thản che giấu những toan tính khó ngờ nhưng không có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, đã được ông Trump giao cho nhiệm vụ giải quyết một trong những vấn đề nan giải nhất thế giới - mang lại hòa bình cho Trung Đông - điều mà các chính quyền cả của đảng Cộng hòa và Dân chủ mất hàng thập kỷ qua đã tốn không biết bao nhiêu tiền của lẫn trí lực.
Vốn là một người Do Thái chính thống xuất thân từ một gia tộc ở New Jersey, từng góp tiền hỗ trợ xây khu tái định cư ở Bờ Tây và quyên tặng cho các quỹ vận động chính trị cho phía Israel, Jared Kusher từng được ông Trump dành cho những lời tán dương bay bổng trong dạ tiệc mừng lễ nhậm chức tổng thống là nếu “con người này không tạo ra được hòa bình ở Trung Đông thì không ai có thể làm!”.
Ông Trump tuyên bố rằng, Jared Kushner có thể thành công ở chỗ mà những nhà đàm phán hòa bình giàu kinh nghiệm hơn đã thất bại. Ông khẳng định Kushner “hiểu khu vực, hiểu con người, hiểu cả luật chơi”. Thực tế, cả những đồng minh ủng hộ Israel của ông Trump cũng cho rằng giờ chưa phải là lúc thúc đẩy hòa bình Trung Đông.
Vấn đề hòa bình Trung Đông khác xa với suy nghĩ của ông Trump và “phò mã” Jared Kushner, đặc phái viên hòa bình Trung Đông. Mặc dù anh được tin tưởng giao trọng trách định hướng suy nghĩ của ông Trump về vấn đề Israel - Palestine, thúc đẩy chính quyền Mỹ hướng tới một quan điểm ủng hộ Israel công khai hơn, nhưng các nhà quan sát không thể nhìn thấy ở anh một kinh nghiệm trực tiếp nào về vấn đề. Họ cho rằng anh phải học nhanh và nhiều điều hơn nữa về Trung Đông.
Việc ông Trump nhất định dành vai trò khó khăn và quan trọng này cho Kushner diễn ra trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông đang “chết lâm sàng”. Trong hai ngày 13 và 14-3, cố vấn cấp cao về đàm phán quốc tế của ông Trump, Jason Greenblatt, đã gặp cả Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas để thảo luận tiến trình hòa bình giữa hai bên.
Theo hãng tin CNN, cơ hội cho chính quyền của ông Trump làm cho “bệnh nhân chết lâm sàng” giờ tỉnh dậy gần như bằng không, chứ không nói đến cơ hội hỗ trợ “bệnh nhân” phục hồi thực sự.
Về phần mình, Jared Kushner không để lộ những suy nghĩ của mình, từ chối đề cập tới chủ đề với những người kỳ cựu trong tiến trình hòa bình Trung Đông như cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger. Trước đây, những đặc phái viên hòa bình Trung Đông của Mỹ thường là những người rất trọng chi tiết. Ông Kissinger nổi tiếng với phong cách cực kỳ kỹ lưỡng khi đàm phán cá nhân.
Ông Dennis Ross (đặc phái viên thời Bill Clinton) thường xuyên ghi chép chi tiết về cuộc gặp với lãnh đạo Israel và Palestine. Nhưng với Kushner thì hoàn toàn khác. Như trong cuộc gặp với Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan về vấn đề y tế, vị “phò mã” không quan tâm tới chi tiết chính sách mà quan tâm chủ yếu tới hai dòng ở cuối cùng mà ông Trump viết vào: Làm sao chúng ta biết đây là kế hoạch tốt hơn? Làm sao chúng ta biết đã giảm chi phí?
Về vấn đề Trung Đông, những người đã nói chuyện với Jared Kushner về vấn đề này tiết lộ rằng, anh ấy chỉ quan tâm tới những vấn đề to tát, chung chung: Làm sao chúng ta có thể mang tới hòa bình và thịnh vượng? Các quốc gia hòa hợp trong khu vực như thế nào? Ông Yousef Al Otaiba, Đại sứ UAE tại Mỹ còn nói, Jared Kushner hiếm khi nói ra một quan điểm có sẵn trong đầu và kế hoạch khung của anh ấy chỉ là về phương thức làm sao đánh bại chủ nghĩa cực đoan.