Khi nghị sĩ là nạn nhân của trò “khủng bố tinh thần”

Thứ Tư, 23/08/2017, 12:45
Nạn quấy rối, khủng bố tinh thần bằng lời nói thóa mạ, hành vi kỳ thị và dọa giết đối với các nghị sĩ, ứng cử viên nghị sĩ đang ngày càng lan rộng không chỉ trong không gian thật mà còn nở rộ trên mạng xã hội. Một cuộc đấu tranh quyết liệt của các nghị sĩ Anh đòi các công ty công nghệ, các cơ quan công quyền có hành động cụ thể hơn nữa nhằm hạn chế tình trạng này.

Tranh luận quyết liệt, nhưng giải pháp nào?

Theo báo cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn đời sống công cộng Anh (CSPL), tình trạng lăng mạ, đe dọa, uy hiếp tinh thần các ứng cử viên nghị viện Anh trong cuộc bầu cử tháng 6 vừa qua đã gia tăng đến mức báo động. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Theresa May hồi tháng 7-2017, CSPL đã tiến hành điều tra đối với vấn đề này để có báo cáo đầy đủ hơn.

Paul Bew, Chủ tịch CSPL cho biết, vấn đề được Thủ tướng May đặt ra sau khi bà nhận được nhiều lời than phiền từ các nghị sĩ về những trường hợp bị hù dọa, uy hiếp tinh thần và quấy rầy mà họ từng gặp phải khi tham gia ứng cử trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua.

Ông Paul Bew - Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đời sống Công cộng Anh - phát biểu về tình trạng quấy rối các nghị sĩ.

“Chúng ta đang ở trong một thời điểm tồi tệ và chúng ta phải có phản ứng” - ông Bew nói. Bew cho rằng, một giải pháp cần thực hiện ngay là ban hành luật mới để chế tài tình trạng này, và tuyên bố ông sẽ đề xuất các dự luật đó.

Vấn đề quấy rối, đe dọa và uy hiếp các nghị sĩ đã được Điện Westminster (Nghị viện Anh) quan tâm và tranh luận sôi nổi. Trong đó các nghị sĩ Công đảng tố cáo đảng Bảo thủ mô tả vấn đề như thể chỉ có các ứng cử viên Bảo thủ bị quấy rối, trong khi các nghị sĩ Công đảng cũng bị thành phần hữu khuynh quấy rối với “quy mô công nghiệp” trên mạng xã hội. Theo ông Bew, những tranh luận như thế có thể dẫn đến đi lệch vấn đề.

Bew nói: “Chúng ta cần sự lãnh đạo từ chính Quốc hội trong vấn đề này. Vì nó đã đến mức không còn là chuyện nhỏ nữa, mà đã trở nên gay gắt”. Bew cho rằng, tranh luận công khai về vấn đề này cần quyết liệt nhưng phải bảo đảm “không chơi trò bẩn và thù ghét cá nhân”.

Nhiều nghị sĩ đã hành động để tự bảo đảm an ninh cho bản thân, nhất là kể từ khi nghị sĩ Công đảng Jo Cox bị một kẻ hữu khuynh quá khích sát hại vào năm 2016. Nhưng số đông nghị sĩ vẫn than phiền về mức độ và quy mô quấy rối cao hơn, nhất là trước kỳ bầu cử tháng 6-2017. Simon Hart, nghị sĩ đảng Bảo thủ, người triệu tập cuộc tranh luận ở Điện Westminster, cho biết mỗi tuần các lãnh đạo đảng Bảo thủ trong Nghị viện đã xử lý ít nhất 3 vụ đe dọa đối với các nghị sĩ, bao gồm dọa giết, xúc phạm danh dự, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, bài Do Thái,...

“Trước đây, các cuộc bầu cử quốc hội thường diễn ra sôi nổi với băng-rôn vận động, những cái bắt tay và sau đó là vào quán uống cốc bia vui vẻ. Nhưng bây giờ, bầu cử còn có cả những biểu tượng dấu thập ngoặc (phát xít), những khẩu hiệu và ngôn ngữ thù hằn, xúc phạm con người vẽ đầy trên các poster” - Hart chia sẻ.

Còn Diane Abbott, nghị sĩ đảng Bảo thủ cho biết, chính bà là nạn nhân của nạn kỳ thị chủng tộc diễn ra hằng ngày, cả trên mạng xã hội và trong đời sống thực. 

Truy trách nhiệm các công ty công nghệ

Trong các hình thức quấy rối, đe dọa và uy hiếp các nghị sĩ, thì mạng xã hội đang đóng vai trò rất lớn, là môi trường chuyên chở vô số những lời lẽ thù hằn nhắm vào các nghị sĩ ở Anh. Tháng 3-2017, Quốc hội Anh đã tổ chức một cuộc họp để các công ty công nghệ gồm Twitter, Facebook và Google điều trần trước Ủy ban Các vấn đề nội vụ Hạ viện về tình trạng các trang mạng xã hội và dịch vụ email do các công ty này cung cấp đang chuyên chở quá nhiều nội dung thù hằn, quấy rối, đe dọa nhắm vào các nghị sĩ Anh. Và các công ty này đang đứng trước áp lực phải hành động cụ thể, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn, hạn chế bớt tình trạng này.

Nghị sĩ da màu Diane Abbott, nạn nhân bị quấy rối.

Cuộc điều trần đã diễn ra trong không khí căng thẳng, với những lời lẽ buộc tội, sỉ mắng nặng lời của các nghị sĩ nóng tính, thiếu kiềm chế. Yvette Cooper, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề nội vụ cho rằng, các công ty chủ nhân các mạng xã hội đã tự làm mất thanh danh vì không hành động gì cả trước các báo cáo về những lời lẽ thù hằn và xúc phạm danh dự người khác đăng trên mạng.

Bà Cooper trưng ra bằng chứng là 3 video do một thành viên tân phát xít đăng trên YouTube, trong đó có kẻ cực đoan da trắng David Duke, và tổ chức National Action, một tổ chức bị cấm ở Anh. Các nghị sĩ khác trong Ủy ban đặt câu hỏi: Tại sao có thể tìm kiếm những lời lẽ thù hằn trên các trang mạng xã hội chỉ trong vài giây và làm thế nào mà những kẻ ủng hộ IS và bọn tân phát xít lại được quyền đăng video quảng bá hình ảnh trên YouTube?

Các công ty mạng xã hội bảo vệ các hệ thống giám sát riêng của mình, nhưng chống chế rằng họ phải phụ thuộc vào người dùng mạng xã hội trên cơ sở “thông báo” và “hạ xuống” (tức không cho đăng lên mạng nữa) để giải quyết vấn đề lời lẽ thù hằn trên mạng. Theo các công ty công nghệ, với quy mô hiện tại, họ không thể tiến hành việc chủ động dò tìm các tư liệu mang nội dung “thù hằn” đó dù họ đã cố gắng phát triển công nghệ để thực hiện.

Nhưng bà Cooper cho rằng cách phản ứng của các công ty là không đủ thuyết phục, rằng các công ty đã không áp dụng các tiêu chuẩn phát hành thông tin vốn có. Bà Cooper dẫn chứng 4 dòng Twitter với nội dung đe dọa bạo lực nhắm vào các quan chức, trong đó có cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thị trưởng London Sadiq Khan.

Các lãnh đạo công ty mạng xã hội cho biết đã triển khai công nghệ xác định các tài khoản vi phạm các quy tắc tham gia mạng, kết hợp với hệ thống báo cáo về người dùng. Nhưng việc kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả đến đâu còn phải chờ xem.

An Châu (tổng hợp)
.
.