Khi nghị trường biến thành võ đài

Thứ Tư, 29/12/2010, 13:45
Các chính trị gia cũng là những con người bình thường, hoàn toàn có thể nóng giận đến mức không thể kiềm chế. Bỏ qua các nguyên tắc chốn quan trường và các nghi lễ ngoại giao khi mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, nhiều vị "quyền cao chức trọng" thậm chí không ngần ngại sử dụng đến nắm đấm. Những ví dụ điển hình nhất vừa mới xảy ra cách đây không lâu tại Armenia.

Nhân vật chính của vụ bê bối chính trị mới nhất tại Armenia chính là Thị trưởng Gagik Beglarian của thủ đô Erevan. Hôm 3/12 vừa qua, ông này cùng với một số quan chức cao cấp tới dự buổi hòa nhạc của ca sĩ opera nổi tiếng người Tây Ban Nha Placido Domingo. Do thấy phu nhân của Thị trưởng lại ngồi trên chiếc ghế ngay sát với Tổng thống Serzh Sargsyan, nhân viên Aram Kandayan phụ trách nghi lễ của nguyên thủ quốc gia đã yêu cầu bà này ngồi sang chỗ khác. Theo nguyên tắc, chỉ có những quan chức lãnh đạo hàng đầu mới được ngồi sát bên cạnh Tổng thống.

Những diễn biến tiếp theo được báo chí Armenia khai thác rất chi tiết: Sau khi được bà vợ “phản ánh” với vẻ rất bất bình về sự việc trên, ông Beglarian đã đi tìm ngay tay nhân viên nghi lễ để "xử lý theo cách đàn ông". Ông ta lôi Kandayan tới khu nhà máy "Metaks" và thẳng tay đánh đập. Vụ việc đến tai của Tổng thống Sargsyan. Ông cho triệu tập ngay tay Thị trưởng thích vũ lực để “xạc” cho một trận. Tiếp theo đó là một quyết định từ chức. Chưa hết, ông Beglarian còn bị truy tố hình sự và trong thời gian tới sẽ phải ra trước tòa.

Trường hợp của Thị trưởng Beglarian thật ra đã từng có một tiền lệ tại Armenia, người đi tiên phong chính là cựu Bộ trưởng Tư pháp Gevorg Danielyan. Báo chí Armenia cho biết, ông này dính líu tới "một vụ sử dụng bạo lực trong bộ của mình từ một tháng trước đó". Vị bộ trưởng không biết duy trì trật tự trong cơ quan của mình đúng cách cũng phải trả giá bằng chính chiếc ghế của mình.

Ẩu đả cũng là chuyện có vẻ phổ biến trong giới chính trị gia tại đất nước láng giềng Gruzia của Armenia. Thậm chí người ta còn không tính hết những vụ va chạm có sử dụng đến nắm đấm đằng sau những bức tường của tòa nhà Quốc hội. Vụ việc nổi tiếng nhất xảy ra vào năm 2002, khi Mikhail Saakashvili còn chưa trở thành tổng thống, mà là thủ lĩnh của phe đối lập "Phong trào quốc gia mặt trận dân chủ". Bản thân Saakashvili không trực tiếp phải dùng đến nắm đấm, nhưng các chiến hữu của ông ta lại... làm “rất tốt” việc này.

Một màn ẩu đả tại Quốc hội Ukraina.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc hai nghị sĩ "giáp lá cà" vào đúng lúc phe đối lập đang tâng bốc vai trò của Saakashvili trong Quốc hội, khiến phiên họp phải ngừng ngay từ lúc đó. Hậu quả là dân biểu Petre Siskarishvili bị 4 nghị sĩ khác “hội đồng” cho nhừ tử. Vài tuần sau, ông Siskarishvili vẫn không quên trả đũa khi ném cả miếng sắt lót tay vào mặt đồng nghiệp David Saganelidze.

Italia cũng là nơi thường xuyên có những xáo trộn về nghị trường. Mới 3 năm trước, một vụ đánh lộn hàng loạt đã bùng nổ trong Quốc hội, sau khi đảng đối lập "Liên minh phương Bắc" (hiện đang có mặt trong liên minh cầm quyền) yêu cầu phải tổ chức bầu cử trước thời hạn. Các nghị sĩ thuộc đảng này thể hiện quyết tâm bằng cách ngồi chiếm hết những chiếc ghế dành cho các bộ trưởng. Khi nỗ lực của phe trung tả cầm quyền thuyết phục các đồng nghiệp quay trở về chỗ không thành công, màn ẩu đả tập thể đã xảy ra ngay sau đó: đầu tiên là màn "giao lưu bằng những tờ báo", trước khi tới màn "ghế bay". Cuộc lộn xộn chỉ được dẹp yên sau khi có sự can thiệp của lực lượng cảnh sát.

Cũng mới cách đây không lâu, các nghị sĩ của Hàn Quốc sau khi không thể thống nhất được với nhau về việc phân bổ ngân sách đã quyết định sử dụng biện pháp mạnh tay hơn. Hậu quả là một nghị sĩ phải nhập viện, một người khác bị búa đập vào đầu. Cảnh sát cuối cùng cũng phải xông vào phòng họp Quốc hội để can thiệp. Những vụ việc tương tự cũng không phải là chuyện hiếm tại Nhật Bản và Đài Loan. Thậm chí báo chí Đài Loan từ 3 năm trước đã từng công khai ví trụ sở Quốc hội  của hòn đảo này chẳng khác gì "một vũ đài quyền Anh".

"Giáp lá cà" tại Quốc hội Nhật Bản.

Nhưng có lẽ những trường hợp sử dụng nắm đấm ấn tượng nhất lại diễn ra tại Ukraina với điển hình là tay cựu Bộ trưởng Nội vụ Yuri Lushenko. Hồi năm 2008, dư luận tại quốc gia này đã xôn xao bàn tán về vụ ông Lushenko song phi vào xương chậu của cựu Thị trưởng Kiev Leonid Chernoveski. Chỉ một năm sau, báo chí Đức lại tung ra thông tin cho biết, Lushenko còn quậy phá tưng bừng vì say rượu tại sân bay Frankfurt am Main, rồi còn ném cả chiếc điện thoại di động của mình vào các nhân viên cảnh sát.

Vụ đánh lộn tưng bừng nhất tại Quốc hội Ukraina từng xảy ra vào ngày 27/4, trong khuôn khổ một cuộc họp bàn về khả năng kéo dài sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen của Nga tại cảng Sevastopol. Với mục đích phá hoại cuộc bỏ phiếu, các nghị sĩ đối lập từ Liên minh Yulia Timoshenko và "Phong trào tự vệ nhân dân Ukraina" đã không ngần ngại dùng cả vũ lực.

Chủ tịch Quốc hội Valdimir Litvina phải hứng chịu một vài quả trứng được tay nghị sĩ nào đó đã chủ định mang tới từ trước, chưa kể một quả pháo khói bị ai đốt đem quẳng giữa phòng họp. Dù sao, phe đối lập cuối cùng cũng không đạt được mục đích của mình - văn kiện đã được thông qua sau gần một giờ vãn hồi trật tự

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.