Khoảng trống quyền lực sau khi Tổng thống Italia từ chức

Thứ Sáu, 23/01/2015, 10:03
Ngày 14/1 vừa qua, Tổng thống Italia Giorgio Napolitano đã chính thức tuyên bố thoái vị để nghỉ ngơi sau thời gian dài phục vụ đất nước. Tuy nhiên, đối với Thủ tướng Matteo Renzi và nhiều người khác ở Rome, việc từ chức này đã để lại một khoảng trống lớn, và cuộc đua tranh căng thẳng giữa các đảng phái chính trị để tìm người thay thế ông Napolitano có thể một lần nữa khiến Italia rơi vào khủng hoảng.

Trong bài phát biểu hôm 14/1, Thủ tướng Matteo Renzi đã cảm ơn Tổng thống Italia Giorgio Napolitano vì đã cống hiến "trí tuệ chính trị phi thường" cho đất nước Italia, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước lâm vào cảnh khó khăn, khủng hoảng.

Ông Napolitano năm nay 89 tuổi, cái tuổi mà lẽ ra nhiều người khác đã không còn có thể đi lại bình thường chứ đừng nói là làm việc. Bản thân Napolitano cũng đã từng một lần "xin được nghỉ ngơi" cách đây 2 năm, khi đó ông 87 tuổi.

Nhưng Italia thời điểm đó không tìm ra được ai có khả năng thay thế ông đảm nhận vai trò Tổng thống. Do không tìm được người thay thế nên dù đã 87 tuổi, ông Napolitano vẫn phải tuyên thệ nhậm chức thêm một lần nữa.
Tổng thống Giorgio Napolitano.

Bên cạnh vấn đề đó, thì việc ông Napolitano tái nhiệm cách đây 2 năm còn vì lý do rất quan trọng nữa, đó là uy tín và đức độ của ông sau một nhiệm kỳ 5 năm đã khiến ông trở thành nhân tố quyết định sự ổn định, đoàn kết vượt qua khủng hoảng kinh tế của đất nước Italia.

Napolitano là vị Tổng thống Italia tại nhiệm lâu nhất trong lịch sử. Ông cũng là người ủng hộ Thủ tướng Renzi nhiệt tình nhất trong các nỗ lực cải tổ hệ thống bầu cử Italia. Ông cũng ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp để cải tổ triệt để Quốc hội và quy trình xây dựng luật pháp Italia.

Do hoạt động quá nhiều nên nhiều lúc Napolitano cũng bị một số người phê phán là vượt quá giới hạn quyền lực hiến định của mình và thò tay can thiệp vào hệ thống chính trị để giúp các đảng chính thống duy trì quyền lực. Đảng Phong trào 5 Sao đã từng tìm cách luận tội ông nhưng bất thành.

Chọn ai thay thế ông Napolitano là vấn đề không hề đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh các phe phái chính trị Italia vẫn không thống nhất ý kiến với nhau. Đây là một thử thách khả năng giải quyết khủng hoảng của Thủ tướng Renzi.

Ông Renzi giành lấy chức Chủ tịch đảng Dân chủ Italia một cách ngoạn mục vào tháng 12/2013, gây chú ý mạnh trong giới chính trị ở Rome, rồi sau đó được bầu làm Thủ tướng Italia vào tháng 2/2014, lãnh sứ mệnh lèo lái con thuyền Italia vượt qua khủng hoảng kinh tế.
Thủ tướng Matteo Renzi được cho là sẽ gặp một số thách thức sau khi ông Napolitano từ chức.

Cái khó nhất đối với ông Renzi là làm sao lôi kéo các nghị sĩ thuộc tất cả các đảng phái chính trị, kể cả trong nội bộ đảng Dân chủ Italia, ủng hộ ứng viên do mình lựa chọn để bầu làm Tổng thống Italia. Bài toán này là "phép thử" đối với năng lực thuyết phục, tài lãnh đạo và khả năng thu phục thành phần chống đối ngay trong nội bộ đảng Dân chủ, đồng thời lôi kéo lá phiếu ủng hộ của phe đối lập để đủ đa số 2/3 phiếu.

Một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2013 (không chọn được người thay thế ông Napolitano) sẽ tạo ra tình huống khó xử và gây nên tình thế nguy hiểm cho ông Renzi. Matteo Salvini, một nghị sĩ thuộc đảng Liên đoàn phương Bắc, cho rằng, vị tổng thống mới sẽ là người bên ngoài nghị viện, là người có cống hiến cho Italia, và chức danh này không thể là "con bài" mặc cả cho ông Renzi để tiếp tục đổi lấy sự ủng hộ của đảng trung hữu Forza Italia của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Theo dự kiến, các nghị sĩ và đại biểu sẽ nhóm họp vào ngày 29/1/2015, để xem xét vòng một tìm người thay thế ông Napolitano. Hiện tại, người ta đưa ra một số ứng viên khả dĩ như 2 cựu Thủ tướng Romano Prodi và Giuliano d'Amato, ngoài ra còn có thể kể đến Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi, ông Draghi đã nhiều lần tuyên bố sẽ không tham gia cuộc đua.
Romano Prodi và Giuliano d'Amato, hai gương mặt nổi bật có thể thay thế ông Napolitano làm Tổng thống Italia.

Luigi La Spina, cây bút bình luận của tờ nhật báo La Stampa ở Turin đã ví cuộc bầu chọn Tổng thống Italia cũng khó dự đoán giống việc bầu chọn Giáo hoàng, nhưng cuộc đua trần thế gay gắt hơn. Quốc hội Italia sẽ tiến hành bỏ phiếu kín.

Để giành chiến thắng, các ứng viên phải giành được 2/3 số phiếu trong 3 vòng đầu tiên, còn vòng thứ tư trở đi chỉ cần giành đa số trong 505 phiếu đại biểu. Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso sẽ đảm nhận quyền Tổng thống trong thời gian bầu chọn tổng thống mới.

Chức danh tổng thống ở Italia không có thực quyền gì ngoài việc đề cử thủ tướng và phê chuẩn nội các, giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử. Đến 90% quyền hành nằm trong tay thủ tướng Italia. Ấy thế mà, người ta vẫn rất cần đến tổng thống, đặc biệt là thời kỳ tổng thống Napolitano.

Nhìn lại thời gian trước đây, các tổng thống Italia thường đóng vai trò là người hòa giải các mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị, chủ trì các cuộc đàm phán để thành lập các liên minh chính phủ khi không có đảng nào đạt đủ đa số. Tổng thống cũng có quyền phủ quyết dự luật đã được Quốc hội thông qua.

Nay thì ông Napolitano không còn thời gian để chiều ý các chính trị gia Italia được nữa. Cuối tháng 1 này, ông Napolitano sẽ chính thức rời ghế Tổng thống. Mất đi một người ủng hộ nhiệt tình như Tổng thống Napolitano sẽ đặt ra thách thức cho Thủ tướng Renzi trong việc triển khai tiếp tục chương trình cải cách toàn diện Italia.

Một số nhà phân tích nói rằng, các đảng chống lại các đề xuất cải cách của Thủ tướng Renzi có thể lợi dụng cuộc bầu cử tổng thống để tạo cớ trì hoãn hoặc chặn đứng chúng lại. Nhưng nhiều người khác thì lưu ý rằng các nỗ lực cải cách của Thủ tướng  Renzi đang rất được công chúng đồng tình. Renzi đang "thuận buồm xuôi gió", vì thế khó mà làm chậm lại hay cản trở tiến trình cải cách của ông.

An Châu (tổng hợp)
.
.