Khởi động cuộc đua cho vị trí Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

Thứ Sáu, 29/01/2021, 12:00
Theo thông lệ, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) bầu Tổng Thư ký theo đề nghị của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, nơi 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Năm nay, LHQ hy vọng sẽ thực hiện bước đầu tiên của cuộc bầu cử này vào ngày 31-1.


Động thái ngày 31-1

Hãng tin StarTribune số ra ngày 18-1 dẫn lời của Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Volkan Bozkir và Đại sứ của Tunisia tại LHQ Tarek Ladeb - người đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến gửi một lá thư trước ngày 31-1 yêu cầu 193 quốc gia thành viên LHQ đề cử danh sách ứng viên cho vị trí Tổng Thư ký LHQ.

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và là người từng đứng đầu Tổ chức Người tị nạn của LHQ - ông Antonio Guterres sẽ kết thúc nhiệm kỳ 5 năm ở vị trí Tổng Thư ký LHQ vào ngày 31-12-2021. Trong bức thư gửi ông Volkan Bozkir và Đại sứ Tarek Ladeb, ông Antonio Guterres đang tìm kiếm sự ủng hộ cho nhiệm kỳ 2 làm Tổng Thư ký LHQ. Vì thế, các nước cần sớm đưa ra danh sách các đề cử ứng viên của mình.

Đương kim Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đang tìm kiếm sự ủng hộ cho nhiệm kỳ 2. Ảnh: Getty

Thông thường, Đại Hội đồng LHQ bầu Tổng Thư ký theo đề nghị của Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên, nơi 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết. Do đó, sự ủng hộ của 5 quốc gia này là rất quan trọng. Thủ tướng Anh Boris Johnson hiện đã tuyên bố bỏ phiếu cho ông Antonia Guterres nhưng vẫn chưa có động thái nào từ Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp.

Một nghị quyết của Đại Hội đồng được thông qua vào tháng 9-2015 yêu cầu các Chủ tịch Hội đồng và Hội đồng Bảo an bắt đầu quá trình trưng cầu các ứng cử viên cho vị trí Tổng Thư ký thông qua một lá thư chung gửi tất cả các quốc gia thành viên. Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Volkan Bozkir cho biết ông đã gặp Đại sứ Tarek Ladeb hôm 12-1 và chia sẻ một dự thảo bức thư gửi các quốc gia thành viên LHQ.

“Chúng tôi hy vọng sẽ có thể cùng nhau ký vào bức thư này trước cuối tháng 1”, ông Volkan Bozkir nói trong một cuộc họp báo và khẳng định sẽ đảm bảo rằng bất kỳ ứng cử viên nào cũng xuất hiện trước Đại Hội đồng để chia sẻ tầm nhìn của họ và giải thích những gì họ sẽ làm trong 5 nhiệm kỳ (nếu được bầu) và có cả phần hỏi đáp.

Thông tin thêm về mặt pháp lý, Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Volkan Bozkir cho biết, chưa có thời hạn cuối cùng để các quốc gia gửi ứng cử viên nhưng ông hy vọng làn sóng đầu tiên với một hoặc nhiều ứng cử viên sẽ xuất hiện trước Đại Hội đồng vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Cuộc vận động của ông Antonio Guterres

Tháng 10-2016, sau cuộc chạy đua gay gắt và minh bạch, ông Antonio Guterres đã vượt qua 12 ứng cử viên gồm 7 phụ nữ và 5 nam giới để 193 thành viên LHQ bầu chọn là người kế nhiệm ông Ban Ki-moon. Ông Antonio Guterres  chính thức nhậm chức vào ngày 1-1-2017 và kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào ngày 31-12-2021.

Ông Antonio Guterres phát biểu tại một phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2019. Ảnh: NATO

Trong bức thư gửi Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ Volkan Bozkir, đương kim Tổng Thư ký LHQ viết: “Tôi rất vinh dự được tiếp tục phục vụ tổ chức này trong việc theo đuổi các mục đích và hoàn thành các mục tiêu cao cả. Tôi sẵn sàng phục vụ nhiệm kỳ thứ hai với tư cách là Tổng Thư ký LHQ, nếu đó là ý muốn của các quốc gia thành viên”.

Hãng AP dẫn lời Người phát ngôn của LHQ Stephane Dujarric cho hay, ông Antonio Guterres đã dành thời gian trong những ngày nghỉ để nói chuyện với gia đình về kế hoạch của mình. Ông cũng đích thân thông báo tới 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ gồm Mỹ,  Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp hôm 8-1.

Một ngày sau đó, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ đã tổ chức bữa trưa với Đại sứ của nhóm P5 và Tổng Thư ký LHQ. Đến cuối ngày 11-1, ông Antonio Guterres nhận được lá phiếu ủng hộ quan trọng đầu tiên từ Thủ tướng Anh Boris Johnson. Đồng thời, Tổng Thư ký LHQ cũng đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của các nhóm khu vực tại LHQ và gửi thư tới Hội đồng Bảo an LHQ.

Và sự thay đổi từ 5 năm trước

Theo nhận định của giới chuyên gia, Nghị quyết năm 2015, được thông qua với sự đồng thuận, đã làm cho việc lựa chọn Tổng Thư ký trước đây vốn là bí mật trở nên công khai và minh bạch hơn. Nó cho phép các quốc gia thành viên của LHQ lần đầu tiên xem thông tin cơ bản về tất cả các ứng cử viên, bao gồm cả lý lịch của họ và gặp gỡ, chất vấn họ tại các phiên họp mở.

Hãng CNN bình luận: “Đại diện của 193 quốc gia thành viên LHQ được tham dự các cuộc chất vấn trong 3 ngày, mỗi cuộc kéo dài ít nhất 2 tiếng đồng hồ và được quyền đưa ra các câu hỏi với ứng viên. Nội dung các câu hỏi xoay quanh nhiều vấn đề, từ vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa hay ngoại giao. Điều này đã tạo ra bước ngoặt lớn vì nó ít nhiều tác động lên quyết định về nhân sự từ phía Hội đồng Bảo an LHQ. Cùng với đó là một sự minh bạch và cởi mở hơn trong quy trình chọn ra Tổng Thư ký mới của LHQ. Và cũng nhờ đó mà ông Antonio Guterres, người không là lựa chọn đầu tiên của Mỹ và Nga đã thắng cử”.

Tuy nhiên, vì đây lại là lần đầu tiên một Tổng Thư ký LHQ đương nhiệm tìm kiếm nhiệm kỳ thứ hai và vẫn chưa biết liệu sẽ có ứng cử viên nào khác hay không nên khó dự đoán những gì có thể diễn ra trong cuộc bầu chọn lần này.

Châu Anh
.
.